Làm khoa học kiểu nhảy dù

Những năm gần đây số lượng bài báo công bố trên các tập san khoa học quốc tế tăng trung bình khoảng 10%. Nhưng bên cạnh con số tăng trưởng đó có một khía cạnh đáng lo ngại: đó là các công trình do “nội lực” (tức hoàn toàn thực hiện bởi các nhà khoa học trong nước) giảm từ 23% vào năm 1997 xuống còn 19% trong năm 2001. Nói cách khác, hiện nay, hơn 80% các công trình nghiên cứu khoa học xuất phát từ Việt Nam được công bố trên các tập san quốc tế là do hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài. Vấn đề đặt ra là hợp tác như thế nào, và sở hữu tri thức thuộc về các nhà khoa học Việt Nam hay các đồng nghiệp nước ngoài.


Ai cũng biết trong thế kỉ trước, các cường quốc phương Tây như Anh và Pháp có nhiều thuộc địa ở châu Phi và châu Á. Trong một thời gian dài, các nhà khoa học từ các cường quốc này đến các nước thuộc địa tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học, kể cả nhân chủng học và văn hóa học, và công bố trên các tập san ở nước họ. Do đó, quyền sở hữu tri thức thuộc về họ, cho các tri thức này dựa vào các mẫu vật và sự cộng tác của nhân sự  từ địa phương. Trong giới khoa học, người ta gọi cách làm khoa học này là “khoa học thuộc địa”. Ở nước ta, do nhiều thế hệ học sinh, sinh viên không có cơ hội nghiên cứu khoa học, và do đó, một phần không nhỏ kiến thức về Việt Nam, dân tộc Việt Nam và tài nguyên Việt Nam lại nằm trong tay các nhà khoa học nước ngoài, thay vì trong tay các nhà khoa học Việt Nam. 
Đến thế kỉ 20, Mỹ trở thành cường quốc khoa học và kinh tế số một. Cùng với Mỹ, các nước châu Âu, chủ yếu là Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, và các nước Bắc Âu kiểm soát gần như toàn bộ hệ thống thông tin khoa học.  Tất cả các nhà xuất bản lớn nhất thế giới, tất cả các tập san khoa học lớn và có ảnh hưởng trên thế giới đều xuất phát từ các nước này. Hệ quả là thế giới không chỉ bị ngăn cách bởi thu nhập cá nhân, mà còn bị chia cách bởi “bức tường thông tin” (Information Divide). Trong khi các nước phương Tây thừa thông tin khoa học, thì các nước đang phát triển như nước ta lại thiếu thông tin trầm trọng. Một thư viện của một đại học trung bình ở Anh hay Mỹ có 3000 tập san khoa học, trong khi đó một đại học lớn ở nước ta con số này chưa đến 50!
Khoảng 25% các nhà khoa học trên thế giới sống và làm việc ở các nước đang phát triển, nhưng họ sản xuất dưới 3% tổng số ấn phẩm khoa học trên thế giới (BMJ 1997;314:980). Vì thiếu thông tin, cho nên chất lượng nghiên cứu từ các nước đang phát triển không cao, và thường bị từ chối cho công bố trên các tập san quốc tế (hay nói đúng hơn là các tập san khoa học phương Tây). Trong thời gian 10 năm (tính từ 1989 đến 1998), tập san y khoa của Anh, British Medical Journal, nhận được 44.690 bài báo khoa học trên thế giới; trong số này chỉ có 6% (hay 2550 bài) từ các nước đang phát triển. Tỉ lệ các bài báo từ các nước đang phát triển được chấp nhận cho công bố là 8% (tức 92% trong số 2550 bài bị từ chối). Tỉ lệ các bài báo từ các nước đã phát triển được chấp nhận cho công bố là 17%. Do đó, trong tổng số các bài báo được công bố trên tập san British Medical Journal, chỉ có ~3% là từ các nước đang phát triển. Ở các tập san lớn hơn như Science, Nature, Cell, New England Journal of Medicine, Lancet… tình trạng còn “bi thảm” hơn: tỉ lệ các bài báo từ các nước đang phát triển chỉ dưới 1%. 
Trong nỗ lực khắc phục tình trạng trên và nhằm gia tăng sự có mặt của các công trình nghiên cứu từ các nước đang phát triển, các nhà khoa học từ các nước phương Tây tìm cách hợp tác với đồng nghiệp ở các nước đang phát triển. Thường thường, họ được hỗ trợ và khuyến khích từ chính phủ để tiến hành các nghiên cứu “viễn chinh”. Nhưng ý đồ tích cực này đang dần dần trở thành một hình thức thuộc địa chủ nghĩa kiểu mới trong khoa học, mà giới khoa học đặt tên là “Scientific Colonism” hay “Làm khoa học kiểu nhảy dù”. Mới đây, có người còn đặt tên cho loại hợp tác này là “Safari Science”. Nói một cách ngắn gọn, cũng giống như giới khoa học thuộc địa thời xưa đến các nước châu Á và châu Phi thu thập các cổ vật văn hóa về sung vào viện bảo tàng ở nước họ, giới làm khoa học kiểu nhảy dù ngày nay là các nhà khoa học phương Tây đến các nước đang phát triển thu thập mẫu máu, DNA, hay mẫu vật, hay số liệu, và đem về phòng thí nghiệm nước họ để phân tích và công bố kết quả. Trong bài báo, họ đứng tên tác giả số một hay tác giả chịu trách nhiệm (responsible author) và cho tên của vài nhà khoa học địa phương trong danh sách tác giả như là “foot soldier” (lính đánh bộ)! 
Tình trạng khoa học nhảy dù hay khoa học thuộc địa này phổ biến cỡ nào? Tính từ 1993 đến 1998, tập san British Medical Journal công bố 59 bài báo với sự hợp tác giữa các nhà khoa học các nước phương Tây và các nước đang phát triển; trong số này, 58% bài báo mà tác giả đứng đầu là các nhà khoa học phương Tây. Tỉ lệ khoa học nhảy dù ở tập san Lancet là 57% (trong số 82 bài báo). Trong thời gian trên, tập san Science công bố 6 bài báo hợp tác, và tất cả đều do các nhà khoa học phương Tây đứng tên tác giả đầu. Tập san có ảnh hưởng càng cao, tỉ lệ khoa học nhảy dù hay khoa học thuộc địa càng cao. Nói cách khác, các nhà khoa học phương Tây chỉ “tử tế” với các nhà khoa học địa phương chỉ khi nào các bài báo đăng trên các tập san có ảnh hưởng thấp, nhưng với các bài báo trên các tập san ảnh hưởng lớn thì họ giành quyền đứng tên tác giả đầu. 
Xu hướng hợp tác khoa học theo kiểu nhảy dù này đã và đang xảy ra ở nước ta, nhất là trong lĩnh vực y học, nơi trong vòng 10 năm qua có hơn 95% các bài báo nghiên cứu được thực hiện ở Việt Nam do các tác giả nước ngoài đứng tác giả đầu hay tác giả chịu trách nhiệm. Thật ra, tất cả các nghiên cứu về chất độc da cam ở Việt Nam trong thời gian qua có thể nói là các hợp tác kiểu khoa học nhảy dù. Rõ ràng, các nghiên cứu này lấy mẫu vật và số liệu từ người Việt tại Việt Nam, nhưng các nhà khoa học Việt Nam chỉ đóng vai trò “lính đánh bộ”, và công trạng và sở hữu tri thức vẫn thuộc về các nhà khoa học nước ngoài.
Đây là một vấn đề tế nhị và gai góc. Có lẽ phần lớn các nhà khoa học phương Tây không nghĩ họ bóc lột hay lợi dụng đồng nghiệp từ các nước đang phát triển, bởi vì trong thực tế, họ là những người đề xuất ý tưởng, thiết kế nghiên cứu, phân tích dữ liệu, soạn thảo bài báo, và trực tiếp thực hiện việc công bố bài báo. Đứng trên mặt qui tắc thì họ hoàn toàn có tư cách đứng tên đầu. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là họ sử dụng dữ liệu từ Việt Nam, mẫu máu, DNA, hay nói chung là chất liệu nghiên cứu từ Việt Nam và của người Việt Nam, và trong nhiều trường hợp, họ sử dụng các nhà khoa học Việt Nam để thu thập các dữ liệu này. Nếu không có các chất liệu này hay không có sự hợp tác của đồng nghiệp Việt Nam, thì dù ý tưởng có hay cỡ nào cũng không thể thành hiện thực. Vậy thì vấn đề đặt ra là việc họ đứng tên đầu có hợp lí không? Theo tôi câu trả lời là “không”. Kinh nghiệm của tôi cho thấy trước khi hợp tác với bất cứ ai ở nước ngoài, một hợp đồng phải được soạn thảo trước với những qui định rõ ràng về vị trí tác giả của bất cứ bài báo nào sẽ xuất bản, và tất cả các nhà khoa học liên quan phải kí tên vào trước khi thực hiện. 
Hợp tác trong nghiên cứu khoa học cũng giống như thương lượng trong kinh doanh, tức là bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Muốn thế các nhà khoa học Việt Nam, ngoài kiến thức và năng lực cần phải tìm hiểu kĩ hơn nữa về luật chơi trong hoạt động khoa học quốc tế.  Nhưng quan trọng hơn hết, trong thời đại hội nhập quốc tế, các nhà khoa học nước ta rất cần ý thức rõ quyền lợi quốc gia và không nên để những tri thức về Việt Nam, dân tộc Việt Nam và tài nguyên Việt Nam lại một lần nữa nằm trong tay các nhà khoa học nước ngoài trong các hợp tác khoa học theo kiểu nhảy dù.


Nguyễn Văn Tuấn

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)