Lấy ý kiến dân
Trong thời gian qua, tại Hà Nội, các phương án thiết kế Nhà quốc hội mới và Thành phố ven sông Hồng đã được trưng bày và lấy ý kiến góp ý của nhân dân. Đây không phải là một sự kiện quá mới bởi trước đây, nó đã từng được áp dụng cho một số dự ánh liên quan đến đô thị ở Hà Nội.
Tính hữu ích của nó cũng không cần phải bàn cãi khi chúng ta biết rằng trong số các ý kiến đóng góp, đã xuất hiện các ý kiến thực sự đáng để những người có trách nhiệm trong các dự án phải lưu tâm như những kì vọng về thiết kế, quy trình đấu thầu thiết kế và thi công công trình Nhà Quốc hội và cả ý kiến đề nghị xem xét lại địa điểm xây dựng công trình này của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Những sự kiên nói trên làm chúng tôi liên tưởng đến một sự kiện khác cũng đang là tâm điểm quan tâm của dư luận: những bê bối xung quanh dự án 112– Tin học hóa hoạt động quản lí hành chính của Chính phủ. Nhờ những thông tin trên báo chí, chúng ta biết rằng ngay khi còn đang trong giai đoạn khởi động, đã xuất hiện những lời cảnh báo về một “cái chết được báo trước” của đề án từ phía các chuyên gia, trí thức, quan chức và nhà khoa học có uy tín. Thế nhưng, khi cỗ máy tiêu tiền và ý chí tiêu tiền của một số quan chức đã được khởi động, tất cả những tiếng nói trên đều rơi vào “sự im lặng đáng sợ” và hậu quả, như đã rõ là sau một thời gian hoạt động của Đề án, hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế của Nhân Dân đã bị tiêu tốn một cách vô ích.
Những sự kiện nói trên có mối quan hệ gì với nhau? Tất cả chúng đều liên quan đến một vấn đề vẫn còn chưa thực sự được giải quyết triệt để trong hoạt động của bộ máy nhà nước ở Việt Nam hiện nay : xây dựng một cơ cấu đối thoại hợp lí và hữu hiệu giữa nhà nước và nhân dân. Cứ nhìn vào việc những quyết định lớn của ngành giáo dục như nhập hai kì thi làm một được quyết định mà chưa thông qua Hội đồng giáo dục quốc gia* hay những phản ứng của nhiều trí thức và chuyên gia có uy tín về chính sách học phí thì có thể nói rằng thực sự cơ chế đối thoại ấy ở ta chưa thể được coi là hợp lí. Và nếu nó đã hợp lí thì đã không có việc những người nông dân khiếu kiện kéo dài ở những thành phố lớn đến mức một số thế lực âm mưu lợi dụng để gây bất ổn.
Vậy, đâu là những tiêu chí đánh giá mức độ hợp lí của cơ chế đối thoại ấy? Theo chúng tôi, có hai yêu cầu cơ bản : thứ nhất, người có trách nhiệm quyết định những quyết sách lớn không thể dựa vào ý kiến của đám đông, vào “lẽ phải thông thường” để trốn tránh trách nhiệm của mình và thứ hai, những tiếng nói phản biện chân chính từ phía giới trí thức và chuyên môn, thành phần nhân dân đặc biệt cần phải được lắng nghe và tôn trọng.
Như chúng tôi đã khẳng định, việc lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân là một việc làm cần thiết và hữu ích, tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy một số hạn chế nhất định của hoạt động này. Người dân là một thực thể phức tạp với thành phần xã hội và học vấn hết sức khác nhau. Đa số họ không làm việc trong những lĩnh vực chuyên môn liên quan trực tiếp đến dự án. Chính vì vậy nên những ý kiến đóng góp của họ hoàn toàn có thể sa vào sự cảm tính, thiếu chính xác. Điều này kết hợp với sự phức tạp về thành phần xã hội và học vấn của các đối tượng tham gia góp ý kiến dễ dẫn đến sự nhiễu loạn ý kiến. Quan trọng hơn, quan điểm của các tầng lớp dân cư đó chỉ có giá trị trong một thời điểm lịch sử nhất định trong khi đó một tòa nhà quốc hội, một tượng đài ở không gian công cộng hay một bản quy hoạch Thủ đô không chỉ thỏa mãn những yêu cầu thực tế và thẩm mĩ của cư dân hiện tại mà cho cả những thể hệ tương lai và khi đó, việc lấy ý kiến đóng góp của người dân liệu có phải lúc nào cũng đúng và đủ. Cuối cùng, những ý kiến của người dân trong một cuộc trưng cầu dân ý thường thể hiện cái “lẽ phải thông thường” nhưng không phải trong hoàn cảnh nào chân lí cũng thuộc về phía “lẽ phải thông thường”. Quan niệm về trái đất của Galilée hay Copernic không thuộc về “lẽ phải thông thường” nhưng chân lí lại thuộc về họ. Ngược lại, trong khối quần chúng có tên là Nhân Dân đó, lại có một bộ phận ý kiến đôi khi trái ngược với “lẽ phải thông thường” nhưng thực tế lại có giá trị về lâu dài: tiếng nói của các trí thức, nhà khoa học, các chuyên gia. Việc lấy ý kiến Nhân Dân sẽ trở nên Thừa khi Thiếu đi sự tôn trọng và lắng nghe bộ phận ý kiến này.
Hơn lúc nào hết, việc xây dựng một cơ chế đối thoại với những chuẩn mực nói trên đang là một vấn đề bức thiết của hệ thống chính quyền ở Việt Nam.
———
* Chúng tôi dựa vào thông tin của GS. Văn Như Cương, một thành viên của Hội đồng nói trên tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn đăng tải trên website Dân trí. Nguồn :http://www.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/8/192097.vip?SearchTerm=v%C4%83n%20nh%C6%B0%20c%C6%B0%C6%A1ng.