Khoa học và chính trị

Ngày 6 tháng 10 năm 2008, trên VTV1 có một chương trình khá thú vị bàn về một chủ đề hiếm thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng: tự do tư tưởng trong khoa học xã hội và mối quan hệ giữa nhà khoa học và nhà chính trị, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học xã hội trong đó có Giáo sư Võ Khánh Vinh, Phó chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. 

Ý kiến của các vị đều rất thống nhất, cho rằng, trong thời gian qua, những người nghiên cứu khoa học xã hội thường mong muốn giữ được “an toàn”, tránh bị quy chụp chính trị, đã chọn những đề tài nặng về giải thích tính đúng đắn và sự sáng suốt về quan điểm đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), ít muốn đụng chạm những chủ đề nhạy cảm về chính trị. Nhiều vị đồng tình với đề nghị của giáo sư Nguyễn Đức Bình cho ra Tạp chí “Tranh Luận” lưu hành nội bộ để các nhà nghiên cứu khoa học xã hội thảo luận thẳng thắn những vấn đề đặt trước nhu cầu phát triển của đất nước. Chương trình của VTV1 còn giới thiệu bản dự thảo quy chế dân chủ trong khoa học xã hội, theo giới thiệu, đó là bản dự thảo đã được thảo luận suốt 18 năm, nay đã đến lúc đủ điều kiện chín muồi để công bố.

Trao đổi với những người xem truyền hình VTV1 đêm đó, tôi được nghe hầu hết ý kiến cho rằng, đây là một tín hiệu tốt đẹp cho giới nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam.

Đâu chỉ có số phận của khoa học xã hội?

Lịch sử khoa học cho thấy, những bi kịch trong mối quan hệ giữa khoa học và chính trị đâu chỉ có rơi vào số phận các nhà khoa học xã hội. Vụ án Lưxenkô ở Liên Xô diễn ra từ cuối thập niên 1930 đến đầu thập niên 1940 là một vụ án mà giới chính trị đánh vào giới khoa học tự nhiên, khi các nhà di truyền học hiện đại truyền bá thuyết Mendel-Morgan vào Liên Xô. Họ đã bị lên án là truyền bá một học thuyết duy tâm tư sản phản động. Chỉ sau vài tháng phát động phong trào phê phán di truyền học hiện đại, trên ba ngàn nhà sinh học Xô Viết bị kết án, bị khai trừ đảng, bị bỏ tù và xử bắn. Vavilov, viện trưởng Viện Di truyền học thuộc Viện Hàn lâm Nông nghiệp Liên Xô bị bắt bỏ tù từ năm 1940, bị đái ra máu và chết trong tù vào năm 1942. Hiệu trưởng Đại học Kazan bị cách chức và bị khai trừ khỏi Đảng. Có thể nói, đây là một vụ tàn sát khoa học đẫm máu nhất thế kỷ 20, kéo lùi nền sinh học Xô Viết từ chỗ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong các phương hướng nghiên cứu ứng dụng di truyền học hiện đại vào nông nghiệp, y học, quân sự,… đến chỗ tụt hậu hàng nửa thế kỷ so với các cường quốc sinh học1.

Một chủ đề không mới

Thật ra, mối quan hệ giữa khoa học và chính trị không phải là một chủ đề mới. Lịch sử đã chứng kiến các vua chúa đốt sách và thực hiện chính sách ngu dân. Napoleon là một người có công lao to lớn với nền khoa học Pháp, ông đã dành nhiều ưu đãi cho các nhà toán học, thiên văn học, hóa học và những ngành khoa học ứng dụng. Trong cuộc chinh phạt Ai Cập, ông đã mang theo một đoàn quân bác học đi giữa vành đai bảo vệ của các chiến binh, để lập ở đó một viện khoa học, nhưng cũng chính Napoleon đã tỏ thái độ kỳ thị với hàng loạt ngành khoa học xã hội, như lịch sử, triết học, đặc biệt là trường phái triết học của Thế kỷ Ánh sáng. Napoleon chống Kant một cách đặc biệt gay gắt, gọi Kant là một “tên bịp bợm”. Rồi đến kinh tế học chính trị cũng chịu chung số phận, nhất là trường phái kinh tế học chính trị theo chủ nghĩa trọng nông2.

Hàng loạt nhà khoa học xã hội trong các nước xã hội chủ nghĩa đã bị xử lý cầm tù không xét xử vì đã đưa những quan điểm trái ngược với quan điểm chính thống, như quan điểm về kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, hòa giải và hòa hợp dân tộc thay vì chủ nghĩa quốc tế.

Trong cuốn sách nổi tiếng “Chức năng xã hội của khoa học” của nhà vật lý chất rắn người Anh, John Bernal, xuất bản ở Vương Quốc Anh năm 1939, có một chương thú vị, “Khoa học và biến đổi xã hội”, trong đó ông dành một phần tuy không dài, nhưng súc tích, được đặt tên là “Khoa học và Chính trị”4. Bernal đưa nhận định rằng, nhà khoa học mong muốn sử dụng các thành tựu của mình để làm biến đổi xã hội, trong khi nhà chính trị cũng mong muốn sử dụng đường lối chính trị của mình để cải biến xã hội. Trong trường hợp này, nhà khoa học đã đặt mình vào thế cạnh tranh với nhà chính trị. Điều đó cũng là lý do giải thích vì sao không ít nhà chính trị đã thẳng tay đàn áp khoa học. 

Ngược lại cũng có tình huống khác. Đó là nhà chính trị đã trọng dụng nhà khoa học vì sự nghiệp cách mạng của mình, và một số nhà khoa học đã tự nguyện phục vụ mục tiêu xã hội của nhà chính trị. Trường hợp những nhà khoa học và kỹ thuật tên tuổi như Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Tường, Ngụy Như Kon Tum, v.v… cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chính vì sự gặp nhau của những ý tưởng cao cả này.

Nhưng dần dần xuất hiện những tình thế khác. Đó là trong sự hợp tác giữa nhà chính trị và nhà khoa học vì lợi ích chung của toàn xã hội, dần dần len lỏi những động cơ vụ lợi và mối quan hệ hai chiều này sẽ nghiêng dần về một nhóm quyền lực chính trị. Với thế mạnh của mình, họ thu hút một số nhà khoa học làm công cụ phục vụ cho lợi ích riêng, và đương nhiên, một số nhà khoa học không còn giữ được tư cách, trở thành kẻ cơ hội, trở thành những “nàng hầu” của nhóm quyền lực chính trị. Số khác thì tìm cách lánh xa chính trị, gọi là để tránh tiếng cơ hội chính trị, nhưng nếu không xử lý đúng đắn quan hệ này dễ trở thành kẻ đối lập với quyền lực chính trị và mang vạ vào thân. Giữa cái mớ bong bong ấy, sự xuất hiện những kẻ cơ hội, khi gặp giới khoa học thì nói chính trị, khi đi với giới chính trị thì nói khoa học là khó tránh khỏi, và đó thực sự là những quái thai của một nền khoa học và chính trị bệnh hoạn.

Triết học marxist nói gì về quan hệ giữa khoa học và chính trị?

Triết học marxist xem khoa học cũng như tôn giáo và ý thức hệ chính trị là những hình thái ý thức xã hội. Cũng theo quan điểm triết học marxist, mỗi hình thái ý thức xã hội có một chức năng xã hội riêng biệt, và có những hình thức biểu hiện riêng biệt. Hơn nữa các hình thái ý thức xã hội thì tương tác, nhưng không lệ thuộc lẫn nhau3. Có nghĩa, khoa học không có chức năng minh họa và giải thích cho các hình thái ý thức xã hội khác. Đây là điều mà nhiều người nhầm lẫn, kể cả trong giới chính trị và trong tôn giáo. Chẳng hạn, Giáo hội đã phẫn nộ và mang xử án Galileo khi ông tuyên bố ủng hộ thuyết nhật tâm, trái với tín điều trong kinh thánh. Nhưng Giáo hội đã đủ tỉnh táo nhận ra sai lầm của mình: hơn ba trăm năm sau Giáo hoàng John Paul Đệ Nhị đã lập một ủy ban xem xét lại vụ án và đến năm 1992 đã tuyên bố minh oan cho Galileo. Tương tự việc làm của Giáo hội, mười năm sau khi Stalin chết, vào giữa thập niên 1960, Nhà nước Liên Xô cũng đã xem xét lại vụ án Lưxenko và phục hồi danh dự cho Vavilov và các nhà sinh học bị xử trí trong vụ án này.

Vấn đề là nhiều người đã không hiểu mối quan hệ giữa khoa học với các hình thái ý thức xã hội khác, như đã được chỉ ra rất rõ trong những luận điểm rất quan trọng của triết học marxist. Họ nghĩ một cách chân thành rằng khoa học phải phục vụ chính trị, phải chạy theo để giải thích tính đúng đắn của đường lối chính trị, cũng như tôn giáo, đòi khoa học phải nói theo kinh thánh.  Trong xu thế ấy, người ta phê phán và lên án những kẻ nói ngược là thiếu “lập trường quan điểm”, là bấp bênh dao động là lẽ đương nhiên.

Không phải ngẫu nhiên, sau sự biến Hungary năm 1956 là những cuộc đàn áp các nhà khoa học. Nhận thức được tính chất sai lầm của những vụ án kiểu vụ án sinh học Xô Viết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Hungary đã ra nghị quyết về khoa học, trong đó có một quan điểm được ghi nhận: “Cần có biện pháp bảo vệ các nhà nghiên cứu khoa học xã hội khỏi những nguy cơ về chính trị”.

Thay lời kết luận

Tôi nhớ, khi đến dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, tôi được tặng một quyển sổ, trang đầu tiên ghi mấy dòng như lời đề tựa: “Khoa học xã hội phải có nhiệm vụ giải thích cho đường lối chính trị…” Hèn nào, trong buổi truyền hình đêm 6 tháng 10 vừa qua, các vị giáo sư khả kính của chúng ta bộc bạch ý nghĩ của mình… Nghiên cứu giải thích “đường lối quan điểm” là an toàn nhất (!)

Tôi thật ấn tượng nhớ lại, khi mới nhậm chức Tổng bí thư của Đảng CSVN, ông Đỗ Mười có cuộc gặp gỡ các nhà khoa học tại Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam. Phát biểu trong buổi đó, ông đã nhắc đi nhắc lại hai ý: “Khoa học phải phản biện cho đường lối chính trị của Đảng” và “Khoa học phải xây dựng luận cứ cho đường lối chính trị của Đảng”, đưa ra một quan điểm hết sức chuẩn xác về mối quan hệ giữa khoa học với chính trị.

———————

[1] Theo số liệu công bố trong Tạp chí Tia lửa nhỏ (Ogoniok) Số 8&9 năm 1986 (nguyên bản tiếng Nga)
[2] Takle E. (1999), Napoleon Bonapart (Bản tiếng Việt), Nxb Quân đội Nhân dân, pp. 181-183
[3] Xem: Từ điển Triết học (1977), Nxb Tiến bộ, Moskva (Bản tiếng Việt)
[4] Bernal J. (1939), The Social Function of Science, Ed. Roudlege, p.402.

—————————-

ĐÍNH CHÍNH: Trong bài Khoa học và Chính trị (tạp chí Tia Sáng số 23 tháng 12) có đăng nhầm ảnh của GS Trần Đức Thảo (ảnh đã đăng là vợ của GS).
Ban biên tập Tạp chí Tia Sáng thành thật xin lỗi gia đình GS Trần Đức Thảo và bạn đọc.

Tác giả

(Visited 59 times, 1 visits today)