Lấy lại vỉa hè: Trách nhiệm của toàn xã hội
Khách quan mà nói, chủ trương nỗ lực tiến hành dẹp tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lập lại trật tự, mỹ quan đô thị ở Hà Nội và TP HCM là hợp lòng dân và cần được thúc đẩy, nhân rộng ra cả nước. Bài viết này xin được góp vài ý kiến xung quanh chiến dịch góp phần chỉnh trang đô thị này.
Tạo sự công bằng xã hội
Ngoài ý nghĩa lập lại, đảm bảo an toàn giao thông, trật tự, mỹ quan đô thị, nỗ lực dẹp tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Không thể phủ nhận những không gian trên thuộc về cộng đồng, do cộng đồng tạo dựng và vì thế nó phải phục vụ cộng đồng. Tiền làm đường, lát vỉa hè cùng bao hệ thống hạ tầng liên quan được lấy từ tiền thuế của dân. Không thể vì bất cứ lý do gì, những không gian ấy bị chiếm hữu để phục vụ lợi ích cho một số ít. Sẽ vô cùng phi lý khi hè đường bị hư hại do hoạt động buôn bán, dịch vụ vốn đem lại thu nhập cho một nhóm nhưng nếu cần tu sửa, nâng cấp, kinh phí lại phải lấy từ ngân sách.
Ở một phương diện khác, duy trì tình trạng buôn bán trái phép trên vỉa hè, lòng đường tạo ra sự bất công với những người thuê ki ốt, có đăng ký kinh doanh tại các chợ hợp pháp. Việc phải đóng thuế, trả tiền thuê mặt bằng khiến giá thành sản phẩm họ bán khó cạnh tranh với những người bán rong, kinh doanh trái phép ven đường. Vị trí bán hàng của họ cũng thua thiệt cả về tính tiện lợi đối với người mua- những người thường ngại, sợ phí, sợ mất thời gian gửi xe vào chợ. Vì vậy, quá trình triển khai cần tính đến đặc thù ở từng khu vực, tuyến phố. Cần có những quy hoạch, linh động ở nơi diện tích cho phép, ưu tiên những đối tượng chính sách, hộ nghèo được duy trì buôn bán bởi đó là sinh kế chính của họ qua nhiều thế hệ, nhất là khi hoạt động buôn bán của họ không cản trở giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường. Thực tế này đã và đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Quản lý đô thị để phát triển kinh tế
Có cơ sở để khẳng định rằng khá nhiều hộ kinh doanh trái phép trên vỉa hè, lòng đường không có đăng ký kinh doanh. Ngoài việc thất thu nguồn thuế đáng kể cho ngân sách, hoạt động này còn duy trì tình trạng thiếu minh bạch giữa người bán với người mua trên đủ các phương diện: giá cả, chất lượng, nguồn gốc và độ an toàn của sản phẩm. Từ hàng ăn đến đồ gia dụng, rất ít khi người mua được đảm bảo chất lượng sản phẩm dù họ phải bỏ tiền ra mua. Vì kinh doanh không giấy phép, không ít người bán cũng chỉ quan tâm tìm nguồn hàng rẻ để thu hút khách hàng mà không lưu tâm đến xuất xứ, tình trạng hợp pháp, an toàn sức khỏe.
Thêm nữa, chiếm dụng không gian chung để kinh doanh trái phép dù đem lại lợi nhuận kinh tế cho một vài người (và một vài người khác đứng phía sau) nhưng lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của hàng vạn người lao động tại các doanh nghiệp hợp pháp khác bởi hàng hóa họ làm ra không bán được do vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.
Giá nhà đất ở Việt Nam, nhất là ở mặt phố, ven đường được xếp vào nhóm cao trên thế giới nếu tính tương quan với thu nhập. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là việc từ lâu người ta mặc định khoảng vỉa hè trước nhà sẽ thuộc về mình, sẽ được tự do chiếm dụng để kinh doanh, thậm chí cho thuê. Hầu như không có nhà mặt phố nào lại không “tận dụng” khoảng không gian “trời cho” ấy. Người ta kinh doanh thượng vàng hạ cám, đủ quy mô, bỏ một bán mười, kiếm tiền không mấy khó khăn. Quan niệm “tỷ phú nhà quê, không bằng ngồi lê thành phố” có lẽ từ đây mà ra.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng việc cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh trên vỉa hè sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống kinh tế của một bộ phận người dân, nhất là những nhóm yếu thế. Quan điểm này cần được lưu tâm bởi trong điều kiện ở nước ta hiện nay, hoạt động buôn bán nhỏ vẫn có đóng góp quan trọng không chỉ cho hộ gia đình mà cả nền kinh tế nếu được quản lý tốt. Chính vì thế, với những trường hợp được cấp phép, nếu người dân đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, cam kết giữ vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ, trật tự giao thông đô thị thì chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để người dân thuận lợi làm ăn.
Giảm tệ nạn xã hội
Hiếm quốc gia nào mà quán cóc, chợ cóc lại phổ biến như ở nước ta. Cũng hiếm ở đâu mà lúc nào cũng dễ bắt gặp từng nhóm, đa phần trong độ tuổi lao động, miệt mài “chém gió” bên đường. Mâu thuẫn, cãi lộn, đánh nhau, đổ máu diễn ra có khi chỉ vì một ánh mắt, một câu nói bâng quơ.
Không biết từ bao giờ, tiếng Việt có thêm những khái niệm như: chuyện vỉa hè, văn hóa vỉa hè. Một số người cho đây là nét “đặc sắc” chỉ có ở riêng xứ mình, nên bảo tồn và phát huy để hấp dẫn khách du lịch. Người ta quên mất rằng không ít tệ nạn xã hội cũng từ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mà ra. Nếu có một điều tra bài bản, tỷ lệ quán cóc ven đường liên quan đến lô đề, vay nặng lãi, bài bạc, mại dâm có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình. “Kinh tế vỉa hè” cũng gián tiếp làm tha hóa một bộ phận cán bộ, tiếp tay cho những môi quan hệ kim tiền, mờ ám. Lãnh đạo thành phố Hà Nội từng chỉ ra trên 80% quán bia vỉa hè có công an đứng sau. Người ta hoàn toàn có cơ sở đặt ra hơn một câu hỏi về tính trong sáng, thượng tôn pháp luật của mối quan hệ này?
Lấy lại vỉa hè, chuyện không của một ngày
Chủ trương đúng là điều kiện cần. Để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững phải có cách tiếp cận, công cụ thực thi hợp lý. Liên quan đến chuyện lập lại trật tự vỉa hè, cá nhân tôi xin đưa ra một số vấn đề để chúng ta cùng thảo luận.
1) Cần xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, dựa trên đặc thù của từng phường, thậm chí là từng tuyến phố. Người dân cần được thông báo đầy đủ và họ nên được cho một khoảng thời gian nhất định để tự giác gỡ bỏ công trình vi phạm, tìm hướng chuyển đổi nghề nghiệp (trong trường hợp phải ngừng kinh doanh) bởi lẽ mục đích của lập trật tự vỉa hè không nhằm gây ra tác động tiêu cực đối với đời sống của người dân. Có thể tham khảo cách làm của việc thực hiện chính sách cấm đốt pháo, bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã tiến hành trước đây.
2) Vỉa hè cần được nhìn nhận như một dạng không gian công cộng, phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Mọi người dân đều phải có nghĩa vụ bảo vệ thay vì đẩy trách nhiệm cho chính quyền. Chính vì thế, về lâu dài, việc quản lý, giám sát phải có sự tham gia của tổ dân phố, đoàn thể. Không thể phủ nhận công an, lãnh đạo phường là lực lượng tiên phong, có ảnh hưởng mạnh nhất nếu không nói là quyết định trong việc duy trì trật tự vỉa hè. Tuy nhiên, nhiệm vụ của công an, cán bộ phường khá nhiều, quân số hạn chế, không thể ngày nào cũng đi tuần tất cả các tuyến phố trên địa bàn mình quản lý. Sự tham gia giám sát của cộng đồng thông qua quy ước tổ dân phố (một dạng giống như hương ước làng, luật tục) có thể là một cách làm đáng để cân nhắc.
3) Một trong những lý do dẫn đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên vỉa hè tồn tại bấy lâu nay một phần do sự thiếu, kém chất lượng của cơ sở hạ tầng tại chỗ mà điển hình là chợ. Việc dẹp chợ cóc, chợ tạm hay nạn bán hàng rong sẽ khó bền vững nếu người dân không thể tiếp cận hoặc khó tiếp cận chợ hợp pháp. Sự bất cập trong quy hoạch đã được chỉ ra ở nhiều nơi, thậm chí ngay khu đô thị mới, nơi diện tích dành cho chợ, không gian chung không có hoặc quá nhỏ so với nhu cầu thực tế của người dân.
4) Việc thực hiện quy định lập lại trật tự vỉa hè phải đảm bảo sự công bằng giữa người dân, tuyệt đối đảm bảo không có ngoại lệ vì sở hữu quan hệ… Sẽ khó thuyết phục người dân khi cùng một tuyến phố, người phải dẹp quán, kẻ thoải mái bày bàn ghế kinh doanh. Việc xử phạt cần công khai từng trường hợp, tới người dân thông qua bảng tin của tổ dân phố.
5) Để người dân thực hiện tốt, cán bộ, đặc biệt là cán bộ cơ sở phải nêu gương. Khó lòng thuyết phục người dân khi cán bộ dung dưỡng cho người nhà, người quen lấn chiếm vỉa hè. Sẽ vô cùng phản cảm nếu xe biển xanh cứ ngang nhiên đỗ sai nơi quy định. Không chỉ người dân ký cam kết mà cả lãnh đạo chủ chốt cấp phường phải gắn sinh mệnh chính trị của mình với thành bại như tuyên bố của một vị lãnh đạo cấp quận tại thành phố Hồ Chí Mính.
6) Câu chuyện vỉa hè không chỉ là việc giữa người chiếm dụng vỉa hè và chính quyền. Không có người mua, ắt sẽ không có người bán. Số đông cần thay đổi thói quen tiện lợi, xì xụp ăn, uống nơi vỉa hè thậm chí dưới cả lòng đường. Đừng lấy bất kỳ lí do gì để ngụy biện cho lối sinh hoạt rất không văn minh này. Sẽ vô cùng khôi hài và ấu trĩ nếu cho đó là nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội hay một đô thị nào đó. Văn hóa phải luôn thuộc về số đông.
Mọi thay đổi đều phải vượt qua lực cản với nhiều thách thức và đôi khi khó tránh khỏi vấp váp. Đó là thực tế mang tính quy luật. Chính vì thế, chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, đường phố phải là việc thường xuyên, của toàn xã hội, đòi hỏi ý thức tự giác từ mọi tầng lớp nhân dân. Đó tuyệt nhiên không phải chỉ là trách nhiệm của chính quyền.