Đưa tin về quấy rối tình dục: Thế nào mới khách quan?

Tháng trước, Ngô Hoàng Anh – một nhân vật được lựa chọn trong danh sách Under 30 tuổi của Forbes Việt Nam bị phát hiện đã từng quấy rối tình dục (QRTD) nhiều nữ sinh trường Phổ thông Năng khiếu qua tin nhắn. Trong khi nhiều tờ báo đăng tiếng nói từ các nạn nhân, một số tờ, với mục đích nhằm để giúp độc giả “có cái nhìn đa chiều” về sự việc, lại phỏng vấn Ngô Hoàng Anh. Có bài dành toàn bộ 2000 chữ để Ngô Hoàng Anh và luật sư của anh ta phản pháo lại các cáo buộc dành cho mình mà không hề có kiểm chứng nào từ phóng viên.

Đưa tin nước đôi trên danh nghĩa đa chiều

Đưa tin đa chiều là một trong những nguyên tắc quan trọng của nghiệp vụ báo chí, nhằm đảm bảo bạn đọc được tiếp cận với nhiều góc nhìn của một vấn đề. Trong tin tức liên quan đến tranh chấp, đưa tin đa chiều tạo điều kiện cho các bên cùng được đưa ra quan điểm và mang lại sự khách quan cho bài báo. Tuy vậy, đối với những cáo buộc QRTD, nếu chỉ đơn thuần đặt lời khai trái ngược của hai bên cạnh nhau sẽ trở thành đưa tin nước đôi, bỏ qua những bằng chứng cho thấy lời tuyên bố của một bên (thường là của thủ phạm) hoàn toàn vô căn cứ và cảm tính.

Bình thường, người phụ nữ đã phải chịu không chỉ những tổn thương tâm lý mà còn cả những áp lực từ dư luận khi lên tiếng về việc mình bị quấy rối tình dục. Nhiều nghiên cứu cho thấy nam giới thường được dư luận tin tưởng hơn. Khi đưa vụ việc ra pháp luật, định kiến giới này cũng gây khó dễ cho họ. Tại nhiều nước, theo hệ thống thông luật cũ của Anh (common law), quan niệm cho rằng lời khai của phụ nữ là không đáng tin dẫn đến luật chỉ cho phép tòa xét xử các vụ án liên quan đến cưỡng bức tình dục khi có bằng chứng bổ sung (corroborative evidence) kèm theo lời khai của nạn nhân. Điều này còn ngặt nghèo hơn cả xử lý các vụ trộm cướp! Ngày nay, kể cả khi điều luật này đã được bãi bỏ tại hầu hết các nước, suy nghĩ trên vẫn còn ăn sâu vào thực hành của hệ thống tư pháp tại những nước này.


Bạo lực giới là xuất phát từ cấu trúc bất bình đẳng về kinh tế, xã hội và chính trị giữa nam và nữ. Ảnh: The Economist.

Ở Việt Nam, nạn nhân của QRTD còn gặp nhiều khó khăn hơn. Pháp luật nước ta, kể cả đã có quy định phạt về QRTD nhưng vẫn còn không có một định nghĩa chung về QRTD (mà chỉ có quy định về QRTD tại nơi làm việc). Bởi vậy cánh cửa để những người bị quấy rối ngoài công sở đưa vụ việc ra tòa án là vô cùng hẹp. Họ chỉ có thể tìm kiếm công lý phi chính thức (informal justice), ví dụ như sự công nhận của cộng đồng mạng hoặc lời xin lỗi từ người đã quấy rối họ. Nhưng khi kể câu chuyện của mình, dư luận cũng thường quay lưng về phía nạn nhân mà bênh vực nam giới. Lời kể của họ bị nghi ngờ và coi nhẹ. Ví dụ, trong vụ QRTD liên quan đến Ngô Hoàng Anh, bất chấp việc có nhiều nạn nhân cùng đứng ra tố cáo, và các nạn nhân đều đưa ra nhiều bằng chứng chụp/quay lại màn hình nhắn tin cho thấy Ngô Hoàng Anh quấy rối họ, họ vẫn bị chất vấn “tại sao vẫn tiếp tục nhắn tin?”, “tại sao không block?” mà bỏ qua những áp lực khiến nạn nhân vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ với thủ phạm.

Trước bức màn định kiến dày dặn như vậy, đưa tin nước đôi càng khắc sâu thêm chênh lệch quyền lực giữa nam và nữ. Báo chí đã vô tình cung cấp cho người quấy rối một kênh thông tin đầy quyền lực để “thanh minh”, thậm chí có cơ hội biến mình từ thủ phạm thành nạn nhân của sự việc và đẩy những thảo luận xã hội ra xa khỏi cốt lõi của vấn đề.

Khi người quấy rối trở thành nạn nhân  

Vào năm 2018, sau khi vũ công Phạm Lịch tố cáo ca sĩ Anh Khoa, Báo Người Lao Động đăng bài bình luận “#Metoo có vẻ lệch hướng khi đến Việt Nam?”. Theo bài báo này, việc tố cáo QRTD “trở thành ‘cần câu’ sự nổi tiếng của những người biết “tận dụng” cơ hội”, và “không ít những trường hợp lợi dụng để vu khống hoặc cố tình bôi nhọ ai đó… để được nổi tiếng […]”. Đây cũng là logic mà Ngô Hoàng Anh dùng để “phản pháo” lại các nạn nhân của mình và tìm kiếm sự ủng hộ từ dư luận. Theo đó, Ngô Hoàng Anh cho rằng những tố cáo đó là “kế hoạch được lên kĩ càng từ trước”, chỉ nổi lên vào những lần mình “được truyền thông và mạng xã hội chú ý với những thành tích hay thành tựu nổi bật.” để “lăng mạ” mình. Tuyên bố vô căn cứ này được dẫn lại nguyên văn mà không thông qua xác minh. Trên thực tế, lời tố cáo của hàng chục nạn nhân dưới một nick chung ẩn danh đã gây chú ý trên mạng xã hội trong suốt hai năm vừa qua.

Câu chuyện này cũng khá giống với sự kiện ở Mỹ vào năm 2018 khi khi tờ The New York Review of Books đăng tải một bài luận dài gần 3500 chữ viết bởi Jian Gomeshi, cựu dẫn chương trình radio của Đài phát thanh và truyền hình Canada bị đuổi việc vì QRTD. Trong bài luận, Gomeshi biến mình thành nạn nhân của những cáo buộc QRTD dành cho anh: anh kể lại chi tiết cuộc đời mình và những lần định tự tử kể từ khi bị đuổi việc vào năm 2014. Việc tờ The New York Review of Books đăng nguyên văn bài luận của Gomeshi mà không đăng kèm theo bối cảnh sự việc hứng chịu nhiều chỉ trích từ dư luận. Tờ báo này sau đó phải đính chính bằng cách bổ sung thông tin về những cáo buộc dành cho Gomeshi, kèm theo lời hứa sẽ đăng tải tất cả những ý kiến phản đối lại bài luận này trong những số báo tiếp theo.

Bài phỏng vấn Ngô Hoàng Anh phát đi thông điệp rằng gia đình và người thân của anh, các thầy cô, học sinh và cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu, thậm chí các bác sĩ “đã và đang phải căng mình trong cuộc chiến chống COVID-19” mới chính là nạn nhân của QRTD. Niềm tin (vô căn cứ) rằng đàn ông, người thân của họ, và nguyên cả hệ thống hỗ trợ họ là nạn nhân của tố cáo sai biến họ thành mối quan tâm mới của dư luận. Điều này làm mờ đi thực tế rằng rất ít những lời tố cáo QRTD công khai trước công chúng là bịa đặt, phần lớn phụ nữ quyết định không tố cáo người quấy rối họ và im lặng chịu đựng vì nhiều lý do (định kiến xã hội, thiếu khung pháp lý nên không giải quyết được vấn đề). Điều này hướng sự quan tâm của dư luận ra khỏi vấn đề mang tính cấu trúc là bất bình đẳng giới dẫn đến QRTD và bạo lực giới; trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở địa vị thấp hơn hoặc phụ thuộc vào người quấy rối họ.

Đưa tin sự việc riêng lẻ và có tính chất khác thường 

Một xu hướng khác thường thấy khi đưa tin về QRTD và các hình thức bạo lực trên cơ sở giới khác là sự tập trung của truyền thông vào các vụ việc có tính chất cá biệt. Điều này góp phần làm lệch lạc nhận thức của công chúng về việc ai là người gây ra bạo lực, bạo lực thường xảy ra ở đâu, đối với ai, và vào lúc nào. Đây là hạn chế không chỉ của báo chí Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới.

Ví dụ, QRTD chỉ được truyền thông chú ý và đưa khi sự việc có liên quan đến người nổi tiếng. Trái với lầm tưởng của nhiều người rằng phong trào #Metoo khởi nguồn từ những tố cáo dành cho nhà sản xuất phim Harvey Weinstein vào năm 2017, phong trào này thực chất được khởi xướng bởi Tarana Burke, một người phụ nữ Da đen ở Mỹ từ 2006. Nhưng từ khóa #Metoo chỉ được chú ý khi ca sĩ diễn viên Alyssa Jayne Milano chia sẻ lại trên trang Twitter của cô. Tương tự, ở Việt Nam, một trong yếu tố ảnh hưởng lớn để báo chí quyết định đưa tin QRTD là vụ việc có liên quan đến người nổi tiếng (trường hợp Minh Béo, Anh Khoa, hoặc gần đây nhất là Ngô Hoàng Anh).


Đặng Quang Dũng, họa sĩ truyện tranh với biệt danh Mèo Mốc đã lên tiếng phản đối việc đưa Ngô Hoàng Anh vào danh sách Forbes Việt Nam Under 30 và đồng thời cũng tự rút tên mình khỏi danh sách này. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng QRTD dù gây ra bởi người dù nổi tiếng hay không đều để lại nhiều hậu quả nặng nề cho nạn nhân. Sự tập trung của báo chí vào một vài trường hợp người nổi tiếng mà không chỉ ra sự phổ biến của QRTD tạo lầm tưởng rằng QRTD là những sự việc mang tính chất cá biệt, hiếm xảy ra. Trên thực tế, theo một khảo sát thực hiện năm 2014 của tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam năm 2014, 87% nữ giới được khảo sát tại Hà Nội và TP.HCM xác nhận họ đã bị QTRD tại nơi công cộng.

Truyền thông cũng đặc biệt chú ý đến những vụ xâm hại tình dục gây ra bởi những người không quen biết. Sự tập trung một cách quá mức vào những vụ việc này tạo ra ảo tưởng rằng tấn công tình dục chỉ gây ra bởi người lạ (stranger danger myth). Trái với ảo tưởng này, nghiên cứu cho thấy phần lớn bạo lực giới và cưỡng bức xảy ra đến cho phụ nữ và cả trẻ em trong chính căn nhà họ, và được gây ra bởi người thân của họ. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trên toàn cầu, ước tính khoảng 30% phụ nữ từ 15 tuổi trở lên đã phải chịu bạo lực thể xác và/hoặc tình dục ít nhất một lần trong đời. Cũng theo thống kê này, khoảng 25% phụ nữ từ 15 tuổi trở lên hứng chịu bạo lực tình dục hoặc thể chất gây ra bởi chồng mình. Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy cứ ba phụ nữ thì có hai người bị bạo hành ít nhất một lần trong đời.

Chỉ tập trung đưa tin những sự việc riêng lẻ, có tính chất bất thường, cá biệt khiến dẫn đến nhầm tưởng rằng tội phạm QRTD chỉ là một số ít trong xã hội và phụ nữ chỉ bị quấy rối nếu đi ra đường một mình, nơi vắng vẻ vào ban đêm. Ở cấp độ xã hội, nhầm tưởng này khiến các biện pháp phòng ngừa QRTD đi chệch hướng (ví dụ như khuyên phụ nữ không được đi lại một mình, hoặc lắp camera tại đường phố, thay vì tập trung nguồn lực để cải thiện bất bình đẳng giới). Đối với nạn nhân, điều này làm tăng khả năng im lặng khi họ bị quấy rối, vì thủ phạm không trùng khớp với hình mẫu được mô tả thông qua báo chí cũng như hình dung của cộng đồng.

QRTD và tầm quan trọng của báo chí diễn giải (explanatory journalism)

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, báo chí đưa tin sai lệch có khả năng khắc sâu chênh lệch quyền lực và gây ra những ảo tưởng về QRTD, nhưng nếu đưa tin một cách thấu đáo, báo chí cũng có thể trở thành phương tiện tiên phong (primary intervention) trong việc phòng ngừa QRTD và bạo lực giới. Theo đó, báo chí không chỉ là phương tiện tường thuật lại vụ việc bằng cách phỏng vấn và đăng y nguyên lời các bên liên quan, mà còn là kênh cung cấp thông tin về bối cảnh rộng lớn hơn kèm những lý giải mang tính cấu trúc về việc tại sao bạo lực giới và QRTD diễn ra.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), trong tài liệu hướng dẫn đưa tin về bạo lực giới, nhấn mạnh vai trò của việc đưa tin kèm diễn giải (explanatory journalism). Bài báo “Một câu chuyện khó tin về hiếp dâm” kể lại hành trình tìm công bằng của một phụ nữ ở Mỹ khi bị buộc tội tố cáo sai về việc bị cưỡng hiếp là một ví dụ tiêu biểu của hình thức báo chí này. Bài báo này đã mang lại cho hai nhà báo Christian Miller và Ken Armstrong giải thưởng Pulitzer về báo chí diễn giải năm 2016. Trong bối cảnh ở Việt Nam còn thiếu vắng những tài liệu hướng dẫn cho phóng viên cách thức đưa tin về bạo lực giới và QRTD, đây là những tài liệu rất đáng để tham khảo.

Đưa tin kèm lý giải có thể thực hiện qua những bước cơ bản như (1) cung cấp số liệu thống kê để công chúng hiểu được sự phổ biến của QRTD và bạo lực giới; (2) cung cấp lý giải về QRTD và bạo lực giới là xuất phát từ bất bình đẳng một cách cấu trúc giữa nam và nữ về kinh tế, xã hội và chính trị. Chẳng hạn, trên thế giới và cả ở Việt Nam, đã có nhiều báo cáo cho thấy nam giới thường được trả lương cao hơn, dễ được cất nhắc lên vị trí quản lý hơn, có tiếng nói quyết định trong gia đình so với phụ nữ. Nói cách khác, phụ nữ có phần “thiệt thòi” hơn nam giới trong đại đa số các khía cạnh của đời sống nên họ dễ bị coi thường, bị lạm dụng. (3) tiếp cận QRTD và bạo lực dưới góc độ đây là hành vi nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền con người, đe dọa lâu dài đến sự an toàn của cả cộng đồng chứ không phải là một sai lầm cá biệt và chỉ tác động tạm thời đến một vài cá nhân đơn lẻ. Chỉ khi hiểu rõ được phạm vi, đối tượng bị ảnh hưởng bởi QRTD và nguyên nhân dẫn đến nó chúng ta mới có hy vọng phòng ngừa được hình thức bạo lực giới này.□

——

Tài liệu tham khảo

Easteal, P., & Judd, K. (2008). ‘She Said, He Said’: Credibility and sexual harassment cases in Australia . Women’s Studies International Forum, 31(5), 336–344. https://doi.org/10.1016/j.wsif.2008.08.009

Liu, M. X., & Benton, A. K. C. (2021). Beyond Belief: How the “Corroboration Rule” in Malawi Obstructs Justice for Victims of Sex Crimes and Discriminates Against Women and Girls on the Basis of Sex—A Call for Legislative Change. Columbia Journal of Gender and Law, 40(3), 408–452. https://doi.org/10.52214/cjgl.v40i3.8650

McCann, C., & Tomaskovic-Devey, D. T. (2018). Nearly all sexual harassment at work goes unreported – and those who do report often see zero benefit. The Conversation. http://theconversation.com/nearly-all-sexual-harassment-at-work-goes-unreported-and-those-who-do-report-often-see-zero-benefit-108378

Bộ Văn hoá, Thể thao, và du lịch – Vụ Gia đình.  (2019).Tình trạng quấy rối tình dục đối với lao động nữ tại nơi làm việc. http://giadinh.bvhttdl.gov.vn/tinh-trang-quay-roi-tinh-duc-doi-voi-lao-dong-nu-tai-noi-lam-viec/

ActionAid và Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (2014). Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái: Nơi giấc mơ thành sự thật.  https://vietnam.actionaid.org/sites/vietnam/files/publications/Policy%20Brief%20%28Vietnamese%29.pdf

UNESCO. (2019). Reporting on Violence against Women and Girls: A Handbook for Journalists (Đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái: Sổ tay dành cho phóng viên), https://unesdoc.unesco.org/in/documentViewer.xhtml?v=2.1.196&id=p::usmarcdef_0000371524&file=/in/rest/annotationSVC/DownloadWatermarkedAttachment/attach_import_b98e44ef-ecbb-47cb-ad61-69f8ae1a4824%3F_%3D371524eng.pdf&locale=en&multi=true&ark=/ark:/48223/pf0000371524/PDF/371524eng.pdf#p108

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)