Luật có là giá trị tự thân ?

Quốc hội khóa XIII đang tổng kết nhiệm kỳ của mình. Bên cạnh các chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, chức năng lập pháp cũng đang được mang ra phân tích, đánh giá, và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về chức năng này là rất khác nhau.

Bên cạnh những ý kiến đánh giá tích cực, không ít vị đại biểu đã thật sự băn khoăn về chất lượng, cũng như tác động ngoài mong muốn của nhiều đạo luật. Có vẻ như thời kỳ chúng ta coi luật là một giá trị tự thân, luật là tốt đang qua đi. Và có vẻ như chúng ta đang có được cái nhìn tỉnh táo hơn về việc ban hành pháp luật.

Thật ra, để ban hành một đạo luật, việc đầu tiên mà Quốc hội của nhiều nước làm là tổ chức một phiên họp để tranh luận về sự cần thiết của đạo luật đó. Các vị đại biểu sẽ tranh luận và tìm cách trả lời các câu hỏi sau: Cuộc sống có vấn đề gì không? Đó có phải đang là vấn đề hệ trọng nhất không? Có cách gì khác để xử lý vấn đề hiệu quả hơn là ban hành pháp luật không?

Muốn hay không muốn thì ban hành pháp luật cũng là một cách giải quyết vấn đề hết sức tốn kém. Việt Nam ta chưa có con số tính toán cụ thể, nhưng theo tính toán của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế), năm 1998, chi phí của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Australia để tuân thủ các quy định của luật pháp về môi trường và điều kiện lao động là 17 tỷ USD (khoảng 2,9% GDP). Nên nhớ đây chỉ mới là việc tuân thủ pháp luật về môi trường và điều kiện lao động và cũng chỉ mới là chi phí của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chi phí để tuân thủ các quy định của pháp luật nói riêng và của cả xã hội nói chung sẽ lớn biết nhường nào?! Trước đây, có lần Bộ trưởng Bộ Tư pháp của nước ta đã nhắc tới một nghiên cứu cho rằng chi phí tuân thủ pháp luật ở Việt Nam chiếm khoảng 30% GDP. Không biết nghiên cứu trên chính xác đến đâu, nhưng điều chắc chắn là con số đó cực lớn. Chi phí tuân thủ mới chỉ là chi phí của người dân, còn với toàn bộ chi phí cho luật pháp, chúng ta phải kể đến cả chi phí áp đặt sự tuân thủ, chi phí giải quyết tranh chấp, chi phí truyền thông và chi phí soạn thảo, thông qua văn bản. 

Ngoài ra, quyền tự do của người dân là nội dung cần được luôn luôn quan tâm khi tranh luận về sự cần thiết của các dự luật. Tất cả các đạo luật đều nhằm điều chỉnh hành vi của người dân, vì thế mà hạn chế quyền tự do của họ. Khi và chỉ khi một sự hạn chế như vậy là thật sự cần thiết mới nên ban hành pháp luật. Chân lý bất biến của cuộc sống là: người dân càng tự do, thì đất nước càng phát triển. TS Phạm Duy Nghĩa đã diễn đạt điều này rất hay bằng câu nói: “Đất nước ta sẽ giàu có hơn, khi nhân dân ta tự do hơn”. Mà như vậy thì sự anh minh của Quốc hội không nằm ở khả năng ban hành luật, mà nằm ở khả năng canh giữ quyền tự do của nhân dân.

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)