Làm sao, để xã hội hóa được sự tử tế

Câu chuyện thách đố của hôm nay, của ngày mai, là tổ chức đời sống như thế nào, để cái “tử tế một mình”, hay cái “tử tế vài mình” có thể còn giữ gìn được, thậm chí thăng hoa được, trong một đời sống cộng đồng rộng lớn hơn lên, thậm chí siêu rộng lớn hơn lên, đến mức toàn cầu hóa. 

Nếu bạn đi gặp từng người đơn lẻ trong xã hội chúng ta, ngay hôm nay, bạn sẽ thấy “hầu  hết ai cũng tử tế”, giống như chính bạn. Họ, ta, tôi tử tế, tử tế như một người chạy xe một mình trên một con đường không đèn xanh đèn đỏ.

Chúng ta đã từng thấy ở trong những cộng đồng cổ truyền bé xíu những sự tử tế, tuy không phải là tất cả mọi sự; chúng tồn tại giản dị, tự nhiên, gần như là không cần có sự cố gắng.

Câu chuyện thách đố của hôm nay, của ngày mai, là tổ chức đời sống như thế nào, để cái “tử tế một mình”, hay cái “tử tế vài mình” có thể còn giữ gìn được, thậm chí thăng hoa được, trong một đời sống cộng đồng rộng lớn hơn lên, thậm chí siêu rộng lớn hơn lên, đến mức toàn cầu hóa.

                                                                  ***

Trong công việc ở xứ người, tôi hay đụng phải loại việc công nghệ thông tin hóa việc quản trị một doanh nghiệp.

Thoạt đầu, công nghệ thông tin hóa việc quản trị một doanh nghiệp mang dáng vẻ đơn giản, đó là từng bước đem công nghệ vào thay thế những công việc vốn được xử lý thủ công, cốt sao để cho công việc xử lý trở nên được nhanh tay hơn, nhanh mắt hơn, chính xác hơn. Đúng là như thế. Nhưng rồi, không chỉ là như thế.

Ở đây, con người lần đầu tiên đã thực sự bị buộc phải bắt đầu đụng vào tầng thực thể logic, thực thể tinh thần của đời sống doanh nghiệp, của đời sống xã hội. Moi nó ra, trưng bày nó ra, kiểm kê nó, sắp xếp lại nó, thay đổi nó, nhập hồn nó trở lại vào đời sống xã hội, vào đời sống doanh nghiệp, đó là bản chất của loại công việc này.

Từ trước tới nay, con người trong doanh nghiệp họ hoạt động như thế nào? Những thứ họ đã và đang làm, đó chỉ là những thói quen, những kinh nghiệm, dù là “tốt”? Hay là đã được suy nghĩ kĩ càng? Hay là nửa chừng kĩ càng? Người ta loay hoay trong những góc công việc như thế nào? Sự liên kết giữa các nhóm làm việc ra sao? Giữa các nhóm ấy có những bức tường tư lợi gì? Những dòng chảy thông tin diễn ra như thế nào, thường bị tù đọng ở đâu, được xử lý như thế nào? Các loại sự cố, tai nạn bất thường gì khả dĩ? Xử lý chúng ra sao? Các tri thức, túi khôn nằm ở đâu, trong đầu một số người, hay là đã được chuyển ra ngoài, được khách thể hóa? Các tri thức ấy có được tái đồng bộ hóa theo thời gian, theo các “số tái bản”, các “versioning”? Các quyết định của con người, dù ở địa vị cao nhất, có bị khống chế bởi những qui tắc nào, hay là không?

Thế rồi, các nhóm làm việc đã có khả năng diễn đạt công việc của họ một cách “mô thức hóa”, “quy trình hóa”, “kiểm tra được”, “dễ thay đổi thích ứng được”, “tiến hóa được”? “Công nghệ thông tin hóa” hóa ra không phải là chuyện của mấy cái máy tính, mà phải bắt đầu ở trong các phương thức suy nghĩ của những con người.

Công việc “vẽ bản đồ” hoạt động của doanh nghiệp bắt buộc phải cấu trúc hóa, và rồi tái cấu trúc hóa doanh nghiệp. Từng vị trí trong doanh nghiệp bắt đầu phải được định nghĩa, được định nghĩa lại, trong tình huống tự chủ và trong tình huống của các tương tác tổng thể.

Sớm hay muộn, doanh nghiệp sẽ phải đi đến một vấn đề khá cốt tử: công nghệ thông tin hóa là để cho hệ thống thông tin đáp ứng nguyên xi cái não trạng muôn thuở của doanh nghiệp, hay là bản thân doanh nghiệp sẽ phải bị “xây dựng lại” để được hợp lý hóa trở lại khi đối mặt với công nghệ thông tin? Sự tương tác hai chiều này là một hòn đá thử có tính sống còn.

Sự tử tế thật sự của hôm nay là phải bắt tay vào công cuộc thiết kế, cải cách đời sống, xây dựng một đời sống hiện đại, dân chủ, pháp quyền.

Những nhà “duy thực”, coi công nghệ thông tin chỉ là công cụ đơn thuần để phục vụ thực tế não trạng của doanh nghiệp, trước sau cũng sẽ bị rối loạn. Bởi vì họ không tiến hóa về logic, về thực thể tinh thần. Mỗi công đoạn việc của doanh nghiệp đối với họ đều là “một ngoại lệ”. Doanh nghiệp của họ đối với họ là một tổng hợp của toàn những ngoại lệ, không có gì giống ai được. Điều ấy giống như một cộng đồng, một quốc gia không có đường đi nước bước quyết đoán về hiện đại hóa, họ có thể nhập cảng vô số các luật lệ, các mô hình để trang điểm, hoặc để giải quyết xé lẻ từng vụ việc, nhưng chúng chỉ làm tăng độ rối loạn của các hoạt động nhìn trong tổng thể. Cái công nghệ thông tin đích thực không phải là mấy chiếc máy tính, mà nó là cải cách toàn bộ hệ thống thần kinh của đời sống xã hội của doanh nghiệp, tất nhiên với sự trợ giúp không thể thiếu của hệ thống máy tính.

Và không chỉ là kĩ thuật nữa, xúc tiến công nghệ thông tin hóa cũng là lúc cân đo lại, hợp lý hóa lại các lợi ích của các cá nhân, các nhóm, của tổng thể doanh nghiệp, để xốc lại, làm mới mẻ lại cơ thể xã hội của doanh nghiệp, khai thông dòng chảy năng lượng của doanh nghiệp. Đến một lúc, những doanh nghiệp sáng dạ nhất trong lĩnh vực này là những doanh nghiệp hiểu sâu sắc rằng việc công nghệ thông tin hóa cần một nền tảng căn bản là ý chí cải cách doanh nghiệp, vì lợi ích tổng thể của doanh nghiệp và vì mọi thành viên của nó. Giới chuyên môn về công nghệ có ưu điểm là giản dị và đi thẳng vào thực chất, họ gọi việc này không vòng vèo là đề án chính trị của doanh nghiệp.


                                                                 
***

Câu chuyện công việc công nghệ thông tin vừa nói cũng là câu chuyện về cấu trúc hóa và tái cấu trúc hóa đời sống xã hội, sao cho sự tử tế nhỏ bé có thể lớn lên được.

Sự tử tế căn bản đầu tiên cần phải có, là mong muốn và quyết tâm làm cho sự tử tế nhỏ bé lớn lên được trong một đời sống cộng đồng bị xã hội hóa rất lớn lao hôm nay. Tiếp đến, là cả một cuộc cải cách xã hội nhất định phải tiến hành. Nhìn vào núi việc phải cải cách, ai cũng sợ, và ngán, và rồi muốn để cho các thế hệ sau này giải quyết. Nhưng vấn đề là ở chỗ, càng sợ, càng ngán, thì càng trì hoãn, và càng trì hoãn, thì cái núi việc phải cải cách đó lại càng lớn lên, đồ sộ lên, theo cấp số. Đáng sợ hơn, khi sự trì hoãn để lâu đến một mức nào đó, các khó khăn sẽ vượt ra ngoài năng lực giải đáp của những con người của xã hội ở thời điểm đó, và khi ấy các mối nguy hiểm về sự rối loạn, sự bùng nổ, sự mất khả năng kiểm soát sẽ lớn lên khủng khiếp, và cái giá phải trả rốt cuộc là vô cùng đáng sợ, đáng sợ cho tất cả mọi người, không loại trừ ai. Tất cả mọi người đều ở trên một con thuyền, đừng cố gắng nhắm mắt quên đi điều đó. Làm sao để những con người ở trên con thuyền ấy nuôi dưỡng được sự tử tế; hơn thế nữa, làm cho sự tử tế lớn lao lên được.

Tất cả các cuộc lên lớp đạo đức chay theo cách thức cổ truyền đã đụng trần về tác dụng, đạt mức hết tác dụng.

Sự tử tế thật sự của hôm nay là phải bắt tay vào công cuộc thiết kế, cải cách đời sống, xây dựng một đời sống hiện đại, dân chủ, pháp quyền. Phải có quyết sách, phải có lộ trình, phải có sự đóng góp của mỗi người trong xã hội. Con người chỉ cảm thấy được sự tiến hóa một khi chính họ tham gia vào việc đo đạc sự tiến hóa ấy.

Để những sự tử tế bé nhỏ có thể tồn tại được, trụ lại được, nảy mầm thêm lên được, và lớn bổng hơn lên được.

Để những năm tháng chúng ta sống có thêm vui hạnh, có thêm ý nghĩa.

Tết này về, chia sẻ điều này với các bạn có phù hợp chăng?

 

 

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)