Mở rộng dân chủ qua cách lắng nghe dân

Cuộc đình công của công nhân Công ty Pou-Yuen Việt Nam phản đối Luật Bảo hiểm Xã hội, hay xu hướng phản đối của người dân Hà Nội trước việc chính quyền triển khai chặt hạ 6.700 cây xanh trong thành phố, là những ví dụ cho thấy nhà nước chỉ tiếp thu tiếng nói của người dân khi chính sách đã hoặc sắp sửa đi vào đời sống, và nhân dân hầu như không được thông tin từ sớm để có cơ hội tham gia góp ý dự thảo chính sách.

Trên thế giới, tính dân chủ trong công tác thông tin tới người dân về nội dung các luật, chính sách, dự án của nhà nước có thể chia thành ba cấp độ.

Ở cấp độ thấp nhất, nhà nước chỉ thuần túy làm công tác tuyên truyền, nghĩa là thông tin hầu như chỉ chạy một chiều từ phía nhà nước tới người dân, trong khi tiếng nói phản biện của người dân cất lên rất hạn chế; ở cấp độ thứ hai, giữa nhà nước và người dân có sự trao đổi thông tin hai chiều dựa trên một cơ chế hữu hiệu cho phép nhà nước đối thoại với nhân dân một cách nhanh chóng, cởi mở, kịp thời; và ở cấp độ thứ ba, cơ chế trao đổi thông tin được tiến lên một bước nữa khi người dân không chỉ bày tỏ ý kiến mà còn có thể trực tiếp đàm phán các lợi ích liên quan đến mình.

Nhìn vào thực trạng ở Việt Nam, có thể thấy chúng ta đang ở đâu đó dưới cấp độ hai, bởi người dân vẫn chưa có nhiều cơ hội tham gia ý kiến về các luật, chính sách liên quan tới lợi ích của họ, đặc biệt trong giai đoạn còn đang ở bước xây dựng dự thảo. Cuộc đình công của công nhân Công ty Pou-Yuen Việt Nam phản đối Luật Bảo hiểm Xã hội, hay xu hướng phản đối của người dân Hà Nội trước việc chính quyền triển khai chặt hạ 6.700 cây xanh trong thành phố, là những ví dụ cho thấy nhà nước chỉ tiếp thu tiếng nói của người dân khi chính sách đã hoặc sắp sửa đi vào đời sống, và nhân dân hầu như không được thông tin từ sớm để có cơ hội tham gia góp ý dự thảo chính sách.

Có thể thông cảm phần nào với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam bởi nhận thức về tính dân chủ trong công tác thông tin của nhà nước tới người dân không phải bỗng nhiên có, mà là một quá trình phát triển. Nhìn sang nước Pháp, một quốc gia phát triển đã có thể chế tương đối ổn định hàng trăm năm, nhưng tới giữa thế kỷ 20 người ta vẫn quen với cách thông tin một chiều, kể cả với những vấn đề nhạy cảm dễ gây tranh cãi như xây dựng nhà máy điện hạt nhân1. Phải tới những năm 1990 nước Pháp mới thành lập ra Ủy ban Thảo luận Công Quốc gia (Commission Nationale du Débat Public), một cơ quan độc lập với chính phủ, có trách nhiệm tổ chức các cuộc thảo luận công khai của công chúng về lợi ích quốc gia, ảnh hưởng kinh tế – xã hội, tác động môi trường liên quan tới các dự án đầu tư quan trọng, đồng thời chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính minh bạch, đầy đủ của thông tin về dự án mà công chúng được tiếp nhận. Thời gian công chúng thảo luận kéo dài từ 13 tới 15 tháng, đủ để họ được cung cấp mọi thông tin cơ bản và đặt các câu hỏi về dự án, đồng thời qua đó các cấp quản lý và chủ đầu tư được tiếp thu ý kiến phản hồi từ các nhà khoa học, các tổ chức môi trường, và đông đảo các tầng lớp công chúng khác. Nếu qua được giai đoạn này, dự án còn phải trải qua một-hai tháng lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân địa phương gần địa điểm đầu tư, trong đó người dân địa phương không chỉ được quyền đặt ra mọi câu hỏi mà còn có thể thỏa thuận với chủ đầu tư dự án về các lợi ích họ muốn được tiếp nhận. Tương tự như Ủy ban Thảo luận Công Quốc gia, ở cấp địa phương, Pháp lập ra các Ủy ban Thông tin Địa phương (Local Information Commission) cũng là những cơ quan độc lập, vừa chịu trách nhiệm về tính minh bạch thông tin các dự án, vừa là cầu nối giữa công chúng với chủ đầu tư.

Đối chiếu vào thực tiễn Việt Nam hiện nay, câu hỏi đặt ra là vì sao các tổ chức, đoàn thể đại diện cho tiếng nói của quần chúng nhân dân như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chưa tổ chức được những cuộc thảo luận rộng rãi giữa nhân dân với chính quyền cùng các bên liên quan về các dự thảo luật, chính sách liên quan đến lợi ích quốc gia và cá nhân họ tương tự như Ủy ban Thảo luận Công Quốc gia của Pháp từ cách đây 20 năm? Đặc biệt trong bối cảnh xu hướng thông tin qua các mạng xã hội trong thời gian gần đây đang thay đổi cục diện chính trị xã hội các quốc gia từng ngày từng giờ, cho thấy ý thức tham gia tiếng nói của người dân ngày càng tăng, kể cả ở những nước đang phát triển, thì phương thức điều tiết dòng thông tin theo một chiều như trước đây đã không còn phù hợp, và nhất thiết các chính quyền phải có cơ chế đối thoại với nhân dân một cách chủ động, rộng rãi, thẳng thắn, và cởi mở.

—————————————

1: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News= 4684&CategoryID=36

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)