“Lý anh Mèo” và một thói nhìn lạc hậu

Hầu như cả độc giả và truyền thông đại chúng luôn nhận xét về văn hóa dân tộc thiểu số “lạc hậu” bằng cái nhìn phân biệt “có văn hóa cao và thấp” mang tính tiến hóa. Đó là tư tưởng cũ nên loại bỏ, nhường chỗ cho cái nhìn tôn trọng sự đa dạng văn hóa, thấu hiểu và nhân văn hơn.

Những người phụ nữ Hmông trong phiên chợ miền núi.

Tuần qua, clip “Màn đối đáp giữa quan tòa và bị cáo cướp vợ” đã thu hút đông đảo người xem trên các mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, và họ cười ngặt nghẽo, bình luận hài hước, chê bai lạc hậu. Tất cả yếu tố gây hài đều do “sự thiếu hiểu biết” tới ngây ngốc cho đến biểu cảm “thộn” của một chàng trai, hay việc lưu giữ những “hủ tục lạc hậu” như “cướp vợ”, “cúng” ở tộc người Hmông mà anh là người đại diện. Ngay hôm sau, nhiều báo lớn đăng tải bài viết nhận xét clip này “hài hước”, “đầy tính giáo dục” và “có nhiều bài học rút ra1” cho công tác tuyên truyền, giáo dục người dân tộc thiểu số để họ tuân thủ pháp luật. Và dường như đó là tất cả những gì chúng ta đang thấy trên truyền thông về nhiều dân tộc thiểu số, một cách mặc định, họ vô cùng “lạc hậu, thấp kém”, hoặc có phần “mông muội”.

Hiện tượng đó phản ánh một thực tế, đó là một cách vô thức, không chỉ truyền thông mà cả số đông chúng ta – những người xem, đang nhận xét về văn hóa các tộc người thiểu số theo quan điểm tiến hóa xã hội, mà không hề biết rằng đó là một quan điểm sai lầm từ lâu đã bị những tư tưởng tiến bộ lên án và bác bỏ.

Tư tưởng tiến hóa xã hội (social evolutionism) đã từng thống trị thế kỷ 192 với lý luận chủ yếu rằng các tộc người trên thế giới đang ở trong những giai đoạn phát triển khác nhau, bao gồm: mông muội, dã man và văn minh (savagery, barbarism, civilization). Chỉ xã hội phương Tây mới đạt tới giai đoạn tiến hóa cao nhất, còn mọi dân tộc khác ngoài phương Tây đều có văn hóa thấp hơn. Lý luận này là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân trong giai đoạn phát triển bùng nổ, khi các nền văn hóa ngoài châu Âu hiện lên đầy lạ lẫm, lạc hậu trong những mô tả sai lệch và định kiến của các “nhà khai sáng”.

Cùng với sự suy tàn của chế độ thực dân, các học giả châu Âu tiếp xúc những nền văn hóa ngoài châu Âu ngày càng nhiều, thay cho các mô tả thiên kiến trước đây là các miêu thuật ngày càng tôn trọng hơn để tiến tới thấu hiểu các bản sắc văn hóa phi Tây phương. Hàng loạt trào lưu lý thuyết ra đời sau chấp nhận, tôn trọng sự tồn tại đa dạng của các nền văn hóa, các luận điểm tiến hóa từ thấp đến cao bị bẻ gãy, cái nhìn dân tộc khác như những “kẻ thấp hèn” bị phê phán, loại trừ ra khỏi các thảo luận khoa học. Trong nghiên cứu văn hóa, cách tiếp cận văn hóa bằng con mắt của người ngoài cuộc cũng dần được thay thế bởi quan điểm khác – nhân văn hơn – quan điểm của người trong cuộc3.

Quay trở lại câu chuyện hài ở trên, clip dàn dựng của một ê – kip chương trình đã phản ánh cái nhìn của đa số trong chúng ta: cái nhìn về một nền văn hóa khác dưới góc độ người ngoài (outsider). Nhưng ngược lại, nếu một anh Tây nhận xét người Việt cực kỳ thấp kém và lạc hậu vì “thế kỷ 21 rồi vẫn xì xụp khấn vái xin thần thánh tài lộc, quan chức cho đến con cái … hay mọi nhu cầu cuộc sống khác”, hẳn là chúng ta sẽ gân cổ cãi “đấy là văn hóa của tao, phải tôn trọng sự khác biệt”. Vậy đấy, chúng ta thường nhận xét về các nền văn hóa khác bằng định kiến của người ngoài cuộc, nhưng vẫn luôn đòi hỏi người khác nhìn nhận mình trên quan điểm tôn trọng sự đa dạng văn hóa của qua lăng kính của người trong cuộc (insider).

Hẳn vì chúng ta đã sống quá lâu với nhận thức rằng các tộc người thiểu số kém văn minh hơn, được truyền thông rằng các tộc người đó giữ hủ tục lạc hậu, được “cho thấy” hoặc tận mắt chứng kiến họ nghèo khổ, thiếu thốn mà ít khi cố gắng thấu hiểu nền văn hóa đó bằng trái tim đồng cảm, con mắt sáng suốt và trên quan điểm tôn trọng đa dạng văn hóa tộc người. Đã quá lâu xã hội ta thấm đẫm tinh thần tiến hóa văn hóa mà chúng ta không hề nhận ra điều đó. Và tự bao giờ, cái sai lệch, thiên kiến trong đôi mắt đa số trở thành cái hiển nhiên đúng.

Đặc biệt, xu thế đó lại càng trở nên trầm trọng hơn khi các đơn vị truyền thông, đại diện cho tiếng nói của thể chế hoặc của cả xã hội đưa các thông tin với quan điểm sai lệch, càng củng cố cho những cái nhìn, kiến thức sai lầm trong công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, và khắc sâu sự hiểu lầm giữa các tộc người khác nhau.

Muốn thay đổi, hãy giã từ quan điểm tiến hóa lạc hậu của chế độ thực dân xưa cũ để cố gắng thấu hiểu hơn và tôn trọng sự đa dạng bằng ánh mắt của người trong cuộc. Ví dụ, trước hết, xin hãy gọi đúng tên tộc danh Hmông4 với âm “h” câm thay vì tự định danh họ bằng những khái niệm khác. Nhưng để bắt đầu, trước hết không phải là truyền thông, truyền thông chỉ là phương tiện thể hiện tiếng nói, quan điểm của các nhóm đa số trong xã hội mà sự thay đổi phải bắt đầu từ tư tưởng, từ thể chế.

—————–
Chú thích
1Báo Thanh niên http://thanhnien.vn/gioi-tre/man-doi-dap-giua-quan-toa-va-bi-cao-cuop-vo-gay-sot-mang-683068.html, truy cập ngày 31/03/2016
Báo điện tử Zing http://news.zing.vn/bai-hoc-sau-doi-dap-cua-bi-cao-cuop-vo-trong-toa-tuyen-an-post635742.html, truy cập ngày 31/3/2016
2 Tiến hóa luận đơn tuyến do Lewis Henry Morgan và Edward Burnett Tylor khởi xướng với các công trình tiêu biểu Xã hội nguyên thủy (Ancient Society or Researches in the Lines of Human Progress from Savagery through Barbarism to Civilization) và Văn hóa nguyên thủy (Primitive culture : researches into the development of mythology, philosophy, religion, language, art, and custom)
3 Quan điểm tiếp cận văn hóa bằng con mắt người trong cuộc (emic) thay thế cho quan điểm người ngoài cuộc (etic) đã dấy lên trong khoa học lâu nay. Tham khảo thêm http://www.columbia.edu/~da358/publications/etic_emic.pdf
4 Để viết chính xác, tham khảo quy định về Danh mục tên các dân tộc ở Việt Nam http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=405&idmid=6&ItemID=1851

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)