Lâm Đồng dự kiến lấy 32.000 hecta rừng làm dự án: Nguy cơ tác động tới hệ sinh thái ?
Lâm Đồng đang lên kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 32.000 hectares đất rừng, trong đó có 70% diện tích là rừng tự nhiên để xây dựng các dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng cho giai đoạn 2021 - 2030. Giới chuyên môn lo ngại đánh đổi này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới hệ sinh thái, và cho rằng tỉnh cần cân nhắc giữa mục tiêu phát triển kinh tế với chuyển đổi đất rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.
Diện tích chuyển đổi gấp 10 lần giai đoạn 10 năm trước
Trong giai đoạn 10 năm tới, từ năm 2021 – 2030, Lâm Đồng có kế hoạch sẽ chuyển đổi 32.115,58 ha rừng, trong đó có tới 70% diện tích là rừng tự nhiên để xây dựng hàng loạt các dự án, hạng mục công trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.Đề xuất này được nêu ra trong văn bản UBND tỉnh Lâm Đồng góp ý dự thảo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 19/12/2023. Đây cũng là nội dung nằm trong kế hoạch điều chỉnh Quy hoạch ba loại rừng (gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, và rừng sản xuất) của Lâm Đồng hiện nay.
So với tổng diện tích rừng bị chuyển đổi của tỉnh này giai đoạn 10 năm trước (2012 – 2022), tổng diện tích rừng dự định chuyển đổi lần này cao gấp gần 11 lần. Đây là một sự đánh đổi diện tích rừng rất lớn trong bối cảnh Bộ NN&PTNT cũng như Việt Nam cam kết hạn chế chuyển đổi diện tích rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Phân tích của chúng tôi về dữ liệu danh mục các công trình, dự án có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng giai đoạn 2021 – 2030 của Lâm Đồng cho thấy, trong tổng diện tích dự định chuyển đổi nói trên, diện tích đất rừng bị mất để triển khai các dự án khai thác khoáng sản chiếm tới 78,3%, tức 25.149 ha. Diện tích rừng chuyển đổi dành cho đồng bào dân tộc, bao gồm lập các khu định cư cho dân di cư tự do và cung cấp đất sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ lệ thấp nhất, chỉ 0,14% tổng diện tích rừng dự kiến được chuyển đổi, tức 45,8 hectares.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia lâm nghiệp báo động: điều đáng lo ngại ở Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng hiện nay là việc quy hoạch chuyển đổi đất rừng thường là dựa vào mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương mà không thể hiện minh bạch và toàn diện các căn cứ khoa học cho thấy có sự rà soát, xem xét đầy đủ các vai trò, chức năng của rừng như: bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái của quốc gia, nguồn gene sinh vật rừng, phòng hộ, giữ đất, nước, chống xói lở, điều hòa khí hậu, giảm tác động của biến đổi khí hậu,… “Về mặt khoa học, dù là loại rừng nào, vị trí, vai trò của một diện tích rừng cũng cần được đặt lên trên hết, trước khi quyết định cắt một diện tích rừng ra khỏi quy hoạch đất rừng để phát triển kinh tế”, TS. Trương Văn Vinh, phó trưởng khoa Lâm nghiệp, ĐH Nông Lâm TP.HCM nói. Chúng tôi đã gửi nhiều câu hỏi kèm theo thông tin về những lo ngại của các chuyên gia tới sở NN&PTNT và UBND tỉnh Lâm Đồng qua email nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Giá trị rừng không chỉ được nhìn ở trữ lượng gỗ mà còn cần được nhìn nhận ở nhiều giá trị khác như môi trường, sinh kế, cảnh quan, đời sống văn hóa… mà rừng mang lại cho cả một cộng đồng tại khu vực có rừng bị chuyển đổi. Quy định hiện nay yêu cầu trồng rừng thay thế khi chuyển đổi đất rừng. Nhưng điều này cũng khó bù đắp được những giá trị đã mất, vì để trồng thành rừng thì phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện, cũng như phải mất hàng chục năm mới có thể có lại được một khu rừng đã mất. Chưa kể khả năng phòng hộ của rừng trồng kém xa rừng tự nhiên. “Trong các loại rừng, rừng trồng cũng có tính phòng hộ nhưng trung bình chỉ được 40 – 50% khả năng phòng hộ của rừng tự nhiên”, theo GS. Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng.
Đề xuất chuyển đổi diện tích đất rừng rất lớn này được đưa ra trong bối cảnh Lâm Đồng đang đối diện với thiên tai ngày càng nhiều, đặc biệt là mưa lũ, sạt lở. Năm 2023 vừa qua, Lâm Đồng hứng chịu sạt lở đất nghiêm trọng, mật độ dày, với số người chết cao nhất trong 20 năm trở lại đây theo thống kê của sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng: 13 người. Chưa đầy hai tháng (tháng 7 và 8/2023), trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra gần 20 vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng.
Cấu trúc của rừng tự nhiên là đa tầng tán với nhiều loài cây đan xen, cùng với lớp thực bì và thảm mục dày. Hệ rễ phát triển thành một mạng lưới chằng chịt, đâm sâu xuống lòng đất, bám chặt lấy đất, giúp cây đứng vững, cố định đất và giữ cho đất không bị rửa trôi, sạt lở. “Việc mất đi diện tích rừng tự nhiên hoặc thay thế bằng những diện tích rừng trồng đơn loài có chu kỳ kinh doanh ngắn hoặc những cây công nghiệp ở những khu vực có địa hình dốc, khu vực phòng hộ xung yếu đầu nguồn đã làm cho tình trạng sạt lở, lũ lụt xảy ra ngày một nghiêm trọng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một cực đoan”, TS. Trương Văn Vinh cảnh báo.
Là một trong năm tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng cũng không đi ra khỏi xu hướng bị suy giảm diện tích rừng và suy thoái chất lượng rừng, đặc biệt đối với rừng tự nhiên. Trong vòng 10 năm trở lại đây (2012 – 2022), Lâm Đồng đã bị mất 47.091 ha rừng, theo số liệu từ Global Watch Forest. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện 81,6% tổng diện tích rừng Tây Nguyên, tương đương 1,78 triệu hecatares, là rừng nghèo và rừng phục hồi. Rừng ở vùng Cao nguyên Trung phần này gắn liền với đời sống người dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu không chỉ cho khu vực, mà còn cho các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ và hạ lưu sông MeKong. Nhưng trong những năm gần đây, công luận và báo chí vẫn tiếp tục phản ánh về tình trạng mất rừng ở Lâm Đồng. Bình luận, một chuyên gia về quản trị môi trường cho rằng: “vấn đề cốt lõi là tỉnh Lâm Đồng đặt quyết tâm chính trị như thế nào về việc chấm dứt/trì hoãn xu hướng mất rừng tự nhiên như hiện nay?”.
Để phục vụ cho việc điều chỉnh Quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn hiện nay, kết quả rà soát hiện trạng rừng tại 12 huyện, thành phố của Lâm Đồng cho thấy tổng diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 539.083 ha, thấp hơn 57.559 ha đất lâm nghiệp so với quy hoạch đã được phê duyệt năm 2021. Kết quả rà soát này được thực hiện dựa trên chỉ tiêu phân bổ đất lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt vào tháng 3/2022 cho Lâm Đồng: được giảm 58.915 ha, tức từ 596.642 ha năm 2021 giảm còn 537.727 ha.
Thực tế, vấn đề chuyển đổi đất rừng cho các dự án phát triển kinh tế nhiều năm qua ở Lâm Đồng từng gây ra nhiều tranh cãi, phản đối trong công chúng và giới chuyên môn. Trước khi có đề xuất trên, Lâm Đồng vẫn còn đang lúng túng và gặp nhiều lo ngại trong việc điều chỉnh Quy hoạch ba loại rừng.
Hiện trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp: Lúng túng tìm giải pháp
Đến Lâm Đồng, không khó nhận ra bằng mắt thường: đất sản xuất nông nghiệp của người dân nằm trên những ngọn đồi, triền núi xen đất rừng khắp tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay toàn tỉnh còn khoảng 52.000 ha người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, trong quá trình rà soát và điều chỉnh Quy hoạch ba loại rừng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều tiêu chí đưa đất lâm nghiệp ra khỏi Quy hoạch ba loại rừng, bao gồm giải quyết đất canh tác cho người dân, phục vụ tái định cư, tái định canh; phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và các công trình khác…
Tuy nhiên, đưa diện tích đất lâm nghiệp mà người dân đang canh tác ra ngoài Quy hoạch ba loại rừng hay yêu cầu giữ nguyên đất rừng là bài toán không dễ. Lý do bởi cần nhiều đánh giá khoa học xem xét tính chất, vai trò sinh thái môi trường của những diện tích rừng này, lịch sử canh tác, phương thức canh tác của người dân, nhất là trong đó có những diện tích từ lâu đã được người đồng bào dân tộc thiểu số canh tác phù hợp với môi trường sinh thái…
Do đó, tiêu chí đầu tiên để đưa ra khỏi quy hoạch rừng “diện tích đã canh tác nông nghiệp ổn định từ năm 2019 trở về trước mà không có tranh chấp (tranh chấp giữa các hộ dân, tranh chấp giữa các hộ với đơn vị chủ rừng)” có thể chưa thỏa đáng. Bởi vì, “2019 là mốc thời gian quá gần hiện tại và bất hợp lý so với lịch sử canh tác trên đất lâm nghiệp, dễ dẫn đến việc hợp thức hóa tình trạng mất đất rừng”, TS. Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam phân tích.
Để hài hòa quyền lợi của người dân cũng không dễ, bởi có những diện tích người dân đang canh tác ngay sát, hoặc nằm trong rừng phòng hộ. Chẳng hạn như trường hợp ông Trần Văn Ry đang canh tác ở khu vực rừng phòng hộ Tà Nung (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng). Di cư từ Ninh Bình vào Lâm Đồng từ năm 1991 theo chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới của Việt Nam, ông Ry đã khai phá 8 ha để có đất canh tác và ở khi tham gia Chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi trọc. Khi chính quyền có chính sách di dời những hộ gia đình như ông Ry ra khỏi đất rừng vào năm 1996 – 1997, ông xin được giữ lại diện tích đất đã khai phá này để có đất canh tác với điều kiện tiếp tục tham gia trồng rừng thông trên đất rừng phòng hộ xung quanh. “Tôi trồng rừng chứ không chiếm đất rừng”, ông Ry nói. 8 ha của ông Ry chỉ là một trường hợp trong danh sách 131 ha có lịch sử người dân tự khai phá để sản xuất nông nghiệp đã được thành phố Đà Lạt kiến nghị đưa ra ngoài đất lâm nghiệp tính đến đầu năm 2021.
Theo TS. Trương Văn Vinh, việc đưa diện tích nương rẫy xâm canh trên đất lâm nghiệp do lịch sử để lại ra khỏi Quy hoạch ba loại rừng là hợp lý. Tuy nhiên đối với những diện tích sản xuất nông nghiệp xâm canh nằm trong khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu và rất xung yếu có vai trò bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét… thì cần thu hồi để trồng lại rừng; đồng thời hỗ trợ, đền bù tài sản trên đất, hỗ trợ đất sản xuất nơi khác cho người dân. Giải pháp khác là khoanh vẽ, xác định rõ ranh giới để quản lý bảo vệ và chống cơi nới, giao khoán diện tích này cho dân để họ phát triển các mô hình vườn rừng xen cây lâm nghiệp dài ngày, ổn định canh tác trên những diện tích này.
TS. Vinh cũng đề xuất nên ứng dụng khoa học công nghệ (như công nghệ viễn thám) nhằm phân định rõ nguồn gốc diện tích đất canh tác của người dân bản địa có trước khi nhà nước xác lập lâm phận với tình trạng xâm canh sau này do việc quản lý rừng lỏng lẻo, để người dân vào phá rừng trồng cây công nghiệp lâu năm.
“Việc này sẽ tránh tạo tiền lệ: đất lâm nghiệp bị xâm hại do công tác quản lý chưa tốt, đồng thời tránh chính quyền địa phương hợp thức hóa tình trạng mất rừng bằng việc chuyển mục đích sử dụng rừng và vô hình chung khuyến khích người dân lấn chiếm/phá rừng!”, ông nói.
Đề xuất của TS. Trương Văn Vinh trong việc đánh giá, khoanh vùng và tìm mô hình canh tác phù hợp với môi trường sinh thái cũng là giải pháp cần cân nhắc với các khu vực mà người dân tộc thiểu số đang canh tác trên đất lâm nghiệp. Tuy nhiên nhiều hộ dân tộc thiểu số như Ma Oanh (tên nhân vật đã được thay đổi), người dân tộc Churu ở xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng chưa hề hay biết thông tin người dân đang canh tác lâu năm trên đất lâm nghiệp có thể được kiến nghị chính quyền đưa ra Quy hoạch ba loại rừng. Hiện nay anh chị em gia đình chị Ma Oanh có tổng hơn 1 ha đất rẫy đang trồng cà phê, được khai hoang từ thời ông bà, cha mẹ để lại.
Từ xa xưa, núi rừng đã gắn bó với đời sống và sinh kế người Churu cũng như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên. Hình thức canh tác của họ là điển hình của truyền thống “ăn rừng”, chỉ lấy đủ dùng theo kiểu “luân khoảnh”, sau vài năm phát rừng làm rẫy thì đi canh tác nơi khác, 5 – 6 năm sau lại quay về rẫy cũ làm, lặp đi lặp lại thành một vòng tròn. Rừng vẫn được bảo vệ. Sau những năm Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975, diện tích rừng được Nhà nước quy hoạch và quản lý theo pháp luật, phương thức canh tác của người đồng bào dân tộc cũng thay đổi theo. Vì vậy về mặt pháp lý, diện tích đất rẫy của Ma Oanh cũng như nhiều diện tích đất canh tác xung quanh của bà con trong làng hiện vẫn là đất lâm nghiệp, nằm giáp ranh với diện tích rừng phòng hộ đang được quy hoạch trồng thông.
Trong bối cảnh đó, Lâm Đồng cho rằng đang gặp thế khó. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã cho Lâm Đồng được giảm 58.915 ha qua phê duyệt chỉ tiêu phân bổ diện tích đất lâm nghiệp, nhưng báo cáo tháng 11/2023 của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã cho rằng: không đủ quỹ đất để giải quyết đất vấn đề người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp.
“Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khống chế chỉ tiêu phân bổ đất đai cho mục đích đất lâm nghiệp từ cấp huyện đến cấp tỉnh nên có một số diện tích đất người dân canh tác từ lâu, không vi phạm nhưng không đảm bảo quỹ đất để đưa ra ngoài đất lâm nghiệp. Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác rà soát, quy hoạch phân loại rừng và phân định ranh giới các loại rừng trên địa bàn”, báo cáo viết. Báo cáo cũng cho biết, Lâm Đồng hiện còn khoảng 52.000 ha đất người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đối tượng đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp.
Do chưa rõ các giải pháp của nhà quản lý, nhiều hộ dân rất lo lắng. “Nếu nhà nước thu hồi lại đất rẫy, chúng tôi sẽ không có đất canh tác. Chúng tôi chỉ biết sống nhờ rẫy, luôn mong có đất canh tác phù hợp và ổn định”, K’ Dũng (tên nhân vật đã được thay đổi), người dân tộc K’Ho, xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng nói. Cũng như nhiều người khác trong làng, hơn 1 ha đất rẫy được khai hoang từ đời cha ông, hiện chủ yếu trồng điều của K’ Dũng nằm trên triền đồi đang thuộc đất lâm nghiệp.□
—
Bài viết được sự hỗ trợ của Quỹ Báo chí Rừng Nhiệt đới cùng sự hợp tác của Pulitzer Center.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả và một số chuyên gia, không thể hiện quan điểm của tòa soạn.
Bài đăng Tia Sáng số 6/2024