Kinh tế chăm sóc trong bối cảnh già hóa dân số nhanh: Cơ hội ở đâu?

Chúng ta đã chuẩn bị được những gì cho ba thập niên tới khi mà Việt Nam có hơn 30 triệu người cao tuổi và chiếm khoảng 25% dân số cả nước? Liệu đây có hoàn toàn chỉ là thách thức?

Nền kinh tế chăm sóc

Có lẽ, bấy lâu nay chúng ta đã quen với cụm từ “dân số vàng” thường được nhắc đi nhắc lại ở rất nhiều không gian khác nhau, cả học thuật lẫn truyền thông, đến mức ít ai để ý đến một thực tế là cách đây một thập kỷ, Việt Nam đã bắt đầu chớm bước vào giai đoạn già hóa dân số (là khi tỷ lệ người cao tuổi – những người từ 60 tuổi trở lên – chiếm 10% tổng dân số). Thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, Việt Nam sẽ có gần 30 triệu người cao tuổi trong vòng gần ba thập kỷ tới (cao gấp 2,5 lần hiện nay) và chiếm 25% tổng dân số, tức là cứ bốn người Việt thì có một người từ 60 tuổi trở lên. Phân tích của Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc với dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở và Dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019-2069 cho thấy số người thuộc nhóm trung lão (70-79 tuổi) và đại lão (từ 80 tuổi trở lên) sẽ tăng mạnh và gắn liền với nó là nhu cầu chăm sóc rất lớn.

Vậy tình trạng già hóa dân số có tác động như thế nào đến xã hội Việt Nam? Đó có phải chỉ đơn thuần là thách thức về việc suy giảm lực lượng lao động và sự gia tăng số người cần chăm sóc cả về sức khỏe, tâm lý? Nếu xét thuần túy về mặt kinh tế thì sự suy giảm về lực lượng lao động quả thật là thách thức bởi già hóa đồng nghĩa với việc lực lượng lao động của Việt Nam sẽ giảm gần một phần trăm mỗi năm liên tục trong suốt ba thập kỷ tới, tạo ra những cơn gió ngược bất lợi đối với nỗ lực duy trì sự tăng trưởng kinh tế dựa vào nguồn lao động giá rẻ. Trong giai đoạn dân số trẻ, tính từ khi mở cửa đến năm 2018, bất chấp năng suất thấp, Việt Nam tăng trưởng tốt nhờ vào việc duy trì liên tục khoảng 20 triệu người trong độ tuổi thanh niên và làm cho lực lượng lao động của Việt Nam tăng gần gấp đôi. Chúng ta nên nhớ là khi đó, người cao tuổi chỉ chiếm chưa tới 10% tổng dân số.

Khi lực lượng lao động suy giảm thì một tương lai ảm đạm sẽ tới? Bức tranh sẽ không chỉ có màu xám, GS.TS Giang Thanh Long (Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế Quốc dân) – người phân tích dữ liệu và viết cuốn sách chuyên khảo Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam được xuất bản vào năm 2021, nhận xét: “Già hóa đâu chỉ mang lại thách thức cho nền kinh tế; ngược lại nó cũng đem lại cơ hội mới mà chúng ta có thể tận dụng – đầu tư và hưởng lợi từ nền kinh tế chăm sóc (care economy)”. Nền kinh tế chăm sóc ư? Đúng vậy, chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội từ đó, nếu nhìn vào chính nhu cầu của người cao tuổi – những người cần đến rất nhiều dịch vụ chăm sóc (tâm lý, xã hội, y tế…). Nói một cách nôm na thì nền kinh tế chăm sóc sẽ được hình thành trên hệ thống các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Phát triển một nền kinh tế chăm sóc đòi hỏi toàn bộ hệ thống phải nhìn bằng “hệ quy chiếu người già” một cách hết sức chi tiết và cụ thể với những nghiên cứu khoa học bài bản sao cho phù hợp nhất với chăm sóc người già.

Xét từ góc độ góc độ đầu tư trong kinh tế, với mức thu nhập ngày càng tăng và kinh tế ngày càng phát triển, những thách thức đòi hỏi phải có hệ thống chăm sóc phù hợp cho một cơ cấu dân số mới cũng chính là những cơ hội cho việc phát triển các dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam. “Đây là một nền kinh tế mang lại giá trị rất lớn mà chúng ta chưa nhìn thấy hết tiềm năng. Dữ liệu từ các cuộc khảo sát cho thấy nhu cầu rất lớn và ngày càng tăng theo mỗi năm. Đơn cử chỉ cần nhìn vào số lượng người cao tuổi hiện nay, trong đó nhóm có nhu cầu chăm sóc nhưng chưa được đáp ứng là gần 800.000 người thì chúng ta đã đủ hình dung về quy mô nền kinh tế này cũng như số lượng việc làm mà nó có thể tạo ra”, GS.TS Giang Thanh Long cho biết. Ước tính trong nền kinh tế chăm sóc, cứ tập trung chăm sóc một người cao tuổi sẽ tạo ra ba việc làm mới.

Có một lợi điểm là nếu tập trung vào phát triển nền kinh tế chăm sóc, Việt Nam không chỉ giải quyết vấn đề nội tại của mình là đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người già trong nước mà còn có thể trở thành một ngành thu về ngoại tệ, đó là góc nhìn của TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI). “Chúng ta có thể ‘nhập khẩu người già’ về chăm sóc vì xu hướng dân số nhiều quốc gia đang già hóa nhanh chóng. Việc chăm sóc vài triệu người già từ nước ngoài có thể đem lại hàng trăm tỉ USD cho Việt Nam nên chúng ta có thể sẽ không cần dựa vào các công xưởng sản xuất thâm dụng lao động với giá trị gia tăng thấp. Tại sao chúng ta cứ phải chỉ tập trung vào sản xuất mà không định vị lại nền kinh tế của mình khi thế giới đang thay đổi?”, TS. Tùng phân tích.

Dường như câu chuyện về nền kinh tế chăm sóc đang mở ra những hướng đi tích cực nếu Việt Nam coi đó là một cơ hội để giải quyết được vấn đề của mình. TS. Phùng Đức Tùng phân tích thêm là nhờ vào khí hậu nhiệt đới, dải ven biển miền Trung kéo dài và nhiều khu vực thiên nhiên còn nguyên sơ, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế so sánh mạnh trong nền kinh tế này so với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước phát triển trong vành đai khí hậu ôn đới lạnh giá về mùa đông, có dân số già rất cần chăm sóc và có khả năng chi trả cao nhưng lại thiếu nhân lực chăm sóc.

Nền kinh tế chăm sóc đòi hỏi các thiết kế theo “hệ quy chiếu người cao tuổi”, chẳng hạn phải thiết kế lối đi phù hợp với người cao tuổi.

Điều kiện thứ hai để Việt Nam tập trung vào nền kinh tế chăm sóc có là nguồn lực con người. “Trong nền kinh tế chăm sóc thì nguồn lực con người vẫn là số 1. Có thể thiếu cái này cái kia nhưng con người vẫn là yếu tố đầu tiên. Không có người được đào tạo thì kinh tế chăm sóc sẽ thất bại” – GS.TS Giang Thanh Long nói. Về cấu trúc dân số, theo dự báo thì Việt Nam vẫn còn thời kỳ dân số vàng trong khoảng 15 năm nữa. Hiện nay có 19 triệu người từ 16 đến 29 tuổi (thanh niên). Trong 20 đến 30 năm tới, dự báo nhu cầu chăm sóc thực sự bùng nổ do lượng người cao tuổi tăng mạnh, trong khi nhóm thanh niên hiện nay bước sang tuổi trung niên và cận cao tuổi thì họ vẫn là nguồn lao động dồi dào cho nền kinh tế chăm sóc.

Nền kinh tế chăm sóc cũng là lời giải cho những lo lắng về một tương lai dư thừa những lao động có kỹ năng, chuyên môn thấp, không thể đáp ứng yêu cầu của một nền sản xuất đã phát triển theo hướng tự động hóa và sử dụng AI. Trong những cuộc trao đổi với Tia sáng, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, khi robot, AI ngày càng tham gia vào đời sống và có thể tiến dần thay thế người lao động trong các nhà máy thì sự quan tâm chăm sóc giữa con người với con người là thứ không loại robot và AI nào có thể thay thế được. “Mối quan hệ giữa con người với con người, sự chăm sóc ân cần, chu đáo là điều các thuật toán không thể lấp đầy” – GS. Nguyễn Tiến Dũng, sáng lập Công ty Trí tuệ nhân tạo Torus AI, chia sẻ trong một cuộc tọa đàm gần đây.

Mặt khác, việc phát triển nền kinh tế chăm sóc cần dựa trên một nền tảng quy định và chính sách hoàn thiện về người cao tuổi. Đây cũng là điều mà Việt Nam sẵn có: một tập hợp các chính sách với đầy đủ các loại luật cần thiết, đặc biệt là Luật Người cao tuổi. Một số bộ luật khác, tuy không tập trung vào người cao tuổi nhưng lại có rất nhiều nội dung và quy định ràng buộc liên quan như Luật Bảo hiểm Y tế với các mục chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, chi trả khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế… Để tăng phần hiệu lực của các bộ luật, rất nhiều nghị định không chỉ cụ thể hóa các nội dung, nguyên tắc trong chăm sóc người cao tuổi mà còn có quy định có liên quan về nhân lực (như về nhân viên công tác xã hội…). Dẫu còn nhiều điều phải nói về một số vướng mắc trong thực thi các quy định này nhưng bệ đỡ chính sách cho nền kinh tế chăm sóc của Việt Nam đã được hình thành.

Nếu nhìn vào những yếu tố này, chúng ta có thể hy vọng vào một nền kinh tế chăm sóc không?

Xây dựng nền kinh tế nhân văn

Phải lưu ý một điều rằng nền kinh tế chăm sóc mang lại giá trị tỉ USD, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người không phải phút chốc mà thành, trong khi khái niệm kinh tế chăm sóc vẫn chưa được quan tâm và vì thế mà việc chuẩn bị cho nền kinh tế này vẫn còn là điều xa lạ đối với Việt Nam. Chúng ta có thể thấy nền tảng cơ sở hạ tầng cho nó vẫn còn quá sơ khởi. Cả nước mới chỉ có khoảng ba chục cơ sở chuyên biệt để chăm sóc người cao tuổi, các cơ sở bảo trợ xã hội công lập hầu hết không có khu chuyên biệt cho chăm sóc người cao tuổi, và các mô hình chăm sóc tại cộng đồng, chăm sóc tại nhà còn rất manh mún ở vài thành phố lớn.

Nhìn sâu vào dữ liệu dân cư, không chỉ các thành phố lớn có mật độ dân số rất đông như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mới có thể phát triển kinh tế chăm sóc, mà tất cả các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh di cư nhiều, dẫn tới mô hình gia đình khuyết thế hệ (skipped-genenation families), tỉ lệ người cao tuổi trong dân số có xu hướng tăng lên mạnh… đều có thể phát triển nhưng lâu nay vẫn “lãng quên” nhu cầu chăm sóc của người cao tuổi. “Nhiều gia đình di cư đi rất muốn chăm sóc bố mẹ ngay tại quê nhà nhưng không có dịch vụ. Không phải họ không chi trả được mà rất khó tìm dịch vụ phù hợp” – GS.TS Giang Thanh Long nhận định với thông tin từ nhiều cuộc khảo sát về các cơ sở chăm sóc tại các tỉnh. Rõ ràng, nhu cầu được chăm sóc từ người cao tuổi quá lớn và có rất nhiều cơ hội việc làm từ nền kinh tế này nhưng muốn hưởng lợi từ nó thì bắt buộc phải thu hút đầu tư ngay từ bây giờ.

Chúng ta chuẩn bị gì cho một khu vực kinh tế phải có khả năng hấp thụ phần lớn người lao động có trình độ chuyên môn thấp, một khu vực không sợ các kịch bản tự động hóa trong tương lai, một khu vực kinh tế xanh và nhân văn, vừa tạo ra giá trị kinh tế vừa giải quyết các vấn đề xã hội của già hóa? “Khu vực tư nhân sẽ tự nghiên cứu cơ hội thị trường, khả năng chi trả, các loại hình dịch vụ ngay khi nhìn thấy cơ hội đầu tư. Vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước nhìn thấy tiềm năng của nền kinh tế này cũng như trách nhiệm an sinh xã hội và nghiên cứu, chuẩn bị hệ thống chính sách, cơ sở hạ tầng phù hợp hay không?” – GS.TS. Giang Thanh Long bình luận.

Theo GS.TS Long, để thu hút đầu tư tư nhân vào nền kinh tế này thì cần phải xây dựng được ba trụ cột chính, đó là i) có các chính sách thu hút đầu tư vì đương nhiên nguyên tắc là cần phát triển lĩnh vực nào thì ưu đãi cho các hoạt động kinh tế đó; ii) xây dựng hạ tầng kết nối về đường xá, dịch vụ y tế, và iii)  đào tạo nguồn nhân lực. “Nhìn thì chúng ta không thiếu một chính sách nào, từ Hiến pháp tới luật, nghị định… đều nhắc tới việc phát huy và chăm sóc người cao tuổi. Đặc biệt, vào ngày 31/8/2020, Chính phủ đã ra Quyết định số 1336/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025 để thúc đẩy hơn nữa việc phát huy và chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Dù vậy, thực tế vẫn cho thấy còn nhiều lỗ hổng chính sách chưa thực hiện được do ngay cả những khái niệm cơ bản vẫn chưa được thống nhất, ví dụ thế nào là “chăm sóc dài hạn”? bộ, ngành nào chịu trách nhiệm để đưa ra các quy trình, tiêu chuẩn và hướng dẫn cho các cơ sở chăm sóc…. “Chính sách có và ngày càng bao phủ rộng hơn các khía cạnh trong chăm sóc người cao tuổi, nhưng vẫn manh mún, rời rạc trong các khía cạnh nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng…” – GS.TS Giang Thanh Long nói.

Trong khi đó, một nền kinh tế chăm sóc đòi hỏi tầm nhìn đường xa, sự thay đổi chính sách rất lớn cũng như những nghiên cứu bài bản. Phát triển một nền kinh tế chăm sóc đòi hỏi toàn bộ hệ thống phải nhìn bằng “hệ quy chiếu người cao tuổi” một cách hết sức chi tiết và cụ thể với những nghiên cứu khoa học bài bản sao cho phù hợp nhất với chăm sóc người cao tuổi. Ví dụ, xây dựng trung tâm dưỡng lão phải tuân thủ quy định rất ngặt nghèo để tránh mọi rủi ro không đáng có, như hệ thống đường đi cho người cao tuổi có tay vịn như thế nào cho đến độ nhám của sàn, độ thấm hút nước trong nhà vệ sinh… bởi chỉ một cú ngã của người cao tuổi, cái giá phải trả không chỉ là sức khỏe mà còn rất nhiều công sức và kinh phí chăm sóc, thậm chí là tới tính mạng của người cao tuổi. Chăm sóc tại cộng đồng cũng cần rất nhiều nghiên cứu, từ hệ thống di chuyển phù hợp, thông tin liên lạc, hệ thống bác sĩ gia đình… Có biết bao điều chúng ta cần chuẩn bị về những cơ sở hạ tầng, phương pháp chăm sóc, tư vấn tâm lý, các giải pháp về những chứng bệnh lão khoa, dinh dưỡng người cao tuổi… Hầu hết các tổ chức quốc tế đều khuyến nghị những quốc gia phát triển kinh tế chăm sóc là cần phải có chính sách từ trên xuống dưới phải rất hệ thống thì mới có được nền kinh tế chăm sóc thực sự hiệu quả. Do đó, từ người làm chính sách cho đến các cơ sở chăm sóc, cộng đồng hay gia đình… đều phải chuyên nghiệp.

Một trong những điều quan trọng nhất đối với việc đầu tư và khai thác nền kinh tế chăm sóc là phải xuất phát từ mục đích nhân văn. Thoạt nghe thì có vẻ mâu thuẫn với mục tiêu thu lợi nhuận nhưng chúng ta không thể có được lợi nhuận nếu cách hành xử và thiết kế chính sách thiếu nhân văn. “Chúng ta không cần học đâu xa, hãy nhìn ngay cách Thái Lan làm du lịch hưu trí (retirement tours) thì thấy rõ. Ví dụ, tỉnh Chiang Mai đang trở thành trung tâm chăm sóc lớn thu hút người nước ngoài tới dưỡng già vì tỉnh này có sự ưu đãi của thiên nhiên (khí hậu tốt và có vĩ độ như Sa Pa của Việt Nam) và vì thế Chiang Mai xây dựng một hệ sinh thái chăm sóc – tạo việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động từ các nơi đổ về. Hãy hình dung tác động lan tỏa của dịch vụ chăm sóc/dưỡng già này là nó kết nối, thúc đẩy các dịch vụ y tế, mua sắm, giải trí… không chỉ của người cao tuổi mà còn cho con, cháu, người thân của họ” – GS.TS Long phân tích. Ông cũng nhận định rằng, “cơ hội rất nhiều, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Vì thế, nếu để thách thức lấn át hết cơ hội thì mình không có gì, để cho nền kinh tế chăm sóc trở nên èo uột, vẫn cứ phân mảng, cát cứ, chẳng đâu vào đâu”.

Câu chuyện đang diễn ra ở Thái Lan cũng cho thấy một điều: Việt Nam không chỉ còn ít thời gian để chạy đua cho bối cảnh già hóa trong nước và xu hướng tìm dịch vụ chăm sóc đang diễn ra trên thế giới mà càng cần phải chuẩn bị chạy gấp rút vì cuộc cạnh tranh chuẩn bị cho nền kinh tế chăm sóc đã bắt đầu từ nhiều năm. Cư dân các nước giàu ngày càng có nhu cầu nghỉ dưỡng già ở các nước có vùng biển ấm như khu vực Đông Nam Á. Lượng tìm kiếm “retirement visa” (thị thực hưu trí) trên toàn thế giới mỗi tháng khoảng 100.000 lượt, trong đó từ khóa “Retirement visa Thailand” có lượt tìm kiếm nhiều nhất (sử dụng công cụ Keywordtool.io kiểm tra từ khóa vào tháng 4/2023). Trong khu vực ASEAN, lưu lượng tìm kiếm “retirement visa” từ cao đến thấp là Thái Lan > Philippine > Indonesia > Malaysia > Campuchia > Vietnam. Nhận thấy nhu cầu này từ lâu, các nước có đường biển dài và đông dân cư cũng đã nhận ra vai trò kinh tế, xã hội của việc thu hút và chăm sóc người cao tuổi và đang chạy đua cạnh tranh. Hầu hết các nước Đông Nam Á đã nghiên cứu quyết định của người nước ngoài khi tìm nơi nghỉ hưu như chất lượng cuộc sống, chi phí sinh hoạt, tiện ích y tế, an ninh, quy định visa, văn hóa và các hoạt động giải trí… từ đó thực hiện retirement visa thu hút người cao tuổi giàu có từ đến ở, nghỉ dưỡng và chi tiêu.

Những vấn đề sẽ đến trong một tương lai là dù thế nào đi nữa thì chỉ trong vòng 2 thập kỷ tới, với số lượng người cao tuổi cao gấp gần 2,5 lần hiện nay thì nhu cầu chăm sóc, cả về kinh tế, tâm lý, sức khỏe đều rất quan trọng. Điều đó có nghĩa là chúng ta không còn nhiều thời gian để “chọn một dòng hay để nước trôi”. □

——-

Nếu không phát triển được nền kinh tế chăm sóc, chúng ta sẽ vẫn không giải quyết được nhiều nghịch lý “vừa thiếu lại vừa thừa”. Thiếu và thừa thứ nhất là nhiều lao động được xuất khẩu đi các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để chăm sóc nhưng về Việt Nam lại không có “đất dụng võ” khi không thể tìm việc chăm sóc cũng như mức lương tương xứng trong các trung tâm bảo trợ xã hội, còn các trung tâm tư nhân lại không đủ sức hấp thụ hết. Thiếu và thừa thứ hai là nguồn nhân lực trong nước dù dư thừa nhưng lại rất thiếu người được đào tạo kỹ lưỡng bài bản về nghiệp vụ chăm sóc. Thiếu và thừa thứ ba là hiện nay Việt Nam cũng đã có hơn 100 cơ sở chăm sóc cả công lẫn tư (theo Báo cáo Nghiên cứu Thị trường các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi của VCCI và UNFPA vào năm 2021) nhưng thực tế lúc nào cũng thiếu cơ sở chăm sóc chuyên sâu với các mức giá dịch vụ khác nhau. Thực tế cho thấy, chỉ có khu vực tư nhân có dịch vụ chăm sóc chuyên sâu, trong khi các cơ sở bảo trợ xã hội công lập hầu hết còn đang trong tình trạng tập hợp tất cả các nhóm – từ trẻ em tới người cao tuổi, người khuyết tật – chứ không có kỹ năng chuyên sâu riêng về chăm sóc người cao tuổi.

Tác giả

(Visited 101 times, 1 visits today)