Làm sao vực dậy đời sống khoa học xã hội?
Tại sao lại có hiện tượng coi thường khoa học xã hội? Đâu là căn nguyên của tình trạng sa sút trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội? Tại sao phải bàn về quyền tự do tư tưởng trong hoạt động trí tuệ?
Khi bàn về nhu cầu cải tổ hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ta vốn đang lâm vào tình cảnh suy thoái ngày càng nặng nề, người ta thường hay nói nhiều nhất tới nguyên nhân cơ chế quản lý. Theo một cuộc thăm dò cán bộ khoa học gần đây của Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, có 97,8 % trong số 233 người trả lời cho rằng cần đổi mới chính sách và cơ chế quản lý hoạt động khoa học1. Có lẽ cũng chính vì thế mà chính phủ đã ban hành Nghị định 115 (5-9-2005) về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu công lập nhằm nỗ lực cải cách theo hướng ấy. Cải tổ cơ chế quản lý khoa học là điều rất đúng đắn và cần thiết vào lúc này; tuy nhiên, theo thiển ý chúng tôi, nếu chỉ dừng lại ở đó mà thôi thì hoàn toàn chưa đủ vì mới chỉ đụng chạm vào cái thân chứ chưa đột phá tới những chiều sâu gốc rễ của vấn đề. Đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội mà bài này muốn bàn luận đến.
Hiện tượng coi thường khoa học xã hội
Có một thực tế mà chắc ai cũng nhận thấy là lâu nay các ngành khoa học xã hội ở Việt Nam thường không được coi trọng bằng các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ. Trong lĩnh vực qui hoạch và quản lý đô thị chẳng hạn, người ta thường chỉ chú ý tập trung vào những ngành như kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng… mà hầu như rất ít quan tâm tới những ngành như xã hội học, sử học hay tâm lý học. Theo số liệu của Sở KH&CN TPHCM, trong tổng kinh phí 30,5 tỉ đồng chi cho nghiên cứu khoa học của TPHCM năm 2003, phần dành cho khoa học xã hội chỉ đạt 1,4 tỉ đồng, tức chưa đầy 5%2. Ngay trong phạm vi Đại học Quốc gia TPHCM, các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội vào năm 2004 cũng chỉ chiếm tỷ lệ 1/6 trong tổng kinh phí cấp cho các đề tài trọng điểm cấp bộ (560 triệu đồng so với 3.443 triệu đồng) 3.
Chính vì xu hướng xem nhẹ khoa học xã hội một cách phổ biến nên không có gì ngạc nhiên khi năm nay, chỉ có 15% học sinh trung học phổ thông ở TPHCM chọn ban C (ban khoa học xã hội và nhân văn), và thậm chí một số trường sẽ không mở lớp ban C4. Dường như xu hướng tư duy kỹ trị và duy kinh tế đang ngày càng thống soái trong xã hội.
Căn bệnh “bao cấp” về tư duy và hành chính hóa hoạt động nghiên cứu
Có hai nguyên nhân chính khiến cho các ngành khoa học xã hội ngày càng sa sút và bị coi thường, đó là do căn bệnh “bao cấp” hay đóng cửa về tư duy (xét về mặt tư tưởng), và căn bệnh hành chính hóa hoạt động nghiên cứu (xét về mặt tổ chức). Nhiều người cho rằng sự sa sút ấy chủ yếu do bản thân đội ngũ cán bộ khoa học xã hội còn quá yếu kém và thụ động nên không sản xuất ra được những công trình có giá trị được xã hội công nhận. Nói như vậy có thể không sai, nhưng theo chúng tôi, điều này thực ra cũng là hệ quả của hai nguyên nhân sâu xa nói trên.
Đã từng có một thời gian dài các ngành khoa học xã hội gần như bị trói chặt trong cái “vòng kim cô” của những điều cấm kỵ mang tính giáo điều và buộc tự giới hạn lao động của mình vào công việc minh họa đến mức phải tự trào là “ăn theo, nói leo”5. Tư duy trong phần lớn các ngành KHXH bị “chính trị hóa” một cách thô thiển và phi khoa học. Xét về mặt tổ chức, cho đến nay hoạt động nghiên cứu nói chung và của khoa học xã hội nói riêng đã bị hành chính hóa và nhà nước hóa nặng nề. GS Hoàng Tụy từng phê phán việc nhà nước thay vì chỉ cần xác định một số hướng nghiên cứu ưu tiên thì lại giành xác định luôn các đề tài nghiên cứu cụ thể mà không để cho các nhà khoa học được quyền tự mình chọn đề tài6. Công việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư cũng là việc mà nhà nước ôm lấy, thay vì để cho các đại học đảm nhiệm. Thậm chí Bộ giáo dục còn ký cả bằng tiến sĩ, in phôi các văn bằng cử nhân, và giành độc quyền cả việc phát hành bộ hồ sơ tuyển sinh vàođại học!
Quyền tự do tư tưởng trong hoạt động trí tuệ
Bên cạnh quyền tự chủ của các tổ chức nghiên cứu mà Nghị định 115 đã qui định, chúng tôi cho rằng điều còn quan trọng hơn là cần xác lập quyền tự do tư tưởng trong hoạt động trí tuệ. Lẽ tất nhiên mọi công dân đều mặc nhiên phải được hưởng quyền này, nhưng riêng trong lĩnh vực khoa học xã hội, quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận lại là điều kiện tối cần để có thể vực dậy sinh khí học thuật lành mạnh và phong phú. Cần sớm giã từ lối tư duy độc quyền chân lý, vì điều này chỉ khiến cho nhiều người “chết” vì “tội nói khác”, vì dám có suy nghĩ độc lập và biết hoài nghi, biết phê phán, chứ không phải chết vì dốt hay vì lười suy nghĩ. Có thể nói cuộc thảo luận trên báo chí trong thời gian gần đây về cách dạy môn văn và cách ra đề thi môn văn là một trường hợp điển hình cho thấy cần phải nhanh chóng thay đổi triết lý về giáo dục cũng như tư duy về hoạt động khoa học xã hội.
Nếu không dám chấp nhận tranh luận và nếu ngăn cản những ý kiến phản biện thì xã hội khó lòng mà tiến bộ được. Nhà triết học người Anh John Stuart Mill từng viết: “…Cái tai họa khác thường của việc cấm đoán phát biểu một ý kiến chính là sự đánh cắp đối với loài người, kể cả thế hệ mai sau cũng như hiện nay, [điều này] gây thiệt hại cho người bất đồng với ý kiến đó nhiều hơn là cho chính người có ý kiến đó”. Và ông còn nói: “…Trong tình trạng không hoàn hảo của trí tuệ loài người, lợi ích của chân lý đòi hỏi phải có sự đa dạng về ý kiến”7.
Các ngành khoa học xã hội ngày càng đóng vai trò thiết yếu trong xã hội, không phải chỉ vì chúng góp phần sản xuất ra tri thức cho xã hội, mà còn vì và nhất là vì chúng là những công cụ giúp cho xã hội có điều kiện tự nhìn lại mình, tự ý thức về mình, hay nói cách khác, giúp cho xã hội luôn luôn phản tỉnh. Nếu trong các lĩnh vực kinh tế, chúng ta đã công nhận vai trò tiên phong của tầng lớp doanh nhân, thì trong các lĩnh vực xã hội và văn hóa, một vấn đề rất lớn cần được đặt ra hiện nay là làm sao xây dựng lại và phát triển một tầng lớp trí thức theo đúng nghĩa của từ này, với tư cách là một sức mạnh trí tuệ của đất nước.
——————–
* Viện Nghiên cứu Xã hội TP. Hồ Chí Minh.
Chú thích :
1 Xem Sài Gòn Giải phóng, 17-3-2006, trang 9.
2 Xem Người lao động, 1-12-2003, trang 11.
3 Xem Tuổi Trẻ, 23-9-2005, trang 2.
4 Xem Pháp luật TPHCM, 16-7-2006, trang 2.
5 Xem Văn Tạo, “Nghĩ về những cống hiến của khoa học xã hội”, Khoa học&Phát triển, số 29, 17-7-2003, trang 3.
6 Xem Sài Gòn Giải phóng, 3-5-2006, trang 3.
7 John Stuart Mill, On Liberty, 1859, chương 2.
Chú thích ảnh: Câu lạc bộ văn học dân gian ở Huế