Hồn cây

Theo tín ngưỡng dân gian của Việt Nam, mỗi cái cây, mỗi hòn đá đều có linh hồn. Và ai xâm phạm đến các linh hồn ấy chắc chắn sẽ phải trả giá bằng cách này hay cách – niềm tin của người dân Việt xa xưa đã dạy cho chúng ta như thế.

Tháng ba, trời Sài Gòn đang nóng lên từng ngày dưới cái nắng gay gắt báo hiệu sự khởi đầu của một mùa khô ngột ngạt và oi bức. Buổi trưa đi trên đường, ai cũng cố tìm những đoạn đường có cây xanh mà đi, để được hưởng chút bóng râm và hít làn không khí mát rượi vào đầy lồng ngực. Tất nhiên, không phải con đường nào ở Sài Gòn cũng có cây xanh. Di chuyển trên những đoạn đường như vậy vào buổi trưa quả là một cực hình.

Nói về cây xanh, có lẽ ngay lúc này đây không ai không nghĩ đến Hà Nội. Thành phố với bề dày lịch sử trên ngàn năm này có lẽ là nơi có nhiều cây cổ thụ đẹp nhất nước. Ai đến Hà Nội mà không biết về những con đường bốn mùa rợp bóng cây, mỗi khu vực là một loại cây đặc trưng, những hàng xà cừ, lim đen, long não – những cây cao bóng cả vốn đã làm nên linh hồn của thủ đô và sẽ còn mãi mãi trong tâm tưởng mọi người qua những câu thơ, những bài hát mà ai cũng thuộc. Người Hà Nội hẳn là ai cũng yêu quý và hãnh diện về hồn phố của thủ đô. Vậy mà đùng một cái, người ta quyết định đốn hạ đến 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố.

Nói, là làm. Như một chiến dịch đang lúc cao điểm, mấy ngày qua, Hà Nội bắt đầu phải chứng kiến cảnh cây cối bị đốn hạ la liệt. Tiếng cưa máy râm ran, cảnh cưa cây, kéo cành, đào rễ nhộn nhịp, cây đổ ngổn ngang. Rồi những chiếc xe tải chở thân cây đã bị đốn hạ chạy ngược xuôi trên đường, chẳng khác gì cảnh tượng sau một trận đánh, với những tổn thất về tài sản và nhân mạng. Vâng, những cành cây bị chặt ngang để lộ thân đỏ au như máu. Những gốc cây đã bị chặt trơ trụi để lại một khoảng trống mênh mang trên bầu trời và lòng người. Mà không chỉ lòng người Hà Nội…

Hoang mang và đớn đau khi hằng ngày phải đọc những mẩu tin không ai muốn tin, nhìn những tấm hình không ai muốn thấy, tôi lẩn thẩn lên mạng tìm hình ảnh cây xanh ở thành phố tôi đang sống. Vâng, vẫn còn đó một vài con đường rợp bóng cây quanh khu trung tâm của Sài Gòn và Chợ Lớn cũ, những con đường Nguyễn Du, Lý Tự Trọng ở Quận 1, những An Dương Vương ở Quận 5. Nhưng nhìn chung thì Sài Gòn của tôi không có nhiều cây xanh, tôi biết. Cứ mỗi lần đi trên những đoạn đường không có cây xanh dưới bầu trời nắng chang chang và đầy bụi khói vào mùa khô như đường Lý Thường Kiệt, đoạn từ Quận 11 xuống đến Quận Tân Bình, hoặc đoạn đường Quang Trung, Nguyễn Kiệm ở khu vực Gò Vấp, tôi lại tiếc đến quặn lòng hàng cây cổ thụ mà người ta đã đốn hạ trước Nhà hát Thành phố để xây dựng trạm Metro. Và không chỉ có thế, mà có hẳn một kế hoạch chặt cây đã được duyệt từ trước, sẽ được thực hiện tuần tự theo thời gian.

Vẫn biết việc phát triển giao thông cho thành phố ngày càng đông dân này là cần thiết, nhưng phải chăng chặt phá cây xanh là cách làm duy nhất khi cần phát triển? Đã 40 năm rồi, mà tôi vẫn nhớ những con đường đầy cây xanh đẹp tuyệt vời mà tôi đã biết thời niên thiếu. Một trong những hình ảnh mà tôi nhớ mãi là đoạn đường Trần Quý Cáp (giờ là Võ Văn Tần), đoạn từ Lê Văn Duyệt (giờ là Cách Mạng Tháng Tám) đến Hồ Con Rùa, nơi vào mùa mưa, lá me non lên xanh mơn mởn, hai bên đường hai hàng me có tán lá giao nhau tuyệt đẹp mà bọn học trò Gia Long thời của tôi đã đạp xe qua lại không biết bao nhiêu lần.

Tôi vẫn nhớ thời ấy, tâm hồn chúng tôi vui sướng thảnh thơi, dù bên ngoài là chiến tranh khốc liệt nhưng bên trong từng ngôi trường vẫn là một khung cảnh bình yên để nuôi dưỡng cái đẹp của tâm hồn. Xa trường, chúng tôi vẫn mãi nhớ gốc phượng đỏ rực vào mùa hè, nhớ hàng cây nhạc ngựa trên đường Bà Huyện Thanh Quan ngay bên hông trường với những chùm hoa xanh xanh và những trái to nâu xù xì, khi già chín rụng những hạt có cánh màu nâu cánh gián bay bay trong gió…

Có phải vì tâm hồn trẻ thơ được nuôi dưỡng trong môi trường xanh tươi êm ả như vậy mà những ngôi trường truyền thống như Gia Long (giờ là Nguyễn Thị Minh Khai), Petrus Ký (giờ là Lê Hồng Phong) đã tạo ra không biết bao nhiêu tài năng cho đất nước trong suốt lịch sử tồn tại và phát triển của mình hay chăng?

Tôi lẩn thẩn nghĩ đến ngày hôm nay. Nghĩ đến một nữ sinh cấp hai bị lớp trưởng đánh đến đổ máu trước sự chứng kiến và thậm chí giúp sức của những bạn bè cùng lớp – vụ việc chỉ mới xảy ra cách đây ít lâu ở một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nghĩ đến mấy ngàn vụ đánh nhau đến phải nhập viện trong các lễ hội vào dịp Tết nguyên đán vừa qua. Nghĩ đến sự thản nhiên, thậm chí thích thú của người dân trong các lễ hội chém lợn, đập trâu ở các tỉnh phía Bắc. Nghĩ tới cụm từ “sa mạc hóa tâm linh” mà một bài viết nào đó đã nhắc đến khi bình luận về những biểu hiện sa sút về tâm hồn của con người Việt Nam qua những ứng xử công cộng trong dịp Tết vừa qua.

Có một bài thơ có tựa Trees của Joyce Kilmer, một nhà thơ người Mỹ sống cách đây gần 100 năm. Bài thơ khá đơn giản, dễ thuộc và rất nổi tiếng, thường được đưa vào sách giáo khoa cho trẻ em Mỹ học, nhưng cũng bị chê là hơi ngô nghê như vè vì nó quá đơn giản cả về ngôn từ lẫn nhịp điệu, thiếu vẻ đẹp cầu kỳ, trúc trắc của văn chương bác học. Bài thơ chủ yếu nhằm giáo dục về lòng yêu thiên nhiên cho trẻ em. Vâng, mục tiêu giáo dục của bài thơ lộ liễu quá nên thiếu tính văn chương, nhưng tôi lại rất yêu thích vì nó đúng với suy nghĩ của mình, và càng đúng cho bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Bài thơ ấy có hai câu chót như thế này:

Poems are made by fools like me/But only God can make a tree. (Gã khờ cũng biết làm thơ/Cây xanh lá thắm phải chờ Chúa thôi.)

Vâng, đối với những người phương Tây có lòng tin thì chỉ Thiên Chúa mới có thể tạo ra những loài cây. Tất nhiên, Thiên Chúa cũng tạo ra con người nữa. Một cách nào đó, cây cối với con người là anh em. Điều này cũng giống với tín ngưỡng dân gian của Việt Nam, nơi mỗi cái cây, mỗi hòn đá đều có linh hồn – “cây gạo có ma, cây đa có hồn” như trong câu nói dân gian. Ai xâm phạm đến các linh hồn ấy chắc chắn sẽ phải trả giá bằng cách này hay cách – niềm tin của người dân Việt xa xưa đã dạy cho chúng ta như thế.

Tôi bỗng chợt hỏi mình: Phải chăng sự tuột dốc về nhân cách và sa sút về đạo đức ngày càng ở mức báo động trên diện rộng ở Việt Nam chính là cái giá mà chúng ta đang phải trả cho sự tàn phá môi trường sống an lành đẹp đẽ mà chúng ta đã thừa hưởng từ cha ông?

Và cũng lờ mờ nhận ra giải pháp cho việc giáo dục nhân cách, cho việc bồi đắp các giá trị “nhân ái, nghĩa tình” của người Việt mà Hội đồng lý luận trung ương vừa nêu ra cách đây ít lâu, và cho phong trào “giáo dục môi trường” hiện nay đang được quan tâm trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam trước xu thế hội nhập quốc tế của đất nước. Những điều mà chúng ta đang cố gắng nhắm đến một cách rất khó khăn, hóa ra lại có thể bắt đầu một cách vô cùng đơn giản: Hãy bắt đầu bằng sự cẩn trọng và cân nhắc hết mức mỗi khi phải ra quyết định phá hủy môi trường dưới danh nghĩa phát triển. Và bằng thái độ và hành động yêu quý, trân trọng từng gốc cây, từng ngọn cỏ, từng bông hoa của mỗi người lớn chúng ta.

Tác giả

(Visited 38 times, 1 visits today)