KHXH&NV: Không thể ở tình trạng đặc thù

Tiêu chuẩn chức danh GS/ PGS: Khoản 6 Điều 8 (tiêu chuẩn chức danh PGS): Bổ sung, phải có ít nhất một sáng chế, phát minh được công nhận hoặc có ít nhất một bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học có trong danh sách ISI, Scopus, ResearchGate (với các ngành KHXH & NV cũng vậy, không nên đặt nền KHXH & NV của Việt Nam ở tình trạng đặc thù, đặc biệt mãi, nếu vậy chúng ta sẽ mãi đi bên lề của “sân chơi” KHXH & NV của bạn bè và đồng nghiệp quốc tế).


GS,TS. Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Điều 9. Tiêu chuẩn chức danh GS: Mục 4 nên yêu cầu có ít nhất một sách chuyên khảo, lưu ý là sách chuyên khảo có thể có nhiều tác giả, những người cùng một nhóm/êkíp/lab nghiên cứu, ứng viên GS phải là người tổ chức/nhóm trưởng êkíp nghiên cứu này. Không nên đánh giá cao giáo trình, vì chúng ta đang hội nhập sâu, nên việc nhập khẩu giáo trình, bài giảng cần được khuyến khích. Và giáo trình ở Việt Nam, đa số vẫn là “biên tập” từ các giáo trình/sách của người khác, không nhiều kết quả nghiên cứu của chính tác giả.

Mục 6 nên quy định ứng viên GS phải có ít nhất hai bài báo đăng trên tạp chí khoa học có trong danh sách ISI, Scopus, ResearchGate. Trong đó có ít nhất một bài ứng viên phải là tác giả đầu hoặc là tác giả liên lạc.

Điều 11. Mục 2. Không nên quy định bài báo tiếng Anh đăng trên tạp chí trong nước được tối đa 2 điểm, mà chỉ các bài đăng trên ISI, Scopus có IF lớn hơn ba mới được cho tối đa đến 2 điểm.

Điều 13. Kết quả của các chương trình, đề tài NCKH đã được nghiệm thu, đã được thể hiện bằng các sáng chế, phát minh, giải pháp hữu ích, bài báo khoa học rồi; nay lại tính điểm cho các chương trình, đề tài này nữa vô hình trung tác giả được tính điểm hai lần. Nếu có thì chỉ nên cho điểm thấp, để ghi công người đã có công “xin” được đề tài, chương trình nghiên cứu thôi. Hơn nữa, cách chia đề tài ra các cấp nhà nước, bộ, cơ sở nghe rất “hành chính”, hơi khó chứng minh đề tài cấp nhà nước có hàm lượng khoa học hơn hẳn đề tài cấp cơ sở. Bao nhiêu phát minh, sáng chế của “hai Lúa” là đề tài cấp gì? Thuyết tương đối của Einstein hay bộ Tư bản (Das Kapital) của Karl Marx là kết quả của đề tài cấp gì? Tương tự như vậy, đề tài nghiên cứu nổi tiếng về “tổ chức tắm và giặt cho bộ đội phía Bắc” thì phải cho bao nhiêu điểm mới xứng đáng?

Điều 19. Về việc thẩm định hồ sơ:

– Ứng viên có quyền giới thiệu cho Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở ít nhất bốn người và Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở giới thiệu ít nhất sáu người để thẩm định hồ sơ ứng viên.

– Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở lựa chọn ít nhất ba người để thẩm định hồ sơ trong số những người do ứng viên và Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở giới thiệu. Trong đó phải có ít nhất một người do ứng viên giới thiệu.

Điều 22. Người thẩm định hồ sơ phải là GS, PGS có cùng chuyên môn với ứng viên, và phải có công trình khoa học (chủ nhiệm đề tài, công bố bài báo, bằng phát minh, sáng chế…) về cùng lĩnh vực khoa học của ứng viên trong năm năm gần đây.

Điều 32 (hủy bỏ, miễn nhiệm). Bổ sung: GS, PGS trong năm năm liên tiếp không có công trình khoa học (đề tài nghiên cứu, bài báo khoa học, phát minh, sáng chế, sách chuyên khảo….) thì bị xóa tên trong danh sách GS, PGS của cơ sở đào tạo.

Hội đồng Chức danh

Điều 36. Hội đồng Chức danh GS: Mục 2 bổ sung: Các thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) phải có chức danh GS, phải có ít nhất năm bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học có trong danh sách ISI, Scopus, ResearchGate, trong đó có ít nhất hai bài phải là tác giả đầu hoặc là tác giả liên lạc, và có ít nhất một công trình khoa học (sáng chế, phát minh, bài báo khoa học quốc tế, sách chuyên khảo…) công bố trong năm năm gần đây.

Điều 40. Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐCDGSNN, bổ sung một nhiệm vụ: Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học của các GS, PGS có đường link với cổng thông tin của Cục Thông tin KH&CN quốc gia, với Google Scholar, ResearchGate và Scopus, và link với chính các công trình đã công bố của các GS, PGS.

Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, có lẽ nên tập trung vào ba việc:

a) Xây dựng tiêu chuẩn và quy trình để hướng dẫn các Hội đồng Chức danh thực hiện.

b) Giám sát việc thực hiện xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại các Hội đồng Chức danh.

c) Thẩm định và ra quyết định công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS với các ứng viên.

Điều 46, 54 về tiêu chuẩn của thành viên HĐCDGS ngành/liên ngành và HĐCDGS cơ sở: Phải là những GS.PGS có các công trình khoa học công bố trong năm năm gần đây, và ít nhất có một bài báo đang trên các tạp chí thuộc ISI.

Một số ý kiến khác

Về số điểm công trình nghiên cứu khoa học và đào tạo đối với ứng viên là giảng viên:

– Tổng số điểm công trình kết quả nghiên cứu khoa học và đào tạo: Ứng viên chức danh giáo sư phải đạt ít nhất 15,0 điểm trở lên, ứng viên chức danh phó giáo sư phải đạt ít nhất 10,0 điểm trở lên.

– Điểm công trình kết quả nghiên cứu khoa học và đào tạo trong bảy năm cuối chiếm tối đa 25% tổng số điểm công trình tối thiểu theo quy định.

Về sách phục vụ đào tạo: Không nên quy định ứng viên chức danh giáo sư phải có giáo trình (chủ biên) là yêu cầu bắt buộc vì hiện nay chúng ta đang quốc tế hóa giáo dục – hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới nên khuyến khích nhập khẩu chương trình/giáo trình của các nước tiên tiến vào giảng dạy.

Về hướng dẫn nghiên cứu sinh: Ứng viên chức danh giáo sư phải hướng dẫn chính ít nhất hai nghiên cứu sinh bảo vệ thành công hoặc hướng dẫn chính một nghiên cứu sinh và hướng dẫn phụ ít nhất hai nghiên cứu sinh bảo vệ thành công.

Xét công nhận đặc cách chức danh giáo sư đối với các ứng viên có ít nhất 10 bài báo (tác giả đầu hoặc là tác giả liên lạc) có trong danh sách ISI hoặc Scopus hay ResearchGate có chỉ số ảnh hưởng/Impact Factor lớn hơn 3,0.

Xem xét bỏ HĐCDGS ngành/liên ngành; HĐCDGSNN quản lý trực tiếp các hội đồng cơ sở

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)