Khoa học Xô viết: Ưu việt và hạn chế

Được tổ chức theo một phương thức chưa từng có trước đó, lại huy động được tối đa các nguồn lực, chỉ trong vòng bốn, năm thập kỷ, khoa học Xô viết đã vươn lên vị thế một trong các cường quốc khoa học hàng đầu và là một trong những yếu tố quyết định giúp Liên xô trở thành siêu cường. Thế nhưng tồn tại và phát triển cùng Nhà nước Xô viết với mọi ưu việt và hạn chế của nó, vào cuối thập kỷ 80, khoa học Xô viết dần dần tụt hậu so với phương Tây và cùng với sự tan rã của Liên bang Xô viết, khoa học Xô viết cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng.

Những người Bolshevik đã rất sớm nhận ra vai trò to lớn của khoa học trong việc tạo dựng xã hội mới. Sau cách mạng tháng Mười V.I.Lenin, lãnh tụ của những người Bolshevik, đã không ít lần nhấn mạnh: “Phải nắm lấy toàn bộ khoa học, toàn bộ kĩ thuật, toàn bộ tri thức. Không như thế chúng ta sẽ không thể nào xây dựng được xã hội cộng sản”. [1]

Với nhận thức như vậy, chính quyền Xô viết một mặt hết sức coi trọng chức năng nhận thức của khoa học, mặt khác đặt nhiệm vu trọng tâm cho khoa học kĩ thuật là phải góp phần phát triển kinh tế và cũng cố sức mạnh quốc phòng của đất nước. Hơn nữa trong bối cảnh đối kháng về tư tưởng, bao vây và cấm vận thường xuyên của phương Tây, nhà nước Xô viết chủ trương xây dựng một nền khoa học tự chủ, đủ khả năng đảm bảo sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Do đó khoa học đã được triển khai trên mọi lĩnh vực, trong đó đặc biệt ưu tiên cho các hướng nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản có ý nghĩa sống còn đối với đất nước.

1. Chính sách khoa học kĩ thuật

– Một trong những chủ trương chính sách quan trọng nhất của Nhà nước Xô viết là nhà nước đảm nhiệm hoàn toàn việc đầu tư, phát triển khoa học. Trong giai đoạn 1921-1930 đầu tư cho khoa học hàng năm tăng 30%, tính trung bình trong suốt thời kì Xô viết là 3% đến 3,5% GDP, cao hơn các nước tư bản phát triển[2];

– Mạng lưới các tổ chức nghiên cứu và đào tạo cán bộ được xây dựng và phát triển với tốc độ chưa từng có[6]. Nếu như trước cách mạng trên lãnh thổ Nga chỉ có 300 cơ sở khoa học (bao gồm cả các trường đại học và cao đẳng), chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn thì đến giữa những năm hai mươi con số này đã gấp đôi. Đến đầu những năm sáu mươi mạng lưới gồm hàng ngàn các cơ sở nghiên cứu bao gồm Viện hàn lâm khoa học liên bang và các nước cộng hòa Liên xô, các viện chuyên ngành, các tổ hợp khoa học-sản xuất, các trường đại học và cao đẳng đã được xây dựng khắp trên toàn lãnh thổ Liên xô. Một loạt các thành phố khoa học tương tự như công viên khoa học ngày nay đã ra đời, nổi bật là trung tâm nghiên cứu hạt nhân Dupna của khối các nước xã hội chủ nghĩa và thành phố khoa học Novosibirsk để khai thác và phát triển Siberia và khu vực viễn đông.

– Việc xây dựng đội ngũ khoa học kĩ thuật trở thành nhiệm vụ trung tâm trong chính sách của chính quyền Xô viết. Trong những năm sau cách mạng, một lượng lớn chuyên gia trình độ cao của chế độ cũ đã rời bỏ đất nước sang phương Tây do không tán thành chế độ mới hoặc vì điều kiện sống và làm việc thiếu thốn. Nhà nước Xô viết, một mặt trọng dụng những nhà khoa học của chế độ cũ hợp tác với chính quyền mới, mặt khác đẩy mạnh đào tạo đội ngũ “trí thức xã hội chủ nghĩa”, “vừa hồng vừa chuyên”. Tốc độ phát triển đội ngũ khoa học kĩ thuật của Nhà nước Xô viết hết sức nhanh chóng, nếu trong 1913 là 11,6 ngàn thì đến 1975 con số này đã tăng lên 100 lần, đến năm 1989 là 1,6 triệu người, chiếm ¼ số lượng cán bộ khoa học của toàn thế giới [2].

– Ngay trong điều kiện kinh tế kiệt quệ do chiến tranh thế giới lần thứ nhất và cuộc nội chiến 1918-1922, nhà nước vẫn dành một khoản tiền không nhỏ để xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu cơ bản cho các nhà khoa học lớn như Pavlop (giải Nobel năm 1905), Mechnikov (giải Nobel 1908) và nhiều nhà khoa học tên tuổi khác. Đời sống vật chất cũng được cải thiện, đặc biệt sau chiến tranh thế giới thứ hai, thu nhập của các nhà khoa học được tăng vượt bậc, lương của một PTS khoa học là 200 rúp, của tiến sĩ khoa học là 400 so với 45 rúp của giáo viên tiểu học [9].

Vào những năm sáu mươi ở Liên xô lan truyền câu chuyện kể là tại một buổi chiêu đãi ở điện Cremli, Nikita Khrushchev- bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Liên xô khi đó đã nâng cốc chúc mừng chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Liên xô- “người giàu nhất nước”. Không rõ hư thật của câu chuyện này, nhưng nội dung của nó không phải không phán ánh một phần thực tế: Nếu xét theo hệ qui chiếu của mức sống chung của nhân dân Liên xô thời kì đó thì các nhà khoa học được xếp vào tầng lớp khá giả nhất trong xã hội Xô viết (theo hồi kí của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thì đời sống tại các nước tư bản trong thời gian này cũng không phải là lí tưởng, thậm chí ở Pháp người ta còn mơ cuộc sống ở Liên xô).

– Chính quyền Xô viết thực hiện chính sách quản lí hoạt động khoa học theo phương pháp kế hoạch hóa tập trung, thống nhất thông qua một hệ thống tổ chức từ trung ương đến các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt là đối với khoa học xã hội thì chủ nghĩa Marx –Lenin, chủ nghĩa duy vật biện chứng được xem là khoa học của các khoa học [14]. Từ giữa những năm năm mươi, phù hợp với những điều kiện của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật ra đời vào giữa thế kỉ trước, trong khuôn khổ của những cải cách nhất định trong hệ thống kinh tế, nhà nước Xô viết đã tiến hành một số cải cách trong quản lí khoa học, như quản lí theo chương trình mục tiêu, hạch toán từng phần và khuyến khích vật chất, hợp tác khoa học không chỉ bó hẹp trong hệ thống xã hội chủ nghĩa mà từng bước được mở rộng với các nước phương Tây.

– Nhiều nhà khoa học từ chế độ cũ, dù không tán thành hệ tư tưởng của những người Bolshevik, nhưng đã bắt tay hợp tác với chính quyền Xô viết vì họ thấy được trong kế hoạch phát triển khoa học của chính quyền Xô viết có những cơ hội thực hiện các ý tưởng khoa học của mình, những cơ hội mà họ không thể có trong thời kì trước cách mạng.

2. Thành tựu

Lịch sử Liên bang Xô viết ghi nhận những đóng góp vô cùng to lớn của khoa học Xô viết (KHXV) vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vai trò then chốt của nó trong những chương trình đột phá, có ý nghĩa sống còn của chế độ: Với sự tham gia của hai trăm nhà khoa học vào soạn thảo kế hoạch điện khí hóa nổi tiếng (1920) (viết tắt – GOERLO) và hàng ngàn nhà khoa học trực tiếp làm việc trên các công trường thi công công trình của các GOERLO, KHXV đã xây dựng nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa và toàn bộ nền kinh tế xô viết, góp phần đưa Liên xô chỉ sau ba thập kĩ vươn lên hàng ngũ những nước công nghiệp phát triển nhất. Trong chiến tranh vệ quốc KHXV đã cung cấp cho Hồng quân những mẫu xe tăng, máy bay chiến đấu chất lượng vượt trội, tên lửa huyền thoại Katyusha và nhiều mẫu vũ khí, khí tài khác, góp phần quyết định vào chiến thắng của Hồng quân. Trong chiến tranh lạnh chương trình lá chắn hạt nhân-tên lửa (1946-1953), chương trình vũ trụ (từ 1958) và nhiều chương trình khác đã giúp Liên xô thiết lập thế cân bằng quân sự với Mĩ.

Chỉ sau gần bốn thập kĩ KHXV đã vươn lên hàng ngũ các cường quốc khoa học: Liên xô chiếm vị thế hàng đầu về toán học, vật lí lí thuyết, đại dương học, luyện kim, xúc tác hóa học, thủy động lực học từ trường. Liên xô là nước đầu tiên xây dựng nhà máy điện nguyên tử (1954), chế tạo tàu phá băng, phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên (1957), và đưa người đầu tiên vào vũ trụ (1961). Liên Xô cũng dẫn đầu trong nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch, nguồn năng lượng vô tận trong mặt trời và bom khinh khí, phát minh ra máy phát lượng tử (laser) cùng với một người Mỹ. Những thành tựu khoa học Liên Xô được ghi nhận qua 14 giải Nobel về vật lí, 1 giải nobel về hóa học, 1 giải về kinh tế học và ba giải Fields về toán học. Và còn rất nhiều thành tựu khoa học đỉnh cao khác. Những thành tựu của KHXV đã làm chấn động phương Tây, nhiều nước vội vàng cải cách giáo dục để không bị Liên xô vượt lên trước [11].
 
3. Nguyên nhân của kì tích KHXV

Đặt hàng cho nhà khoa học. Năm 1918 ngay khi cuộc nội chiến đang xảy ra ác liệt, trong tác phẩm- đồng thời được coi là bản kế hoạch nhà nước về phát triển khoa học đầu tiên trên thế giới – “Phác thảo các nhiệm vụ khoa học kĩ thuật”, V.I Lenin đã đặt hàng cho KHXV hàng loạt các nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện các đặt hàng của nhà nước, KHXV không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế và quốc phòng đất nước mà còn nhận được từ các đặt hàng đó động lực phát triển to lớn.

Tốc độ phát triển đội ngũ khoa học kĩ thuật của Nhà nước Xô viết hết sức nhanh chóng, nếu trong 1913 là 11,6 ngàn thì đến 1975 con số này đã tăng lên 100 lần, đến năm 1989 là 1,6 triệu người, chiếm ¼ số lượng cán bộ khoa học của toàn thế giới.

Cung cấp tài chính. Cùng với đặt hàng cho khoa học, nhà nước Xô viết đảm bảo phương tiện làm việc và cung cấp tài chính-một yếu tố hàng đầu để phát triển khoa học trong điều kiện xã hội hiện đại. Và đảm bảo không tồi. Nhà nghiên cứu lịch sử khoa học Liên xô và Nga, Mironin [10] đã đưa ra dẫn chứng sau “Theo tạp chí Nuture của Đức, chi phí cho nghiên cứu phát triên R&D của Liên xô chiếm 3,73% ngân sách nhà nước so với Đức 2,84%, Nhật bản 2, 77% Anh 2,18; Pháp 2,1%; vào giữa những năm ba mươi một ủy ban của quĩ hỗ trợ khoa học Rockefeller, đã đến khảo sát tại Liên xô. Kết luận của ủy ban là: KHXV được cấp tài chính tốt hơn Tây Âu”.

Hệ thống hành chính mệnh lệnh. Hệ thống này có ưu điểm là nhờ những ưu thế trong huy động nhân lực và phương tiện, đã cho phép giải quyết các vấn đề khoa học qui mô lớn trong một thời gian ngắn. Kế hoạch điện khí hóa, dự án bom nguyên tử, các chương trình vũ trụ là minh chứng cho ưu thế này.

“Tổng động viên”. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền Xô viết nhận thức rất rõ rằng để có thể đứng vững được trong cuộc chạy đua với phương Tây, cần phải tạo ra “những cú đấm mạnh” trong khoa học và kĩ thuật. Do đó chính quyền Xô viết, bên cạnh việc đảm bảo phương tiện làm việc cho các nhà khoa học đã tiến hành hàng loạt biện pháp “tổng động viên “cho khoa học: tăng lương vượt bậc cho các nhà khoa học, đẩy mạnh giáo dục để tạo nguồn lực, xây dựng nhiều trường đại học đặc biệt đào tạo nhân tài, tổ chức phổ biến về vai trò và tương lai của khoa học nhằm làm cho tinh thần khoa học cắm rễ vào nhân dân, từ đó huy động tối đa nguồn lực tiềm tàng của nhân dân tham gia vào sự nghiệp khoa học kĩ thuật. Các biện pháp tổng động viên của chính quyền Xô viết được cộng hưởng với hào khí sau chiến thắng, sức hấp dẫn của lí tưởng và niềm tin vào tương lai đã thu hút đông đảo những người trẻ tuổi tài năng đi vào khoa học, một yếu tố đảm bảo cho các thành tựu khoa học sau này. Garic, nhà vật lí Xô viết, hiện làm việc tại Thụy Điển, nhớ lại [13]: Những cuộc thi tuyển vào các cơ sở nghiên cứu hàng đầu đất nước đã trở thành ngày hội của giới trẻ và không khí làm việc ở các viện nghiên cứu thì tuyệt vời. Tôi nghĩ, trước kia cũng như bây giờ, không ở đâu, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có được không khí sáng tạo tuyệt vời như thế”…

Thời kì Xô viết đã sản sinh ra một đội ngũ đông đảo những cá nhân lỗi lạc. Đó là các nhà toán học A. Kolmogorop, I. gelfand, M.Keldysh, các nhà vật lí Lev Landau, P.Kapitsa, Kurchatov, các tổng công trình sư lỗi lạc S.Corolov, A. Mikoyan, A.Tupolev và rất nhiều những tài năng lỗi lạc khác đã đi vào lịch sử KHXV và thế giới. Không một thời kì nào trong lịch sử khoa học Nga lại nở rộ nhiều tài năng như thế và nguyên nhân: không chỉ vì sự đầu tư của nhà nước, mà còn vì vị thế của khoa học và nhà khoa học trong xã hội Xô viết chưa từng có trong một xã hội, một quốc gia nào khác; thái độ như vậy đối với khoa hoc đã lôi cuốn lực lượng hùng hậu của xã hội vào khoa học, tất yếu dẫn đến xuất hiện một đội ngũ lớn các tài năng kiệt xuất theo qui luật lượng đổi, chất đổi.

Chủ nghĩa yêu nước Nga, sự thăng hoa tinh thần, tình yêu và sự dấn thân của các nhà khoa học là chất xúc tác vô giá cho KHXV. Những Pavel Corchagin trong khoa học đã hiến dâng tất cả, tài năng và sức lực, trong điều kiện đãi ngộ thấp hơn nhiều so với cống hiến của họ (nhiều người trong họ hẳn sẽ trở thành triệu phú nếu ở Mĩ). Thậm chí trong số họ không ít người chịu nhiều mất mát, đôi khi phải sống những năm tháng tù đày, vì một số sai lầm của chính quyền xô viết, nhưng họ đã không hề tính nợ với chính quyền mà tiếp tục cồng hiến, vì với họ tổ quốc và khoa học lớn hơn.
 
4. Những hạn chế và tụt hậu vào giai đoạn cuối

KHXV phát triển rực rỡ nhất trong khoảng hơn bốn thập kỷ, từ những năm ba mươi đến giữa thập kỷ 70 của thế kỷ trước, sau đó chững lại, bắt đầu thời kì tụt hậu. Theo hàng loạt tiêu chí về chất lượng và số lượng, Liên xô đã bị phương Tây vượt qua, ngay cả trong lĩnh vực vũ trụ vốn do Liên xô mở đầu và giữ vai trò thủ lĩnh trong nhiều năm cũng bị Mĩ qua mặt. Vào cuối thập kĩ tám mươi, nghĩa là trước thời điểm sụp đổ của Liên bang xô viết, hiện trạng khoa học của Liên xô đã đến mức khủng hoảng, chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Marchuk khi đó đã phải báo động “Xã hội, các nhà lãnh đạo cần phải nhận thức được: hiện trạng khoa học của chúng ta đang tương phản kì lạ không chỉ với các nước phát triển mà ngay cả với các nước đang phát triển”.

Hiện tượng tụt hậu của KHXV vào giai đoạn trước khi Liên xô sụp đổ được nhiều nhà lịch sử khoa học của Nga và phương Tây nghiên cứu và nguyên nhân của nó được tìm kiếm trên các bình diện kinh tế, cơ chế, tổ chức và xã hội [9],[8]….

– Dù có những đặc thù riêng khoa học vẫn phụ thuộc rất lớn vào kinh tế và hệ thống kinh tế mà nó được vận hành trong đó. Một số nhà nghiên cứu khẳng định “Không thể có một nền khoa học tốt trong một nền kinh tế tồi”. KHXV không nằm ngoài qui luật đó. Tốc độ tăng trưởng GDP giảm nhanh, từ 10,3% trong thập kỷ 1950-1960 và 7,1% trong thập kĩ 1960-1970 xuống còn 4,2% trong thập kĩ 1970-1980 và 2,1% trong thập kĩ 1980-1990 . Kinh tế suy thoái tất yếu dẫn đến cắt giảm chi phí cho các lĩnh vực trong đó có khoa học. Hậu quả là KHXV giảm mạnh về lượng và chất, chẳng hạn tỉ lệ tăng số lượng cán bộ khoa học từ 10,1% trong thập kỷ 1960 xuống 4,1% trong những năm 1970-1980 và 1,4% trong thập kỷ 1980-1990 [9].

– KHXV vận hành trong khuôn khổ hệ thống kinh tế kế hoạch siêu tập trung và theo mô hình hành chính – mệnh lệnh cứng nhắc, thiếu linh hoạt, không đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật; thiếu thị trường sản phẩm khoa học sẽ khó đi vào cuộc sống và không có động lực phát triển. Nhiều phát minh là đột phá đã không được đưa vào thực tế. Ví dụ, phát minh về laser của hai nhà vật lí giải Nobel – Basov và Prokhorop – trong khi đã trở thành ngành kinh doanh có lợi nhuận ở phương Tây thì Liên xô phải nhập khẩu phục vụ nghiên cứu; ngành viễn thông, từ Internet toàn cầu đến các thiết bị di động đều là sản phẩm của phương Tây nhưng dựa trên phát minh của Viện sĩ Alferov (Nobel năm 2000).

– Tổ chức hệ thống nghiên cứu – triển khai hết sức phức tạp, cồng kiềng và chồng chéo. Đơn vị nghiên cứu cơ bản là các viện nghiên cứu, thường có số lượng lên tới vài ba ngàn, thậm chí dăm ngàn nhà khoa học và kĩ sư. Quản lí hiệu quả tập thể nghiên cứu với qui mô như vậy là bài toán khó vì đó không phải là xí nghiệp sản xuất với con người là những công nhân làm việc theo qui trình đã định sẵn. Hơn nữa mỗi khi xuất hiện vấn đề mới thì nhà nước Xô viết thường đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu mới, vấn đề nhỏ thì xây dựng phòng thí nghiệm, vấn đề lớn thì lập viện [5]. Cơ cấu thành phần các nhà khoa học làm việc tại viện nghiên cứu và tại các xí nghiệp không thuận lợi cho việc đưa khoa học vào sản xuất: Ở Mĩ nhiều nhà nghiên cứu làm công  việc nghiên cứu trong các viện nghiên cứu khoảng 20-25 năm, sau đó chuyển sang khu vực kinh doanh đổi mới, còn ở Liên xô – phần lớn nhà khoa học làm việc ở viện đến cuối đời. Ở Mĩ trong tổng số cán bộ làm việc tại các hãng, số cán bộ có bằng cấp tiến sĩ chiếm 70% , ở Liên xô -3%. [9]

Việc kiểm soát chặt chẽ về mặt tư tưởng và đôi khi can thiệp trực tiếp vào đời sống của khoa học đã gây ra không ít tổn thất: khoa học xã hội bị tách rời khỏi nhiều trào lưu nghiên cứu hiện đại, nhiều hướng khoa học tự nhiên (trong sinh vật học, hóa học, điều khiển học) bị coi là ngụy khoa học, do đó bị chậm lại hàng thập kỷ so với phương Tây; thậm chí làm tổn thương đội ngũ khoa học trong đó không ít nhà khoa học bị đàn áp và bị chết trong nhà tù.

Trong thời kì cuối của nhà nước Xô viết, việc đảm bảo trang thiết bị nghiên cứu mức độ rất thấp. Chẳng hạn, vào cuối những năm tám mươi trung bình một cán bộ nghiên cứu của Liên xô có khả năng tiếp cận phương tiện đo lường thấp hơn 200 lần ở Mĩ. Công trình khoa học của Liên xô thường trích dẫn tài liệu của phương Tây hàng thập kĩ trước đó [9]. Điều đó không chỉ nói lên sự lạc hậu của KHXV mà còn chứng tỏ khoa học đã không được kịp thời cập nhật thông tin mới.

Sự xuống dốc của KHXV ở giai đoạn cuối còn do nhiều yếu tố khác: sự chủ quan và thiếu quan tâm của lãnh đạo Xô viết đối với với các hướng đột phá sau khi đạt được thế cân bằng quân sự với Mĩ, sự cô lập tương đối của KHXV với khoa học phương Tây; thu nhập trong lĩnh vực khoa học giảm mạnh (Nếu như trước năm 1967 thu nhập trung bình trong lĩnh vực khoa học đứng vị trí hàng đầu trong các lĩnh vực công nghiệp thì đến giữa năm tám mươi tụt xuống vị trí thứ tư) và nhiều yếu tố không thuận lợi của thời kì cuối Xô viết đã làm cho khoa học, mặc dù vẫn còn uy tín rất cao, song đã không còn là sự lựa chọn của không ít người tài năng.

Thay lời kết

Vào thời hoàng kim của Liên xô, theo như hồi tưởng của nhiều nhà nghiên cứu, đời sống khoa học đôi khi lãng mạn không khác gì những câu chuyện cổ tích. Lời bài hát “Tháng ba của con người nhiệt huyết” – “ Xin chào đất nước của những người anh hùng, của những con người tràn đầy mơ ước, đất nước của nhà khoa học” được cất lên trong các trường đại học và viện nghiên cứu, và đó không phải là khẩu hiệu hay khát vọng mà là một hiện thực. Và thành tựu to lớn của KHXV được thừa nhận rộng rãi. A Gurshtein, nhà khoa học Mĩ [7] đã viết “Câu chuyện về khoa học và công nghệ Xô viết là chưa từng có. Khởi đầu bởi cách mạng Bolshevik năm 1917, với ý tưởng là khoa học có khả năng khởi đầu cho một xã hội chủ nghĩa bình đẳng và mang lại cơ hội cho tất cả mọi người đã không thành, nhưng lại tạo ra được thành tựu khoa học lớn nhất thế giới”.

Nhưng KHXV không chỉ có những trang sử huy hoàng, có không ít những trang sử buồn, thậm chí bi thương do những sai lầm của chính quyền Xô viết trong tổ chức và quản lí khoa học. Lịch sử KHXV đã để lại những bài học lớn, cả thất bại và thành công không chỉ đối với các nước đã từng đi theo mô hình tương tự mà thậm chí cho cả những nền khọa học như Mĩ và phương Tây. Loren Graham, nhà triết học và lịch sử khoa học Mĩ, đã viết trong cuốn What have We learned About Science and Technology from Experience những dòng sau “chúng ta chỉ có thể hiểu khoa học và văn hóa của chúng ta phụ thuộc như thế nào vào xã hội chúng ta nếu chúng ta có được một xã hội và văn hóa khác để mà so sánh. Liên xô có thể là một trong những lựa chọn phù hợp nhất về phương diện khoa học. Theo nghĩa đó nghiên cứu KHXV đồng thời cũng là nghiên cứu về khoa học của chúng ta” [7].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ленин и наука

[2].Наука в СССР-Википедия

[3] Караулов С А Государственная власть и научная интеллигенция

[4] Академия наук СССР: Организация науки в первые годы Советской власти (1917-1931)

[5] Борис Сатылков: Реформирование российской науки анализ и перспективы /.

[6] СССР: Научные учреждения

[7] Alexander Gurshtein: Lessons from Russia

[8].Loren Graham: Science in Russia and the S oviet Union (Tham khảo qua bản dịch tiếng Nga)

[9] С.С Миронин: Недостатки Советской науки

[10] С. С Миронин: Сталин и наука

[11] Pham Duy Hiển: Thăng trầm khoa học Nga (Tạp chí Tia sáng 9/2010);

[12] Гоэрло- википедия;

[13] Вспоминания о Советской науке;

[14] Идеологический контрроль в советской науке.

 
 

Tác giả

(Visited 169 times, 1 visits today)