Minh bạch hóa thông tin về tình hình biển Đông

Qua hai phép thử gần đây của Trung Quốc, kết quả cho thấy họ khó lòng có thể đạt được tham vọng lãnh thổ trên biển Đông một cách chính danh. Tuy nhiên, họ có thể sẽ cố níu kéo tình trạng mập mờ và lấn tới một cách âm thầm.  Việt Nam cần tăng cường minh bạch hóa thông tin về tình hình biển Đông để đối phó với sách lược này.

Sự ủng hộ chủ động và tích cực của các thế lực lớn tại Thái Bình Dương như Mỹ và Nhật đối với Việt Nam và Philippines qua hai phép thử gần đây1 của Trung Quốc trên biển Đông – vụ tranh chấp tại bãi cạn Scarborough và vụ mời thầu 9 lô trên thềm lục địa của Việt Nam– là trở ngại không nhỏ cho tham vọng Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc biết rằng nếu họ càng cố áp đặt yêu sách đường lưỡi bò thì sẽ càng làm xấu đi mối quan hệ với các nước có lãnh thổ bị xâm phạm bởi yêu sách này, đồng thời càng tạo động lực củng cố quan hệ của các nước này với những nước ủng hộ cho chủ quyền của họ trên biển Đông, trong đó có Mỹ.

Phản ứng của Trung Quốc trước sự can dự của Mỹ vào tình hình tranh chấp ở biển Đông là khá yếu ớt với luận điệu yêu cầu Mỹ tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trong khi không đưa ra bất cứ một đe dọa trả đũa cụ thể nào. Có thể trước đây Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ vì mối quan giao thương kinh tế mà nhắm mắt làm ngơ trước tham vọng của Trung Quốc tại biển Đông, nhưng việc Mỹ ủng hộ cho chủ quyền trên biển Đông của các nước bị đe dọa bởi yêu sách của Trung Quốc, đồng thời không giấu giếm dự định sẽ tăng cường hiện diện về quân sự tại khu vực, cho thấy: Mỹ thừa biết bản thân Trung Quốc cũng không dám làm căng với Mỹ, đơn giản vì tiềm lực quân sự của Trung Quốc vẫn chưa đủ, và lợi ích trong quan hệ kinh tế với Mỹ là quá lớn để Trung Quốc gây sứt mẻ vì bất kỳ lý do gì.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế không có bất kỳ quốc gia nào đứng ra công khai ủng hộ cho yêu sách lãnh thổ mà Trung Quốc đưa ra. Điều này khiến tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc thuần túy mang tính đơn phương và hoàn toàn không có cơ hội được chính danh hóa trên trường quốc tế.

Nguyên nhân cốt lõi của cục diện này chính là tham vọng đường lưỡi bò mà bất kỳ ai với đôi mắt khách quan tỉnh táo khi nhìn vào cũng có thể thấy rõ ràng sự phi lý và phi nghĩa. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn cố gắng níu kéo tham vọng của mình bằng cách duy trì tình trạng mập mờ, trước mắt là trì hoãn sự ra đời của bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông càng lâu càng tốt. Và trong bối cảnh tranh tối tranh sáng ấy, họ vẫn có thể âm thầm lấn tới từng chút một, ví dụ thực hiện thăm dò dầu khí và triển khai xây dựng giàn khoan ngay trong lãnh thổ của chúng ta.

Nguy cơ chủ quyền bị ăn mòn qua những xung đột quy mô nhỏ theo cách này đã được đề cập trong bài Phát triển thị trường để bảo vệ chủ quyền biển2, trong đó cũng đã nêu ra một giải pháp cho Việt Nam là tăng cường sự có mặt thường trực của những con tàu có khả năng duy trì lâu dài tại vị trí tranh chấp. Kinh nghiệm của Philippines tại bãi cạn Scarborough cho thấy đây là biện pháp khả thi và rất cần thiết. Sự có mặt những con tàu của Philippines tại bãi cạn Scarborough không chỉ giúp duy trì sự khẳng định lập trường về chủ quyền của Philippines, mà còn biến vụ việc thành tâm điểm chú ý của dư luận trong nước và quốc tế, tạo sức ép ngược lại đối với Trung Quốc.

Việt Nam cần có những đội tàu tuần tra có khả năng nhanh chóng tiếp cận hỗ trợ lẫn nhau và ứng cứu những tàu thuyền ngư dân bị Trung Quốc gây phiền nhiễu. Những đội tàu này cần có khả năng ghi hình và nhanh chóng chuyển thông tin về đất liền, tạo bằng chứng chính xác, minh bạch về những hành vi xâm phạm của đối phương, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bị đối phương vu cáo là gây hấn trước.  

Bên cạnh việc tiếp tục nỗ lực vận động cho một bộ quy tắc ứng xử công bằng và rõ ràng trên biển Đông, việc tập hợp một cách có hệ thống những bằng chứng và thông tin theo cách trên sẽ tạo một công cụ đắc lực để dùng đến khi Việt Nam cần chứng minh những xâm phạm của Trung Quốc và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Minh bạch hóa thông tin chính là giải pháp tối ưu để Việt Nam làm thất bại sách lược níu kéo tình trạng mập mờ và cục bộ hóa tranh chấp mà lâu nay Trung Quốc vẫn tiến hành.

Khi đó, Trung Quốc sẽ thực sự lâm vào thế hoàn toàn bế tắc và buộc lòng phải đối thoại và hợp tác thiện chí hơn với các bên liên quan nhằm tháo gỡ khỏi thế bí mà họ đã tự đẩy mình lâm vào.    
    ——————
1 Xem bài Phép thử của Trung Quốc tại Biển Đông: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=5335
2 http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News= 4827&CategoryID=7

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)