Kỷ nguyên vươn mình của các xã hội: Nhìn từ lịch sử
Bài viết này không phải để liệt kê hết các ví dụ xã hội vươn mình trong lịch sử, mà quan trọng hơn là xem xét điều gì góp phần tạo ra những bước vươn mình như thế của các xã hội trong quá khứ. Tại sao một số cộng đồng đã phát triển vượt bậc trong vài thập kỷ? Đâu là các yếu tố cần và đủ cho sự phát triển đó? Và chúng ta có thể học được điều gì từ thành công và thất bại của tiền nhân?

Trong lịch sử nhân loại, việc một xã hội vươn mình phát triển trong vài, ba thập kỷ, dưới nền cầm quyền của một hay một vài nhà lãnh đạo là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, như lịch sử cũng chỉ ra, quá trình này đòi hỏi một số yếu tố đặc thù, một nhãn quan chính trị sắc bén cùng quyết tâm cao độ của hệ thống hành chính nhằm bảo đảm tính hiệu quả của quản trị nhà nước.
Kỷ nguyên vươn mình của một xã hội là khoảnh khắc đặc biệt dựa trên sự kết hợp thiên thời, địa lợi, nhân hòa, dựa trên phù hợp giữa thiết chế, nguồn lực, trình độ kỹ thuật, nhu cầu của xã hội/ dân chúng và sự thích nghi với khung cảnh quốc tế. Khoảnh khắc hội tụ của các yếu tố đó chỉ diễn ra trong vài thập kỷ và đòi hỏi sự tập trung cao độ của mỗi cộng đồng trong việc khai thác tối đa các nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách. Thiếu một yếu tố thì xã hội không thể vươn mình, thiếu một nhân tố thúc đẩy thì sẽ không thể vươn mình mạnh mẽ, và chậm một nhịp thì thời cơ bị bỏ lỡ, khi các khung cảnh kinh tế, kỹ thuật, môi trường quốc tế đã thay đổi vượt xa kịch bản của dự án vươn mình.
Bên cạnh những trường hợp đặc thù như khi Tây Ban Nha tìm thấy các mỏ bạc ở Nam Mỹ; Brunei và thế giới Arab tìm thấy các mỏ dầu ở thế kỷ XX, hay sự gia nhập của các thành thị Italia vào các cuộc Thập tự chinh và kết nối các tuyến đường tơ lụa từ bán đảo Crimea đến Địa Trung Hải thời trung đại, phần lớn các xã hội phát triển đều trải qua một quá trình nỗ lực cao độ, khả năng tập trung nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực, khả năng dẫn dắt, quyết tâm chính trị, sự nhạy bén của những người được coi là kiến trúc sư của “dự án vươn mình”.
Hãy bắt đầu từ nhân tố được coi có nghĩa cốt lõi trong sự vươn mình của phần lớn các xã hội nói trên: việc tạo dựng một nền tảng thể chế thống nhất, nhất quát, ổn định, tạo ra đột phá nhưng không gây hỗn loạn.
Cuộc đua giữa các xã hội là sự cạnh tranh về thể chế. Thiết chế là cốt thép của cấu trúc xã hội và là cơ sở quan trọng nhất để quyết định tính hiệu quả của các xã hội đó, mà nhiều khi chúng không chỉ được quyết định bởi những ý tưởng, khái niệm lớn lao mà đơn giản chỉ là làm thế nào để thông quan hàng hóa nhanh chóng hơn, điền ít hồ sơ hơn và chi phí logistics thấp hơn nước láng giềng.
Năm 356 TCN, một quan chức không được trọng dụng trong triều đình nước Ngụy đã bỏ sang nước Tần. Dù đã có một giai đoạn mở rộng đáng kể vào thế kỷ VII TCN, Tần vẫn là một vùng lạc hậu ở phía Tây, và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ là ứng viên tiềm năng cho ghế “Hoàng đế”. Tần Hiếu công, vị vua mới lên nắm quyền đã ra tuyên bố cầu hiền, quyết tâm khôi phục và mở rộng vinh quang của nước Tần, và vị quan kia đã đáp lời. Tên của ông là Thương Ưởng. Mười tám năm trên đất Tần, hai lần thực hiện biến pháp, Thương Ưởng đã vượt qua sự chống đối dữ dội của giới quý tộc nhà Tần, giành được sự tin tưởng và ý chí chính trị của Tần Hiếu công để thi hành pháp trị. Đây là một phần của cuộc đối thoại giữa hai nhân vật này:
“Tôi [Thương Ưởng] đem đạo đế vương ra nói với nhà vua, muốn nhà vua sánh với thời Tam Đại [Hạ, Thương, Chu], nhưng nhà vua nói “điều đó viễn vông, ta không thể chờ được, vả chăng những vị vua hiền, đều được nổi danh trong thiên hạ, ngay trong đời mình, lẽ nào ngồi bùi ngùi đợi mấy trăm năm mới thành đế vương sao?” Nhân đó, Thương Ưởng tuyên bố, “bậc thánh nhân nếu có thể tìm cách làm cho nước mạnh thì khi không bắt chước phép cũ, nếu có thể làm cho dân lợi thì không câu nệ ở lề thói ngày xưa”.
Sử gia Tư Mã Thiên chép về Thương Ưởng và cuộc cải cách của ông: “Pháp lệnh thi hành được mười năm, dân Tần rất vui mừng, ngoài đường không nhặt của rơi, trong núi không có trộm cướp, nhà đủ người no, dân dũng cảm trong lúc chiến đấu vì việc công, khiếp sợ không dám đánh nhau vì việc riêng, làng xóm đều được trị an. Trong số những người xưa kia nói lệnh không tiện, có người đến nói lệnh tiện.” Sau đó, ông sai xây đắp cung điện và cửa khuyết ở Hàm Dương, Tần dời đô ở Ung đến đấy. Ưởng ra lệnh cấm cha, con, anh em cùng ở chung một nhà; phân cư và hợp các làng, xóm, nhỏ lại thành huyện, đặt chức quan lệnh và thừa. Được tất cả ba mươi mốt huyện. Bỏ bờ ruộng, đường thiên đường mạch, nhờ đó việc đánh thuế được tăng… Được năm năm, người Tần giàu mạnh.” Lịch sử của công cuộc thống nhất thiên hạ của nước Tần đã bắt đầu như thế.

Sự trỗi dậy của nước Tần là ví dụ về khả năng thay đổi mà thiết chế mới có thể tạo ra cho một xã hội, chỉ trong vòng chưa đầy hai thập kỷ. Điều đáng lưu ý là những thay đổi đó đáp ứng một cách “hoàn hảo” cho các câu hỏi lớn của thời đại về sự thay đổi hoạt động sản xuất, quản lý nhân khẩu, và tiến hành chiến tranh theo phương thức mới ở quy mô lớn. “Phế tỉnh điền, khai thiên mạch” (xóa bỏ tỉnh điền – chế độ ruộng đất công làng xã, mở bờ ruộng), Thương Ưởng đã nhìn thấy sự gia tăng và vai trò của việc xác lập ruộng đất tư, xóa bỏ quyền lực của giới quý tộc và tăng cường nguồn lực cho nhà nước. Về kỹ thuật, đó cũng là lúc chuyển đổi từ đồ đồng sang đồ sắt. Đồng là công cụ hiếm và đắt đỏ vì thế chủ yếu sử dụng cho giới quí tộc. Chiến tranh đồ đồng là chiến tranh của thiểu số quý tộc. Chiến tranh đồ sắt là chiến tranh huy động số đông, của bình dân. Tần là nước tiên phong trong xu thế này với một xã hội quân sự hóa và những đạo quân hùng mạnh. Điều đó tạo ra ưu thế của nước Tần so với các xã hội quý tộc xung quanh trong cuộc đua đế vương (dù phải trả giá bằng các luật lệ khắc nghiệt). Chính những chuyển đổi lớn lao này đã tạo ra vị hoàng đế đầu tiên (Thủy Hoàng), chứ không phải thiên mệnh.
Dễ nhận thấy, những thay đổi về bộ máy quản trị nhằm đáp ứng xu thế thời đại được coi là chìa khóa mở đầu cho nhiều xã hội vươn mình. Trong lịch sử, những yếu tố này rất đa dạng, từ tổ chức hành chính, bộ máy nhà nước đến cải tiến quân sự. Philip II và Alexander đã tạo ra một cuộc cách mạng về tổ chức quân đội với các đạo quân chuyên nghiệp, trả lương hậu hĩnh, sử dụng các loại vũ khí cải tiến. Bản thân việc phát minh ra chiến thuật tiến quân mới theo các khối ô vuông (Macedonian phalanx) tạo thành từ 250-300 người lính, mang theo ngọn giáo dài 6 m là một cuộc cách mạng về tác chiến. Đó là một đội hình người không thể công phá. Và trong hơn hai thập kỷ, đạo quân đến từ vùng đất vốn hẻo lánh của thế giới Hy Lạp đó đã đi từ bán đảo Balkan đến bờ sông Ấn.
Nền cầm quyền của Augustus, như đã đề cập, là hệ quả từ một thế kỉ hỗn loạn và bạo lực của La Mã. Sự mở rộng quân sự đưa lên sân khấu các tướng quân hùng mạnh và họ từng bước phá hủy nền cộng hòa. Nội chiến (bellum civile, mà La Mã chính là quê hương của khái niệm này) đã nhiều lần xé tan sự ổn định xã hội. Trong bối cảnh đó, Augustus là người có nhãn quan chính trị, học hỏi từ truyền thống, đặc biệt là cái chết của Ceasar và hóa giải nó theo cách thức chưa có tiền lệ bằng cách bảo lưu các cấu trúc của truyền thống cộng hòa và thay vì gọi mình là hoàng đế thì tự xưng một cách đơn giản là “công dân số một”. Ông nhận thức vai trò của việc vây quanh mình bởi các quan chức uy tín và có năng lực như vị tướng, nhà chính trị và ngoại giao Marcus Agrippa hay Maecenas – một người gốc Etruscans. Những người này trên thực tế giúp triển khai các ý tưởng chính trị của Augustus. Ông cũng làm cuộc cải cách lớn “tinh gọn bộ máy” nhằm tiết kiệm chi phí vận hành hệ thống bằng cách giảm ½ số quân đoàn và dùng số tiền đó mua đất đai quanh đế chế, trao cho các cựu binh. Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc cũng được xây dựng lại một cách đồng bộ mà nhiều con đường vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Điều này giúp gia tăng của cải, duy trì hòa bình và mang ảnh hưởng của La Mã tới những nơi xa nhất của đế chế.
Đương nhiên, kỷ nguyên mà Augustus tạo ra không phải là xã hội dân chủ, cũng chẳng có tự do với những người nô lệ, cũng chẳng thiếu các cuộc nổi dậy và sự đàn áp thảm khốc. Nhưng xét tổng thể, Augustus đã chấm dứt một thế kỷ hỗn loạn để hồi sinh lại La Mã, xây dựng lại thiết chế, góp phần cho sự vận hành ổn định của một xã hội trong nhiều thế kỷ tiếp theo bằng cách dung hòa các hệ thống chính trị cũ và mới, bảo đảm cơ sở cộng hòa – truyền thống của La Mã không bị đứt gãy, nhưng đặt nó dưới quyền lực của một vị “hoàng đế” nhằm đáp ứng sự vận hành của một đế chế. Hệ quả là một kỷ nguyên hưng thịnh được biết đến với tên gọi Pax Romana” hay “La Mã thanh bình” (27 TCN-180), khi Địa Trung Hải thành ao nhà của đế chế, lãnh thổ trải dài từ nước Anh đến Lưỡng Hà và “mọi con đường đều dẫn đến thành La Mã”.
Khi Augustus qua đời, Viện Nguyên Lão tuyên bố tấn phong ông là một vị thần.
Các yếu tố như quản trị, quân sự, kỹ thuật, hệ thống tài chính, vì thế, hiện diện khá thường xuyên trong công thức vươn mình của các xã hội. Đôi khi một vài sự thay đổi mang tính cách mạng đột phá của các yếu tố này tạo ra sự phát triển năng động mới và nhanh chóng của xã hội. Hà Lan ở nửa sau thế kỷ XVI và Singapore ở nửa sau thế kỷ XX đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự thay đổi hệ thống quản trị, dù cũng cần phải lưu ý về quy mô tương đối nhỏ của hai cộng đồng này. Ở khía cạnh nào đó, Hà Lan có thể được coi là xã hội hiện đại đầu tiên. Giành độc lập từ nền cai trị của vương triều phong kiến Tây Ban Nha, Hà Lan là nền cộng hòa tổ chức quy mô lớn đầu tiên dưới sự dẫn dắt của tư tưởng Tin Lành và nền kinh tế hàng hóa năng động của giới công thương nghiệp – những người đã tận dụng thành công sự chuyển dịch quyền lực kinh tế, chính trị, quân sự từ Địa Trung Hải sang Đại Tây Dương và cuộc cách mạng giá cả do vàng bạc của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mang lại.
Tuy nhiên điều quan trọng giúp Hà Lan có thể bứt phá mạnh mẽ chính là tính tiên phong của thị trường tài chính. Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) thành lập năm 1602 là công ty đa quốc gia đầu tiên trên thế giới, công ty đầu tiên sử dụng cổ phiếu, qua đó huy động nguồn lực tài chính khổng lồ mà không một đối thủ đương thời nào ở châu Âu sánh kịp. Cuộc cách mạng tài chính này tạo nên sức mạnh vượt trội của VOC và sự thống trị của Hà Lan trên biển ở thế kỷ XVII. Đó cũng là lúc bình quân thu nhập GDP đầu người của Hà Lan dẫn đầu thế giới.

Trong khi đó, nước Anh đã đánh cược vận mệnh của mình vào hải quân. Từ lúc họ đánh bại hạm đội Armada của vua Tây Ban Nha Philip II vào năm 1588 đến chiến thắng của Nelson xóa sổ hạm đội Pháp năm 1805 trong trận Trafalgar, quyền lực bá chủ của Anh trên biển đã được xác lập. Lịch sử thế giới hiện đại là lịch sử diễn ra trên biển. Cường quốc trong lịch sử thế giới hiện đại là cường quốc biển và nước Anh, với sự kiên trì và cam kết cao độ với phát triển hàng hải, hải quân, cho thấy việc xác định các nguồn lực thế mạnh, phù hợp xu thế phát triển thời đại là cơ sở của sự thống trị thế giới. “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh”.
Ở bên kia của eo biển Manche, nếu các ngọn giáo dài tạo ra Alexander Macedonia thì các khẩu pháo mới ở thế kỷ XVIII tạo ra Napoleon Bonaparte. Napoleon là chuyên gia pháo binh – vốn được coi là một trong những cuộc cách mạng quân sự lớn nhất ở thế kỷ XVIII. Không chỉ có cải tiến đúc súng, thuốc súng mà toán học giúp tính toán đường đạn và các trường đào tạo bài bản đã làm cho pháo binh quan trọng hơn bao giờ hết. Và đó cũng chính là lĩnh vực mà Napoleon được đào tạo. Trận đánh lớn đầu tiên mở ra sự nghiệp của ông là sử dụng pháo binh phá vây cho cảng Toulon (1793), nơi mà danh tiếng của viên sĩ quan 24 tuổi được cả nước Pháp và châu Âu biết tới.
Linh hồn của quân đội Pháp bắt đầu từ những khẩu pháo, nhưng sức mạnh thực sự đến từ các đạo quân với một tinh thần hoàn toàn mới. Giống như Thương Ưởng ở thế kỷ III TCN với các đạo binh sử dụng vũ khí bằng sắt và kỷ luật sắt, Napoleon xuất hiện ở điểm khởi đầu của một dân tộc. Ông hái quả ngọt từ “tự do, bình đẳng, bác ái” và xây dựng một đạo quân mới của “công dân”, những người thăng tiến dựa trên tài năng và lòng quả cảm, không phải dòng máu. Đạo quân đó giương khẩu hiệu “hòa bình với lều tranh, chiến tranh với lâu đài” và vì thế không chỉ đánh bại nước Pháp quí tộc mà còn cả châu Âu lục địa của giới quý tộc.
Như chúng ta sẽ thấy, tất cả những chuyển đổi lớn về thiết chế phải được gắn với hệ thống phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả. Sức mạnh tài chính của các xã hội vì thế có vai trò lớn trong việc vận hành bộ máy và thúc đẩy sự ổn định của các yếu tố chính trị, quân sự, an ninh và hành chính nhằm tạo ra sự phát triển mang tính nhảy vọt của xã hội. Thực tế là Augustus, Alexander, Napoleon, Otto von Bismarck, hay Lý Quang Diệu đã sử dụng tài chính như một động lực thúc đẩy dự án xã hội vươn mình. Philip II và Alexander có thể tiến hành cuộc cách mạng quân sự vì họ có vàng. Rất nhiều vàng. Trong quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam và Tây Macedon, Philip II kiểm soát các mỏ vàng lớn ở Amphipolis và sử dụng chúng tạo ra các đạo quân chuyên nghiệp. Khi chú của Augustus là Gaius Julius Caesar bị ám sát vào năm 44 TCN, ông mới 18 tuổi – một đứa trẻ giữa thế giới thống trị lâu đời của các quý tộc lão luyện. Việc kế thừa di sản của Caesar – quyền lực và tài chính, và ban phát rộng rãi cho các phe phái quân sự, quý tộc khác là một trong các cơ sở để chàng trai 20 tuổi trở thành Consul – Quan chấp chính, chức vụ cao nhất được bầu ở La Mã.
Dự án đế chế của Augustus, cũng như việc biến La Mã từ gạch sang cẩm thạch đã dựa vào các nguồn lực tài chính lớn lao thông qua các cuộc chinh phục và việc phát triển nền sản xuất đại điền trang latifundia và mạng lưới thuế khóa khắp đế chế. Trong khi đó, nước Đức của Bismark không chỉ là một xã hội quân sự cao độ, tiên phong trong công nghiệp quân sự mà còn là quê hương của chế độ bảo hiểm xã hội. Năm 1883, Đức trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc – một chính sách tài chính nhưng tạo ra một cuộc cách mạng xã hội, bảo đảm các “công dân” có thể yên tâm cống hiến hết mình cho “dân tộc”.
Khi Napoleon tiến quân vào Italia, có lẽ không ai ở Pháp nghĩ rằng đạo quân “đói rét” này có thể làm nên điều gì lớn lao. Nhưng ông đã “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Bài diễn văn của ông gửi đến quân đội vào đầu chiến dịch Italia, tháng 3/1796 tuyên bố: “Hỡi binh sĩ, các bạn rách rưới, đói ăn! Chính phủ này đã nợ các bạn quá nhiều và không thể đem lại cho các bạn bất cứ điều gì. Sự kiên nhẫn và lòng dũng cảm mà các bạn đã thể hiện giữa nơi núi non này thật đáng ngưỡng mộ; nhưng chúng không mang lại cho các bạn danh tiếng; không có vinh quang nào đến với các người từ sự kiên cường của các bạn. Mục đích của ta là đưa các bạn đến những đồng bằng màu mỡ nhất thế giới. Các tỉnh giàu có và những thành phố lớn sẽ nằm trong quyền lực của các bạn; ở đó các bạn sẽ tìm thấy danh dự, vinh quang và sự giàu có. Hỡi các binh sĩ của chiến trường Italia! Lòng dũng cảm và sự kiên cường của các bạn đã sẵn sàng chưa?”
Những con người đó sẽ theo Napoleon đi khắp châu Âu trong hai thập kỷ tiếp theo.
Kể cả những xã hội chật vật để vươn mình trong khung cảnh tư bản và thực dân ở thế kỷ XIX tại châu Á, như trong trường hợp của Nhật Bản và Thái Lan mà chúng ta sẽ thấy dưới đây, họ thành công không chỉ nhờ ý chí cải cách mà nguồn lực tài chính là nhân tố sống còn để giúp chuyển giao công nghệ từ phương Tây, mời giáo viên tiếng Anh, và mua sắm những thứ đắt đỏ như đầu máy xe lửa, nhà máy xay xát, và máy phát điện.
Dự án vươn mình của các xã hội là một phương trình đa biến, trong đó mỗi nhân tố dù là nhỏ nhất, đều có vai trò trong việc định hình đường đi của cộng đồng và thành bại của các dự án kinh tế, xã hội. Kỷ nguyên vươn mình, vì thế là một khoảnh khắc của những thay đổi bước ngoặt, những quyết định táo bạo nhưng tỉnh táo, và khả năng chớp thời cơ của một cộng đồng nhằm tối ưu hóa các nguồn lực mà họ có.
Lịch sử lặp lại trên cơ sở cái không lặp lại. Dự án vươn mình của các xã hội là một phương trình đa biến, trong đó mỗi nhân tố dù là nhỏ nhất, đều có vai trò trong việc định hình đường đi của cộng đồng và thành bại của các dự án kinh tế, xã hội. Kỷ nguyên vươn mình, vì thế là một khoảnh khắc của những thay đổi bước ngoặt, những quyết định táo bạo nhưng tỉnh táo, và khả năng chớp thời cơ của một cộng đồng nhằm tối ưu hóa các nguồn lực mà họ có. Với ý nghĩa đó, không có một công thức chung cho một xã hội vươn mình, dù rằng ngọn giáo dài làm nên đế chế của Philip II Macedonia, khẩu pháo đã góp phần tạo ra Đại Việt của Lê Thánh Tông, nước Đại Thanh, đế chế của Napoleon, và đại bác Krupp tạo ra đế chế Đức, nhưng vũ khí này phụ thuộc vào ý chí, ý tưởng, và năng lực của người sử dụng chúng.
Cũng là gia tăng vị thế cường quốc thế giới, Hà Lan mất năm thập kỷ để trở thành “siêu cường” nhưng nước Mỹ thì cần hơn một thế kỷ. Trong khi đó, năm 1980, Trung Quốc góp 2,05% GDP toàn cầu, đến 2024 là 19,05%, tức 1/5 GDP toàn thế giới. GDP của Trung Quốc đã tăng từ 149.5 tỉ USD (1978) lên 18 280 tỉ USD năm 2024, tức gấp 122 lần trong 46 năm, trong đó có nhiều năm liên tục tăng trên 10%. Hà Lan đã bắt đầu bằng một cuộc cách mạng tư sản, Mỹ bắt đầu bằng một dự án lập quốc, còn Trung Quốc đã bắt đầu công cuộc vươn mình để đưa 800 triệu người ra khỏi đói, nghèo, hướng đến thịnh vượng bắt đầu từ tinh thần: “Dù là mèo đen hay mèo trắng, chỉ cần bắt được chuột thì là mèo tốt.”
Nếu Việt Nam hướng đến một nước thu nhập cao vào năm 2045, ở mức 12 000 USD thì một biểu đồ tương tự cho Việt Nam cũng phải đạt mức tăng trưởng GDP bình quân tối thiểu khoảng 5,5 % năm trong suốt thời kỳ 2025-2045. Trong khi đó, môi trường sản xuất, thị trường quốc tế và công nghệ đã thay đổi rất lớn so với những năm 1980s, 1990s, và 2000s. Một trong những điều làm nên sự bứt phá Trung Quốc là khả năng sản xuất tập trung cao chưa từng có trong lịch sử, một số thành phố với hàng triệu dân chỉ tập trung sản xuất một loại hàng hoá. Sự tập trung này là thảm hoạ khi nó được vận hành bằng ý chí chính trị, nhưng là lợi thế khi được vận hành bởi thị trường. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong mấy thập kỷ qua, năm nào Henri Kissinger cũng tổ chức sinh nhật ở Bắc Kinh. Không có nước nào được Mỹ thúc đẩy thị trường hoá mạnh mẽ như Trung Quốc. Chính Mỹ cũng đã giúp Trung Quốc quay lại với thế giới, gia nhập vào các thiết chế toàn cầu với hy vọng tạo ra một Liên Xô thứ hai. Và Trung Quốc đã tận dụng được khoảnh khắc đó, thậm chí còn làm tốt hơn khi bắt nhịp được với các làn sóng công nghệ tiếp theo chứ không dừng lại ở gia công, sản xuất công nghiệp.
Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn thường được dẫn ra như những ví dụ về xã hội vươn mình mà Việt Nam có thể học hỏi. Nhưng cần nhớ về bức tranh rộng lớn, nhiều nhân tố đưa tới sự vươn mình của họ, mà không nhất thiết việc đi theo một hệ thống chính sách nào đó sẽ đưa tới thành công mặc định. Xuất phát điểm của họ nhiều khi đã cao hơn Việt Nam, và bản thân họ cũng nằm trong số ít các nước Đông Á có khả năng bứt phá từ những năm 1970s đến nay mà một số người đồng hành tiềm năng khác như Malaysia và Thái Lan thì phải dừng bước hoặc “chật vật” để lên thu nhập cao.

Như đã phân tích, việc tạo ra các thay đổi thiết chế bên trong là cơ sở vươn mình của nhiều xã hội. Nhưng để chuyển hóa nó một cách thành công, đặc biệt nhận thức được xu thế chuyển biến của thời đại, từ đó hoạch định chính sách phù hợp luôn là thách thức thường trực ám ảnh tất cả người cầm quyền. Vào năm 1965, Mỹ đưa quân vào Đà Nẵng, đổ hàng tỉ USD vào Sài Gòn; và cả Lý Quang Diệu lẫn Suharto đều cam kết vào các liên hệ chính trị, quân sự, kinh tế với Mỹ. Gần bốn thập kỷ sau, dù Lý Quang Diệu và Suharto vẫn nắm quyền, nhưng Singapore và Indonesia đã thuộc về “hai thế giới khác nhau. Khi tướng Hannibal của Carthage đối đầu với La Mã, Vua Darius III của Ba Tư đối đầu Alexander Macedonia, và khi Càn Long khước từ phái đoàn của Anh do George Macartney dẫn đầu, liệu họ có có hình dung ra những kịch bản tương lai mà ở đó nền cầm quyền và xã hội của họ sẽ kết thúc theo những cách thức bi kịch nhất.
Sau Chiến tranh thuốc phiện (1840), trật tự thế giới truyền thống vùng Đông Á sụp đổ với sự xác lập của quyền lực phương Tây. Siam, Myanmar, Đại Nam, Nhật Bản,… đều phải đối mặt với cùng một thách thức từ luật chơi mới của nền kinh tế hàng hóa tư bản và thị trường tự do. Nhưng không phải nước nào cũng thành công trong việc tìm ra câu trả lời mới cho xã hội của mình. Các vua Myanmar có sáu thập kỷ và ba cuộc chiến với người Anh (1824–1826, 1852, 1885) để quyết định vận mệnh của họ, vua Tự Đức có ba thập kỷ cho sứ mệnh tương tự. Nhưng không phải tất cả đều có khả năng tìm ra câu trả lời đáp ứng được xu thế của thời đại. Đáng tiếc những người đưa ra đáp án đúng chỉ là thiểu số. Siam và Nhật Bản dường như là hai nước hiếm hoi của thế giới Á-Phi có khả năng ứng phó với thành công của làn sóng tư bản và thực dân toàn cầu. Và cả hai cũng chỉ mất bốn thập kỷ, qua một, hai triều vua để thực sự gia nhập vào thế giới mới.
Lịch sử nhắc nhở chúng ta, một xã hội vươn mình chỉ thực sự chỉ có nghĩa khi các công dân của được hưởng thành quả và không ai bị bỏ lại phía sau.
Đối với Việt Nam, cũng đã từng có những khoảnh khắc quan trọng của sự trỗi dậy mạnh mẽ. Có ít nhất ba ông vua tham gia định hình số phận, bản sắc của Việt Nam trong quá khứ – những người mà chúng ta sẽ không thể hiểu được lịch sử tiến hóa của một dân tộc nếu như không tìm hiểu về họ: Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Minh Mệnh. Họ là những người đã định hình Đại Việt, Việt Nam và Đại Nam ở những khoảnh khắc mang tính bản lề để mở đầu một thời đại. Trần Nhân Tông – nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, tư tưởng, có khả năng nhạy bén trong nhận thức thay đổi địa chính trị trong khu vực và quốc tế, phản ánh qua mối quan hệ ngoại giao, quân sự, lãnh thổ, hôn nhân với Champa.
Trong khi đó, Lê Thánh Tông chủ động và tự tin “tải” và “cài” những apps mới nhất về thiết chế, luật pháp, giáo dục, tư tưởng ở thế kỷ XV – mô hình nhà Minh. Ông có tư duy địa chính trị rộng lớn tầm khu vực, người đã có hai cuộc Tây chinh và Nam chinh mà thực tế là hai nỗ lực mở rộng không gian Đại Việt một theo vùng duyên hải và một qua dãy Trường Sơn về phía Tây. Xu thế lãnh thổ hiện đại của nước Việt Nam chính là hệ quả từ cuộc thử nghiệm này. Đại Việt ở thế kỷ XV còn là một đế chế thuốc súng, mà uy lực vang đến tận Malacca, khiến nhà vua nước này phải cầu cứu nhà Minh can thiệp vì sợ rằng Lê Thánh Tông sẽ đánh xuống tận bán đảo Malay.
Minh Mệnh là vị vua tự tin, kiêu hãnh và có hiểu biết cặn kẽ, kỹ càng, cập nhật về các mô hình và sự vận hành của thể chế chính trị trong thế giới Đông Á. Ông biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của bộ máy nhà Minh, nhà Thanh, hiểu rõ hiểm họa hoạn quan, nghiên cứu cơ sở thiết chế tạo ra Hòa Thân, cập nhật sự lúng túng của nhà Thanh trong đêm trước của cuộc Chiến tranh thuốc phiện và có những ý tưởng của quá trình hiện đại hóa. Sử gia Alexander Woodside thậm chí còn cho rằng Minh Mệnh hiểu biết về thế giới phương Tây và sự chuyển dịch quan hệ quốc tế khu vực hơn giới cầm quyền ở Bắc Kinh. Nhưng hai thập kỷ sau cái chết của ông, mọi thứ đã đi theo những chiều hướng không thể kiểm soát, cũng giống như cách thức Đại Việt đã suy sụp sau sự ra đi của Lê Thánh Tông. Những khoảnh khắc như thế của lịch sử có lẽ cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng hơn nữa.

Cuối cùng, thực tế có nhiều hơn một lý thuyết giải thích cho sự thành công hay thất bại của các xã hội, ví dụ như góc nhìn từ địa lý (Jared Diamond, Ian Morris,…), địa chính trị (Robert D. Kaplan, Tim Marshall,…), tôn giáo, văn hóa, kỹ thuật (Max Weber, Niall Ferguson…)… dù vậy, theo dòng lịch sử, càng xa xưa, các yếu tố vươn mình “truyền thống” tài nguyên thiên nhiên, tôn giáo, văn hóa…. càng đóng vai trò quan trọng. Càng về thời kỳ hiện đại, các xã hội hùng mạnh và thành công nhất nổi lên nhờ thiết chế và công nghệ. Không có một mẫu số chung về hình mẫu vươn mình của các xã hội vì mọi lựa chọn là do con người, với kinh nghiệm, tri thức và khả năng nhận thức thời đại quyết định. Bài viết, nhắc nhiều đến vai trò của các cá nhân. Điều đó không có nghĩa cá nhân lãnh đạo là động lực và đòn bẩy duy nhất của các xã hội. Sau mỗi quyết định của họ là các nhóm tiên phong, lớp tinh hoa, những người cùng chia sẻ vận mệnh và nhận thức các vấn đề của thời đại họ. Như Lenin từng nói, trong Những việc cần hoàn thành vào năm 1902 rằng “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga”.
Điều tương tự đã diễn ra với các trí thức và tầng lớp chủ nô cấp tiến ở Athens thời Pericles; sự đồng thuận của giới quý tộc từ Macedonia, các đồng minh trung thành và tài năng của Augustus, các viên tướng xuất sắc của Napoleon và những nhà cải cách đến từ giới bình dân và quý tộc đã tham dự trực tiếp vào nỗ lực hiện đại hóa Siam và Nhật Bản. Với một xã hội vươn mình, cũng cần nhìn đến những chiều kích đa dạng của lịch sử, mà trong nhiều trường hợp các nội hàm của nó không hoàn toàn “hoàn hảo” như hình dung. Pax Romana – kỷ nguyên vĩ đại của La Mã chắc chắn là không dành cho nô lệ và cuộc chiến tranh của Napoleon ước tính gây ra cái chết của 3 triệu người Pháp. Nước Anh bước vào kỷ nguyên công nghiệp đã mở đầu bằng “cừu ăn thịt người”, quá trình biến nông dân thành công nhân một cách thảm khốc và buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Nước Hà Lan có thể gia tăng GDP lên hàng đầu thế giới, nhưng lịch sử không quên những gì họ làm ở Indonesia, Cape Town… Với ý nghĩa đó, như lịch sử nhắc nhở chúng ta, một xã hội vươn mình chỉ thực sự có nghĩa khi các công dân của họ được hưởng thành quả và không ai bị bỏ lại phía sau.□
Trong hơn 5000 năm của lịch sử văn minh, loài người đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc mà một cộng đồng xã hội phát triển mạnh mẽ, vươn mình chỉ trong vòng vài ba thập kỷ, thường là gắn với nền cầm quyền của một, hai nhân vật xuất chúng, có quyết tâm và tầm nhìn, đã thành công trong việc chuyển đổi một xã hội mất phương hướng hoặc bất ổn đi vào ổn định, bắt kịp, thậm chí dẫn dắt các xu thế của thời đại mới, và tạo ra một giai đoạn thịnh vượng. Thành bang Athens của Hy Lạp cổ đại đã bước vào kỷ nguyên vàng dưới thời kỳ cầm quyền của Pericles (khoảng 495 – 429 TCN), người bước vào nền chính trị lúc 25 tuổi và trực tiếp vận hành Athens từ 461-429 TCN; xứ Macedonia đã phát triển thành một đế chế hàng đầu của thời kỳ cổ đại chỉ trong vòng hai nền cầm quyền kéo dài 36 năm, bắt đầu với người cha – vua Philip II (359-336 TCN) và con trai ông, Alexander (336–323 TCN). Nhà Tần ở Trung Quốc đã thoát khỏi danh tiếng là “đất Ung hẻo lánh”, “Di Địch” sau cuộc cải cách Thương Ưởng (390 – 338 TCN), Lê Thánh Tông và nền cầm quyền 37 năm (1460-1497) đã đưa Đại Việt trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á; Vùng Đất Thấp (Hà Lan), 44 năm sau cuộc cách mạng tư sản, đã vươn lên đạt mức GDP bình quân đầu người cao nhất trên thế giới, gấp 2,6 lần nước Anh (năm 1600); Lý Quang Diệu đã đưa Singapore từ “thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất” trong 31 năm (1958-1990); còn tại Malaysia, Mahathir Mohamad cũng đạt được kết quả “gần” tương tự trong hơn hai thập kỷ cầm quyền (1981 – 2003). Malaysia và Singapore cùng với Hongkong, Đài Loan, và Hàn Quốc, ở những mức độ khác nhau, đã vươn mình sau bốn thập kỷ (1960-2000) để trở thành các nước hiếm hoi hoàn thành công nghiệp hóa trong nửa sau thế kỉ XX; và còn những ví dụ khác nữa. |
Tham khảo:
Niall Ferguson. Quảng trường và Tòa tháp, Hà Nội, Nxb Thế giới, 2022
Niall Ferguson. Đồng tiền lên ngôi, Hà Nội, Nxb Thế giới, 2020.
Niall Ferguson. Văn minh phương Tây và Phần còn lại của Thế giới, Nxb Hồng Đức, 2017.
Adrian Goldsworthy. Pax Romana: War, Peace and Conquest in the Roman World, Hachette UK, 2016.
Ian Morris. Why the West Rules–for Now: The Patterns of History, and What They Reveal About the Future, New York: Farrar, Straus, and Giroux.
Vũ Đức Liêm, Dương Duy Bằng. “Phe Phái, Lợi Ích Nhóm, và Quyền Lực ở Việt Nam Đầu Thế Kỷ XIX.” Nghiên cứu Lịch sử 9 (2018): 26–36
Vũ Đức Liêm. “Cú shock” mang tên Minh Mệnh, Tạp chí Tia Sáng, 2019, https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cu-shock-mang-ten-minh-menh-16337/#:~:text=“Trẫm%20vâng%20mệnh%20sáng%20(minh,%5D%2C%201%3A%204a)
Vũ Đức Liêm. Làm thế nào để tạo ra “lý lịch” của vua?, Công An Nhân Dân, https://cand.com.vn/Khoa-hoc-Van-Minh/Lam-the-nao-de-tao-ra-ly-lich-cua-vua-i519877/
Vũ Đức Liêm, Vận hành của thiết chế – Nhìn từ lịch sử, Tia Sáng, https://tiasang.com.vn/van-hoa/van-hanh-cua-thiet-che-nhin-tu-lich-su/
Tư Mã Thiên. Sử Ký, Nxb Văn học, Hà Nội, 2023.
Martin, Thomas R. Ancient Greece: From Prehistoric to Hellenistic Times. Yale University Press, 2013.
Alexander Woodside. Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa, NXB Thế Giới, Hà Nội, 2023.
Fareed Zakaria. Age of Revolutions: Progress and Backlash from 1600 to the Present, Penguin Random House, 2024.
Bài đăng Tia Sáng số 3/2025