Kế hoạch cất cánh cho chính mình

Dù ai đó đang ngồi trong một quán cà phê ven đường tại một thành phố lớn hay đang đi dạo ở một vùng nông thôn Việt Nam - nơi 70% dân số nước này sinh sống, thì ấn tượng xuyên suốt là sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm qua là 7,5%, tỷ lệ cao nhất trong các nước thành viên ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm hiện nay là 640 USD. Mức nghèo tuyệt đối đang giảm xuống trong khi sự bất bình đẳng về thu nhập đang tăng lên. Giá đất ở các trung tâm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thuộc vào hàng cao nhất Đông Á. Du lịch nước ngoài vượt xa du lịch trong nước, và cầu hàng hóa tiêu dùng thì khổng lồ với các chuyến du lịch mua sắm nước ngoài thường xuyên của bộ phận dân cư giàu Việt Nam. Phần đóng góp trong GDP của khu vực sản xuất và dịch vụ đã tăng hơn 70% và mức đóng góp của mỗi khu vực này đều cao hơn của khu vực nông nghiệp – ngành mà được kỳ vọng sẽ giảm xuống 20% vào năm 2020.


Việt Nam hiện nay đang chứng kiến một làn sóng đầu tư nước ngoài thứ hai, kể từ năm 1997. Tốc độ tăng trưởng FDI mới trong hai năm 2004 và 2005 so với năm trước đó lần lượt là 41% và 50%. Tổng số FDI (trên cơ sở cam kết đến hết năm 2006) hiện nay là gần 60 tỷ USD, trong đó khoảng 35 tỷ USD được thực hiện trong năm 2005.
Nhân tố chủ yếu cho thành công mà Việt Nam có được trong thu hút FDI chính là chi phí nhân công rẻ cũng như các thị trường nội địa luôn sẵn sàng cho sự thâm nhập của các nhà đầu tư nước ngoài. Sức mạnh của những lợi thế này rất rõ ràng khi chúng ta so sánh Việt Nam với các thành viên trong ASEAN, tuy nhiên, nó lại phần nào trở nên mờ nhạt hơn khi chúng ta so sánh Việt Nam với Trung Quốc. Hai quốc gia này, mặc dù không sản xuất tất cả các mặt hàng giống nhau, song cơ cấu chi phí sản xuất hàng hóa của hai nước lại tương tự nhau. Trong đó, Trung Quốc có lợi thế hơn do thị trường nước này lớn hơn rất nhiều và vì vậy các chi phí sản xuất của các nhà sản xuất Trung Quốc thấp hơn.
Đối với Việt Nam, để có thể thành công trong thời đại trỗi dậy của Trung Quốc, nó phải phân biệt được mình với Trung Quốc, cho dù một số điểm tương đồng trước đây đã nâng Việt Nam lên vị trí con rồng đang phát triển như hiện nay. Việt Nam sẽ phải tự vẽ kế hoạch cất cánh cho riêng mình. Câu hỏi đặt ra là: Liệu có làm được không?

Một kế hoạch cất cánh cho Việt Nam
Trước hết, quản lý ở Việt Nam – cả về chính trị và đoàn thể – cần phải linh hoạt và minh bạch hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Bởi hiển nhiên là, các nước lớn thường khó kiểm soát hơn các nước nhỏ. Vì vậy, Việt Nam – là một quốc gia tương đối nhỏ – không có lý do gì để không thực hiện tốt điều này. Đơn giản là: quản lý tốt sẽ thu hút đầu tư. Đặc biệt, chính phủ cần hết sức quan tâm việc đảm bảo giải ngân nhanh chóng các khoản đầu tư nước ngoài được cam kết, hiện đang ở mức gần như gấp đôi lượng vốn thực hiện. Thứ hai, Việt Nam cần đảm bảo rằng các lợi thế so sánh trong một nền kinh tế thị trường của mình nằm trong các lĩnh vực cụ thể chứ không nhắm tới các thị trường khổng lồ mà lợi thế so sánh của Trung Quốc hướng tới. Chế biến hàng nông sản là một ví dụ. Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sản xuất đã có sự khác biệt căn bản so với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, mặc dù hoạt động nông nghiệp đang sáng sủa – và có vẻ như thu lợi từ việc Việt Nam gia nhập WTO – nhưng nông nghiệp hiện đang suy giảm. Tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản chỉ còn 4% trong 5 năm qua so với mức tăng 7% trong lĩnh vực dịch vụ và 10% của công nghiệp và xây dựng. Có hai ngành sản xuất chủ đạo mà Việt Nam cần phát triển để vượt qua Trung Quốc. Trong ngành công nghiệp điện và điện tử, “made in China” vẫn tiếp tục là một vấn đề tâm lý của một số người tiêu dùng trên khắp thế giới, nhiều người trong số họ đã đánh đồng nó với chất lượng thấp. Việt Nam nên tận dụng cơ hội này bằng việc cố gắng sản xuất các sản phẩm chất lượng tốt, từ trung bình trở lên. Hãng điện tử Nhật Bản Canon có vẻ như tin tưởng nhất vào điều này khi hãng tăng gần gấp đôi lượng đầu tư của mình vào Việt Nam trong những năm gần đây. Tháng 11/2006, Intel công bố kế hoạch tăng đầu tư của hãng vào Việt Nam từ 300 triệu USD cam kết trong tháng 2/2006 lên tới 1 tỷ USD. Nhà sản xuất chíp điện tử này sẽ xây dựng một nhà máy gần Thành phố Hồ Chí Minh và dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2009. Trong khi rất ít người tin rằng Việt Nam có thể tạo nên một bước nhảy nhanh trong chuỗi giá trị dựa trên nội lực của mình, thì có vẻ như nhiều tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng chìa tay giúp đỡ Việt Nam, đặc biệt nếu điều đó giúp họ đa dạng hóa rủi ro từ Trung Quốc. Ngay sau động thái của Intel, Bill Gate cũng đã quyết định đến Việt Nam để tận mắt chứng kiến những cơ hội mà quốc gia này đang nắm giữ, và lần này là trong ngành công nghiệp phần mềm. Đây là ngành có giá trị gia tăng cao thứ hai, trong đó Việt Nam có lợi thế so sánh. Việc sử dụng bảng chữ cái Latinh trong tiếng Việt đã tạo ra lợi thế cao hơn so với chữ tượng hình của tiếng Trung Quốc trong việc đáp ứng các yêu cầu của ngành phần mềm. Các công ty Việt Nam đang tiến hành sử dụng nguồn lực bên ngoài (out-sourcing) và ký hợp đồng phụ với rất nhiều các công ty phần mềm nước ngoài. Trong khi chưa phải là một người khổng lồ khu vực thì xu hướng người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, tiếp cận nhanh chóng công nghệ mới và hiện đại sẽ định hướng thị trường công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) ở Việt Nam, và qua thời gian, sẽ tăng nhanh khả năng cung ứng sản phẩm ra thị trường toàn cầu của các công ty Việt Nam. Trong cuộc đua với Trung Quốc, một điểm cần lưu ý là Việt Nam có thể đang không cạnh tranh trực tiếp với các tỉnh đại lục Trung Quốc mà lại cạnh tranh với các tỉnh ven biển Trung Quốc, những tỉnh hiện đang thu hút một lượng vốn FDI và đầu tư trong nước khổng lồ cho các ngành xuất khẩu. Không nhất thiết phải giành lại mạng lưới sản xuất ở miền Nam và vùng duyên hải Trung Quốc về Việt Nam, tuy nhiên, có lẽ các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam cần xem xét làm thế nào để có thể thiết lập các mạng lưới như vậy xuyên suốt các tỉnh của nước mình. Để làm được việc này, đẩy mạnh giáo dục và đào tạo đồng thời tham vấn ý kiến của các nhà đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường là nhân tố thiết yếu cho sự thành công. Một điều vẫn thường được nhắc đi nhắc lại rằng tỷ lệ biết chữ của Việt Nam là trên 90%, tuy nhiên chất lượng giáo dục của Việt Nam – thậm chí là giáo dục cơ sở – còn rất nhiều vấn đề cần theo đuổi.
Việt Nam cũng cần nhanh chóng tái cơ cấu và tái tổ chức khu vực quốc doanh trong nền kinh tế. Ở hầu hết các nước, khu vực tư nhân thường phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn trước các nhu cầu thị trường so với các doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam có thuận lợi hơn Trung Quốc khi có thể đạt được điều này sớm hơn. Tuy nhiên, một lần nữa, tôi không mấy lạc quan về điều này bởi lẽ người Trung Quốc đã cho thấy họ đang ngày càng sẵn sàng thay đổi nhanh chóng, trong khi đó Việt Nam sau nhiều năm tuyên bố cải cách các doanh nghiệp nhà nước của mình, có rất ít bằng chứng về sự cải cách này.
Tuy nhiên, có lẽ nhân tố quan trọng nhất trong kế hoạch cất cánh của Việt Nam là nhu cầu đánh lửa lại lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của công dân và viên chức đối với việc chấn hưng đất nước, trong cuộc chiến chống chủ nghĩa quan liêu và tham nhũng là cái vốn có từ hàng thập kỷ nay chứ không phải là cái mới sinh ra sau “đổi mới” năm 1986.

Một dự đoán lạc quan
Tuy nhiên, các dự đoán về Việt Nam dường như thiên về chiều hướng tốt hơn. GDP sẽ tăng khoảng 8% hàng năm, và sẽ tăng gấp đôi mức hiện tại trong 10 năm tới bởi tiềm năng phát triển của Việt Nam là rất đáng kể. Như đã đề cập ở trên, thế hệ trẻ Việt Nam tiếp cận máy tính rất nhanh và có nhiều tiềm năng để vượt trội trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là trong lĩnh vực phần mềm. Chính phủ đã có một tầm nhìn đối với việc cố gắng đưa đất nước vào danh sách 15 quốc gia sản xuất phần mềm đứng đầu thế giới vào năm 2015. Có lẽ, tầm nhìn này không nhất thiết chỉ bó hẹp trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao khác mà Việt Nam có thể khởi động, phát triển và gặt hái được các kết quả đáng khích lệ bao gồm: các dịch vụ chất lượng cao trong du lịch, phát triển thành một trung tâm tài chính và vượt trội hơn hẳn như một trung tâm xuất khẩu và dịch vụ cho Tây Nam Trung Quốc và bán đảo Đông Dương, đặt ra thách thức to lớn cho Thái Lan và Singapore. Thêm vào đó, Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á hiểu Đông Âu hơn các nước khác, do mối quan hệ lịch sử với các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong khu vực. Điều này có thể cho phép Việt Nam thắt chặt mối quan hệ đối tác với các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore – những nước mà hiện rất muốn có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với các nước Đông Âu.
Tất nhiên, không loại trừ khả năng Việt Nam có thể bị bao quanh bởi tâm lý tự thỏa mãn về những thành tựu hiện có và trở thành một người chơi khó có thể chấp nhận trong một thế giới toàn cầu hóa. Thái độ tự thỏa mãn này đã xuất hiện một lần trước đây, vào giữa những năm 1990, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, cuộc khủng hoảng mà đưa người Việt Nam đến chỗ phải xem xét lại về nguồn vốn FDI và chính sách kinh tế vĩ mô của mình. Một lần tự mãn thứ hai có thể xuất hiện? Điều đó có thể xảy ra nếu làn sóng đầu tư hiện tại dâng cao và Việt Nam thành công quá sức tưởng tượng của chính mình trong vòng 3-4 năm tới. Trong bối cảnh đó, “Thế giới cần Việt Nam” sẽ là khẩu hiệu của tính tự cao tự đại này.
Chắc hẳn, sự tự mãn nào đó cũng sẽ quay trở lại, tuy nhiên có vẻ như là các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã rút ra được một số bài học và ngày càng nhận thức được rằng nước mình không thể dậm chân tại chỗ mà phải tăng cường thích ứng và thay đổi sẽ được nâng lên.
——————
* Chuyên gia nghiên cứu chính trị và chiến lược khu vực, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore

David Koh*

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)