Lan tỏa Sống Xanh
Cách đây bốn năm, dự án Sống Xanh bắt đầu được Trung tâm Hành động vì Đô thị (ACCD) thử nghiệm tại Hà Nội. Từ mười hộ gia đình đầu tiên tình nguyện tham gia, đến nay dự án đã mở rộng đến hơn 5.000 hộ gia đình tại các thành phố Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An và Hồ Chí Minh.
Nhằm tôn vinh những nỗ lực và sáng kiến sống bền vững của các thành viên Sống Xanh ở Việt Nam và Ireland, ACCD cùng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức triển lãm ảnh ‘TÔI SỐNG XANH’ với gần 60 tác phẩm đầy cảm hứng của nhà nhiếp ảnh và làm phim người Anh Paul Zetter, người đã có hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam, và nhà nhiếp ảnh người Ireland Joe St Leger.
Trong khi tác phẩm của Joe St Leger đặc tả các khu vườn cộng đồng ở Ballymun thì các tác phẩm của Paul Zetter lại nghiêng về đặc tả chân dung. Đó là những người dân thường, đồng thời là tác giả của những sáng kiến nho nhỏ nhưng bất ngờ và thú vị, đang góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và phong cách sống ở cộng đồng của mình. Bằng nghệ thuật lột tả nội tâm và tài nắm bắt khoảnh khắc, tác phẩm của Paul Zetter có thể nói với chúng ta rất nhiều về những giá trị vốn nằm sâu trong mỗi con người nhưng luôn chờ được đánh thức: đó là sức sáng tạo, cảm hứng và lòng tự hào.
Nhà nhiếp ảnh Paul Zetter cho biết, ông đã dành thời gian đến thăm nhiều gia đình Sống Xanh ở phương Phúc Tân, Hà Nội – nơi đầu tiên thử nghiệm chương trình – và Hội An. Ông đã chụp được rất nhiều bức ảnh ưng ý nhưng “không gian triển lãm chỉ đủ cho một phần ba số đó,” ông chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm chiều chiều 21/11. “Thách thức lớn nhất đối với tôi, là làm thế nào để ghi lại được ấn tượng về sự kết nối giữa những con người với nhau,” ông nói.
Bên cạnh các tác phẩm nhiếp ảnh, triển lãm còn trưng bày ngôi nhà ươm rau được làm từ khoảng 1.500 chai nhựa tái chế do các em học sinh và các nhóm Sống Xanh Hà Nội đóng góp. Ngôi nhà dựa trên nguyên mẫu từ Ireland và do nhóm Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Vũ Xuân Sơn, Nguyễn Văn Âu cùng các sinh viên tình nguyện trường Đại học Xây dựng thực hiện.
Triển lãm mở cửa đến ngày 14/12/2013 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Nguyên mẫu từ Ireland
Dự án “Nâng cao Năng lực Cộng đồng Dân cư tại Hà Nội”, được biết đến nhiều hơn với tên gọi Chương trình Sống Xanh, phỏng theo mô hình đã được thực hiện tại khu dân cư nghèo Ballymun ở Dublin, Ireland từ những năm cuối thập niên 90.
Tại Ballymun, với sự giúp đỡ của các hướng dẫn viên, các nhóm cộng đồng từ 8 đến 10 người sinh hoạt hàng tuần về các chủ đề như nước, rác, năng lượng, tiêu dùng thông thái… Các cuộc họp nhóm là nơi kinh nghiệm của một người được chia sẻ đến nhiều người, kinh nghiệm của một nhóm được chia sẻ đến nhiều nhóm. Thông qua mô hình này, người dân Ballymun bắt đầu có những hành động thiết thực để cải thiện chất lượng sống của gia đình, sau đó họ liên kết với nhau để cải thiện môi trường sống ở khu dân cư của mình.
Qua sự giới thiệu của Đại sứ quán Ireland, cách đây bốn năm, ACCD đã có cuộc gặp với những người bạn từ Global Action Plan Ireland – tổ chức thực hiện dự án Sống Xanh ở Ballymun – và sau đó quyết định thử nghiệm mô hình Sống Xanh trong các cộng đồng thu nhập thấp và trung bình ở Hà Nội.
Giai đoạn thử nghiệm được thực hiện tại bốn phường Phúc Tân, Giáp Bát, Thượng Đình và Hạ Đình từ năm 2009-2010. Đến nay, mô hình được mở rộng tới hơn 5.000 hộ gia đình ở Huế, Hội An, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Ước tính, trung bình một tháng mỗi hộ Sống Xanh tiết kiệm được 2m3 nước, 9kWh điện, giảm 30 kg rác thải và giảm sử dụng 90 túi nilông. Không chỉ dừng lại trong phạm vi hộ gia đình, các Câu lạc bộ Sống Xanh đã góp phần tích cực trong việc cải thiện môi trường sống tại cộng đồng như tạo góc sân tập thể dục, sửa chữa nhà văn hoá cộng đồng, làm đường nội bộ, cải tạo các bãi rác tự phát thành vườn rau…
Kinh nghiệm và sáng kiến của các cộng đồng được đúc kết trong hai cuốn sách Sổ tay và Cẩm nang Sống Xanh Sống khoẻ do ACCD biên soạn và ấn hành. Hằng năm, hai cuốn sách vẫn được chỉnh sửa và bổ sung cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc ACCD, chia sẻ: “Sống xanh không chỉ có nghĩa là vứt rác đúng chỗ hay tiết kiệm điện – nước; tinh thần Sống Xanh còn thể hiện ở chỗ làm sao hành động của mình có thể lan tỏa đến nhiều người khác, như nó đã lan tỏa từ cộng đồng Ireland xa xôi đến những người bạn Việt Nam, từ bác nông dân lan tỏa đến các bạn học sinh, thầy cô giáo, các kiến trúc sư.“
Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị (ACCD) là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2006, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, hoạt động với mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao năng lực tự quản của người dân ở các đô thị Việt Na. Các dự án của ACCD chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Hội An. Ngoài ra, ACCD thường xuyên hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với các tổ chức tại các địa phương khác như Huế, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. |