Khát ở biển
1. Trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, nhờ có báo chí, người ta được biết một phần (tôi vẫn tin đó chỉ là một phần) về những cái được gọi là những chuyến "xe tù", nơi mà gần 80 con người có thể bị nhồi nhét trong một chiếc xe 24 chỗ và được đối xử giống như một bầy súc vật (quả thực, tôi nghĩ, cần phải dùng từ này, dù biết rằng có thể là nhẫn tâm).
Phóng sự, hình ảnh, những phân tích và ý kiến hình như đã đủ để chúng ta hình dung về một vấn nạn. Những câu hỏi “tại ai?” được đặt ra. Tại những người hành khách khốn khổ và cam chịu, tại những tài xế và chủ xe, tại những cảnh sát giao thông. Tất cả đều đúng. Nhưng còn một câu hỏi mà hình như còn chưa được đặt ra một cách rốt ráo. Câu hỏi về nhân tính. Có lẽ đến một lúc, cần phải thẳng thắn đặt ra và thẳng thắn trả lời một câu hỏi, chỉ một câu hỏi. Rằng: còn hay không cái gọi là nhân tính ở những người tài xế, phụ xe, những nguời chủ xe và cả những người cảnh sát giao thông nhắm mắt làm ngơ cho những chuyến “xe tù” đó ? Tôi nghĩ, dù đau lòng nhưng cũng cần phải một lần đặt ra và trả lời câu hỏi về nhân tính nơi một phần những con người vừa là đồng loại vừa là đồng bào của chính chúng ta.
Chính tôi cũng đã từng trải qua những chuyến “xe tù” ấy. Nhưng, điều làm tôi ám ảnh lại không phải là một anh cảnh sát giao thông “làm luật” hay một tay phụ xe thoăn thoắt kẹp những tờ tiền vào giữa những tập giấy tờ xe. Cái làm tôi ám ảnh lại là những cái “bàn thờ”, nếu có thể gọi như thế, trong những chiếc xe khách. Hình như tất cả những tài xế và những “người nhà xe” đều là những người “có tín ngưỡng”. Một bát hương, một bức tượng phật những vật dụng nho nhỏ là bằng chứng cho “đức tin” của họ. Có vẻ như tất cả họ đều là những kẻ “sùng tín”. Và nếu vậy thì cái móc xích nào nối giữa một con người tín ngưỡng và một con người đối xử với đồng loại và đồng bào như những con vật? Và thực ra thì cái gọi là “tín ngưỡng” ấy mang lại cho họ được điều gì? Một cứu rỗi, một an ủi hay một bảo lãnh?
Lễ khánh thành chùa Đồng |
2. Ở Hà Nội, có một huyện ngoại thành là nơi có những thiền viện đẹp nhất, được đầu tư một số lượng tiền của khổng lồ với mơ ước sẽ trở thành một trung tâm đào tạo Phật giáo lớn của Việt Nam. Nhưng đó cũng là nơi có tỉ lệ trẻ em bỏ học nhiều nhất của thành phố. Những đứa trẻ phải bỏ học thường là từ cấp một đơn giản chỉ vì một lí do: nghèo. Nếu tôi không nhầm thì ở đâu đó, trong một khu rừng ở Miến Điện, Thái Lan hay Sri Lanka… có một thiền viện mà những vị tăng ni từ khắp thế giới đến đó, sống cuộc đời giản dị đến cực độ về vật chất để tìm kiếm lẽ đốn ngộ. Giữa khu rừng thiền ấy và thiền viện nguy nga, đâu là nơi chốn mà người ta có thể tìm thấy kinh nghiệm về cái thiêng liêng?
Trên một ngọn núi được coi là một trong những ngọn núi thiêng nhất của Việt Nam, một công trình thuộc hàng độc nhất vô nhị được dựng lên. Người ta hoan hỷ khoe khoang số tiền (khổng lồ) được đắp vào công trình số một này. Hình như có cả một chiến dịch truyền thông được tổ chức theo kiểu PR hiện đại. Rồi hành lễ, rồi ghi hình. Rồi những “kỷ lục Việt Nam”. Nhưng cũng chính ngọn núi ấy, những khu rừng cổ thụ nơi những bậc thiền sư số một Việt Nam từng tu tập và hành thiền những cái cây cổ xưa đang chết dần. Mà nếu tôi không nhầm, thì Đức Phật tổ xưa kia cũng chỉ cần một cội bồ đề để đốn ngộ ra chân lí. Và cũng trên ngọn núi ấy, mấy trăm năm trước, một trong những vị minh quân vĩ đại nhất của lịch sử Việt Nam đã từ bỏ mọi xa hoa để tìm kiếm một kinh nghiệm về cái thiêng liêng. Cũng chính ngài đã dời bước trở về triều môn, “hòa quang đồng trần” mà một trong những lí do cũng chỉ là sợ cái xa hoa làm vẩn đục Vùng đất thiêng liêng. Cái công trình của những kỷ lục sẽ bất tử? Không biết. Nhưng chỉ biết không xa vùng đất ấy có những mỏ than “thổ phỉ” mà những người thợ phải lao động trong những điều kiện tồi tệ. Bao nhiêu người trong số họ biết đến ngôi chùa độc nhất vô nhị nọ. Mà thực ra thì nó sẽ làm được gì cho cuộc đời họ. Trước cái công trình độc nhất vô nhị ấy, tôi không khỏi không nhớ tới Luận Phật cốt biểu của Hàn Dũ *.
3. Đôi lúc, tôi có cảm tưởng xã hội chúng ta giống như một người khát giữa biển. Anh ta cần nước dù xung quanh anh ta toàn là nước. Chúng ta không thiếu những công trình tôn giáo nguy nga. Chúng ta cũng không thiếu sự cởi mở (kể cả và nhất là từ phía chính quyền) cho những hoạt động hành lễ và thực hành tôn giáo. Hình như chúng ta cũng không thiếu sự sùng tín. Chỉ cần đến những địa điểm tôn giáo trong những ngày lễ lạt là đủ thấy điều đó. Thế nhưng thực ra thì trong cuộc sống hiện tại của chính chúng ta, tôn giáo và những tín ngưỡng có thể đem đến cho con người điều gì? Một kinh nghiệm và một khát vọng về cái thiêng liêng? Nếu vậy thì liệu có cần không những công trình với hàng núi tiền của và có thể tìm được cái thiêng liêng trong những thiền viện xa hoa ở giữa nơi cuộc sống của người dân còn khó khăn? Hay là một sự an ủi. Hay một nơi chốn để cầu xin và càng cầu xin, con người sẽ càng trở nên yếu hèn. Hay một sự “bảo lãnh” vô hình (hình như không phải theo lôgích “Chúa chết rồi, muốn làm gì thì làm” của Đốt mà là theo cái lôgích “Chúa đã tha thứ rồi, muốn làm gì thì làm”).
Nhưng thực ra thì kinh nghiệm tôn giáo vẫn là một kinh nghiệm mà thiếu nó đời sống của chính chúng ta sẽ trở thành què quặt. Có những con người nói cho chúng ta điều đó. Mẹ Teresa**, Cha Pierre***, thầy Nhất Hạnh, hay một vị tăng ni bình thường không chức sắc mở cửa một ngôi chùa ở Hà Nội cho những người bị AIDS. Những con người ấy nhắc nhở chúng ta về cái mà tôn giáo có thể đem đến được cho đời sống con người.
—————–
* Hàn Dũ (768-823) tự là Thoái Chi, là một nhà Nho nổi tiếng có tài văn chương về đời Đường. Ông được người sau xếp vào “Đường Tống bát đại gia” (Tám tác gia lớn thời Đường Tống). Sinh thời, khi vua Đường tôn sùng đạo Phật làm lễ rước Phật cốt vào hoàng cung ông có làm bài biểu can ngăn.
**Mẹ Teresa (1910-1997), một nữ tu sĩ nổi tiếng với các hoạt động vì người nghèo khổ ở Ấn Độ. Đã được giải Nobel Hòa bình và được Giáo hội phong thánh.
*** Cha Pierre (1912-2007) tu sĩ người Pháp, người sáng lập Hiệp hội Emmaus, suốt cuộc đời phấn đấu cho quyền được có chỗ ở của những người vô gia cư. Tham khảo thêm tại: http://www.emmaus-international.org/fr/index.php?option=com_content&task=view&id=1.