Khoa học là văn hóa. Văn hóa làm khoa học

LTS: Cùng với việc tăng kinh phí KHCN lên 2% ngân sách nhà nước, nhiều năm qua, Chính phủ đã nhiều lần đổi mới chính sách và cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, nhưng cho đến nay như thừa nhận của người đứng đầu Chính phủ tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI: "...nhìn chung công cuộc đổi mới chưa thành công trong giáo dục và KHCN. Hai lĩnh vực này còn nhiều yếu kém... tách rời nhau, ít gắn kết với sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội...".

Gần đây, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 115, Nghị định về thị trường KH&CN và sẽ ban hành một số nghị định về doanh nghiệp khoa học; về chính sách sử dụng và trọng dụng nhân tài khoa học… đồng thời đang xây dựng lại một số qui chế: tuyển chọn các đề tài nghiên cứu; quản lý các đề tài KHCN trọng điểm cấp Nhà nước… Liệu Nghị định 115- được không ít người cho rằng đó là cơ chế khoán 10 trong khoa học và các nghị định và qui chế mới đó có thể góp phần quan trọng cùng với các nhà khoa học tạo nên bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học, như tâm huyết và kỳ vọng của các nhà quản lý, hay cần những yếu tố, điều kiện gì khác để khoa học thực sự trở thành động lực của phát triển? Tia Sáng mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến và đề xuất cụ thể của bạn đọc về vấn đề này.

Nghiên cứu khoa học chỉ mới bắt đầu gần đây ở nước ta. Ấn Độ và Trung Quốc, hai nền văn minh lớn có ảnh hưởng đến Việt Nam, đã du nhập khoa học từ phương Tây sớm hơn, nhưng vẫn là những nước đi sau. Con đường du nhập của Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam có khác nhau, in đậm dấu ấn của những đặc điểm lịch sử, xã hội và bản sắc văn hóa của từng nước.

Ấn Độ, ngay dưới chế độ thuộc địa giới tinh hoa với năng lực tư duy trừu tượng và triết lý thâm sâu đã tiếp thu đầy đủ ngọn nguồn văn hóa của khoa học từ phương Tây, nhập cuộc với thế giới nhanh chóng và đúng bài bản. Từ những năm đầu thế kỷ 20, khi cả hệ thống thuộc địa còn chìm ngập trong tăm tối, một số trường đại học Ấn Độ đã giành được vị trí nổi bật trên mặt tiền khoa học thế giới. Raman quan sát tán xạ ánh sáng lên phân tử tại một phòng thí nghiệm của trường Đại học Calcotta năm 1928, đoạt giải Nobel năm 1930. Sau khi tốt nghiệp Đại học Calcotta ra thụ giáo ở Dhaka, Bose đã sánh vai cùng Einstein trong hiệu ứng ngưng tụ các hạt vi mô có spin là số nguyên, những hạt được giới vật lý gọi là boson để tôn vinh ông. Cũng thời gian này, từ đại học Madras chàng thanh niên 18 tuổi Chandrasekhar đã lên đường sang Cambridge với những ý tưởng nung nấu về các sao lạnh (sau khi đã cháy hết nhiên liệu), đã góp phần khám phá ra lỗ đen và Big Bang, được trao giải Nobel năm 1983.

Từ khi giành độc lập năm 1949, Thủ tướng Nerhu đã chọn mặt gửi vàng, trao sứ mạng xây dựng khoa học cho Homi Bhabha, một nhà khoa học từng có tên tuổi ở Anh, đồng thời cũng là nhà ái quốc và văn hóa lớn của Ấn Độ. Hai Viện nghiên cứu cơ bản Tata và Trung tâm Năng lượng Nguyên tử do Bhabha dựng lên ở Mumbai là sự tương phản kỳ lạ giữa hoạt động học thuật cao siêu với tình trạng nghèo khó lam lũ của đám dân nghèo sống nheo nhóc trong lều bạt dựng ngay trên đường phố. Đem mô hình phương Tây đặt lên một đất nước có mức sống ngót một trăm lần thấp hơn, các viện khoa học hàng đầu của Ấn Độ không hề nhân nhượng trước áp lực hạ thấp thang giá trị và chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Nhờ đó Ấn Độ đã nhanh chóng hình thành đội ngũ chuyên gia tầm cỡ thế giới và tạo ra những bước đột phá lớn như xóa bỏ nạn đói kinh niên, cho nổ thành công cơ cấu nguyên tử năm 1975 và phóng vệ tinh lên không trung.


Nhưng phải đến thời đại cách mạng thông tin gần đây, thế mạnh của tư duy trừu tưọng và tính văn hóa thấm đậm trong hoạt động khoa học mới thực sự tỏa sáng, nhanh chóng đưa Ấn Độ lên thành cường quốc hàng đầu trong công nghệ phần mềm, xuất khẩu hàng năm đến hàng chục tỷ USD. Giải thích thành công có một không hai này, Kanwai Rehki, chủ tịch hiệp hội kinh doanh Ấn Độ giáo cho rằng: “Người Ấn Độ giàu tính triết lý. Đầu óc bay bổng dễ tạo ra năng lực toán học… Quen tư duy triết học và toán học là điều kiện cần thiết của những người viết phần mềm. Sanskrit là văn hệ có cấu trúc chặt chẽ và chính xác, cái mà ngôn ngữ máy tính đòi hỏi…”. 

Trung Quốc: Cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa có Nobel khoa học. Có thể là do thiên bẩm thực dụng của người Hoa, một đối cực với tư duy trừu tượng và triết lý nổi trội của người Ấn. Thuốc nhuộm, giấy viết, nghề in và la bàn đã được phát minh ra rất sớm ở Trung Quốc, nhưng khoa học thực thụ vẫn không đến với họ cho đến khi đụng độ với các cường quốc phương Tây hồi thế kỷ 19 họ mới ngộ ra sức mạnh của khoa học.
Giới học giả đã hình thành ở những đại học nổi tiếng như Thanh Hoa, Đồng Tế, Phúc Đán, Giao Thông Thượng Hải v.v…, nơi mà nhiều người Việt từng du học ở Trung Quốc vẫn xem như giấc mơ đại học của ta. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa ra đời năm 1949, sứ mạng làm chủ công nghệ hạt nhân và tên lửa được trao cho những nhà khoa học thành danh từ phương Tây như Tiền Học Sâm, Tiền Tam Cường… Trung Quốc đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ ba trên thế giới về vũ khí hạt nhân và chinh phục không gian. Gần đây là cuộc bứt phá trong công nghệ khiến hàng hóa Trung Quốc, kể cả công nghệ cao, ngày càng tràn ngập thị trường thế giới. Có thể nói, sở trường thương mại, tính thực dụng và truyền thống công nghệ của người Hoa đã giúp họ nhanh chóng du nhập công nghệ từ bên ngoài.
Con đường du nhập công nghệ rất đa dạng, nhưng có thể tóm gọn trong ba chữ I. Thứ nhất là bắt chước (Imitation), bắt đầu bằng sao chép và làm ra các mẫu đơn chiếc, sau đó tiến lên sản xuất hàng loạt. Hàng hóa được cải tiến nhờ các khâu bảo đảm chất lượng (QA) cho đến khi công nghệ được hoàn toàn nội địa hóa (Indigenization). Tiếp theo là đổi mới công nghệ (Innovation) để cạnh tranh. Nói nôm na, quy trình ba chữ I chính là bắt chước có sáng tạo, được nhiều nước đi sau áp dụng để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước.
Nhưng rút ngắn khoảng cách bằng ba chữ I cũng có cái giá phải trả. Từ chiếc đèn điện tử chân không đến transistor và bao nhiêu thế hệ vi điện tử nối tiếp nhau ở thế kỷ XX mà các nước đi trước đã trải qua, giờ đây chỉ còn tìm thấy trong các bảo tàng. Nhưng tri thức tích lũy được qua những nấc thang công nghệ ấy, nhiều khi chỉ tồn tại dưới dạng tiềm ẩn (tacit), là vô giá. Không nhận ra sự thiệt thòi này, các nước đi sau có thể dễ bị khẩu hiệu “đi tắt đón đầu” ru ngủ. Chỉ có tổ chức nghiên cứu khoa học (R&D) nghiêm túc, quá trình bắt chước có sáng tạo mới thành công. Yêu cầu này càng gay gắt hơn khi quy trình ba chữ I tỏ ra kém hiệu năng trong cuộc cạnh tranh và hội nhập toàn cầu hiện nay bởi luật sở hữu trí tuệ và quy định cấm phổ biến những thiết bị nhạy cảm. Hơn nữa, chỉ có nghiên cứu khoa học ở tầm cao mới sáng tạo ra được công nghệ mới (Invention), chữ I thứ tư trong logic phát triển của ba chữ I nói trên.
Về mặt này, thành tích của Trung Quốc còn khá khiêm tốn. Trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới do Đại học Giao thông Thượng Hải xếp hạng dựa trên các tiêu chí về nghiên cứu khoa học, Trung Quốc chỉ có 05 trường xếp sau thứ 200. Ngoài ra, chỉ có 05 người lọt vào tốp 5000 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới (xem bảng thống kê). Nghĩa là tháp nhân lực khoa học của Trung Quốc có đáy rộng mà đỉnh chưa cao, có phong trào mà ít tinh hoa. Trung Quốc phải đẩy mạnh hơn nữa du nhập khoa học hiện đại từ phương Tây để tăng cường chất lượng đội ngũ, trong đó có chính sách trải chiếu hoa nghênh đón những nhà khoa học ưu tú người Hoa từ nước ngoài về. Ray Wu, nhà sinh học người Mỹ gốc Hoa ước tính hiện nay ở Trung Quốc có 500 nhà sinh học làm việc có hiệu quả (trong mười năm công bố ít nhất tám công trình trên các tạp chí quốc tế có hệ số tác động lớn hơn hai), trong khi chỉ riêng người Hoa ở Mỹ có đến 3000 (Nature, 428. p. 206, 2004).

Việt Nam: Đóng góp lớn nhất của giới khoa học Việt Nam là đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tiếp thu khoa học và công nghệ, góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế trong những năm gần đây. Còn tác động trực tiếp của KHCN đến kinh tế đời sống thì quá ít, chủ yếu là chưa có đội ngũ chuyên nghiệp, thậm chí đang có xu hướng thoái hóa.

Thành tích nghiên cứu khoa học tầm cao của một số nước:

 
Việt Nam
Ấn Độ
Trung Quốc
Hồng Kông
Singapore
Thụy Điển
Mỹ
Trường đại học lọt vào tốp 500 a)
 
0
 
3
 
5
 
5
 
2
 
10
 
170
Nhà khoa học thường được trích dẫn nhất b)
 
0
 
10
 
5
 
15
 
4
 
55
 
3571
`Số người làm R&D (x1000) c)
 
50
 
128
 
823
 
11
 
18
 
46
 
1324
 

Chú thích ảnh: Câu lạc bộ văn học dân gian ở HuếChú thích ảnh: Câu lạc bộ văn học dân gian ở Huếa) Institute of Higher Education, Shanghai Jiao Tong University

b) http://www.isihighlycited.com/.
c) Human Development Report, UNDP, 2005; sách KHCN Việt Nam 2003.

Thế hệ khoa học đầu tiên của Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài từ những năm đầu 1960. Sau bốn thập kỷ đầy biến động vừa qua, đội ngũ chưa thể hình thành, khẩu hiệu “khoa học công nghệ là động lực” chưa thể đi vào cuộc sống. Hiện ở nước ta có hơn 50.000 người làm R&D (theo sách KHCN Việt Nam, 2003), gấp 5-6 lần Thái Lan và Malaixia, hàng năm hoàn thành hơn 8000 báo cáo khoa học, nhưng hầu hết là các ấn phẩm trong nước. Nghiên cứu khoa học đã thành phong trào, nhưng bộ phận hoa tiêu còn quá lèo tèo (rất nhiều người bỏ nghề khoa học sau khi lấy được bằng cấp cao), còi cọc (có rất ít công trình nghiên cứu tầm quốc tế), và gần như vô hiệu trong một hệ thống bị hành chính hóa triệt để.

Bước đột phá tăng kinh phí KHCN lên 2% ngân sách nhà nước từ năm 2000 vẫn chưa để lại dấu ấn. Lý ra với nguồn lực đó có thể bước đầu hình thành một số phương hướng khoa học ra trò, có quân, có tướng, có phương tiện nghiên cứu mạnh, vươn lên tầm quốc tế và ngày càng đủ sức giải quyết các yêu cầu thực tiễn của đất nước. Nhưng hệ thống bị hành chính hớa làm cho cơ cấu nghề nghiệp của đội ngũ khoa học bị vô hiệu. Bộ phận tinh hoa ngày càng mất đi tính chuyên nghiệp, thậm chí không đủ sức đề kháng trong cơn lốc thị trường.

Hoạt động KHCN trong nhiều năm qua dường như xuát phát từ tiên đề Việt nam có một “đội ngũ” khoa học đủ trình độ, chỉ cần những chính sách thích hợp để gắn kết nó với thị trường là xong. Trên thực tế, các chính sách đó được hoạch định và thực thi bởi một hệ thống hành chính. Hệ thống này tác nghiệp bằng cơ chế xin cho còn rớt lại của thời bao cấp, chạy theo chính sách mỳ ăn liền với hy vọng dùng thị trường làm thước đo thay cho các chuẩn mực khoa học, đồng thời đảm nhận luôn cả vai trò cầm cân nảy mực thay cho cơ cấu nghề nghiệp. Hệ quả đương nhiên là đội ngũ không thể phát triển, thậm chí môi trường khoa học bị ô nhiễm và một bộ phận không nhỏ đang có xu hướng tha hoá (xem Chuyện có thật) dẫn đến những thảm trạng văn hóa như mua bằng bán điểm, luận án khoa học bày bán công khai…

Theo đuổi chính sách này, tri thức khoa học không được tích lũy theo quy luật cấp số nhân để tạo nên nguồn lực xã hội, trước hết thể hiện ở bộ phận hoa tiêu, từ đó lan tỏa ra cộng đồng qua môi trường văn hóa như trường đại học. Các nước tiên tiến phải mất hàng trăm năm mới tích lũy được nguồn lực này. Với 9 triệu dân, Thụy Điển có đến 55 nhà khoa học hàng đầu thế giới (được thường xuyên trích dẫn nhất), trong khi đó, với hơn một tỷ dân mỗi nước, Trung Quốc và Ấn Độ chỉ có 5-10 người (xem bảng thống kê). Tầm vóc của bộ phận tinh hoa chính là thước đo trung thực nhất trình độ dân trí và mức phát triển của một quốc gia.

Thị trường khoa học là một khái niệm được nhắc đến trong các văn kiện chính thức ở nước ta, nhưng chưa hề xuất hiện trong từ điển ở các nước tiên tiến. Xem khoa học có thị trường tức là không nhận ra lằn ranh giữa khoa học và công nghệ. Công nghệ có thể xem như hàng hóa, lấy thị trường làm thước đo, bí quyết công nghệ là sở hữu của người tìm ra nó. Còn khoa học, không riêng gì những ngành cơ bản, có mục tiêu lý giải những bí ẩn vô tận của thế giới như một nhu cầu nhận thức, để từ đó con người ngày càng làm chủ thiên nhiên và xã hội. Sản phẩm khoa học là của chung, để người này còn đứng trên vai người kia mà nhìn rõ thế giới hơn, lấy tính sáng tạo khoa họcđược bảo đảm bằng những sân chơi quốc tế làm thước đo. Khoa học hướng đến các mục tiêu kinh tế xã hội, nhưng sản phẩm khoa học không phải là hàng hóa mà là văn hóa. Xem nhẹ nghiên cứu khoa học trong các trường đại học là một trong những biểu hiện không nhận rõ bản chất văn hóa của khoa học. 
Nền khoa học còn non trẻ ở nước ta đã được đặt lên đúng quỹ đạo chưa?

Có thể khó tìm sự đồng thuận cho câu trả lời khi khoa học vẫn còn tù mù trong một góc khuất của đời sống xã hội. Nhưng trước thực trạng nền đại học nước nhà tụt hậu quá xa, giáo dục chưa thấy lối thoát, những biến cố xảy ra dồn dập gần đây thể hiện sự yếu kém của khoa học, nguy cơ trở thành mảnh đất chỉ biết tiêu thụ công nghệ của nước ngoài sau khi gia nhập WTO… buộc chúng ta phải trả lời nghiêm túc câu hỏi trên.

Thực chất là trong quá trình du nhập khoa học ngắn ngủi vừa qua, ta chỉ mới sao chép cái hình thức bề ngoài, rồi nội địa hóa và đổi mới theo sở thích của mình. Cái hình thức bề ngoài hấp dẫn nhất có lẽ là khoa bảng. Nó dễ dàng tìm thấy chỗ đứng trong thang giá trị ở nước ta. Còn tính chuyên nghiệp của đội ngũ, vai trò quan trọng của giữa nghiên cứu khoa học bài bản đối với công nghệ, và nhất là bản chất văn hóa của khoa học lại chưa được tiếp thu đầy đủ. E rằng đi tiếp trên con đường vừa qua, KHCN càng xa dần mục tiêu làm động lực phát triển kinh tế xã hội, dân trí không tăng tiến và khó quay trở lại điểm xuất phát để còn hội nhập với thế giới.

—————

ảnh dưới: Trung tâm CNC Bangalore được coi là “thung lũng sillicon” của Ấn Độ
Chuyện có thật

Đơn vị nghiên cứu A được cấp kinh phí để nhập thiết bị ghi đo tự động qua đấu thầu, mỗi chiếc giá 250.000 USD. Hãng B thắng thầu với thỏa thuận chấp nhận hai quan chức đi tham quan thực tập. Thiết bị được lắp lên, quan chức không tiếp quản vận hành, giao cho kỹ thuật viên. Sau một thời gian ngắn thiết bị chệch choạc rồi ngừng hoạt động. Nghe nói có thiết bị hiện đại, sinh viên liền đến mua số liệu về làm luận văn thạc sĩ. Người bán sẵn lòng vì kết quả “nghiên cứu được ra thị trường”. Sau khi ngã giá mang về đưa lên máy tính, thì thấy thiết bị chỉ cho ra những số liệu vô nghĩa. Nhưng rồi luận án cũng được bảo vệ. Kết quả “nghiên cứu” của đơn vị A cũng có mặt trong tuyển tập hội nghị khoa học được tổ chức hoành tráng. Còn người ký quyết định đầu tư không hề quan tâm thiết bị đắt tiền đó có hoạt động không, và mang lại hiệu quả gì cho xã hội.


Ý kiến của bạn?

Phạm Duy Hiển

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)