Liêm chính khoa học: NAFOSTED gợi mở một hướng đi
Nafosted gần đây vừa công bố quy định về liêm chính học thuật* – đem đến cho chúng ta một ví dụ đáng để noi theo, một bước tiến mà chúng ta phải chào đón và cổ vũ.
Ảnh: Science.org
Sự kiện này diễn ra sau một loạt tranh cãi trong cộng đồng khoa học, khi nhiều vi phạm liêm chính học thuật của Việt Nam bị phát hiện2, trong đó có cả những phê phán việc một số công bố khoa học do NAFOSTED tài trợ cũng vướng vào các hành vi sai trái này3. Lúc đó, một nhóm Facebook có tên là Liêm chính Khoa học được lập ra với số thành viên hiện tại là 25 nghìn người4. Cá nhân tôi cũng góp một phần khiêm tốn bằng một bài báo viết trên tờ Thanh Niên5.
Quy định của NAFOSTED dựa trên bản thảo tương tự của Singapore – được biết đến là Tuyên bố Singapore6 ra đời trong Hội thảo Thế giới lần thứ hai về Liêm chính khoa học. Tuyên bố này chỉ ra những nguyên tắc chung cơ bản về đạo đức nghiên cứu, nhưng để không trở thành lời nói suông, tuyên bố này yêu cầu tất cả các cơ sở nghiên cứu ở Singapore phải tuân thủ7. Chúng ta cần thừa nhận rằng những tranh cãi về liêm chính học thuật vẫn đang nóng bỏng8 trong nước và hình ảnh của Việt Nam trong vấn đề này không thực sự sáng sủa. Tôi tin các độc giả hẳn đều thấy vấn đề nghiêm trọng này và cũng nhất trí rằng cần phải cải thiện tình trạng hiện tại. Thay vì bình luận thêm về điều này, tôi cho rằng sẽ hữu ích hơn khi nghĩ về những điều thiết thực cần làm để triển khai sáng kiến của NAFOSTED và không để nó chỉ là lời kêu gọi sáo rỗng,
Những gì liên quan đến đạo đức khoa học chạm tới vấn đề chung hơn đó là tham nhũng và sự dối trá đang trở thành một dịch bệnh ngăn cản đất nước tiến bộ. Trái với những khẩu hiệu chống tham nhũng được nhấn mạnh gần đây bởi Đảng và Chính phủ, dường như tệ nạn này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm đáng kể trong ít nhất là ba mươi năm qua. Những vi phạm liêm chính học thuật chỉ là một trong những ví dụ. Để cải thiện thực trạng, chúng ta không nên phí thời gian soi mói từng người vi phạm, tham nhũng đã trở nên phổ biến và có lẽ số người vi phạm là quá nhiều. Đáng lẽ chúng ta nên hướng về phía những người có quyền lực để tạo ra sự thay đổi. Như tôi viết trong bài báo trên Thanh Niên vào năm 2020, các nhà khoa học Việt Nam vi phạm những nguyên tắc nghiên cứu khoa học cơ bản có thể nói: Ở đất nước tôi sống, năng lực của tôi và giá trị của tri thức nhìn chung không nhận được sự coi trọng tương xứng, thể hiện một cách chua xót ở mức lương quá thấp mà tôi phải chấp nhận. Tôi có thể phản ứng bằng cách ra nước ngoài làm việc như nhiều đồng nghiệp của mình. Nhưng tôi không thích điều đó, tôi muốn hy vọng vào một xã hội tốt đẹp hơn, tôi muốn nghĩ rằng con cái của tôi có thể sống trên mảnh đất của ông cha với sự công bằng và bình đẳng sẽ được hồi sinh, nơi mà điều ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ thành sự thật. Khi tôi còn trẻ, tôi vẫn mong muốn được đóng góp vào sự đột phá đó, nhưng mọi nỗ lực của tôi dường như luôn bị dập tắt và giờ tôi nhận ra nhiệm vụ thật quá sức của mình. Bởi vậy, tôi phải học cách thỏa hiệp giữa lý tưởng và thực tại, làm sao để tồn tại với một vài hy sinh về đạo đức miễn là không xâm hại quá nhiều tới nhân cách của mình.
Những ai có quyền lực để tạo ra sự thay đổi là những người có trách nhiệm đưa đất nước tiến bộ cả về khía cạnh năng lực lẫn liêm chính, là người có trách nhiệm chèo lái kế thừa di sản của Hồ Chí Minh, những người có trách nhiệm đào tạo thế hệ trẻ – những người muốn những người muốn “một xã hội tự do bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính”, những người sẵn sàng “gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ” và “ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi”.9 Họ cần giải phóng các hội khoa học khỏi những vùng cấm khiến các nhà khoa học không dám hành động, khuyến khích những tranh luận nhằm tìm ra những hướng đi hiệu quả nhất hướng tới nâng cao chuyên môn và sự liêm chính. Họ cần khôi phục sự tôn trọng đúng mực đối với giá trị của tri thức, khuyến khích thế hệ trẻ biết nghĩ với một tư duy phản biện, khuyến khích họ đọc những cuốn sách đưa ra quan điểm trái ngược để họ được trang bị năng lực đối diện với những lập luận như vậy.
NAFOSTED chỉ tài trợ với tỉ lệ rất nhỏ trong ngân sách dành cho nghiên cứu: nếu nó là cơ quan duy nhất dũng cảm đưa ra một tuyên bố về liêm chính khoa học, ai đó dễ cho rằng đây chỉ là một cách khỏa lấp sự thất bại của cả cộng đồng khoa học Việt Nam trong việc tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của đạo đức khoa học. Dĩ nhiên, đó không phải là sự thật, nhưng sẽ đáng mừng hơn nếu thấy những tổ chức hàng đầu như các Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, những đại học công lập và đại học tư lớn như VNU, VNU HCM, HUS, HUST, Phenikaa, Tôn Đức Thắng, Duy Tân, vv…tuyên bố công khai sự ủng hộ của họ đối với các nguyên tắc của Singapore. Còn nếu họ không làm, người ngoài sẽ dễ suy diễn theo hướng tiêu cực.
Các nhà khoa học nên là những người đầu tiên khẳng định quyết tâm của họ tuân thủ một cách nghiêm khắc những nguyên tắc cơ bản của đạo đức khoa học. Các nhà khoa học Việt Nam sẽ tạo dựng một hình ảnh xấu với công chúng nếu họ im lặng khi những chất vấn về liêm chính khoa học nổ ra tranh cãi trên quy mô toàn quốc. Các nhà quản lý khoa học và cơ quan tài trợ nghiên cứu, như NAFOSTED có thể và phải giúp đỡ bằng cách đưa ra các quy định và có cách thực thi phù hợp. Nhưng những nhà khoa học là những đối tượng chịu tác động trực tiếp, là những người có trách nhiệm phải tuân thủ nguyên tắc đạo đức thông qua nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc. Cách tự nhiên để họ bày tỏ cam kết của mình với các nguyên tắc đó là qua các hội khoa học. Vào Tháng 4/2016, tôi viết cho Tia Sáng một bài báo, trong đó chỉ ra rằng các tổ chức này về nguyên tắc là nơi nuôi dưỡng văn hóa trung thực, liêm chính học thuật và đạo đức, nơi thực hành quyền dân chủ và tự do ngôn luận, những điều không thể thiếu để giúp khoa học phát triển tiến bộ. Bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội là không đủ. Chúng ta cần một tuyên bố rõ ràng của cộng đồng các nhà khoa học về việc tuân thủ tuyệt đối và vô điều kiện với những nguyên tắc cơ bản của đạo đức khoa học nếu chúng ta muốn đất nước tôn trọng các công trình của mình. Các hội khoa học Việt Nam hẳn là một diễn đàn lý tưởng cho mục tiêu đó. Việc triển khai Tuyên bố Singapore thực tiễn nhất có thể có nhiều cách và trên nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Tôi quen với cách của cộng đồng khoa học tự nhiên và toán học, nhưng hẳn nhiên là cộng đồng khoa học xã hội sẽ có một cách hoàn toàn khác và thậm chí trong khoa học sự sống và y dược sẽ còn khác nữa. Làm gì để tạo điều kiện cho các hội khoa học của Việt Nam đóng một vai trò tích cực hơn trong vấn đề này? Một rào cản đó là họ thiếu tiếng nói độc lập: Việc họ được đặt dưới Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và bản thân VUSTA được đặt dưới Mặt trận Tổ quốc và Chính phủ, theo nguyên tắc, lẽ ra không nên gây tác động trói buộc; nhưng trong thực tế, các hội khoa học mà tôi biết, đều khá trì trệ, không phát huy quyền tự do của mình, luôn e ngại việc “gây sóng” dư luận, ngại đưa ra các sáng kiến đòi hỏi cấp trên phải thông qua, và vì vậy đều rất bảo thủ. Sự ra đời của Tuyên bố NAFOSTED đem đến cho VUSTA một cơ hội quý giá để tuyên bố công khai sự tuân thủ vô điều kiện đối với Tuyên bố Singapore và khuyến khích các thành viên của nó tổ chức các cuộc tranh luận mở trong cộng đồng của họ về các vấn đề liêm chính khoa học. □
Hảo Linh – Trần Lê dịch
—-
*https://nafosted.gov.vn/ban-hanh-quy-dinh-ve-liem-chinh-nghien-cuu-ap-dung-doi-voi-cac-nhiem-vu-khoa-hoc-va-cong-nghe-do-quy-phat-trien-khcn-quoc-gia-tai-tro/
http://tiasang.com.vn/-tin-tuc/Quy-NAFOSTED-Lan-dau-ban-hanh-quy-dinh-ve-liem-chinh-hoc-thuat–29821?fbclid=IwAR00P55RKzFmbGKWWZrp230KmgXyFzpV0x5L8JACBkcmL91gAl9pNu4xVLw
2https://thanhnien.vn/ngay-cang-nhieu-nha-khoa-hoc-dang-bai-bao-quoc-te-khong-ghi-noi-minh-lam-viec-post1405954.html?fbclid=IwAR36-OQKOHAMrMLszrU4YPto1eUkN_AGe9RuWJ1iHnNnIzcO8ySkkpxJ7oE
https://tienphong.vn/nhom-nhoam-bai-bao-khoa-hoc-chua-co-quy-dinh-xu-ly-thong-nhat-post1396300.tpo?fbclid=IwAR2dzwBUXyHG_RuHl6j39T8NFAFftLwaY-glzhWIKUyi8PsoZcNZebnFI3g
https://tienphong.vn/nhom-nhoam-bai-bao-quoc-te-an-tien-3-dau-post1396005.tpo?fbclid=IwAR1XX2_
FgQGAzw0oWlMfoQZKg4Y7xIz-dSsxplIuWFazlnamaasdCZCRdj0
3https://thanhnien.vn/quy-nafosted-se-quy-dinh-ve-liem-chinh-hoc-thuat-va-dao-duc-nghien-cuu-post1406415.html?fbclid=IwAR1xXjxZAVV_F5gpZb-rWzAdFjLa53FwKgs7051-zD4QGBGZpexE_8FCJ5Y
4 https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/
5https://thanhnien.vn/thanh-tich-ao-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-khong-nen-tang-thu-hang-mot-cach-gia-tao-post992125.html
6 www.singaporestatement.org
https://wcrif.org/documents/327-singapore-statement-a4size/file
7 When it comes to good practice in science, we need to think global but act local, Editorial, Nature 576, 181 (2019)
Resnik, D. and Shamoo, A., 2011, The Singapore Statement on Research Integrity, Accountability in Research, 18, 71.
8https://thanhnien.vn/ro-thong-tin-ung-vien-xet-gs-pgs-2021-dang-bai-tren-tap-chi-gia-mao-post1430453.html
https://thanhnien.vn/can-xu-ly-nghiem-ung-vien-gs-pgs-gui-bai-dang-o-tap-chi-mao-danh-post1430948.html
https://thanhnien.vn/sieu-nhan-lam-dich-vu-dang-bai-bao-de-tinh-diem-xet-gs-pgs-post1432083.html
https://thanhnien.vn/khach-hang-cua-sieu-nhan-lam-dich-vu-dang-bai-tinh-diem-xet-gs-pgs-la-ai-post1432260.html
https://thanhnien.vn/vi-sao-ton-tai-thi-truong-soi-dong-mua-ban-bai-bao-khoa-hoc-post1432800.html
https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/can-huy-vinh-vien-ho-so-ung-vien-gs-pgs-dang-bai-o-tap-chi-mao-danh-post224542.gd?fbclid=IwAR3aP2dmXp3tPR66BEq8M33uEPTGrcKO8Zm_DBmfCa3TOWHd8M1-EHbrxyo
9Những nhận định này là từ các tác phẩm của Hồ Chí Minh: “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” (1952), Đạo đức cách mạng (1958), Elevating our Revolutionary Morality and Fighting Individualism (3 February 1969).