Lối ra nào giữa ma trận dịch vụ khai vấn ?

Sự nở rộ của hoạt động khai vấn (life coaching) có làm đơn giản hóa, bề mặt hóa ý nghĩa thực sự của việc trợ giúp tinh thần?

Khai vấn giúp tập trung vào điểm mạnh, nguồn lực của cá nhân để giải quyết các áp lực trong cuộc sống, khi cá nhân vẫn tương đối đủ nguồn lực ứng phó.

Gần đây, người Việt Nam khá quen thuộc với thuật ngữ “life coaching”, tạm dịch là khai vấn hoặc huấn luyện về các vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là khi con người gặp áp lực tinh thần. Cùng với sự xuất hiện của thuật ngữ chỉ lĩnh vực hoạt động mới, một nghề nghiệp mới cũng được ra đời: nghề coach (nghề khai vấn). Tại Việt Nam, đã có nhiều trung tâm, học viện cung cấp dịch vụ khai vấn và đào tạo người làm nghề khai vấn.

Tuy nhiên, khi chưa có các chương trình đào tạo chính quy được kiểm định về chất lượng chương trình, liệu hoạt động khai vấn có đảm bảo khả năng trợ giúp đối với một lĩnh vực rất khó là tinh thần con người hay không? Bên cạnh đó, so với một ngành nghề đã được đào tạo chính quy là Tâm lý học, liệu sự nở rộ của hoạt động khai vấn có làm đơn giản hóa, bề mặt hóa ý nghĩa thực sự của việc trợ giúp tinh thần?

ngành nghề được công nhận?

Tại Hoa Kỳ, nghề khai vấn bắt đầu được chú ý từ thập niên 1990. Năm 1992, Liên đoàn Khai vấn Quốc tế (Internatioal Coach Federation) được thành lập tại Hoa Kỳ. Đúng một thập niên sau, Hiệp hội Khai vấn (Association for Coaching) xuất hiện tại Anh quốc và ngành Khai vấn cũng được công nhận trong Hiệp hội Tâm lý học Úc (Australian Psychological Society) với cái tên Nhóm Tâm lý học Khai vấn (Interest Group Coaching Psychology IGIP).

Có thể nói, tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh quốc, Úc, khai vấn là một ngành trợ giúp được công nhận, với nhiệm vụ trợ giúp rõ ràng. Nhóm Tâm lý học Khai vấn (IGIP) thuộc Hiệp hội Tâm lý học Úc định nghĩa khai vấn là “sự ứng dụng một cách có hệ thống của khoa học hành vi để nâng cao chất lượng trải nghiệm cuộc sống, hiệu suất làm việc và cảm nhận hạnh phúc của cá nhân, nhóm và tổ chức mà những cá nhân, nhóm, tổ chức ấy không có các vấn đề sức khỏe tinh thần rõ rệt hoặc không gặp mức độ stress bất thường1,2.

Hoạt động khai vấn thường chỉ dành cho những người không có các vấn đề sức khỏe tinh thần rõ rệt hoặc không ở trong trạng thái căng thẳng bất thường.

Theo định nghĩa ấy, hoạt động khai vấn để giúp ích cho con người, cần đảm bảo hai điều kiện:

-Phải áp dụng một cách có hệ thống về khoa học hành vi, tức là những kĩ thuật và tiếp cận sử dụng trong khai vấn cần dựa trên nghiên cứu khoa học về hành vi con người; sự áp dụng phải được thực hiện một cách có hệ thống (lý thuyết, nghiên cứu, thực hành) chứ không chỉ là áp dụng rời rạc các kĩ thuật và kinh nghiệm.

– Cá nhân, nhóm, tổ chức tiếp nhận dịch vụ khai vấn cần không có dấu hiệu về sức khỏe tâm lý. Cụ thể hơn là họ có thể gặp căng thẳng, áp lực nhưng không ở mức độ được đánh giá là cần sự chăm sóc chuyên môn từ các chuyên gia sức khỏe tinh thần như nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần.

Với phương pháp thực hành nghề, đối tượng trợ giúp được mô tả rõ ràng, cùng với nền tảng khoa học được kế thừa từ nhiều ngành khoa học về con người đi trước như vậy, khai vấn còn được đưa vào chương trình đào tạo chính quy tại các trường đại học, như một phân ngành nhỏ của Tâm lý học. Có thể kể đến như chương trình đào tạo Thạc sĩ Khoa học về Tâm lý học Khai vấn (Master of Science of Coaching Psychology) tại Đại học Sydney, Úc, hay Thạc sĩ Tâm lý học Tích cực và Khai vấn (Master of Positive and Coaching Psychology) tại Đại học Cork, Ireland.

Nghiên cứu về nền tảng của khai vấn cũng cho thấy nền móng lâu đời của hoạt động khai vấn. Hai nhà nghiên cứu Passmore và Evans-Krimme (2021) khẳng định rằng, khai vấn là hình thức đối thoại tâm lý tích cực để nâng cao khả năng học hỏi từ suốt hơn 1000 năm qua. Cho đến 50 năm trở lại đây, hình thức này được chuyên nghiệp hóa như một khía cạnh ứng dụng của Tâm lý học Tích cực (Positive Psychology)3. Hai nhà nghiên cứu cũng khái quát và dự báo sự phát triển của ngành khai vấn qua 5 giai đoạn với những đặc điểm như sau:

Ngay cả ngành Tâm lý học đã được đào tạo chính quy, có mã ngành nghề mà vẫn chưa tổ chức nào quản lý được về việc hành nghề, thì đơn vị nào quản lý nổi một ngành mới, chưa được đào tạo chính quy như khai vấn?

Giai đoạn 1 – Đời sống hóa (từ hơn 5000 năm trước): khai vấn là một công cụ giao tiếp chưa được ý thức và có chỗ đứng, luôn xuất hiện trong những cuộc hội thoại hàng ngày.

Giai đoạn 2 – Mục đích hóa (khoảng từ 5000 năm trước đến cách đây 50 năm): khai vấn được sử dụng với những mục tiêu học hỏi về những khía cạnh cụ thể trong đời sống.

Giai đoạn 3 – Chuyên nghiệp hóa (từ 50 năm trở lại đây): người hành nghề khai vấn được đào tạo, có các tiêu chuẩn đánh giá nghề nghiệp và được cấp chứng chỉ.

Giai đoạn 4 – Nhân rộng (dự báo từ nửa sau của thập niên 2020): tăng số lượng các đơn vị cung cấp dịch vụ khai vấn, cùng với việc sử dụng công nghệ và khoa học để giảm chi phí dịch vụ mà vẫn giữ chất lượng và hiệu quả của dịch vụ.

Giai đoạn 5 – Phổ cập hóa (dự báo sau giai đoạn 4): trở nên phổ biến như một phần của đối thoại hằng ngày, được cung cấp bởi nhiều đơn vị khai vấn thông qua công nghệ hiện đại.

Như vậy, có thể thấy, ngành khai vấn có nền tảng lịch sử, khoa học và triển vọng mở rộng chuyên nghiệp với sức mạnh của khoa học công nghệ hỗ trợ. Tuy nhiên, khi ứng dụng trong thực tế, cụ thể tại Việt Nam, liệu những nền tảng trên đã được xây dựng và đảm bảo hay chưa?

Hoạt động thực tế tại Việt Nam

Nếu như tại các quốc gia phát triển, ngành khai vấn đang ở trong giai đoạn 3 (Chuyên nghiệp hóa) như mô tả của Passmore và Evans-Krimme, thì tại Việt Nam, hoạt động khai vấn vẫn đang ở giai đoạn 2 (Mục đích hóa).

Các lớp học và các lộ trình khai vấn thu hút được sự quan tâm của nhiều người Việt, dưới hình thức cung cấp các thông tin, công cụ để người quan tâm học hỏi về khía cạnh trong cuộc sống mà mình đang gặp trở ngại, hoặc muốn tối ưu hơn. Hoạt động này chưa lên được giai đoạn Chuyên nghiệp hóa ở Việt Nam vì lỗ hổng đào tạo, quản lý các nghề trợ giúp, cũng như vì thói quen chưa chú ý đến tính khoa học khi chăm sóc tinh thần của cộng đồng.

Có những người làm công việc khai vấn chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân và giữ niềm tin hạn hẹp rằng khuôn mẫu đó là đúng với tất cả mọi người.

Người khai vấn chưa được đào tạo và chưa có các tiêu chuẩn đánh giá nghề nghiệp. Đào tạo để chuyên nghiệp và đảm bảo chất lượng cần bao gồm cả (1) kiến thức về tâm lý con người, (2) tiếp cận khoa học để phân biệt giữa kết luận rút ra từ nghiên cứu thực chứng với các huyễn thuyết và những thông tin ngụy khoa học, (3) các ranh giới hành vi để đảm bảo lợi ích của khách hàng. Hiện nay, mặc dù có những chương trình học khai vấn được cấp chứng chỉ, nhưng chỉ với 60-120 giờ học. Với rất nhiều mô hình lý thuyết và kĩ thuật, nếu không có nền tảng về tâm lý và góc nhìn khoa học từ trước, người học rất dễ rơi vào tình trạng cưỡi ngựa xem hoa, mọi điều đều biết sơ qua, nhưng không hiểu bản chất vấn đề, thậm chí là hiểu sai. Xin hãy chú ý, 120 giờ học cũng chỉ tương đương với 3-4 học phần tại trường đại học chính quy. Trong khi đó, một khóa học bổ túc kiến thức tâm lý tại một số trường đại học uy tín cũng đã bao gồm 10-15 học phần!

Những người khai vấn nghiêm túc với nghề đang tự mình đăng kí các chương trình học để có kiến thức nền tảng về tâm lý và đặc biệt là cách nhìn khoa học về vấn đề tinh thần của con người. Tuy nhiên, có những người làm công việc khai vấn chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân và giữ niềm tin hạn hẹp rằng khuôn mẫu đó là đúng với tất cả mọi người. Hoặc bất cập không kém, họ lựa chọn và hành nghề trợ giúp bằng các phương pháp được truyền thông nhiều nhưng thiếu bằng chứng khoa học ủng hộ như NLP, thần số học, dòng thời gian,… Sẽ không hề gây hại nếu như những phương pháp này được sử dụng như phương tiện để khách hàng bày tỏ bản thân mình. Nhưng nếu người khai vấn tin một cách ngây thơ rằng những phương pháp đó giúp ích tất cả mọi người thì thật sai lầm.

Bên cạnh đó, cần nói thêm rằng, ngay cả ngành Tâm lý học đã được đào tạo chính quy, có mã ngành nghề mà vẫn chưa tổ chức nào quản lý được về việc hành nghề, thì đơn vị nào quản lý nổi một ngành mới, chưa được đào tạo chính quy như khai vấn? Nói cách khác, nếu còn những người không cần học bài bản mà vẫn có thể “tự xưng” là nhà tâm lý học thì những người không có chuyên môn tự nhận mình là “nhà khai vấn” lại càng nhiều như nấm sau mưa. Hiện nay chưa có một hệ thống nào có thể giúp người dùng dịch vụ biết được đâu là những người khai vấn được đào tạo và đâu là những người khai vấn dựa trên kinh nghiệm, chưa có tư duy khoa học khi nhìn nhận về tinh thần con người.

Nếu như các nhà tâm lý được đào tạo chính quy đều rất cẩn trọng khi quảng bá về hình ảnh và chuyên môn, vì nhiều tiêu chuẩn đạo đức nghề cần được đảm bảo, thì khai vấn tại Việt Nam chưa hề có một ràng buộc đạo đức nghề nào cả. Điều đó khiến cho các cá nhân, tổ chức khai vấn có thể quảng bá hình ảnh và chuyên môn một cách tùy tiện miễn sao có thể tăng cường độ nhận diện. Trong bối cảnh cộng đồng người Việt nói chung ít hiểu biết về sức khỏe tinh thần, những người cần sự hỗ trợ về tâm lý sẽ càng loay hoay giữa “ma trận” các dịch vụ khai vấn, không biết đâu là quảng cáo chân thực, có nền tảng khoa học, đâu chỉ là thổi phồng.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh thêm rằng, hoạt động khai vấn thường chỉ dành cho những người không có các vấn đề sức khỏe tinh thần rõ rệt hoặc không ở trong trạng thái căng thẳng bất thường. Khai vấn giúp tập trung vào điểm mạnh, nguồn lực của cá nhân để giải quyết các áp lực trong cuộc sống, khi cá nhân vẫn tương đối đủ nguồn lực ứng phó. Nếu một người đã gặp những căng thẳng kéo dài gây ảnh hưởng sức khỏe tinh thần, cần phải tìm đến sự trợ giúp từ nhà tâm lý.

***

Tóm lại, để hoạt động khai vấn tại Việt Nam được chuyên nghiệp hóa, trở thành ngành nghề trợ giúp mang lại giá trị bền vững cho con người, cần những người thực hành khai vấn liên tục tham gia các khóa đào tạo nâng cao hiểu biết khoa học về tâm lý, hành vi con người, bao gồm cả lý thuyết, kĩ thuật và thực nghiệm khoa học. Bên cạnh đó, giống như những quốc gia có dịch vụ trợ giúp phát triển hơn, cần chính quy hóa đào tạo về khai vấn, chẳng hạn mở ra những chương trình Tâm lý học Khai vấn trong trường đại học. Khi được chính quy hóa như vậy, người sử dụng dịch vụ sẽ có ít nhiều định hướng để lựa chọn nhà chuyên môn và được đảm bảo lợi ích về mặt sức khỏe tinh thần.□

1 https://groups.psychology.org.au/igcp/about_us/

2 https://explore.bps.org.uk/content/bpsicpr/1/1/12

3 Passmore, J., & Evans-Krimme, R. (2021). The Future of Coaching: A Conceptual Framework for the Coaching Sector From Personal Craft to Scientific Process and the Implications for Practice and Research. Frontiers in Psychology, 12, https://doi.org/10.3389/fpsyg.2021.715228

Tác giả

(Visited 75 times, 1 visits today)