Kinh tế Việt Nam đã cất cánh?
Bước vào giai đoạn phát triển mới, được xác định tính chất là giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi căn bản về thế và lực phát triển. Đây là kết quả của quá trình đổi mới và phát triển thành công suốt hơn 20 năm qua.
Việc nhận diện đúng tương quan giữa một bên là thực lực của nền kinh tế và một bên khác là các cơ hội và thách thức phát triển mà quá trình hội nhập mang lại là yếu tố cơ bản để xác định triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn, trên cơ sở đó, hoạch định chiến lược phát triển phù hợp.
Nhiệm vụ đặt ra là xây dựng bức tranh tổng thể của nền kinh tế theo sơ đồ SWOT (strength, weekness, opportunity, thread), trên cơ sở đó, đưa ra dự báo phát triển trung – dài hạn.
1. Không gian phát triển mới: những yếu tố xác định khung khổ chung
Hai yếu tố chính mở rộng không gian phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới là:
1.1. Mức độ sâu rộng của hội nhập quốc tế:
Tại thời điểm hiện nay, cả “thế và lực” hội nhập của Việt Nam đều đang đạt chỉ số rất cao. Đồng thời, có cơ sở để tin rằng đến năm 2010, ba năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thế và lực đó còn được phát huy lên một tầm cao mới. Độ mở cửa, sức hấp dẫn và mức độ kết nối kinh tế của Việt Nam với thế giới tăng lên mạnh mẽ, thể hiện qua các chỉ số: FDI, kim ngạch xuất khẩu, số khách du lịch quốc tế, số TNCs đầu tư vào Việt Nam, đồng tiền chuyển đổi, sự phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ…
Mặt khác, phải thừa nhận rằng trong khoảng 3-5 năm tới, mức độ phù hợp của hệ thống thể chế kinh tế – xã hội – pháp luật của Việt Nam với thế giới sẽ tăng lên nhưng khoảng cách vẫn còn khá lớn.
1.2. Chiến lược biển đi vào triển khai thực hiện.
Chiến lược biển mới được thông qua mở ra một tầm nhìn mới và nạp thêm những nội dung mới vào chiến lược phát triển quốc gia tổng thể. Sự thay đổi về tầm nhìn và nội dung chiến lược như vậy đòi hỏi phải đánh giá lại căn bản thực lực xuất phát của đất nước. Thực lực đó gắn với tư duy chiến lược, với các nguồn lực biển và đại dương và các nguồn lực mà việc thực thi chiến lược biển đòi hỏi phải có. Đây là những đòi hỏi mới, gay gắt và mang tính hệ thống, chưa hề có trong các chiến lược phát triển trước đây.
2. Phân tích SWOT nền kinh tế.
a/ Về các điểm mạnh: Trong số nhiều điểm mạnh cụ thể hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, các điểm mạnh chủ yếu nhất gắn với thế đi lên mạnh mẽ mà quá trình đổi mới mang lại cho một nền kinh tế đi sau. Bảng SWOT trên phác họa các điểm mạnh này theo 3 tuyến chính.
Một là xu hướng đổi mới khách quan không thể đảo ngược đang diễn ra. Quá trình này ở Việt Nam vẫn chưa hoàn thành, thậm chí, đang trong giai đoạn “cao trào” nhờ sự “hội tụ” của xu hướng đẩy mạnh cải cách thị trường trong nước với tiến trình hội nhập quốc tế.
Hai là đà tăng trưởng kinh tế mạnh. Đà tăng trưởng này được hỗ trợ bởi sức thúc đẩy của quá trình cải cách thể chế kinh tế và bởi khả năng kết hợp với xu thế nhảy vọt chất lượng của quá trình phát triển. Quá trình cải cách thể chế đang diễn ra, cộng hưởng với những khuyến khích thị trường mới mẻ tạo động lực phát triển mạnh cho nền kinh tế. Đây là một điểm mạnh rất cơ bản của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Ba là các lợi thế tiềm tàng của nền kinh tế. Vị thế địa – chiến lược1, sự ổn định chính trị – xã hội vững chắc và các tiềm năng phát triển khác (chủ yếu là các lợi thế “tĩnh”) là những điểm mạnh rõ ràng. Quá trình toàn cầu hóa diễn ra càng nhanh, hội nhập quốc tế càng được đẩy mạnh thì vị thế địa – chiến lược của Việt Nam càng nổi rõ. Cộng hưởng với lợi thế đó là sự ổn định chính trị – xã hội vững chắc, yếu tố biến Việt Nam thành điểm đến, là miền đất an toàn của các dòng đầu tư, thương mại và du lịch quốc tế.
Các điểm “mạnh” nêu trên là những điểm mạnh thuộc về xu thế, triển vọng chiến lược. Chúng cấu thành trạng thái xuất phát cơ bản của nền kinh tế nước ta hiện nay.
Nhận định này hàm nghĩa Việt Nam đang trong thời điểm giao thoa các cơ hội lớn. Nếu khai thác tốt tổ hợp sức mạnh này thì về nguyên tắc, nền kinh tế Việt Nam sẽ nằm trong xu thế đi lên vững chắc trong dài hạn.
b/ Về các điểm yếu: Bảng SWOT ở trên phân các điểm yếu của nền kinh tế thành hai loại:
Sự yếu kém về thực lực kinh tế, bắt nguồn từ tình trạng nghèo nàn và kém phát triển của đất nước. Sự thiếu thốn nguồn vốn tài chính, nguồn đất canh tác hạn chế, cơ sở hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực kỹ năng và năng suất lao động thấp… là những biểu hiện cụ thể của loại yếu kém này.
Tình trạng chưa hoàn thành của công cuộc kiến tạo hệ thống thể chế mới. Đây không hoàn toàn là trạng thái “yếu kém” theo nghĩa đen của từ. Chính xác hơn, đây là “sự non yếu” của một thực thể đang trong quá trình “lột xác để trỗi dậy”2. Sự non yếu đó sinh ra từ chính bản thân quá trình chuyển đổi sang một hệ thống mới khi quá trình này chưa hoàn tất, cấu trúc thể chế mới chưa hoàn toàn định hình.
Đặt trong tương quan với yêu cầu và thách thức phát triển to lớn, với các khó khăn của cạnh tranh và hội nhập quốc tế mà nền kinh tế phải đương đầu, dễ nhận thấy sức cản trở to lớn của loại yếu kém này đối với quá trình phát triển. Bằng chứng: sau 20 năm chuyển sang thị trường và tăng trưởng mạnh, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thực sự cất cánh.
Tính chất khác biệt của hai loại điểm yếu gợi ý rằng các giải pháp chính sách “khắc phục” chúng có thể rất khác nhau về phương pháp và hướng tác động. Không phân biệt rõ sự khác biệt này, dễ dẫn đến tình trạng lựa chọn các giải pháp và chính sách đột phá gây xung đột.
Mặt khác, cần thấy rằng tuy các điểm yếu của nền kinh tế là nghiêm trọng, nhưng trong xu thế chung, chúng chỉ là những điểm yếu cụ thể, mang tính thời đoạn, không phải là điểm yếu tổng thể dài hạn.
c/ Về các cơ hội: các cơ hội cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Việt Nam là rất lớn, trong đó, cần nhấn mạnh loại cơ hội đặc thù dành cho các nước đi sau. Đó là khả năng thực hiện những bước nhảy vọt cơ cấu mạnh mẽ (nhảy vọt công nghệ, nhảy vọt cấp độ sản phẩm). Thực tiễn phát triển hiện đại ở nhiều nước đã chứng tỏ khả năng nhảy vọt này.
d/ Về các thách thức. Nhưng trước khi cơ hội có thể biến thành hiện thực thì Việt Nam phải vượt qua hàng loạt thách thức to lớn. Bản chất chung của những thách thức này là Việt Nam không dễ vượt qua được những yếu kém của chính mình trong khi phải đồng thời cạnh tranh với các đối thủ mạnh hơn trong một môi trường mới mẻ và nhiều rủi ro.
Trong nhóm thách thức liên quan đến bối cảnh quốc tế hiện đại, xin nêu 2 thách thức cụ thể.
+ Mối quan hệ giữa một bên là tốc độ vận động cao, tính khó dự đoán và tính dễ bị tổn thương của các quá trình kinh tế thế giới và một bên khác là năng lực phản ứng chính sách còn hạn chế và mục tiêu phát triển nhanh bền vững của Việt Nam.
+ Tình huống phát triển đặc thù: vừa mới chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã phải cạnh tranh ngay với những đối thủ khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ, là những đối thủ mà các nền kinh tế đi trước Việt Nam không hề gặp phải khi họ ở vào trạng thái giống Việt Nam hiện nay. Thách thức này gắn với các nhiệm vụ “bên trong”. Đó là yêu cầu chuyển đổi thể chể nhanh, nâng cấp mạnh mẽ các điều kiện nền tảng của quá trình phát triển theo các đòi hỏi của thế giới hiện đại trong khi nền kinh tế của ta còn nghèo, năng lực có hạn, lại phải giải quyết hệ nhiệm vụ phát triển “kép”: chuyển đổi sang thị trường, hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế hiện đại trong một thời gian có hạn.
Điểm cần đặc biệt lưu ý là trong số thách thức này, có những thách thức mang tính “đối nghịch” hay “lưỡng nan”, ví dụ thách thức “tạo việc nhiều làm mới, đồng thời phải rượt đuổi công nghệ cao của thế giới để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa” hay thách thức phải “đẩy nhanh đồng thời và đồng bộ cả công nghiệp hóa và hiện đại hóa”.
3. Một số cơ hội và thách thức phát triển mang tính tình thế
a/ Các nhà đầu tư quốc tế đang tích cực triển khai công thức đầu tư “Trung Quốc + 1” với sự lựa chọn ưu tiên dành cho Việt Nam khá rõ. Ví dụ, Nhật Bản tập trung đầu tư vào Việt Nam tạo ra hiệu ứng “đầu tư tạo đầu tư”, “đầu tư kéo đầu tư”. Việc Nhật Bản ưu tiên đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo hiệu ứng “lôi kéo đầu tư” mạnh mẽ. Tuy thời gian chưa nhiều, song có thể cảm nhận tác động thực tế của hiệu ứng đang diễn ra với gia tốc tăng khá rõ rệt. Các dòng đầu tư từ Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và EU vào Việt Nam đang mạnh lên rõ rệt.
b/ Cơ hội để Việt Nam bứt phá và vượt lên khi một số nước thành viên ASEAN đang gặp những khó khăn bên trong. Thái lan, Indonesia, Philippines đang lâm vào tình trạng bất ổn chính trị, xã hội và phần nào là bất ổn kinh tế kéo dài. Đây thực sự là một cơ hội khách quan, tạo ra những điều kiện và khả năng cho phép Việt Nam bứt lên để đuổi kịp các nước này.
c/ Một thách thức tình thế cụ thể, đang ngày càng trở nên gay gắt. Đó là sự lên giá đồng Nhân dân tệ (NDT).
Đối với Việt Nam, đồng NDT lên giá sẽ tác động trực tiếp rất mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng NDT lên giá có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không kịp thời điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu hiện đang nghiêng mạnh về xuất khẩu tài nguyên và nông sản thô (việc điều chỉnh này rất khó thực hiện trong 3-5 năm tới), sự “có lợi” đó sẽ chủ yếu tác động theo hướng gây bất lợi lớn cho Việt Nam: kích thích Việt Nam tăng xuất khẩu tài nguyên và các sản phẩm thô, đẩy nền kinh tế Việt Nam rơi vào bẫy “năng suất thấp, tiền lương thấp, dựa vào xuất khẩu tài nguyên”.
Đồng thời, đồng NDT lên giá sẽ kích thích mạnh dòng đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Theo nguyên lý dịch chuyển đầu tư theo “làn sóng”, dòng đầu tư này chủ yếu mang theo công nghệ thấp. Đây là điểm cần đặc biệt lưu ý, nhất là khi Việt Nam đang là địa chỉ hấp dẫn đầu tư mạnh mẽ.
4. Đôi điều về triển vọng
Động lực hội nhập, đà tăng trưởng cao, khí thế phát triển của dân tộc sau 20 năm đổi mới thành công kết hợp với nỗ lực, cách thức hành động của ban lãnh đạo đất nước, bộc lộ rõ nhất ở Chính phủ mới, tạo thành một khối quyết tâm phát triển, đồng thuận và mạnh mẽ của cả dân tộc. Vấn đề còn lại là ở năng lực xử lý các điểm nút có khả năng gây tắc nghẽn phát triển trong một lộ trình dài hạn và tổng thể. Đó là: Kết cấu hạ tầng (hệ thống đường cao tốc, các cảng biển, hạ tầng đô thị); Hệ thống cung cấp năng lượng; Hệ thống an sinh xã hội; Năng lực bộ máy Chính phủ.
Triển vọng nâng cao tốc độ tăng trưởng (được dự báo là có thể đạt 12-13%/năm) và khả năng duy trì sự phát triển bền vững (trong 10-15 năm) tùy thuộc quyết định trước hết vào việc Việt Nam có tháo gỡ các nút thắt và khắc phục sự yếu kém của hai tuyến một cách hiệu quả trong khoảng 3-5 năm tới hay không.
“Cất cánh” nghĩa là Việt Nam thực sự gia nhập vào “đội bay” kinh tế toàn cầu, là Việt Nam sẽ “bay” cùng với các nền kinh tế phát triển, dù là ở vị trí phía sau họ. Nhưng nền kinh tế Việt Nam đã thực sự cất cánh chưa?
Nền kinh tế Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian khá dài. Trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt hơn 7,0%/năm. Đây là một cơ sở thực tế quan trọng để nghĩ đến chuyện “cất cánh”. Nhưng tốc độ chỉ là một nửa câu chuyện, thậm chí không phải là nửa quan trọng nhất. Tăng trưởng cao chỉ là điều kiện “cần”. Nhưng như vậy thì vẫn còn xa mới là “đủ”. Càng ngày, chúng ta càng nhận thức rõ hơn rằng trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế, triển vọng hình thành “thể chế kinh tế thị trường đồng bộ”, khả năng “tan băng”, giảm “sốt nóng” trên thị trường nhà đất, mức độ kiềm chế tham nhũng, lãng phí; khả năng ứng phó với các tác động bên ngoài và thực lực của các doanh nghiệp Việt Nam, v.v…. là những nội dung quyết định triển vọng phát triển của nền kinh tế. Ở một tầm bao quát hơn, xin đề cập đến xu hướng cải thiện chậm chạp năng lực cạnh tranh, thâm chí, liên tục bị tụt hạng, của Việt Nam đang làm trầm trọng thêm thực tế “tụt hậu” của nền kinh tế, bất chấp GDP liên tục tăng trưởng “năm sau cao hơn năm trước”. Đương nhiên, FDI và kinh tế tư nhân sẽ tạo đà tốt cho quá trình tăng trưởng. Những “cú huých” đầu tư như của Canon, Intel, Foxxcon và các công ty nước ngoài khác mới đây sẽ tạo tiền đề để Việt Nam thực hiện “bước ngoặt” – cất cánh. Nhưng chỉ thế thôi thì vẫn chưa đủ. Để thực sự cất cánh, bản thân nền kinh tế phải sẵn sàng một loạt điều kiện nội tại cơ bản; các chủ thể của nó phải có năng lực bay tự thân và phải sẵn sàng “bay”. Chắc chắn nền kinh tế không thể cất cánh chừng nào các yếu tố đầu vào cơ bản của nền kinh tế thị trường – đất đai và lao động – vẫn tiếp tục tồn tại dưới hình thái hiện vật nguyên sơ. Một thị trường đất đai bị “đóng băng” kéo dài, đe dọa không chỉ sự yên ổn của hệ thống tài chính – ngân hàng mà cả triển vọng của nền kinh tế nông thôn và của quá trình đô thị hóa đang bị “tắc nghẽn”. Một thị trường lao động vận hành yếu ớt là nguyên nhân của tình trạng bất ổn và kém hiệu quả của việc phát huy thế mạnh nguồn nhân lực. Thiếu “đôi cánh” thị trường cơ sở đó, liệu nền kinh tế sẽ cất cánh đi đâu? Nền kinh tế không thể cất cánh với nguồn nhân lực mà lợi thế hiện thực lớn nhất là “rẻ” đang bị mất dần và bộc lộ ngày càng rõ bất lợi thế dài hạn là kỹ năng kém, kỷ luật không cao và năng suất thấp. Nền kinh tế không thể cất cánh với bộ máy quản lý nhà nước mà năng lực bất cập, đang hoạt động theo một cơ chế dung nạp nhiều yếu tố của hệ thống cũ đã bị loại bỏ. Nền kinh tế cũng không thể cất cánh với môi trường kinh doanh bị phân biệt đối xử, làm cho các yếu tố động lực của cỗ máy hoạt động theo những “nguyên lý” khác nhau và chưa đồng thuận (thậm chí, xung đột) về lợi ích. Đó là chưa kể hàng loạt điểm “thắt nút cổ chai” khác. Những lời cảnh báo gay gắt về tình trạng thiếu điện, về nạn tắc nghẽn giao thông, thiếu đường cao tốc, hệ thống đường sắt, cảng biển… nói lên nhiều điều về khả năng cất cánh đích thực của nền kinh tế nước ta hiện nay. |
——-
[1] Lợi thế địa – chiến lược của Việt Nam là kết quả tổ hợp của một loạt yếu tố, trong đó, 2 yếu tố quan trọng nhất là: i) nút giao thoa của một vùng tăng trưởng nhanh và năng động nhất thế giới – Đông Á. Đặc biệt, Việt Nam ở vị thế IndoChina, trung điểm của 2 nền kinh tế khổng lồ đang nổi lên là 2 động lực tăng trưởng mạnh nhất thế giới (Trung Quốc và Ấn Độ); ii) là quốc gia – biển, nằm tại tuyến hải hành quan trọng nhất thế giới;
2 Cách diễn đạt này phần nào giống với hình ảnh “tranh tối tranh sáng” mà D. Perkins sử dụng trong cuốn “Việt Nam cải cách kinh tế theo hướng rồng bay” (D. Perkins, 1994). Tuy nhiên, hình ảnh “đang lột xác” khắc họa chính xác hơn tình trạng non yếu, dễ bị tổn thương của một thực thể đang trỗi dậy.