Khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI
Sáng nay 12-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội với sự tham dự của 1.377 đại biểu.
Cũng theo chương trình đã công bố, Đại hội XI sẽ bế mạc ngày 19-1. Tại phiên bế mạc, các đại biểu sẽ nghe báo cáo kết quả biểu quyết một số vấn đề trong các văn kiện đại hội, kết quả bầu Bộ Chính trị, tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Đại hội cũng sẽ thông qua toàn văn điều lệ Đảng, nghị quyết đại hội và tổng bí thư khóa mới phát biểu bế mạc đại hội.
Phiên khai mạc và bế mạc được tường thuật trực tiếp trên VTV và VOV.
Sáng 11-1, sau khi vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu dự Đại hội XI đã họp phiên trù bị để bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua quy chế làm việc, quy chế bầu cử tại đại hội.
……………………………
TIẾNG NÓI CỦA ĐẠI BIỂU
* Ông LÊ HOÀNG QUÂN (ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch UBND TP.HCM):
Góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách
TP.HCM mong Đại hội XI thảo luận, đưa ra những quyết sách quan trọng đưa đất nước tiến lên trong thời kỳ mới, đồng thời lựa chọn những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, trí tuệ bầu vào Ban chấp hành Trung ương khóa mới.
Tại đại hội, đoàn đại biểu TP.HCM sẽ trình bày bài tham luận tập trung vào vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế vì đây là nhiệm vụ trung tâm song song với nhiệm vụ xây dựng Đảng. TP.HCM với vị trí là trung tâm kinh tế của cả nước sẽ đóng góp những thực tiễn của mình trong quá trình phát triển cho đại hội để góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về kinh tế trong thời kỳ mới.
Một đóng góp ý nghĩa và hết sức cụ thể cho đại hội là TP.HCM khẳng định quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 12%/năm, sẽ góp phần cho mục tiêu chung của cả nước là GDP tăng trưởng 7-7,5%/năm.
* Ông PHẠM XUÂN ĐƯƠNG (bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên):
Bầu người đủ đức, đủ tài vào Trung ương
Đại hội lần này sẽ quyết định nhiều vấn đề về vận mệnh đất nước trong thời kỳ mới. Tôi quan tâm hai vấn đề: Thứ nhất là các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại đại hội, chẳng hạn vấn đề tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững để 10 năm tới nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thứ hai là việc bầu Ban chấp hành Trung ương khóa mới phải chọn được những người đủ đức, đủ tài để tham gia vào bộ máy lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Hiện nay điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, chúng ta nên tập trung đầu tư vào những địa bàn, lĩnh vực có thế mạnh để phát triển kinh tế, từ đó mới có nguồn lực tiếp tục hỗ trợ những vùng khó khăn. Còn với những địa bàn khó khăn nên có chương trình mục tiêu riêng, dùng ngân sách quốc gia, ngân sách địa phương cũng như đóng góp của xã hội để cải thiện đời sống của người dân.
Bên cạnh những vấn đề dài hạn, trước mắt chúng ta cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đặc biệt phải nâng cao công tác dự báo tình hình sao cho sát với thực tế.
* Chị VƯƠNG THỊ MỴ (đại biểu trẻ nhất đại hội):
Những quyết sách phù hợp thực tế
Lần đầu tiên đến thủ đô Hà Nội để dự Đại hội lần thứ XI của Đảng, Vương Thị Mỵ (sinh năm 1982, công tác tại UBND xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là đại biểu trẻ nhất và duy nhất dưới 30 tuổi tại đại hội.
Mỵ nói: “Tôi được kết nạp Đảng năm 2007. Quê hương chúng tôi là “thủ đô kháng chiến”, nơi đã diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng. Dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, đời sống của người dân Tuyên Quang, trong đó có người Mông chúng tôi, đã khá hơn nhiều so với trước đây. Tham dự đại hội lần này, tôi sẽ cùng với các đại biểu khác hết lòng, hết sức đóng góp cho công việc chung của Đảng và của đất nước. Cá nhân tôi kỳ vọng đại hội sẽ đề ra được những quyết sách phù hợp với thực tế đời sống người dân, giúp cho mỗi cá nhân có cơ hội phát triển tốt hơn”.
* Bà VÕ THỊ DUNG (phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM):
Cụ thể hóa chủ trương giám sát, phản biện
Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng là vấn đề lớn nhưng quan trọng là đổi mới như thế nào để Đảng phát huy được dân chủ trong Đảng, trong xã hội. Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo nhưng cần phân định rõ vai trò của từng vị trí trong hệ thống chính trị. Ví dụ như vai trò, vị trí của Mặt trận cần được xác định rõ ràng bằng thể chế, pháp luật để từ đó Mặt trận và đoàn thể mới đại diện cho lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, là nơi tập hợp, phát huy trí tuệ của nhân dân đóng góp vào xây dựng chủ trương, đường lối.
Đại hội lần X đã đặt ra vấn đề giám sát và phản biện xã hội. Chúng tôi mong muốn Đại hội XI cụ thể hơn chủ trương này. Không chỉ dừng lại ở nghị quyết mà cần thể chế hóa bằng pháp luật, đồng thời có cơ chế phát huy đóng góp của các tầng lớp nhân dân, trước hết là những đóng góp vào xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng.
Hiện nay, vai trò giám sát của Mặt trận chỉ là giám sát nhân dân, hay nói cách khác là chỉ phản ảnh, kiến nghị, còn việc tiếp thu, giải quyết như thế nào chưa có cơ chế phản hồi. Do đó, cần có ràng buộc các cơ quan chức năng phải phản hồi các phản ảnh, kiến nghị của Mặt trận.
……………………………
Ý KIẾN GỬI ĐẠI HỘI
* Ông ĐỒNG SĨ NGUYÊN (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng):
Làm giàu cho dân nghèo
Đại hội XI sẽ tiếp tục con đường đổi mới. Tôi mong rằng việc thảo luận và thông qua các văn kiện tại đại hội sẽ nhấn mạnh, làm nổi bật nội dung “dân giàu”. Lâu nay chúng ta thường nói “dân giàu, nước mạnh”, nhưng lần này phải tạo đột phá về cải thiện đời sống người dân. Nói một cách cụ thể, tôi mong đại hội tập trung trí tuệ để đề ra được một chương trình tầm cỡ quốc gia “làm giàu cho dân nghèo”, nhất là nông dân, công nhân và trí thức ở thành thị cũng như nông thôn.
Đây phải là một chương trình có tầm nhìn dài hạn cỡ 20-30 năm, nghĩa là chúng ta mở một cuộc trường chinh mới, không những xóa đói nghèo mà còn tiến lên từng bước làm giàu cho người dân ở nhiều mức khác nhau, sao cho khi kết thúc chương trình thì người dân có mức sống trung lưu trở lên.
* PGS ĐÀO CÔNG TIẾN (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):
Nhìn thẳng vào thực tiễn để có lựa chọn đúng
Tôi quan tâm đến việc các ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện được xử lý thế nào. Các đại biểu hãy xem xét có trách nhiệm những góp ý vào các văn kiện và hiểu được tấm lòng của những người góp ý kiến. Với những vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau cần tổ chức nghiên cứu và giao trách nhiệm cụ thể cho ban chấp hành khóa mới, thậm chí trong nghị quyết cần ghi rõ trách nhiệm này.
Thành tựu đạt được của 25 năm đổi mới cũng như 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001-2010 là to lớn và rất quan trọng trong việc hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tôi cho rằng đánh giá này đúng, nhưng cần nhận rõ đó là thành quả của sự phát triển chủ yếu trên diện rộng và về số lượng. Cái giá phải trả cho phương thức phát triển này cùng với những giới hạn của nó cũng đã bộc lộ rõ cả trên khía cạnh lý thuyết và thực tiễn.
Về vấn đề nhân sự, tôi mong muốn có bước chuyển mạnh về trẻ hóa lực lượng, mạnh dạn đưa lớp trẻ lên dù thâm niên trong cấp ủy chưa nhiều.
* Ông SEAN DOYLE (Đại sứ EU tại Việt Nam):
Hai mong đợi
Có hai điểm chúng tôi mong đợi ở Đại hội Đảng lần này. Thứ nhất là hi vọng đại hội sẽ góp phần thúc đẩy tính hiệu suất và ổn định của khu vực doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tăng cường tính minh bạch, vì tham nhũng cũng bắt nguồn từ thiếu minh bạch. Thứ hai là đẩy mạnh vai trò của Quốc hội. Trong thời gian qua, Quốc hội VN đã hoạt động rất mạnh mẽ và đây là dấu hiệu của sự tăng cường dân chủ vì Chính phủ và chính quyền lắng nghe những người đại diện cho người dân.
* TRỊNH ĐỨC NGUYÊN (công nhân Công ty Pou Yuen, Q.Bình Tân, TP.HCM):
Mong cải thiện đời sống công nhân
Tôi mong có thêm nhiều chính sách giúp cải thiện đời sống công nhân. Vừa rồi Nhà nước đã tăng lương tối thiểu, đây là tín hiệu vui cho mọi công nhân. Chính sách tăng lương đương nhiên rất được mọi người mong mỏi nhưng cũng cần có biện pháp kiểm soát giá cả để việc tăng lương đem lại hiệu quả nâng cao đời sống cho người lao động.
Nhiều công ty cũng đưa ra các biện pháp hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân nhưng những nơi làm tốt chưa nhiều, Nhà nước cần có chính sách kịp thời, cụ thể để nhân rộng việc này cho công nhân hưởng lợi. Ví dụ như việc xây nhà trẻ cho con công nhân, nếu Nhà nước đề ra chính sách cụ thể để thúc đẩy việc này diễn ra hiệu quả thì công nhân sẽ yên tâm làm việc.
* HUỲNH NHÃ YẾN (SV ĐH Kinh tế – luật, ĐHQG TP.HCM):
Tránh “hắt hủi” nhân tài
Là một sinh viên, tôi mong muốn Đại hội Đảng lần thứ XI sẽ có chiến lược phát triển nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, cổ vũ những phương pháp dạy hiện đại phát huy tính chủ động, theo hướng sinh viên tự đào sâu, nghiên cứu kiến thức. Tạo nhiều sân chơi nghiên cứu khoa học, sáng tạo và trí tuệ mang tầm vóc quốc tế… Ngoài ra muốn nâng cao chất lượng đào tạo, cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy và học tập trong các trường ĐH-CĐ. Đặc biệt là thư viện, phòng nghiên cứu, phòng khoa học thí nghiệm, phòng vi tính…
Tôi cũng mong Đại hội Đảng lần này sẽ có những chủ trương, chính sách về giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường. Tránh tình trạng “hắt hủi” nhân tài ở một số tỉnh.
Triển lãm về các kỳ đại hội Đảng |