Mốc biên giới đóng từ 0 đến 1
Nhìn tổng thể phát triển kinh tế và công nghệ, lẫn dịch chuyển xã hội, Việt Nam đang chứng kiến đồng thời sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số, đi kèm với gia tăng các rủi ro về an ninh mạng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu và thảo luận một cách cẩn trọng, khoa học về vấn đề này.
Làm mọi thứ chỉ với 1 chiếc điện thoại, và nguy cơ ‘chết trong một nốt nhạc’
Nhiều lần sau những chuyến đi công tác, khi vừa rời cửa máy bay xuống sân bay Nội Bài, bật điện thoại lên, tôi đã nhận được những tin nhắn chào mời từ các hãng taxi. Chuyện đó đã xảy ra từ lâu, vài năm trước khi vụ việc tương tự được đưa lên mặt báo vào năm ngoái. Công nghệ đã làm mọi thứ trở nên tiện lợi, nhưng những rắc rối cũng sẽ là không nhỏ. Thay vì đi ra phòng vé mua vé, rồi lên sân bay xếp hàng; nay tôi có thể ngồi nhà, với smart phone có thể vào mua vé, đặt chỗ, và đến giờ chỉ lên thẳng sân bay. Tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí. Nhưng lợi cũng đi kèm với hại: những tin nhắn chào mời dịch vụ taxi cũng tự động ‘chui’ vào điện thoại tôi theo những cách nào đó.
Có thể những tin nhắn kể trên chỉ gây một chút phiền toái vô hại, nhưng thử hỏi nếu thông tin cá nhân của tôi không được bảo mật tốt, điều gì sẽ xảy ra nếu hồ sơ bệnh án của tôi bị lọt ra ngoài cũng theo ‘một cách nào đó’ tương tự? Điều đó là hoàn toàn có thể. Ngày nay mỗi khi vào viện, bệnh án điện tử có thể lưu hồ sơ của tôi đầy đủ chi tiết. Một mặt, điều tiện là chỉ cần gặp bác sỹ thôi, và quay ra quầy thuốc mua thuốc về mà không cần ôm tập hồ sơ bệnh án dày cộp. Và mỗi lần tái kiểm tra sức khỏe, tôi chỉ cần nhớ số chứng minh thư và trở lại bệnh viện mà không cần ôm chồng hồ sơ cũ. Nhưng nếu bệnh viện bảo mật không tốt, rất có thể, một ngày hồ sơ sức khỏe tôi sẽ tràn ngập trên mạng xã hội. Về lý thuyết, tôi có thể khởi kiện ra tòa bên làm lộ bí mật của tôi – nhưng với tốc độ chia sẻ thông tin tính bằng giây, bằng phút của công nghệ ngày nay, tòa án hay các thiết chế công quyền chưa kịp bảo vệ tôi, tôi đã ‘tiêu đời’ rồi. “Được vạ thì má đã sưng’ – ông bà ta nói thế; nhưng ngày nay, chưa được vạ thì đã ‘chết trong một nốt nhạc’ – đúng như cách nói thời thượng ngày nay của ‘dân cư mạng’. Internet và thiết bị số quả thực đã giúp cuộc sống và công việc thuận tiện đi rất nhiều trên nhiều phương diện, nhưng đổi lại, mối lo khác đang hiện hữu trên đầu hàng tỉ người dùng internet: bảo mật hồ sơ tài chính, hồ sơ sức khỏe, những vấn đề riêng tư cá nhân khác đang mong manh hơn bao giờ hết.
Dân lo, nhà nước cũng lo
Nhưng nỗi lo không chỉ đơn giản ở cấp độ cá nhân – mà các nhà nước, chính phủ, cũng đang phấp phỏng với nỗi lo về chủ quyền quốc gia, về quyền lực nhà nước trên không gian mạng. Không lo sao được, khi tội phạm mạng có thể ngồi từ bất kỳ đâu trên toàn cầu, chỉ với một cái máy tính hay điện thoại nối mạng đã có thể tấn công vào bất cứ hạ tầng số, tài nguyên số của quốc gia, của công dân nước đó. Chưa nói đến việc phức tạp về kỹ thuật: xác định nơi tấn công, người tấn công; có xác định được rồi, việc truy tố xử lý một cá nhân ngoài biên giới, tức là ngoài chủ quyền tài phán, cũng là hết sức vất vả. Chính quyền của nước Mỹ, quốc gia mạnh nhất toàn cầu là thế, mà chính trị nội bộ – cả toàn bộ cuộc bầu cử tổng thống, bị ảnh hưởng và chi phối từ các hãng công nghệ ở Nga – và vẫn đau đầu chưa có một giải pháp nào hữu hiệu.
Đấy là chưa nói đến công nghệ vẫn tiếp tục thay đổi. Hiện nay, ‘cá mập’ còn có thể cắn cáp – một quốc gia có thể yêu cầu một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet trong nước tác động vào hạ tầng internet để ‘bóp’ đường truyền, chặn một website, một dịch vụ nào đó không ‘ưng ý’. Nhưng một khi sóng wifi được phủ toàn cầu bằng công nghệ vệ tinh – đến lúc đó, việc ‘bóp đường truyền’ của doanh nghiệp trong nước cũng là vô ích. Và điều đó không hề là lo lắng hão huyền – các công ty công nghệ, điển hình như Tesla đã thử nghiệm thành công và có kế hoạch thương mại hóa các công nghệ tương tự.
Rồi sự bùng nổ của tiền mật mã (crypto currency) – đe dọa luôn thành lũy tưởng như vững chắc nhất của chủ quyền tối cao của Nhà nước – quyền phát hành tiền tệ. Hiện nay nhiều quốc gia đang cấm công dân của mình thanh toán bằng tiền mật mã. Nhưng quốc gia, như Việt Nam chẳng hạn, có thể cấm công dân của mình chuyển đổi trực tiếp từ tiền mật mã ra tiền Việt Nam, nhưng không thể ngăn cản công dân đó dùng tiền mật mã, mua đồ trên Amazon hay một trang thương mại điện tử nào đó chấp nhận tiền mật mã; và từ đó chuyển hàng về Việt Nam để sử dụng. Mà ‘chợ điện tử’ ngày nay – cũng như ‘đi chợ điện tử’ bằng ‘ví điện tử’ – đã là điều thông dụng với công dân toàn cầu.
Những khái niệm ‘chủ quyền quốc gia’, ‘quyền lực nhà nước’ đang bị thách thức và đặt ra yêu cầu cấp bách phải định nghĩa lại, phải hiểu lại – trên một không gian mới ‘không gian internet toàn cầu’.
Việt Nam, kinh tế số, an ninh mạng, quyền riêng tư, và những thách thức chính sách
Nhìn tổng thể phát triển kinh tế và công nghệ lẫn chuyển dịch xã hội, Việt Nam đang chứng kiến đồng thời sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số, đi kèm với gia tăng các rủi ro về an ninh mạng. Ngoài các rủi ro đã được nhận diện – như tấn công mạng và tội phạm mạng; các rủi ro khác gồm: xâm phạm quyền riêng tư và khai thác trái phép dữ liệu cá nhân cho mục đích thương mại cũng như phi thương mại; vấn đề tin giả, thông tin không chính xác; phát ngôn thù ghét cũng đã gia tăng đáng kể với người dùng internet, với doanh nghiệp. Trong khi những thách thức truyền thống chưa được giải quyết xong, những vấn đề mới cũng hóc búa không kém và đương nhiên, khi vấn đề chưa được quan tâm, chưa được thảo luận và nhận thức rõ thì chưa thể có lời giải.
Nhưng kinh tế số và công nghệ, dù đặt ra những thách thức lớn lao, nhưng rõ ràng là xu thế không thể đảo ngược. Và lợi ích mang lại, với những quốc gia như Việt Nam là rất lớn lao. Vấn đề không phải là quay đầu, hay lùi bước, co cụm phòng thủ hay cản trở những xu hướng tiến bộ.Trước khi bàn đến những giải pháp chính sách, cần phải tiếp tục thảo luận để có cái nhìn chính xác về vấn đề.Việt Nam đang thiếu vắng các nghiên cứu và thảo luận một cách cẩn trọng, khoa học về vấn đề này. Và bài viết này chỉ mong muốn ‘đặt vấn đề’ chứ chưa phải là nêu giải pháp.
30 năm trước, nhà thơ Nguyễn Duy từng viết những dòng thơ đầy tâm huyết trong “Nhìn từ xa Tổ quốc: “Dù ở đâu Tổ quốc cũng trong lòng – mốc biên giới đóng từ thương đến nhớ”. 30 năm sau, mốc biên giới có thể lại dịch chuyển: xin mượn ý ông, mốc biên giới ngày nay ‘đóng từ không (o) đến một (1). Nhưng biên giới dù có là gì, tổ quốc vẫn trong lòng từng công dân Việt. Không gian có số hóa, nhưng căn tính Việt vẫn luôn là điểm neo cho mọi thảo luận, mọi cách nhìn, mọi giải pháp.
——-
Tít bài mượn ý thơ Nguyễn Duy trong bài Nhìn từ xa Tổ quốc.
* Tính phức tạp, đa phương diện và liên quan đến rất nhiều chủ thể khác nhau, vượt ra ngoài “biên giới cứng” quốc gia khiến cho an ninh mạng trở thành vấn đề chính sách phức hợp và không có một giải pháp duy nhất. Do đó, Việt Nam cần một tiếp cận chính sách toàn diện; hệ thống chính sách đa giải pháp cho vấn đề an ninh mạng; trong đó huy động cả 3 khu vực Nhà nước, khu vực doanh nghiệp; và cả cá nhân người dùng cùng tham gia. Chúng tôi nhấn mạnh rằng, giải pháp pháp lý (bằng luật và quy định dưới luật như Luật An toàn thông tin; Luật An ninh mạng (dự thảo) và các quy định pháp lý khác); và giải pháp kỹ thuật (phòng ngừa, ứng phó với các cuộc tấn công) là không đủ để giải quyết thách thức phức hợp và xuyên quốc gia như an ninh mạng.
* Cần có chương trình truyền thông và giáo dục sâu rộng về an toàn internet để nâng cao nhận thức lẫn kỹ năng của người dùng Internet – bao gồm cả người dân, và doanh nghiệp, ở Việt Nam như trước đây, Việt Nam từng thực hiện các nỗ lực truyền thông lớn về “An toàn giao thông”, đồng thời cập nhật và giáo dục trẻ em về internet, ngay từ trong trường học.
* Chính phủ Việt Nam cần tham gia nhiều hơn, rộng hơn và sâu hơn vào các sáng kiến, diễn đàn hợp tác quốc tế song phương, đa phương về an ninh mạng; tích cực tham gia các diễn đàn diễn tập quốc tế liên quan đến an ninh mạng để học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tác chiến trên không gian mạng ở phạm vi quốc tế. Việt Nam cũng cần chú trọng tới các điều khoản về an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng trong các hiệp định hợp tác kinh tế.