Kiểm soát dịch COVID-19: So sánh câu chuyện của Việt Nam và Đức

Việc kiểm soát COVID-19 ở Việt Nam từng được coi là một hình mẫu mà Đức nên học hỏi. Tuy nhiên gần đây, Việt Nam đang phải chịu một làn sóng bùng phát dịch khủng khiếp. Trong khi đó, ở Đức, số ca nhiễm và tử vong lại bắt đầu tăng nhanh trở lại. Trong bài viết, chúng tôi sẽ phân tích những nhân tố đằng sau điều này và so sánh sự thay đổi của hai quốc gia. Phần một của bài viết đưa đến một bức tranh chung và thời kì đầu của đại dịch. Với Việt Nam, tức là trước thời điểm khoảng 1/4/2021. Với Đức, “thời kì đầu” kết thúc vào ngày 27/6/2021. Còn phần hai là những gì xảy ra ở sau thời kì đầu này.


Y bác sĩ từ miền Bắc chi viện cho các tỉnh phía Nam đang bùng dịch. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Việt Nam, phần 1: Vào 23/1/2020, người đầu tiên bị nhiễm virus Sars-CoV-2 đặt chân đến một sân bay ở Việt Nam. Khởi đầu từ việc Bộ Y tế nhận thức được một dịch bệnh mới có thể đang tồn tại, một Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch được thành lập để xác lập và thực thi các biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Tôi và đồng nghiệp người Đan Mạch đã mô tả những biện pháp này một cách chi tiết, và đã đăng trên Tia Sáng (xem tài liệu tham khảo I). Những biện pháp này có thể gọi là mang đậm tính địa phương. Một mặt nó bao gồm một quy trình ví dụ như tuyên truyền các thông tin chung, cách ly tập trung với những người từ nước ngoài đến Việt Nam, đeo khẩu trang v..v, tức là coi tất cả mọi người đều như nhau trong phần lớn dân số. Mặt khác, có một hệ thống thông tin được cá nhân hóa, chính là các đội Dân quân tự vệ, gõ cửa khắp các nhà và yêu cầu người dân cần phải làm gì dựa trên điều kiện và kinh nghiệm của riêng họ. Hệ thống này còn được “gia cố” bằng cách thức xét nghiệm, truy vết và các quyết định điều trị hiệu quả. Kết quả là, từ 23/1/2020 đến 1/4/2021, số lượng ca nhiễm COVID-19 trung bình mỗi ngày chỉ khoảng bằng một bàn tay và hầu hết các ngày đều không có ca tử vong nào. Thế rồi, số ca mới và tử vong bắt đầu tăng đáng kể và thậm chí là nhanh chóng kể từ 1/5 trở đi. Chỉ riêng ngày 4/9/2021, cơ quan y tế công bố có 9.521 ca mắc mới và 347 ca tử vong.

Đức, phần 1: Ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Đức được ghi nhận là vào khoảng 24/1/2020. Có nhiều khía cạnh xã hội đa dạng và phức tạp ảnh hưởng tới cách mà Đức kiểm soát đại dịch  COVID-19. Trong đó, không thể không kể đến lĩnh vực Y tế công cộng (bao gồm cả quản trị Y tế). Ngoài ra còn có những khía cạnh khoa học cơ bản như dịch tễ học, virus học và miễn dịch học. Bên cạnh đó còn có cả Y tế điều trị. Rồi còn khía cạnh về tài chính, gồm bảo hiểm Y tế và các quỹ để chi trả cho những rủi ro gây ra bởi đại dịch. (xem tài liệu tham khảo II)

Những khía cạnh khoa học cơ bản ở Đức đã rất phát triển và đủ để đối diện với tình huống dịch bệnh như COVID-19. Điều đó có lẽ cũng đúng với khía cạnh Y tế điều trị và tài chính. Nhưng riêng Y tế công cộng là một thiếu sót, đặc biệt là thiếu một hệ thống quản trị y tế nhất quán nên nó đã dẫn đến tình trạng thảm họa COVID-19 ở thời kì đầu. Nào hãy đi vào chi tiết.

Đức là một hợp chủng quốc gồm 16 “bang”. Một Bộ trưởng bộ Y tế của Chính phủ Liên bang được bổ nhiệm khoảng ba năm trước khi COVID-19 xuất hiện. Bằng cấp chính của người này là ngân hàng. Ở thời kì này, lịch sử của rất nhiều dịch bệnh trước đây đã quá quen thuộc trong cộng đồng khoa học Đức, đặc biệt là trong khối những nhà virus học. Chẳng hạn vào năm 2002, virus gây “Hội chứng suy hô hấp cấp nặng” (SARS) có nguồn gốc từ động vật xuất hiện ở Trung Quốc và Canada được tạo nên từ virus SARS-CoV-1. Bởi vậy, ai cũng hiểu rằng, một dịch bệnh hay thậm chí là một đại dịch tương tự sẽ xuất hiện trong một tương lai không xa. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang không nỗ lực để đưa ra những giải pháp để đối phó khi điều đó xảy ra. Đồng thời, ông ấy cũng không thành lập “Ban chỉ đạo liên bang” để kiểm soát dịch bệnh. Ông ấy chỉ đề xuất một vài hành động vụn vặt.

Cấu trúc liên bang của Đức còn khiến bối cảnh thêm phần rắc rối. Mỗi bang có một chính quyền riêng và trong chính quyền đó lại có một bộ, chuyên trách hoặc phụ trách một phần lĩnh vực y tế. Không một bộ nào trong số đó thành lập Ban chỉ đạo hoặc ít nhất là đưa ra những chỉ dẫn thống nhất mà không thay đổi xoành xoạch. Những chỉ dẫn từ Bộ Y tế Liên bang và từ Bộ Y tế từng bang hoàn toàn không có mối liên hệ gì với nhau. Cuối cùng, rất nhiều thành phố hay tỉnh có “Sở y tế” riêng, đành phải tự đưa ra chính sách của mình, hoàn toàn độc lập với những chỉ dẫn nói trên.


Tiêm vaccine ở thành phố Hồ Chí Minh.

Với tình hình như vậy, rất nhiều chính trị gia, nhà khoa học và các “chuyên gia tự phong” và cả công dân, đều đề xuất giải pháp của họ trên đủ loại phương tiện truyền thông sau thời điểm 24/1/2020. Những ý kiến này thường mâu thuẫn nhau hoặc thậm chí những người này còn mâu thuẫn với chính mình. Chiến lược của các cơ quan chính trị của Liên bang hoặc của từng bang hay ở mức hành chính hơn nữa, như đã nói ở trên, thường phải chịu áp lực từ các nhóm lợi ích chính trị và kinh tế. Ít nhất có hai viện nghiên cứu ở cấp liên bang, theo lý thuyết là hoạt động độc lập với Bộ Y tế Liên bang và thực hiện các nhiệm vụ do Bộ chỉ đạo. Một trong hai viện nghiên cứu đó là Viện Robert Koch ở Berlin. Nhiệm vụ của viện này từ trước đến nay là xử lý và biên tập dữ liệu về số lượng ca nhiễm và tử vong do COVID-19. Viện thứ hai là Viện Virus đặt tại trung tâm điều trị và nghiên cứu y tế Charité tại Berlin. Họ liên tục đưa ra những nhận xét và lời khuyên chính đáng và hữu ích dựa trên nền tảng khoa học. Nhưng với tình trạng thiếu nhất quán trong các quyết định của chính phủ liên bang, những đề xuất của Viện Virus hẳn không thể tránh khỏi việc thi thoảng bị truyền đạt không hiệu quả như mong đợi.

Giờ thì ta hãy nhìn vào sự biến đổi của dịch COVID-19 trong bối cảnh đó. Vì số lượng các ca tử vong phụ thuộc rất lớn vào tình trạng hệ thống bệnh viện, giờ chúng ta nên nhìn vào sự tiến triển của số lượng các ca nhiễm. Chúng tôi thường đếm ca nhiễm mỗi ngày. Để đưa đến cho người đọc một xu hướng chung, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng cái nhìn toàn cảnh của toàn bộ giai đoạn từ khi dịch bệnh khởi phát vào ngày 24/1/2020 đến 4/9/2021. Số ca tăng giảm liên tục qua nhiều làn sóng dịch. Làn sóng đầu tiên là ở thời điểm 2/4/2020 với số ca nhiễm đỉnh điểm là 6.615 ca/ngày rồi giảm dần. Sau đó có một thời gian dài mà số ca mỗi ngày vào khoảng vài trăm ca. Một làn sóng mới khác bắt đầu vào 1/10/2020. Nó đạt đỉnh đầu tiên vào ngày 16/12/2020 với 32.744 ca một ngày và đỉnh thứ hai vào ngày 28/4/2021 với số ca nhiễm là 28.263 ca. Sau khi số ca giảm dần đến 336 ca nhiễm một ngày vào 27/6/2021, một làn sóng mới lại bắt đầu. Vào 4/9 vừa qua, số ca là 18.170 ca.

Số lượng ca mỗi ngày trên toàn liên bang là tổng số ca của tất ca các bang. Tuy nhiên, số ca mỗi bang rất khác nhau theo xu hướng rất kì lạ. Kể cả giữa các tỉnh và thành phố trong một bang, số ca nhiễm cũng phân bổ cũng rất khác nhau. Số ca nhiễm ở nơi này có thể rất cao nhưng ở ngay địa điểm giáp ranh lại có thể cực thấp. Điều này dĩ nhiên một phần là bởi những yếu tố nằm ngoài hệ thống y tế công cộng như là yếu tố kinh tế, mật độ dân số hoặc đơn giản là khí hậu và địa hình. Tuy nhiên, sự khác biệt của hành động hoặc thiếu hành động của Quản trị Y tế công cộng ở khắp nơi mới đóng vai trò cốt lõi. Hai thành phố sát gần nhau có thể áp dụng những nguyên tắc và chỉ dẫn cực kì khác nhau.

Chúng ta cũng đã chứng kiến bên cạnh sự khác nhau giữa các địa điểm, còn có sự khác nhau về số lượng ca nhiễm ở các thời điểm. Ở phần 1 này chúng ta chỉ nói về kết quả của những giải pháp kiểm soát được áp dụng trong ranh giới nước Đức. Còn số ca tăng chóng mặt kể từ thời điểm tháng 6/2021 chủ yếu là vì di chuyển xuyên biên giới, và tôi sẽ đề cập đến nó trong phần 2.

Theo dõi một ổ dịch là một trong những biện pháp được áp dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, các ổ dịch được định nghĩa theo địa điểm xuất hiện của các ca, và bởi vậy nó lên xuống thất thường. Thực ra cách hiệu quả hơn là kiểm soát dịch bệnh trong một khu vực được xác định bởi biên giới địa lý hoặc hành chính (mà chúng tôi gọi khái niệm khu vực này là “tổ dịch”).

Rất nhiều phương pháp kiểm soát dịch khác được áp dụng ở Đức trước khi làn sóng vào tháng 6/2021 bùng phát. Như chúng tôi đã chỉ ra, cách cơ quan hành chính và y tế ở các địa phương quyết định theo nhiều cách khác nhau và thậm chí là các cách vô lý. Chúng ta có thể dễ dàng mô tả các quyết định đó dựa trên đối tượng mà nó hướng tới. Những kiểu quy tắc như “làm tại nhà” là hướng tới các trường học và các nhóm người đi làm ở một số lĩnh vực nhất định. Đối với phần lớn người dân, những biện pháp như đeo khẩu trang, xét nghiệm, giữ khoảng cách không được chú trọng cho lắm. Đóng cửa vô số các cửa hàng như quán ăn hoàn toàn có lẽ là một biện pháp quá khắc nghiệt. Ở một vài thành phố, quán ăn, rạp chiếu phim và những dịch vụ tương tự vẫn được phép hoạt động ở một giới hạn nhất định, chẳng hạn như nhân viên ở đó đã được xét nghiệm âm tính ngay trước đó, hoặc đã bị nhiễm, hoặc đã được tiêm đủ mũi vaccine.

Câu chuyện tiêm vaccine dẫn chúng ta đến một trong những đặc trưng của cách chống dịch COVID-19 ở Đức, gọi là các Chương trình tiêm chủng. Một số tỉnh và thành phố ở Đức đã tổ chức các chương trình này rất tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, chương trình này cũng rất khác nhau ở các địa điểm khác nhau. Nhưng Bộ Y tế Liên bang thì chưa bao giờ quan tâm đến vấn đề chiến lược tiêm chủng nhất quán với virus SARS-CoV-2 mặc dù “Ủy ban Tiêm chủng” (STIKO) trước đây, được thành lập năm 1972 gắn liền với Viện Robert Koch là để nhằm mục đích này. Chương trình tiêm chủng ở Đức sử dụng chủ yếu vaccine BioNTech, được phát triển bởi một công ty của Đức và sản xuất bởi Pfizer tại Mỹ. Vào ngày 27/6/2021, 37,7% dân số được báo cáo là đã tiêm hai mũ đầy đủ.

Tiêm chủng cho một cá nhân có hai mục đích chính: để bảo vệ người được tiêm khỏi nhiễm bệnh hoặc nếu nhiễm thì không bị trở nặng; và để tránh lây bệnh cho người khác. Hơn nữa, có một ý tưởng mơ hồ ban đầu về việc tiêu diệt dịch bệnh bằng “hiệu ứng miễn dịch cộng đồng”, hướng tới một tác động đến phần đông dân số, chứ không phải một cá nhân. Tuy nhiên thực tế thì ý tưởng này dựa trên một mô hình toán học vốn chứa rất nhiều biến số không thể lường trước, và bởi vậy nó có rất ít giá trị (để biết thêm chi tiết có thể xem Tài liệu tham khảo I).

Đến đây thì chúng ta không cần nói thêm gì về miễn dịch cộng đồng và biến chủng mới của virus nữa.

Bây giờ chúng ta sẽ phân tích và cố gắng so sánh những tiến triển “mới” của dịch COVID-19 ở Việt Nam và ở Đức. Tôi xin nhắc lại là phần này ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 4/2021 và ở Đức là khởi đầu sau tháng 6/2021.

Việt Nam, phần 2: Thời kì đầu dịch bệnh, các thông tin tiếng Việt về sự tiến triển của dịch bệnh ở Việt Nam rất nhanh, chính xác và hoàn thiện, xuất phát từ các nguồn chính thống qua Ban chỉ Đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh từ Bộ Y tế. Từ khi bắt đầu có sự tăng nhanh của các ca nhiễm và tử vong, xuất hiện vai trò của các nguồn tin khác, trong đó là báo chí. Ngoài ra, còn có thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của thành phố.

Khi kết nối thông tin từ tất cả các nguồn tin, một bối cảnh mới xuất hiện sau tháng 4/2021. Thứ nhất, ban đầu chiến lược chống dịch trước đây phần lớn đã bị buông lỏng. Thứ hai, về sau lại xuất hiện những biện pháp kiểm soát vô cùng chặt chẽ do làn sóng các ca nhiễm và tử vong mới dâng lên quá nhanh. Thứ ba, vai trò của vaccine trong việc kiểm soát COVID-19 chưa được nhận thức đúng đắn.

Về nhận định đầu tiên, mọi người trong nước được cho phép di chuyển theo hướng ít kiểm soát hơn, chẳng hạn như được đi biển thoải mái. Nhiều người trở về thiếu kiểm soát từ biên giới Campuchia dâng cao. Đổi lại, vấn đề của nhận định thứ hai, bắt đầu bằng những biện pháp rất khắt khe: thay vì hai tuần cách li tập trung, giờ trở thành ba tuần; không cho phép nhập cảnh vào Việt Nam theo đường hàng không. Những biện pháp này bắt đầu được thực thi từ tháng tám trong một bối cảnh rất khác. Thủ tướng Phạm Minh Chính, tuyên bố rằng có một “bước ngoặt” trong áp dụng chiến lược chống dịch, mục tiêu bây giờ không phải là quét sạch dịch bệnh mà là “Sống cùng với COVID-19”. Chiến lược này diễn ra đồng thời với khẩu hiệu “Ai ở đâu hãy ở yên đó!” – nghĩa là hoàn toàn không rời khỏi nhà. Nhưng mỗi nơi ở Việt Nam lại áp dụng chiến lược này một kiểu. Thứ ba, tại sao tất cả các biện pháp trên lại chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, trái ngược hoàn toàn với những gì diễn ra trước tháng 4/2021? Rất khó để trả lời câu hỏi này một cách cân bằng. Chúng tôi đã chỉ ra rằng những biện pháp thành công ở thời kì đầu không còn được áp dụng nữa. Những biện pháp mới không được thực thi hoặc xuất hiện quá muộn màng. Các chủng mới của virus xuất hiện. Và cuối cùng, nó dẫn chúng ta đến nhận định thứ tư, Bộ Y tế không thực sự nhận thức đúng đắn về mục đích của vaccine trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng như quy trình để thiết kế và tổ chức chiến dịch tiêm chủng.

Nhận định này xứng đáng cần phải nói thêm. Trong những tuyên bố đầu tiên về tiêm chủng, Bộ Y tế thậm chí không xác định mục tiêu khả thi là gì: Đó là để chiến đấu với dịch bệnh đang diễn ra hay là ngăn chặn làn sóng mới trong tương lai? Thứ hai, khi không còn cách nào nữa ngoài việc tiêm chủng, thì chưa có gì được chuẩn bị. Các cơ quan y tế của Việt Nam bởi vậy dựa vào chương trình COVAX của WHO, vốn để cung cấp các vaccines phù hợp cho các nước đang phát triển. Thật không may, nó không phù hợp với Việt Nam. COVAX chỉ có thể cung cấp một lượng vaccine rất hạn chế. Hơn nữa, nguồn cung của COVAX phần lớn là vaccine AstraZeneca có hiệu lực không cao. Dù là nước thu nhập trung bình thấp, Việt Nam là một quốc gia phát triển trên nhiều lĩnh vực chẳng hạn như hệ thống giáo dục, đời sống tri thức và vị thế chính trị ở khu vực Nam Á, đáng lẽ ra Việt Nam phải nghĩ tới việc mua và đa dạng hóa nguồn vaccine ngay từ đầu. Giờ đây, Việt Nam mới bắt đầu điều chỉnh chiến lược vaccine dựa trên một nền tảng vững chắc hơn. Các cơ quan y tế của Việt Nam đang tìm kiếm các vaccine khác được phát triển, hoặc trong quá trình phát triển ở các nước khác nữa. Bên cạnh đó, một số khía cạnh của chiến lược tiêm chủng của Việt Nam như phân bổ theo độ tuổi vẫn cần phải được điều chỉnh.


Đức đã gỡ bỏ hạn chế du lịch vào tháng 6 vừa qua. Ảnh: France24.

Đức, phần 2: Thoạt nhìn, số ca nhiễm mỗi ngày đột ngột và vẫn tiếp tục gia tăng ở Đức sau ngày 27/6/2021 có vẻ rất khó hiểu. Một loạt các chương trình tiêm chủng vẫn tiếp diễn, mặc dù thường được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau. Vào 7/9, khoảng 62% dân số Đức được tiêm đủ hai mũi. Các biện pháp được mô tả ở phần 1 đang được áp dụng trở lại, theo thói quen khá hỗn loạn.

Để hiểu điều gì đang diễn ra, chúng ta cần phải nhìn ra ngoài biên giới nước Đức. Các kì nghỉ bắt đầu ở thời điểm cuối tháng chín. Mọi người muốn di chuyển tới những địa điểm du lịch khắp châu Âu. Những hạn chế di chuyển qua biên giới Đức chưa bao giờ chặt chẽ, nhưng giờ đây, để vừa lòng ước muốn của dân du lịch, nó hoàn toàn được gỡ bỏ, cũng như các kiểm soát dịch bệnh ở biên giới. Rất nhiều người đi du lịch bị nhiễm COVID-19 khi ở nước ngoài, mang nó quay trở lại trong nước và lây nhiễm cho người khác.

Việc kiểm soát dịch bệnh như COVID-19 phải được dẫn dắt ngay từ đầu bởi khoa học, chứ không phải bởi chính trị.

——-

Cảm ơn đóng góp vào bài viết của:

Nguyễn Xuân Xanh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

Helga Zeile, Thành phố Bielefeld, Đức

 

Hảo Linh dịch

*Tít bài trên báo in là do tòa soạn đặt

 

Tài liệu tham khảo:

Biến động và kiểm soát COVID – 19: Ý kiến của hai nhà toán học. Phần 1: http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Bien-dong-va-kiem-soat-COVID–19-Y-kien-cua-hai-nha-toan-hoc-Phan-1-28295, Phần 2: http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Bien-dong-va-kiem-soat-COVID-Y-kien-cua-hai-nha-toan-hoc-phan-2-28327

2 “Sự chuẩn bị sớm cho COVID-19”. Bài báo được gửi cho Viện Hàn lâm Quốc gia Đức nhưng chưa được chấp nhận đăng tải. Nếu ai muốn đọc bản thảo của tài liệu này có thể viết email cho [email protected].

Tác giả

(Visited 28 times, 1 visits today)