Kiểm kê phát thải và “ghi sổ” các cơ sở phát thải lớn
Hiện nay, việc mua bán carbon vẫn còn chưa thể bắt đầu hoạt động ở Việt Nam. Do vậy, trước khi thảo luận về việc mua bán carbon có thể thực hiện được ở Việt Nam hay không, chúng ta sẽ cùng thảo luận về hai nhiệm vụ khác của Bộ TN&MT.
Đại tu tổ máy số 3 của nhà máy nhiệt điện Phú Mĩ. Nguồn: EVN.
Nhiệm vụ đầu tiên là Thiết lập hệ thống kiểm kê hai loại phát thải khí nhà kính quốc gia. Loại thứ nhất là phát thải có khuếch tán (diffuse emissions) – loại khí thải sinh ra từ rất nhiều nguồn phát nhỏ khác nhau, ví dụ như xe máy. Loại thứ hai là phát thải tập trung (concentrated emissions) từ một lượng nhỏ của các nguồn phát thải lớn, ví dụ như các nhà máy nhiệt điện. Do đó, việc kiểm kê sẽ dựa trên hai cơ chế. Đối với phát thải khuếch tán, các Bộ chịu trách nhiệm về Công nghiệp và Thương mại, Giao thông vận tải, Nông nghiệp, Xây dựng, Sử dụng đất và lâm nghiệp sẽ lập bản kiểm kê trong ngành của mình, thu thập các dữ liệu khí nhà kính từ UBND các tỉnh, sau đó tổng hợp và báo cáo cho Bộ TN&MT. Đối với phát thải tập trung, Bộ TN&MT sẽ lập danh sách các đơn vị phát thải lớn, và các cơ sở này sẽ phải báo cáo trực tiếp cho Bộ TN&MT.
Khi hệ thống này hoạt động, nó sẽ cải thiện đáng kể kết quả kiểm kê so với phương pháp kiểm kê hiện nay. Báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia mới nhất đã được thực hiện vào năm 2014, và chủ yếu dựa vào số liệu thống kê quốc gia. Song, nếu áp dụng hệ thống mới, việc kiểm kê ít nhất sẽ dựa trên dữ liệu sơ cấp đối với các đơn vị phát thải lớn, và sẽ phải thực hiện mỗi hai năm một lần.
Nhiệm vụ thứ hai là Thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) cho các đơn vị phát thải carbon lớn. Theo dự thảo nghị định hiện nay, các cơ sở phát thải lớn được định nghĩa là các cơ sở thải ra nhiều hơn 3.000 tấn CO2 tương đương mỗi năm. Và theo một danh sách sẽ được công bố vào năm 2022, các cơ sở này còn bao gồm:
● Các cơ sở trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, vận tải hoặc xây dựng có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 nghìn tấn dầu tương đương (TOE) trở lên.
● Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên (khoảng 180 tấn/ngày) và các trang trại chăn nuôi có số lượng đầu con từ 500 trở lên.
Danh sách này của Bộ TN&MT trùng khớp với danh sách của Bộ Công thương về các cơ sở sử dụng năng lượng chính yếu, bao gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các đơn vị vận tải sử dụng trên 1000 TOE mỗi năm. Tổng số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong năm 2019 là 3.006 cơ sở, bao gồm 2.441 cơ sở công nghiệp, 15 cơ sở nông nghiệp, 84 cơ sở giao thông vận tải và 466 cơ sở xây dựng. Nhưng tuy không bao gồm các cơ sở xây dựng tiêu thụ từ 500 TOE đến 999 TOE mỗi năm như danh sách của Bộ Công thương, danh sách của Bộ TN&MT lại bao gồm cả các nhà máy nhiệt điện cũng như các cơ sở quản lý chất thải cũng như các nông trại lớn – vốn là nguồn phát thải khí metan.
Khi so sánh hệ thống thống kê và dữ liệu khí nhà kính của Bộ TN&MT với hệ thống thống kê và dữ liệu năng lượng của Bộ Công thương, chúng ta thấy cả hai đều là những sự cải tiến về năng lực quản lý nhà nước, trong đó đòi hỏi những nỗ lực ở quy mô quốc gia cùng với nhiều sự hợp tác quốc tế theo Công ước khung về Khí hậu. Song, Bộ TN&MT có lẽ đã tiến bộ hơn Bộ Công thương về kiểm kê bởi họ đã thực hiện ba báo cáo kiểm kê kể từ Thông báo quốc gia đầu tiên của Việt Nam gửi Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu vào năm 2003, và Bộ TN&MT được ủy quyền hợp pháp để thu thập dữ liệu từ các bộ khác. Tuy nhiên, Bộ Công thương có lẽ lại tân tiến hơn trong việc báo cáo và xác minh, do kiểm toán năng lượng đã là hoạt động bắt buộc kể từ khi có luật sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm từ năm 2010.
Có thể thấy rõ ràng có những cơ hội cho việc hợp tác. Và các ngành công nghiệp lớn sẽ được hưởng lợi khi giải quyết được cả hai vấn đề về hiệu quả năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính cùng một lúc, dù cho họ có phải báo cáo cho hai bộ khác nhau.□