Mạng xã hội ở Việt Nam: Để trở thành nền tảng tốt ?
Khi một mạng xã hội mới ra đời, dường như chúng ta hướng vào hai vấn đề chính: một mạng xã hội của người Việt làm cho người Việt và làm thế nào cạnh tranh với Facebook. Ở góc độ một người làm về khoa học dữ liệu, tôi vẫn rất mong sẽ có những nền tảng thông tin lớn như một mạng xã hội do những người Việt tạo nên và thành công ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe giới thiệu về việc hình thành mạng xã hội trong nước. Nguồn: laodong.vn
Tại sao nên cố gắng gây dựng một mạng xã hội Việt Nam khi đã có Facebook?
Dễ thấy các công cụ tìm kiếm như Google, mạng xã hội Facebook từ nước ngoài đã hút gần hết người sử dụng ở Việt Nam. Vậy tại sao chúng ta vẫn phải nghĩ đến việc xây dựng các công cụ trong nước cạnh tranh với các nền tảng đã có rất nhiều người sử dụng trên? Việc quyết định tự xây dựng, hay mua, hay “dùng nhờ” sẽ phải dựa vào rất nhiều các yếu tố về giá trị kinh tế, lợi ích quốc gia, năng lực thực hiện…
Thứ nhất về giá trị thông tin với người sử dụng. Chúng ta có thể thấy các công ty nước ngoài có thể đưa hay chấp nhận những thông tin chưa cập nhật, chính xác. Ngay một công ty hàng đầu thế giới về tìm kiếm dữ liệu bản đồ là Google thì dữ liệu địa điểm, ảnh từ trên cao nhiều vùng ở Việt Nam chưa được cập nhật. Cái này các hệ thống bản địa có thể làm tốt hơn. Chính Google cũng phải bỏ tiền ra để mua hay hợp tác để có những thông tin này từ một số công ty tại các quốc gia khác nhau. Việc so khớp (matching), xếp hạng (ranking), lọc (filter) hiển thị nội dung trên các nền tảng như Facebook trong một số lĩnh vực vẫn có thể cải tiến, nhưng có thể họ biết mà không làm vì ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế và số đông người dùng khác của họ. Cái thiểu số họ bỏ qua đó có thể là người dùng Việt, một doanh nghiệp Việt. Xây dựng một nền tảng trong nước với nội dung thông tin chính xác, phong phú, thiết yếu, cách hiển thị thông tin tốt vẫn có thể hấp dẫn được người dùng so với các nền tảng từ nước khác.
Thứ hai về khía cạnh an ninh. Một hệ thống tìm kiếm hay mạng xã hội có thể chứa các thông tin để giúp cho việc ngăn ngừa xử lý các vụ việc hình sự khi người dùng Internet ngày càng phụ thuộc vào nó như một phần của cuộc sống. Nếu Google, Facebook không hợp tác giúp các quốc gia giải quyết vấn đề này thì các quốc gia phải tự có công cụ để giải quyết nó. Ví dụ một cá nhân dùng một công cụ tìm kiếm hay mạng xã hội để phục vụ cho một việc xấu (tìm đối tượng hành động, tìm địa điểm hành động, tìm cách thức hành động hay đưa tin lừa đảo, vu cáo gây thiệt hại lớn) nếu các nền tảng này không cung cấp dữ liệu cho cơ quan an ninh Việt Nam thì các cơ quan chức năng sẽ khó có thể giải quyết các vụ việc hình sự, gây nguy hại đến xã hội và an ninh quốc gia.
Ngay cả các quốc gia phát triển ở châu Âu, khi cần, vẫn phải yêu cầu các các công ty dịch vụ Internet, viễn thông cung cấp dữ liệu, thông tin của người dùng để xử lý các vụ việc hình sự và bảo vệ an ninh quốc gia. Không có một chính sách riêng nào bảo vệ cho một việc vi phạm hình sự cả. Nó như một cảnh sát có quyền dừng và khám xét bất kỳ một chiếc xe nào vi phạm luật lệ giao thông. Dĩ nhiên bên cạnh đó cần phải có các điều luật đảm bảo tính riêng tư về dữ liệu người dùng, đảm bảo việc truy cập thông tin người dùng phải được thông báo cho người dùng biết, đúng quy trình và pháp luật, tuyệt đối không được lạm dụng, dùng không đúng mục đích hay gây thiệt hại cho người chủ của dữ liệu.
Thứ ba về lợi ích kinh tế, không có gì là miễn phí cả. Các công ty công nghệ lớn như Facebook có nền tảng công nghệ tốt nên khi có rất nhiều dữ liệu họ có thể định hướng mục đích thu lời cho họ. Người dùng chúng ta đưa thông tin lên, đưa bấm chuột (click), đưa lượt đọc (views) để họ dùng những tương tác đấy thu lợi rất nhiều từ quảng cáo và thậm chí có vụ đưa tin cho bên thứ ba kiếm lời. Nếu thiếu sự cạnh tranh thì mọi người phải chấp nhận trả giá cao cho doanh nghiệp nước ngoài. Tôi từng biết một doanh nghiệp Việt sẵn sàng bỏ 50.000 USD cho một doanh nghiệp Việt khác nếu giúp họ có số views quảng cáo chỉ cần gần bằng con số tương tự Facebook đưa lại vì họ thấy rõ mất quá nhiều tiền cho công ty nước ngoài mà có thể không hướng được vào đúng đối tượng mình cần.
Mạng xã hội Facebook từ nước ngoài đã hút gần hết người sử dụng ở Việt Nam. Nguồn: VietTimes
Cuối cùng, dù đi sau không có nghĩa là chúng ta quá thiệt thòi. Kinh nghiệm, bài học thành công, thất bại, của các nền tảng đi trước có thể giúp chúng ta hoàn thiện nhanh sản phẩm và tăng số lượng người dùng. Chính các nền tảng đã thành công trên thị trường như Google, Facebook, Amazon đã cung cấp những khung khổ, công nghệ, hàng trăm thư viện phần mềm, giao diện lập trình ứng dụng (APIs) mà ta có thể sử dụng và học hỏi để phát triển hệ thống mới của chúng ta hiệu quả hơn. Những nền tảng này cũng đã “đào tạo” thói quen của người dùng Internet, và chúng ta có thể tận dụng nền tảng của họ để marketing cho ứng dụng của mình trong giai đoạn đầu.
Do vậy thay vì để người dân, doanh nghiệp “vô tư” cung cấp dữ liệu, trả tiền cho những “xa lộ thông tin” nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, chúng ta cũng nên gắng có những “xa lộ thông tin” của chính mình, để ta tự chủ trong việc kiểm soát an toàn, bảo vệ người lưu thông trên đó, giúp người lưu thông hiệu quả hơn. Nhưng nếu ta xây một xa lộ thông tin chất lượng quá kém, luật lệ trái khoáy, thu phí vô lý thì dĩ nhiên người dân sẽ chọn con đường khác, dù nó do một quốc gia khác xây trên “lãnh thổ dữ liệu” của chúng ta.
Có cách nào xây dựng một mạng xã hội tốt?
Việc một mạng xã hội xây dựng ở Việt Nam có thành công hay đủ sức cạnh tranh với một nền tảng đã quá thành công từ nước ngoài hay không tôi chưa dám lạm bàn. Tuy nhiên tôi tin những hệ thống xây dựng ở Việt Nam có thể làm tốt hơn được qua chiêm nghiệm của bản thân.
Tìm cho mình một triết lý phát triển
Nhìn lại quá trình thành công của các công ty công nghệ hấp dẫn một lượng lớn người dùng, họ đều bám vào một triết lý nào đó và làm những việc tốt nhất để thực hiện triết lý đó.
Theo tôi, ẩn đằng sau sự thành công của Facebook là triết lý “Kết nối bằng hình ảnh”. Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã từng nổi danh tại Đại học Harvard khi tạo ứng dụng Facemash cho phép sinh viên lựa chọn người đẹp nhất từ một số bức ảnh. Người dùng Facebook dễ thấy mạng xã hội này gợi ý “tag” khuôn mặt người trong ảnh rất tốt. Việc gợi ý người dùng để kết nối, giúp người dùng dễ nhận ra ngay một khuôn mặt, một cái tên thân quen, cộng với đặc tính “thế giới nhỏ – small world theory” của mối quan hệ trong xã hội, đã giúp Facebook nhanh chóng có một số lượng bùng nổ người dùng. Khi Facebook mua Instagram, một hệ thống chia sẻ và xử lý ảnh mới nổi với giá 1 tỉ USD cách đây vài năm để tăng cường sức hấp dẫn người dùng cũng không nằm ngoài triết lý “Kết nối bằng hình ảnh” của Facebook. Trong thời đại gần như ai cũng dùng điện thoại thông minh và chất lượng chụp, chia sẻ các bức ảnh ngày càng tốt, nó như sự tận dụng “thiên thời” để nhân thành công triết lý này lên.<
Hay như Amazon, họ có một triết lý về đổi mới sáng tạo (Innovation) là: Innovation không phải là dự đoán cái gì sẽ thay đổi trong tương lai mà lại là dựa vào những gì sẽ không thay đổi trong tương lai. Chính vì dự đoán mỗi con người sẽ không thay đổi mong muốn mua được mặt hàng rẻ, có chất lượng, giao hàng nhanh trong vài thập kỷ mà Amazon liên tục có những sáng tạo và trở thành một đế chế bán hàng và công nghệ như hiện nay và từng nhận danh hiệu công ty sáng tạo nhất thế giới.
Vì vậy, một mạng xã hội hay một hệ thống thông tin nào đó ở Việt Nam muốn thành công, đủ sức cạnh tranh với những “ông lớn” công nghệ chắc chắn phải tìm cho mình một triết lý phát triển, kiên định thực hiện nó. Hãy định nghĩa cho đúng khái niệm “kết nối” mà người Việt cần để nỗ lực tạo và mở rộng sự “kết nối” và đừng bỏ qua những yếu tố hiển nhiên mà các hệ thống mạng xã hội khác đã thành công, như hình ảnh, nội dung trên ứng dụng phải đẹp và tạo sức hấp dẫn chia sẻ. Thêm nữa luôn cần phải có được cả ba yếu tố để thành công là (1) thiên thời – bắt được mạch phát triển của công nghệ và xã hội, (2) địa lợi – phát triển tại Việt Nam và phục vụ thị trường người dùng khá lớn Việt Nam, và (3) nhân hòa – bắt tay được với nhiều người có tầm ảnh hưởng về mặt xã hội và doanh nghiệp Việt để chung tay phát triển.
Phát triển một sản phẩm cho tử tế
Khi tải xuống ứng dụng một mạng xã hội ở Việt Nam mới công bố về dùng thử, cảm nhận ban đầu của tôi không như kỳ vọng. Về mặt nội dung, ứng dụng này không khác một trang tổng hợp tin tức, mà lại phần nhiều là các tin tức giải trí, giật gân, hàm lượng thông tin thấp khi phần “trending news” chưa giải quyết được sự trùng lặp nội dung trong tin tức. Nó khác với cảm giác của tôi khi xưa cài Facebook hay Linkedin là tìm ngay được những người thân quen hay đồng nghiệp cùng công ty. Giao diện trên Mobile vẫn gặp lỗi, hiển thị ảnh và nội dung chưa “mượt”. Chức năng tìm kiếm người hay nội dung tôi quan tâm còn hạn chế về việc sắp xếp và hiển thị.
Những nền tảng đã thành công trên thị trường như Google, Facebook, Amazon… đã cung cấp những khung khổ, công nghệ, hàng trăm thư viện phần mềm, giao diện lập trình ứng dụng (APIs) để ta có thể sử dụng và học hỏi.
Tôi vẫn hy vọng vào năng lực phát triển sản phẩm công nghệ của người Việt nói chung và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực Internet của đơn vị tạo ra sản phẩm xã hội mới này nói riêng. Tin là mọi người đã tính đến các vấn đề về hiệu năng (performance), bảo mật (security), tính mở rộng (scalability) của hệ thống. Nhưng một sản phẩm ra mắt với sự quan tâm khá rộng của công chúng, số tiền đầu tư không phải nhỏ thì cố gắng đừng để lỗi và hãy mang cho người dùng trải nghiệm tốt hơn. Dường như một số người phát triển sản phẩm đã hiểu sai quy tắc 80/20 để có thể mỗi bộ phân phát triển tặc lưỡi hoàn thành 80% chất lượng mà quên mất một phép toán đơn giản: Nếu một sản phẩm có nội dung chỉ tốt 80%, chất lượng xử lý nội dung ở mức 80%, chất lượng hiển thị nội dung 80% tức là tạo ra một sản phẩm làm thất vọng gần một nửa người dùng thử (0.8 x 0.8x 0.8 ~ 0.5).
Khái niệm token nên có tính khoa học và tạo sự công bằng
Khi thấy ý tưởng thưởng “token” cho người sử dụng tạo nội dung trên mạng xã hội ở Việt Nam, ban đầu tôi nghĩ đây là một cách tiếp cận khá hay để khuyến khích người dùng tương tác và tạo nội dung tích cực hơn trên mạng xã hội mới. Khi dùng mạng xã hội như Facebook, tôi cũng từng suy nghĩ Facebook đã thu lời quá nhiều từ nội dung người dùng cung cấp. Thậm chí nhiều nội dung copy qua lại, chia sẻ lại nhận được ủng hộ nhiều hơn cả những nội dung thông tin gốc. Nếu có một cơ chế ghi nhận, trả thù lao (reward) cho những người dùng đóng góp cho nội dung của Facebook, dù rất nhỏ theo một dạng “smart contract” hay “cryptocurrency token” thì sẽ công bằng hơn. Mọi người sẽ yên tâm tạo nội dung và nếu nội dung tốt sẽ được nhận phần thưởng tương xứng và không lo lắng về bản quyền.
Việc “trao” token phải dựa trên một nền tảng khoa học rõ ràng. Nó như những “đồng tiền ảo” và lý thuyết blockchain mà chúng ta hay nhắc đến gần đây dựa vào thuật toán rất chặt chẽ để chắc chắn việc tạo tiền ảo (cryptocurrency mining) không khiến đồng tiền ảo bị “lạm phát” và thuật toán cũng đảm bảo có thể lần ngược được chuỗi giao dịch của “hợp đồng thông minh” để xác thực việc giao dịch.
Quay trở lại một chút lịch sử Internet, khi Google đánh bại Yahoo trên lĩnh vực máy tìm kiếm, một phần vì ban đầu họ phát minh ra thuật toán PageRank rất hay, (mô tả trong bài báo “The PageRank Citation Ranking: Bringing Order to the Web” năm 1998 của hai đồng sáng lập Google) để sắp xếp thứ tự các trang web trên kết quả tìm kiếm. Đây là một hình thức “cho điểm” các trang web dựa vào các “link vào” và “link ra” từ trang web đấy. Công thức cho điểm dựa trên một nền tảng tính toán đảm bảo tránh được tình trạng spam link, giúp phản ánh đúng sự quan trọng của các trang web dựa trên tri thức của người dùng một cách rất khoa học và tự nhiên.
Tuy nhiên sự kỳ vọng của tôi đã chưa đạt được khi nhìn cách “trao” token của mạng xã hội (MXH) mới xuất hiện ở Việt Nam vì nó quá giản đơn, thoáng thấy một số nhân viên của công ty viết những bình luận đại loại “comment vào đây để nhận gấp 2 số token nhé” hay “share tin này để nhận được token nhé”. Làm như vậy là một sự khiên cưỡng, giảm đi sự tự nhiên và thiếu tôn trọng giá trị thông tin và nội dung của những người đóng góp cho MXH. Nó không trân trọng những người tạo nội dung thực cho mạng xã hội và có thể khuyến khích những tương tác “ảo”, đi ngược lại bản chất khuyến khích tạo nội dung có giá trị của token. Vì thế nhóm phát triển MXH Việt Nam nên đầu tư nghiên cứu cách trao “token” một cách khoa học hơn để nhắm đúng mục đích khuyến khích việc tạo và chia sẻ nội dung trên MXH.
Hãy giúp xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn
Có một câu chuyện nhân tiện xin chia sẻ: Cách đây vài năm lúc tôi còn ở trong một nhóm phát triển ứng dụng tìm kiếm tại một công ty ở Thụy Sĩ, khi phân tích dữ liệu người dùng, tôi thấy có thể xây dựng một chức năng mới cho hệ thống giúp rất nhiều người dùng tránh được các liên lạc gây phiền toái qua điện thoại. Tuy nhiên nếu làm chức năng này thì nó có khả năng chặn một số liên lạc của chính bộ phận marketing hay bán hàng của công ty mình tiếp cận khách hành. Nghĩa là để mang lại lợi ích mới cho nhiều người dùng thì phải hy sinh một ít doanh thu của một bộ phận công ty mình. Mang băn khoăn trao đổi với một lãnh đạo công ty, anh ta đã nói: “Phải làm chứ, vì nó giúp xã hội tốt đẹp hơn”. Vài tháng sau khi triển khai chức năng này, hàng trăm nghìn người đã sử dụng nó và là một trong ít tính năng của công ty nhận được lời khen chủ động của người dùng trên các mạng xã hội như Twitter…
Nên khi xây dựng một nền tảng thông tin cho một số lượng lớn người dùng Việt, tôi hy vọng những người tham gia xây dựng mạng xã hội này hãy tập trung giải quyết những vấn đề của người dùng, của xã hội Việt Nam. Đừng quá vì sức ép canh tranh, sức ép doanh thu mà quên đi sứ mệnh của mình là: Giúp cho xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn.