Mất di sản, thành phố sẽ trống rỗng ký ức

Một cái nhìn mới, cởi mở về di sản và vai trò của nó trong quá trình phát triển có thể đem đến cho các di sản một đời sống mới, thay vì phá hủy và biến thành phố trở thành nơi rỗng ký ức. Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trong cuộc trao đổi với Tia Sáng xung quanh những di sản ở các đô thị đang bị mất mát nhanh chóng trong thời gian qua.

Nhà máy in Tiến Bộ phản ánh lịch sử của thời kỳ đầu xây dựng XHCN. Ảnh: Bác Hồ thăm nhà máy in Tiến Bộ. Nguồn: website nhà máy in Tiến Bộ.

Sự việc khu nhà 61 Trần Phú, nằm trong vùng “lõi” di sản của Hà Nội, bị phá dỡ khiến chúng ta phải xem xét lại các kho di sản kiến trúc thời Pháp thuộc ở Hà Nội. Vậy theo ông, hiện trạng của di sản này như thế nào?

Chúng ta hiện có biết bao nhiêu những căn biệt thự, tòa nhà cũ nhưng giờ dường như nhiều tòa nhà chẳng còn giá trị gì, hầu hết đều xuống cấp, bẩn thỉu, nhếch nhác, không ai coi đó là di sản cả. Trong khi các tòa nhà đó chính là di sản phản ánh đời sống xã hội của người Pháp, của các nhà tư sản dân tộc hay của lớp trí thức, người giàu mới nổi, viên chức cũ ở Hà Nội cách đây hơn một thế kỷ, mà ngay cả những người đang sống ở Hà Nội ngày nay cũng không hình dung ra được hồi đó người ta sống như thế nào.

Tôi cho rằng nói về các kiến trúc gắn liền với di sản ở Hà Nội, đương nhiên không chỉ là kiến trúc thời Pháp thuộc mà là những kiến trúc xuyên suốt từ thời phong kiến, kéo sang thời Pháp thuộc, mà còn là những di sản kiến trúc giai đoạn sau này, như kiến trúc thời xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là những công trình kiến trúc về xây dựng trong thời kỳ đầu, từ những năm 1995-1980 như các nhà tập thể, không gian khu tập thể. Người ta không nghĩ đó là di sản, chỉ nghĩ các công trình này quá xập xệ, toàn “chuồng cọp” mà quên đi rằng những tòa nhà được xây lên ở thời điểm thời kỳ đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa đó thể hiện những ước vọng của xã hội, của người dân thời đó, rồi sau này mới xuống cấp. Và ngay cả khi xuống cấp và được cơi nới thì những khu tập thể, những không gian đó cũng thể hiện những câu chuyện về đời sống của thị dân thời kỳ sau đó.

Nhìn theo hướng các di sản phản ánh đời sống, văn hóa, lịch sử của những thời kỳ trước thì chúng ta thấy có rất nhiều di sản đã bị bỏ quên, bị phá đi một cách vô cùng lãng phí. Ví dụ, Nhà máy in Tiến Bộ bây giờ còn gì? Nhà máy đó không chỉ phản ánh lịch sử của thời kỳ đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa mà trước khi trở thành nhà in Tiến Bộ thì đó cũng là nhà in tiền của một nhà tư sản…

Ngay cả với những chỗ đang được gìn giữ rất tốt, chúng ta vẫn nhìn di sản một cách riêng lẻ chứ chưa hình dung một không gian di sản. Như hiện nay, trường Đại học Dược (khởi thủy là khoa Dược thuộc Trường Y Dược khoa Đông Dương) đang được giữ rất tốt nhưng ít ai biết rằng đó là một phần của cả khu vực cổ nhất của Hà Nội dưới thời Pháp thuộc. Bởi khi Hà Nội là nhượng địa, khi Pháp bắt đầu đánh Hà Nội, triều Nguyễn cắt đất nhượng địa Pháp thì có một khu vực rộng, bắt đầu từ bệnh viện Việt Xô, Bệnh viện 108 ngày nay (nhà thương Đồn Thủy trước đây), kéo sang Bộ Tư lệnh Biên phòng, qua khu vực khách sạn Quân đội ở phố Phạm Ngũ Lão, Bảo tàng Lịch sử (Viện Viễn Đông Bác Cổ trước đây), kéo sang hệ thống trường Đại học ở phố Lê Thánh Tông. Đó là một vùng di sản, thậm chí bây giờ phải xứng đáng là không gian di sản đặc biệt, cần phải giữ gìn.

 Một góc trường THPT Trần Phú, trước đây từng là Trường Petit Lycée, rồi Trường Albert Sarraut. Ảnh: Mỹ Hạnh.

Dường như trong quyết định cải tạo lại hoặc bán, các công trình cũ chỉ được nhìn nhận là tài sản chứ không phải là di sản?

Tôi đã tìm xem có các báo cáo đánh giá thực trạng các công trình cụ thể thì chỉ thấy đánh giá tính kỹ thuật, còn về tính văn hóa của các kiến trúc cũ như các khu tập thể và giá trị của các công trình đó trong bối cảnh lịch sử đất nước thời đó thì không hề có.

Ngay với các tòa biệt thự thời Pháp thuộc đang được rao bán (và mới đây có quyết định tạm dừng), khi quyết định bán có quan tâm các giá trị văn hóa của các tòa nhà này không hay chỉ bán như một tài sản thôi? Nếu nhận thức của những người quản lý thấy đó là di sản, là một phần của lịch sử Hà Nội thì khi bán phải có một quy định về cải tạo sao cho phù hợp chứ không phải bán rồi phá xây mới. Và muốn có được điều đó thì cần phải quy định trong Luật Thủ đô hay các văn bản dưới luật. Chúng ta đã có một luật riêng để quản lý một cách tốt nhất cho thủ đô rồi nhưng dường như chưa nói đến câu chuyện sẽ phải ứng xử như thế nào với các di sản như thế, hoặc là nói một cách chung chung không thành chế tài. Gốc rễ của vấn đề này cũng vì chúng ta chưa hiểu và quan niệm đầy đủ, tổng thể về di sản kiến trúc Pháp cũng như kiến trúc về thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ khi nào chúng ta nhìn nhận đúng về các di sản mà thủ đô đang có thì mới quản lý tốt được.

Qua tất cả những câu chuyện đó, có thể thấy rằng, để giữ được và phát huy giá trị của di sản đô thị đòi hỏi không chỉ các nhà quản lý mà cả các nhà đầu tư bất động sản cần nhìn xa hơn rất nhiều, rằng khi cải tạo lại và vẫn giữ giá trị của di sản thì sẽ tạo ra cho khu vực mới được cải tạo ấy có chiều sâu lịch sử, chiều sâu văn hóa. Cư dân sinh sống ở đó được hưởng giá trị lịch sử, giá trị văn hóa chứ không phải là một không gian có lịch sử trống trơn.

Với quan niệm như vậy, liệu việc phát huy giá trị các di sản của chúng ta có thể trở nên đỡ bế tắc hơn?

Lâu nay, chúng ta vẫn có cái nhìn khá bế tắc về bảo tồn di sản nhưng thực tế không phải như vậy. Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế trong việc họ ứng xử hài hòa với di sản thì sẽ thấy không bế tắc, nhiều nơi người ta giải quyết tốt việc hài hòa giữa bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa với phát triển. Câu chuyện mà các quốc gia đã trải qua cho chúng ta thấy, họ cũng từng lâm vào tình trạng không tôn trọng di sản. Tuy nhiên họ đã rút được kinh nghiệm khi nhận thấy rõ ràng giá trị của văn hóa, của lịch sử mang lại lợi ích kinh tế chứ không phải chỉ là giáo dục truyền thống nói chung.

Đại học Tổng hợp, trước đây là Viện Đại học Đông Dương. Ảnh: Mỹ Hạnh


Một trong những ví dụ điển hình là bài học về việc phá di sản kiến trúc thời hậu chiến sau năm 1945 ở những nước giàu có và tiên tiến nhất như Hà Lan, Anh, Pháp. Khi tôi trao đổi với bạn bè quốc tế thì họ nói đúng là vào những năm 2000-2010, ở Anh, Pháp, Hà Lan đã xảy ra tình trạng phá những kiến trúc sau 1945 của thời hậu chiến. Người ta cho là kiến trúc thời đó đã lạc hậu, không đẹp và đã thành những khu ổ chuột nên phải triệt tiêu đi, phá hết đi, xây mới. Nhưng trong mười năm đó vẫn luôn có nhóm đấu tranh, phản đối và rồi đến một lúc thì người ta tỉnh ngộ, nhận ra đấy là di sản, là những dấu ấn của lịch sử kiến trúc, lịch sử xã hội, là ký ức của một thành phố. Ở Mỹ, những tòa nhà tập thể của những người dân di cư khắp thế giới vào New York đều đã rất cũ, xuống cấp và tồi tàn nhưng thay vì đập đi, họ cải tạo, biến các dãy nhà đó thành bảo tàng, nơi kể lại cuộc đời của từng gia đình di cư của các nhóm người khác nhau sống ở đó như thế nào. Những dãy nhà bảo tàng đó trở nên rất đông khách. Xóa hết tất cả những thứ đó đi thì thành phố còn gì nữa?

Bây giờ nhiều người TP. Hồ Chí Minh đã tiếc Ba Son, hay Hà Nội cũng nhiều người tiếc Hỏa Lò, tại sao lại chỉ để 1/3 mà không để hết! Ở các nước phát triển, những cảng cũ, nhà máy cũ có nhiều khu kho rất lớn không bị phá mà được cải tạo lại thành không gian hoạt động văn hóa, bảo tàng, không gian triển lãm nghệ thuật. Giả sử như để lại nguyên vẹn Hỏa Lò thì có thu lại được nhiều tiền về cho thành phố hơn công trình xây mới sau đó không? Trong khi cũng ở Thụy Điển, người ta cải tạo lại một nhà tù cũ thành khách sạn hiện đại để cho du khách trải nghiệm.

Những tài sản của quá khứ, nó có những giá trị lịch sử, nó có những giá trị văn hóa, chúng ta cần phải nghiên cứu, thiết lập quan điểm, chủ trương lưu giữ và cải tạo như thế nào đó để giữ và cho nó sống trong cuộc sống đương đại. Không phải tất cả đều trở thành di tích lịch sử nhưng đa số là di sản, di sản có cuộc sống trong xã hội đương đại. Tôi luôn nghĩ rằng chúng ta cần làm thế nào để giữ được các ký ức lịch sử, các không gian, các công trình kiến trúc tiếp tục có cuộc sống trong xã hội đương đại bởi nếu chúng mất đi thì thành phố sẽ trở thành một thành phố không có ký ức. Và cái ký ức đó phải là ký ức liên tục, không có những khoảng trống.

Chưa kể có một vấn đề là việc xóa bỏ đi các công trình cũ thực sự tốn kém và là vấn đề lớn về mặt môi trường với rất nhiều xi măng, sắt thép vừa là phế thải lại vừa xây dựng mới. Tính sơ sơ Hà Nội có khoảng 1200 dãy nhà tập thể hoặc hàng trăm căn biệt thự cổ, nhiều nhà máy cũ… Chúng ta có thể phân loại và nghĩ nhiều đến cải tạo chúng, ở những nơi có thể cải tạo, thay vì đơn thuần xóa bỏ, như vậy quá lãng phí.

Nhưng chắt lọc nét đẹp của quá khứ, như những kinh nghiệm quốc tế đó, trong một không gian hiện đại không hề đơn giản?

Tôi cho rằng, mấu chốt của vấn đề là người ta tư duy và kể chuyện về các di sản này như thế nào. Việc cải tạo là để cho di sản đó sống, đi vào cuộc sống, chứ không phải là tạo ra di tích “bất động”. Làm theo cách này thì vừa có thể gìn giữ di sản mà không cản trở sự phát triển.

Mới đây, tôi đi khảo sát ở khu tập thể như ở Trung Tự và thấy những điều rất thú vị: trong một ngõ rất nhỏ, mấy quán cafe trong ngõ, ban ngày các cặp đôi đến chụp ảnh cưới, từ khoảng 6h tối thanh niên lại đến càng đông để chụp ảnh dưới ánh đèn và trang trí nội ngoại thất hiện đại. Thế hệ trẻ và kiến trúc sư đang làm thay đổi bộ mặt của không gian, họ làm cho các khu tập thể với những con ngõ nhỏ đó tưởng như chết đi rồi trở nên sống lại được, thu hút người ta tới khám phá. Điều đó giúp chúng ta suy nghĩ lại về khu tập thể trong bối cảnh phát triển. Thế hệ trẻ luôn có cách kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa những gì xưa cũ truyền thống với nhu cầu thẩm mỹ của cuộc sống hằng ngày. Nó không chỉ là hoài cổ đơn thuần, mà trong sự hoài cổ đó có sự tổ chức, kết nối và hòa quyện giữa cũ và mới, tâm lý của xã hội. Hoài cổ thì hoài cổ nhưng cuối cùng thì nó vẫn phải là cái đẹp, hoài cổ trong không gian đương đại, hiện đại. Hoài cổ là giữ lại không gian của một khu tập thể cũ hoặc là kiến trúc cũ của Pháp như tòa nhà 61 Trần Phú để cải tạo lại cho mới và tiện nghi hơn nhưng vẫn giữ được cái cũ, giúp cái cũ hài hòa, sống được với cái mới. Không gian cũ được làm với tinh thần mới. Đó mới là bài toán khó, đấy mới là thách thức để cho những người muốn sáng tạo, muốn thành phố phát triển. Đó là một hướng nên theo đuổi.

Xét cho cùng, nó là ký ức của xã hội mà chúng ta cần phải giữ lại. Nếu không làm như vậy, khi thế hệ này qua đi, đến thế hệ sau, không có ký ức gì cả, mọi người đều sống trong một thành phố không ký ức. Hãy thử hình dung, một thành phố thiếu ký ức chắc chắn sẽ là một thành phố buồn tẻ, trống rỗng, chơi vơi, chỉ còn những cái mới.

Vì vậy, đừng có nghĩ là giữ gìn các di sản này thì mâu thuẫn với phát triển, vấn đề là hài hòa câu chuyện bảo tồn và phát triển như thế nào? Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý phải có đường hướng chiến lược, có quy định rõ ràng; các nhà đầu tư nên có cái nhìn mới về di sản, và phải làm cho di sản sống được trong xã hội đương đại, gắn được với vấn đề kinh tế chứ không phải để yên đấy cho mọi người nhìn ngắm.

Theo tôi, ngay cả các công trình đang được giữ lại tốt, chúng ta cũng chưa phát huy được giá trị lịch sử văn hóa của nó?

Thực ra với các công trình này, chúng ta cũng vẫn đang lãng phí. Có nhiều di sản tuyệt đẹp mà tôi đã khảo sát như Bắc Bộ Phủ bây giờ đang được sử dụng như nhà khách chính phủ nhưng người ta không biết kể câu chuyện mà tòa nhà đó chứng kiến. Bên trong khuôn viên đẹp đẽ đó, những viên gạch lát, cầu thang gỗ vẫn còn nguyên, nhiều chi tiết của một thời kỳ văn hóa lịch sử vẫn còn nguyên. Nếu Bắc Bộ Phủ được cải tạo lại thành một không gian để kể biết bao nhiêu chuyện hay và lý thú, về thời thực dân, đó là đầu não của cơ quan cai trị Bắc Kỳ; Sau đó là lớp chuyện về chính quyền Cách mạng và Bác Hồ đã làm việc đưa ra mọi quyết sách trong những năm tháng đầu của cách mạng. Khi nơi này trở thành nhà khách chính phủ nhiều chính khách, vị khách nổi tiếng thế giới như Fidel Castro đã ở đây. Một công trình có quá nhiều lớp ký ức và câu chuyện để kể.

Những khu nhà cũ của người di cư ở Lower East Side được cải tạo lại, kể chuyện về hành trình di cư, những dấu ấn của họ đã giúp hình thành nên di sản văn hóa của thành phố New York và nước Mỹ. Nguồn ảnh: tenement.org


Trường hợp tiếp theo là tòa nhà nơi Trần Phú soạn thảo Luận cương chính trị, là một di tích lịch sử quan trọng nhưng không được dùng để kể chuyện về bối cảnh thời đó. Nếu có thể phục hồi một không gian sống động với nhiều lớp lang lịch sử thì tòa nhà Trần Phú sẽ kể được câu chuyện về một cuộc sống của người chủ Pháp vào những năm 1920-1930. Rồi sau đó tới lớp thời gian ông Trần Phú viết Luận cương ở đó như thế nào. Những lớp thông tin đặc sắc vì cả Hà Nội không nơi nào kể được những câu chuyện đó.

Hoặc ngay tòa nhà của ông Trịnh Văn Bô ở Hàng Ngang là nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, đang bị biến thành “bảo tàng” chỉ nói về cụ Hồ bắt đầu từ Pác Bó mà những câu chuyện này thì có ở mọi nơi. Cách kể chuyện ở đó vẫn còn chưa phản ánh hết những gì mà căn nhà đó chứng kiến. Tòa nhà đó còn có thể kể được về truyền thống buôn bán của người Hà Nội trước 1945 như thế nào. Nếu tầng một có thể tái tạo quầy hàng tơ lụa của gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô thì sẽ khiến người ta trầm trồ, hiểu được bối cảnh thực sự của xã hội, kinh doanh thời đó – đó là những điều mà hiện nay không nơi nào có thể kể được. Ở tầng hai là phòng tiếp khách của một nhà tư sản, bên trên là các phòng cho thấy cuộc sống của nhà tư sản. Hãy trưng bày một cuộc sống của nhà tư sản dân tộc hồi đầu thế kỷ 20. Trong tòa nhà đó có không gian mà chủ căn nhà đã dành cho Bác Hồ ở và viết Tuyên ngôn Độc lập. Chỉ một địa chỉ thôi, người tham quan sẽ cảm nhận rất nhiều chuyện, có thể nhờ đó họ mới hiểu được đời sống và suy nghĩ của một nhà tư sản dân tộc thời đó.

Soi chiếu sang khu phố đi bộ của Hà Nội, chúng ta có thể thấy tuy được đánh giá là rất thành công nhưng khu vực này vẫn chưa có nhiều nội dung đặc sắc. Nếu chúng ta tạo ra được những câu chuyện kể ở các di sản trong vùng di sản lõi này như tòa nhà bưu điện, nhà Khai trí Tiến Đức, nhà máy đèn cũ, Tòa nhà Ngân hàng, Bắc Bộ phủ… thì dòng du khách tham quan sẽ đổ về đây. Hà Nội sẽ có cả một hệ thống mạng lưới rất nhiều bảo tàng nho nhỏ, không gian di sản nhỏ, mỗi không gian đều độc đáo kể những câu chuyện riêng có về lịch sử văn hóa, đời sống, là nơi mà thế hệ sau có thể trải nghiệm, có thể hoài cổ. Mạng lưới ấy sẽ khiến Hà Nội trở nên độc đáo mà không một thành phố nào có được.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thu Quỳnh thực hiện

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)