Mạng xã hội chưa là một sân chơi phẳng

Mạng xã hội có thực sự mang lại không gian tự do, bình đẳng như nó từng được kỳ vọng thuở mới bắt đầu?

Không gian mới khai phóng cảm xúc cá nhân

Sự bùng nổ của mạng xã hội ngày nay dựa trên nền tảng cơ bản là sự khai phóng các cảm xúc cá nhân, mà như sử gia người Israel Yuval Harari đánh giá, đó là do mỗi chúng ta cho rằng chỉ có chính mình mới tiếp xúc đặc biệt và hiểu được rõ nhất thế giới nội tâm, suy nghĩ và lựa chọn của bản thân. Đó là cái gốc của những khẩu hiểu mỹ miều như trong chính trị là “cử tri mới biết rõ nhất” và trong kinh tế là “khách hàng luôn đúng”.

Sự du nhập của Internet vào Việt Nam từ cuối năm 1997 và sau đó là sự xuất hiện của mạng xã hội trùng hợp với giai đoạn cải cách kinh tế và chú trọng tăng trưởng nhanh. Sự tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức tương đối cao trong giai đoạn khoảng hai thập niên đã tạo ra một tầng lớp trung lưu đáng kể gia nhập vào không gian mạng thông qua nhiều phương tiện dễ dàng như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop ngày càng phổ biến. Tốc độ phát triển của mạng xã hội tăng cao từ nửa cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI và lên đến mức chóng mặt từ khi có Facebook vào đầu thập niên thứ hai của thế kỷ này. Mạng xã hội đem lại ấn tượng hoàn toàn mới về một không gian có thể bày tỏ tâm tư, tình cảm, tư tưởng, quan điểm của cá nhân về mọi vấn đề của đời sống xã hội một cách tự do và an toàn, hầu như không bị kiểm duyệt. Sự tin tưởng đó được tiếp thêm năng lượng bởi một lực lượng hùng hậu “nhà báo công dân” khi bất cứ ai tham gia mạng xã hội đều có thể trở thành nhà báo. Sự tin tưởng vào tiềm năng khai phóng và giá trị dân chủ, tự do, sáng tạo mà mạng xã hội có thể đem lại cho xã hội hiện thực không phải không có cơ sở. Với một cơ cấu dân số trẻ và quy mô ngày càng lớn, Việt Nam cần thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của giới trẻ về những kênh giao tiếp xã hội tự do, an toàn khi cất lên tiếng nói của mình. 

Tuy nhiên, nhiều người với lòng tin tưởng nhiệt thành đó đã phải sớm thất vọng vì sự thay đổi mang tính đảo ngược không kém phần nhanh chóng.





Nguồn ảnh minh họa: Theguardian.

Xung đột và bất bình đẳng 

Mạng xã hội đã lôi kéo sự tham gia của không chỉ các cá nhân, các tổ chức tư nhân, xã hội mà ngày càng nhiều các tổ chức chính phủ, nhà nước tham gia. Sự phát triển vượt bậc của Facebook ở Việt Nam đã tạo ra một người khổng lồ gần như độc quyền trong lĩnh vực truyền thông nhưng lại tuyên bố rằng mình không tạo ra nội dung thông tin, nên không phải là một công ty truyền thông, mà chỉ cung cấp nền tảng cho giao tiếp truyền thông của người dùng. Đây là một mâu thuẫn lớn mà ở ngay chính “mẫu quốc” của Facebook đã nhận ra nhưng chưa có lời giải về phương diện pháp lý và điều chỉnh thực tế. Sử gia Francis Fukuyama, ĐH Johns Hopkins cho rằng vấn đề lớn nhất đối với mạng xã hội hiện nay là quy mô chi phối xã hội không thể tưởng tượng nổi của các công ty sở hữu và điều hành mạng xã hội; từ đó ông đề xuất siết quy định pháp lý đối với các công ty đó như là các công ty truyền thông truyền thống, nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của các công ty này và chia tách, thu nhỏ các gã khổng lồ này lại. 

Ở góc độ người dùng, sự cởi mở, phóng khoáng ban đầu của các thành viên tham gia mạng xã hội ngày càng đối diện với sự truy bức của đe doạ, bắt nạt kiểu “cả vú lấp miệng em”, tin giả, thao túng, định hướng, lừa đảo… “văn hoá làm nhục trên mạng”, khắc hoạ mặt trái của mạng xã hội đang bóp nghẹt ước mơ “tự do ngôn luận” thời công nghệ. Điều đó khiến cho nhiều người dùng đã phải lui vào thế phòng thủ bằng cách gia tăng các phương thức tự bảo vệ khi tham gia trên mạng xã hội, hoặc rút vào các nhóm kín, nhóm đóng,… giới hạn bởi những người mà các thành viên biết nhau trên thực tế để giao tiếp cho an toàn hơn. Các xung đột xã hội ngày càng được biểu lộ chân thực hơn, gay gắt hơn, thậm chí sinh động hơn trên mạng xã hội so với đời thực. Những vụ việc đơn lẻ có thể được nhanh chóng xâu chuỗi thành vấn đề xã hội có tác động rộng lớn khiến các chính trị gia, các nhà làm chính sách phải đưa ra các phản ứng với tốc độ mau lẹ, khôn ngoan hơn mới đáp ứng được đòi hỏi của các “cử tri mạng”.

Trong bối cảnh đó, sự can thiệp của các chính phủ theo các cách khác nhau vào không gian mạng đang diễn ra ngày càng rõ nét, thể hiện tư duy về “chủ quyền quốc gia” trên không gian mạng vẫn rất đậm nét trong hệ thống quản trị, điều hành của các quốc gia, đặc biệt là phản ứng của các “đại cường” trong lĩnh vực công nghệ. Châu Âu lựa chọn cách tiếp cận tăng cường thể chế pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân và quy định chặt chẽ trách nhiệm của các công ty cung cấp nền tảng mạng xã hội. Còn Trung Quốc lại thúc đẩy sử dụng công nghệ cao nhằm phục vụ mục đích kiểm soát xã hội, với sự ra đời của nhiều nền tảng mạng xã hội nội địa để xây bức “vạn lý trường thành trên mạng” ngăn chặn sự xâm nhập của các nền tảng mạng xã hội phương Tây cùng với việc tài trợ cho các “binh đoàn” trên mạng để gây ảnh hưởng, định hướng dư luận. Nga lại lựa chọn cách can thiệp thông qua việc vũ khí hoá công nghệ thông tin và tiến hành các chiến dịch gây ảnh hưởng có chọn lọc đối tượng trên mạng xã hội với chi phí rẻ hơn của Trung Quốc và khả năng thích ứng, dễ dùng cao. Những diễn biến như trên khiến nhiều người bắt đầu nghi ngờ hơn về việc sử dụng các sáo ngữ như “toàn cầu hóa là không thể đảo ngược”, “ngôi làng toàn cầu”…



Cầu nối giữa chính trị bình dân và quản trị quốc gia ở Việt Nam

Từ chỗ coi thông tin trên mạng xã hội chủ yếu là xấu, độc và khuyến nghị các công dân tránh xa mạng xã hội, hoặc không khuyến khích sử dụng, các cơ quan nhà nước của Việt Nam đã chuyển sang một cách tiếp cận thực dụng hơn, chủ động hơn và ứng biến linh hoạt hơn khi tìm thấy giá trị sử dụng và chức năng của mạng xã hội với tư cách là một công cụ hữu hiệu để tạo lập và duy trì “đồng thuận xã hội”, phục vụ đắc lực cho mục tiêu xuyên suốt là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Các cơ quan Đảng, Nhà nước theo dõi sát sao những diễn biến có tính xu hướng trên mạng xã hội, những xung đột xã hội được phản ánh trên không gian mạng để đưa ra những can thiệp mang tính xử lý khủng hoảng hoặc chiến lược. Việc chú trọng xây dựng các thể chế pháp lý để điều chỉnh không gian mạng cùng với các biện pháp kỹ thuật, công nghệ như xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam nằm trong hệ thống chiến lược theo lối tiếp cận tự tin hơn, chủ động hơn trong ứng phó với các thách thức do mạng xã hội đem lại. Là một nước đi sau về công nghệ, Việt Nam đã áp dụng một phức hợp pha trộn đa dạng các cách tiếp cận và biện pháp can thiệp từ kinh nghiệm của cả châu Âu, Trung Quốc và Nga, vận dụng “tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài” cho phù hợp đặc thù Việt Nam trong xây dựng và vận hành thể chế quản trị mạng xã hội.

Mạng xã hội chưa hẳn là một sân chơi “phẳng” bình đẳng cho tất cả mọi người tham gia mà một số chủ thể vẫn “bình đẳng” hơn chủ thể khác theo nghĩa là có nhiều lợi thế hơn trong việc tạo ra và sử dụng thông tin cho mục đích của mình, đặc biệt là sự xuất hiện các nhóm lợi ích hùng mạnh tham gia vào sân chơi mạng xã hội. Sự tham gia của công chúng trên mạng xã hội nói chung không hoàn toàn là một tiến trình chủ động mà gặp phải nhiều nguy cơ bị dẫn dắt, thao túng bởi các nhóm lợi ích nhiều thế lực. Trong bối cảnh môi trường thực tế và môi trường trên không gian mạng vẫn bị che phủ bởi sự thiếu minh bạch, nhiều thông tin nhiễu loạn, lòng tin xã hội thấp, sự tham gia của công chúng chủ yếu vẫn dừng lại ở những phản ứng, tình cảm bộc phát nhất thời, đột ngột rồi cũng mau chóng qua đi vì thiếu vắng nền tảng và chiều sâu của văn hoá tranh luận, trách nhiệm giải trình trước các vấn đề trọng đại của cộng đồng, của quốc gia.□

—–

TS. Bùi Hải Thiêm, Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)