Khôi phục qui chế độc lập cho báo chí
Trong xã hội hiện đại, định chế báo chí có khả năng tạo ra một không gian công cộng. Theo triết gia Đức Juergen Habermas, không gian này là nơi diễn ra sự thảo luận công khai mang tính chất duy lý và phê phán, và nó đóng vai trò trung gian giữa công dân và nhà nước.
Hiểu theo nghĩa đó, xây dựng một qui chế độc lập cho báo chí nước ta cũng chính là góp phần xây dựng một xã hội dân chủ trên cơ sở của một nhà nước pháp quyền.
Có một thực tế thường được nêu ra tại nhiều cuộc hội thảo lâu nay là hiện tượng doanh nghiệp sợ báo chí: nghe nhà báo đến là sợ, sợ bị xin quảng cáo, không cho thì sợ bị viết bài “đánh”, mà viết bài “ca ngợi” cũng sợ, vì sau đó thế nào cũng bị cơ quan thuế vụ hay quản lý thị trường nhòm ngó… Một cuộc điều tra vào đầu năm 2005 cho biết có đến 75% nhà doanh nghiệp tỏ ra e ngại khi phải tiếp xúc với báo chí và tìm cách tránh “bị lên báo”(1). Một chuyên viên từng nhận định như sau: “Chơi với báo chí như chơi dao hai lưỡi, nên nhiều doanh nghiệp lo ngại, không muốn tiếp xúc với phóng viên”(2). Đến mức mà có lần một doanh nhân phải thốt lên rằng “vốn liếng, tài sản của chúng tôi thuộc về… các nhà báo”(3)!
Đây quả là một điều lạ nếu chúng ta nhìn lại lịch sử báo chí Việt Nam trong thế kỷ XX, dường như ngày xưa không thấy có vấn đề quan hệ căng thẳng giữa báo chí và doanh nghiệp như chúng ta chứng kiến thời gian gần đây. Hình như mối quan hệ này chỉ thực sự bắt đầu trở thành một vấn đề sau ngày giải phóng và kéo dài cho tới nay, mặc dù chúng ta đã giã từ cơ chế quan liêu bao cấp từ 20 năm qua. Tại sao lại như vậy? Nhiều người cho rằng sở dĩ có vấn đề này là do thành kiến của báo giới đối với kinh doanh, do nhiều nhà báo thiếu cái tâm, chưa gần gũi với giới doanh nhân, do báo chí hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp… Nói như thế cũng đúng, nhưng chưa đủ. Nguyên nhân mấu chốt, theo chúng tôi, chính là do báo chí đã bị nhà nước hóa.
Hiện tượng “nhà nước hóa” báo chí
Nghĩ mình là “người của Đảng và Nhà nước”, lại được củng cố bởi khẩu hiệu “đọc và làm theo báo Đảng”, nên điều khó tránh khỏi là không ít nhà báo lầm tưởng rằng cơ quan báo chí là cơ quan quyền lực của Đảng và nhà nước! |
Ai cũng thừa nhận là hiện nay báo chí đã đổi mới, diện mạo đã khác xa so với thời quan liêu bao cấp trước đây. Tuy nhiên, do trong một thời gian dài, báo chí đã gắn liền với các cơ quan quyền lực của Đảng và Nhà nước, nên cho đến tận bây giờ, báo chí Việt Nam vẫn còn có những “sức mạnh” hay những “quyền lực” mà báo chí các nước khác không hề có.
Quả vậy, theo Luật báo chí hiện hành, toàn bộ các cơ quan báo chí đều là “của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội”. Qui chế của nhà báo là qui chế công chức nhà nước. Thẻ nhà báo ở Việt Nam hiện nay do Bộ Văn hóa-Thông tin cấp (ở phần lớn các nước khác, không phải do nhà nước mà là do một tổ chức độc lập cấp). Nghĩ mình là “người của Đảng và Nhà nước”, lại được củng cố bởi khẩu hiệu “đọc và làm theo báo Đảng”, nên điều khó tránh khỏi là không ít nhà báo lầm tưởng rằng cơ quan báo chí là cơ quan quyền lực của Đảng và nhà nước! Một doanh nhân từng xuất thân là nhà báo có lần nói: báo chí chúng ta có cùng một lúc hai thứ quyền lực, vừa quyền lực của nhà nước, vừa quyền lực do là diễn đàn của nhân dân.
Đấy chính là căn nguyên sâu xa làm cho mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp mang tính chất gần như quan hệ quyền lực, và hệ quả là khiến doanh nghiệp sợ báo chí. Và cũng vì thế mà thường xảy ra hai loại hiện tượng tiêu cực sau: (a) có những nhà báo đi vòi vĩnh các doanh nghiệp hoặc cơ quan, thậm chí hoạnh họe hay tống tiền; và (b) có những người giả danh nhà báo để chạy chọt và lừa đảo. Hiển nhiên là vị trí nhà báo phải có vai vế và uy thế như thế nào đó thì mới có những nhà báo hay những người mạo danh nhà báo đi hoạnh họe và hù dọa người khác! Ngay một cơ quan quản lý nhà nước cũng từng nhận định rằng “báo chí nhiều lúc đã tự biến mình thành một siêu quyền lực bất khả xâm phạm, coi thường lẽ công bằng và những quan hệ bình đẳng trong một xã hội công dân”(4).
Chế độ chủ quản
Một trong những biểu hiện rõ nét nhất của tình trạng nhà nước hóa báo chí là chế độ chủ quản. Bất cứ tờ báo nào hiện nay cũng phải có một cơ quan chủ quản (cũng tương tự như hầu hết các tổ chức kinh tế-xã hội khác trong thời bao cấp). Cơ quan chủ quản báo chí được định nghĩa là “tổ chức đứng tên xin cấp giấy phép hoạt động báo chí và trực tiếp quản lý cơ quan báo chí”(5).
Các nhiệm vụ của cơ quan chủ quản như được qui định chi tiết trong Điều 12 Luật báo chí (sửa đổi năm 1999) vẫn còn mang nặng lối tư duy của phương thức quản lý hành chính quan liêu, và rất khó thực thi trong thực tế. Ai cũng biết báo chí là một tổ chức chuyên nghiệp, và tờ báo nào cũng có một tổng biên tập, vậy mà cơ quan chủ quản vẫn phải “trực tiếp quản lý” thì e là quá bao biện, đã vậy, lại còn phải “chịu trách nhiệm trước pháp luật” khi tờ báo sai phạm(6), trong khi bản thân tờ báo đã có một tư cách pháp nhân riêng biệt khi được thành lập. Trong thực tế, phần lớn các cơ quan chủ quản đều khó mà đảm đương nổi tất cả mọi nhiệm vụ và quyền hạn đã nêu trong luật, và thường gần như phó thác cho tổ chức báo chí để còn lo công việc chuyên môn của mình. Vả lại, cơ quan chủ quản cũng khó mà can thiệp hoặc đưa ra ý kiến chỉ đạo một khi các tờ báo đều thường xuyên chịu sự chỉ đạo trực tiếp của các ban tư tưởng-văn hóa. Như vậy chủ quản mà hóa ra hữu danh vô thực!
Còn về phía các tờ báo, chế độ chủ quản làm cho các tờ báo có thêm một tầng quản lý trung gian (ngoài ban tư tưởng-văn hóa và sở văn hóa): họ luôn phải xin phép, thỉnh thị ý kiến… về những việc lẽ ra có thể thuộc thẩm quyền của mình, điều này có thể hạn chế tính chủ động, và nhiều khi còn nuôi dưỡng tính ỷ lại đối với những tờ báo còn được bao cấp. Nhưng đó là mới nói về hạn chế của chế độ chủ quản xét về mặt qui trình quản lý. Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, xét về mặt qui chế của nghề làm báo, chế độ chủ quản làm cho báo chí mất đi tính độc lập mà nó phải có với tư cách là báo chí theo đúng nghĩa của từ này. Trong cơ chế chủ quản như hiện nay, chúng ta khó lòng mà hình dung một tờ báo có thể (hoặc dám) đưa ra những phê phán hay những thông tin tuy khách quan nhưng không có lợi cho cơ quan chủ quản của mình!
Qui chế độc lập của báo chí
Trên nguyên tắc, thông tin trên báo chí phải là những thông tin mang tính khách quan, vô tư (không thiên vị), vì có như vậy mới hy vọng phản ánh trung thực được sự thật. Chính là để đảm bảo cho tính khách quan ấy mà cơ quan báo chí phải mang một qui chế độc lập. Đây là sự độc lập khỏi bất cứ thứ quyền lực nào, nhưng người ta thường nhấn mạnh tới hai thứ quyền lực đáng chú ý nhất, đó là quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế. Ngòi bút của nhà báo chỉ có thể được tự do và công tâm khi không chịu sức ép của bất cứ cơ quan công quyền nào hay bất cứ áp lực kinh tế nào.
Báo chí không phải là một hình thái thuộc các định chế chính trị; tự nó không phải là một tổ chức nhà nước có một quyền lực chính trị nào đó (như chính phủ, quốc hội, tòa án, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân…). Báo chí là cơ quan ngôn luận, là một định chế văn hóa nằm trong xã hội dân sự. Nếu một tờ báo gắn liền với một cơ quan quyền lực nhà nước hoặc với một doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, thì lúc ấy tiếng nói của tờ báo sẽ có nhiều khả năng chỉ chủ yếu phản ánh một cách thiên vị lập trường, quan điểm và lợi ích của cơ quan nhà nước ấy hay doanh nghiệp ấy mà thôi.
Một vài đề xuất
Ngòi bút của nhà báo chỉ có thể được tự do và công tâm khi không chịu sức ép của bất cứ cơ quan công quyền nào hay bất cứ áp lực kinh tế nào. |
Vậy vấn đề là cần làm thế nào để báo chí thoát ra khỏi tình trạng nhà nước hóa hiện nay. Thực ra, gần đây nhà nước cũng đã có một vài biện pháp theo hướng này. Chẳng hạn trước đây mọi nhà báo đều có hộ chiếu công vụ, cách đây vài năm mới bãi bỏ điều này và trở về với hộ chiếu phổ thông (bây giờ chỉ có tổng biên tập và phó tổng biên tập mới có hộ chiếu công vụ). Có một thời, thẻ nhà báo còn được dùng để ưu tiên mua vé xe đò, vé qua phà… sau cũng đã bãi bỏ quy định này. Ngoài ra cũng đã có một số biện pháp xóa bao cấp về tài chánh, phát hành… Tuy nhiên những biện pháp ấy chưa phải là căn bản để thực sự khôi phục qui chế độc lập cho báo chí. Vì thế, chúng tôi cho rằng cần thực hiện một số giải pháp như sau.
a. Cần thay đổi chế độ chủ quản đối với báo chí như hiện nay, để trả lại cho báo chí qui chế độc lập của nó. Những cơ quan vốn là “chủ quản” nay chỉ cần đóng vai trò là người chủ sở hữu là đủ, và cần để cho tờ báo được tự chủ về nội dung, về nhân sự cũng như về tài chính. Mặt khác, cũng cần xem xét lại và cải tổ cách thức chỉ đạo của các ban tư tưởng-văn hóa vốn nhiều khi còn mang tính chất quá ư cầm tay chỉ việc. Có như vậy, mới mong báo chí có thể có tiếng nói chủ động và mạnh dạn hơn, trung thực hơn, và trở thành một kênh phòng ngừa và chống tham nhũng thực sự quan trọng và hữu hiệu.
b. Nên chấm dứt tư duy “qui hoạch báo chí” như đang làm lâu nay một cách máy móc theo kiểu mỗi tỉnh thành phải có (và chỉ được có) một đài phát thanh-truyền hình và một tờ báo Đảng! Theo chúng tôi, cách làm này phản ánh tàn tích của lối tư duy phân phối thời bao cấp. Khó mà tin được rằng Bộ Văn hóa-Thông tin có thể hiểu được và “qui hoạch” được nhu cầu về thông tin cho một đất nước có trên 80 triệu người dân!
c. Xóa bỏ cơ chế bao cấp tràn lan đối với những tờ báo vô bổ bằng tiền đóng thuế của người dân, ngoại trừ một số rất ít tờ báo chính trị hoặc khoa học và văn hóa có giá trị cần được trợ cấp, mặt khác thúc đẩy những tờ báo thực sự có độc giả khuếch trương trên cơ sở hạch toán kinh doanh. Đồng thời cũng cần bãi bỏ những biện pháp như ép buộc mua báo, hoặc dùng ngân sách nhà nước để mua báo cho các cơ quan, đoàn thể, điều mà Trung Quốc đã làm từ mấy năm nay. Hiện nay chỉ có không đầy 1/5 cơ quan báo chí cân đối được thu chi, và khoảng 1/10 thực sự có lãi trong tổng số 553 cơ quan báo chí trên cả nước(7). Ở Trung Quốc, nhằm tăng cường tính độc lập của báo chí, việc xóa bỏ bao cấp đối với báo chí đã được thực hiện từng bước kể từ năm 1998, và việc giảm bớt vai trò của các cơ quan chủ quản cũng đã được bắt đầu kể từ năm 2003(8). Việc xác lập tính độc lập về mặt kinh tế cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu và cần thiết nhằm đảm bảo tính độc lập của ngòi bút nhà báo.
d. Về việc cấp thẻ nhà báo: Nếu quan niệm rằng báo chí là một định chế dân sự, nghề làm báo cũng là một nghề bình thường như bao nghề khác như nghề dạy học, nghề thầy thuốc, nghề kiến trúc… (chứ không phải là nghề chỉ thuộc về nhà nước!), và nhà báo không phải là công chức, thì phải thay đổi hẳn quan niệm về thẻ nhà báo: việc cấp thẻ sẽ không còn là việc của Bộ Văn hóa-Thông tin, mà sẽ thuộc thẩm quyền của một tổ chức độc lập với nhà nước. Ở Pháp chẳng hạn, để đảm bảo tính độc lập của nhà báo, việc cấp thẻ nhà báo được giao cho một ủy ban độc lập, không thuộc nhà nước, mang tên là CCIJP, bao gồm hai thành phần có số lượng ngang nhau: đại diện giới chủ nhiệm, và đại diện giới nhà báo; và thẻ nhà báo chỉ được cấp cho những người làm báo chuyên nghiệp, chứ không cấp cho những người làm kinh doanh (quảng cáo, giao tế…) hay công chức nhà nước(9).
e. Nếu chấp nhận những giải pháp trên đây, thì hiển nhiên là phải sửa đổi nhiều điều khoản trong Luật báo chí hiện hành. Và đồng thời, nên chăng như một số người từng đề nghị, cần thay bằng cái tên là “Luật tự do báo chí”, bởi lẽ ngay cái tên “Luật báo chí” hiện hành đã mặc nhiên thể hiện mục tiêu “quản lý” báo chí hơn là phát huy quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận mà Hiến pháp đã minh định.
Chú thích :
(1) Cuộc điều tra của Hiệp hội Công thương Hà Nội, xem Đầu tư, 23-3-2005.
(2) Ý kiến của ông Nguyễn Đình Cung (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), Đầu tư, 23-3-2005. (3) Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 5-11-1998, tr. 14. Xem thêm bài “Quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp: Báo chí đang hành xử bất bình đẳng”, Pháp luật TPHCM, 23-12-2005, tr. 11.
(4) Bản báo cáo đầu tháng 3-2005 của Sở Văn hóa-Thông tin TPHCM, Tuổi trẻ, 3-3-2005, tr. 1.
(5) Điều 12, Luật báo chí, 1989.
(6) Xem mục 6, điều 12, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí, 1999.
(7) Số liệu trong Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 (9-9-2005).
(8) Xem Tuổi trẻ, 10-7-2003, tr. 15, và tin Tân Hoa Xã ngày 15-2-2004 (www.chinadaily.com.cn/english).
(9) Xem trang web của Ủy ban cấp thẻ nhà báo của Pháp (Commission de la carte d’identité des journalistes professionnels – CCIJP)