Món nộm thánh nhân
Nói chuyện ngày trước, với các bạn thật trẻ thì đã là ngày xưa, ông Edouard Chevardnadze làm ngoại trưởng Soviet. Khi đi ra xứ ngoài, ông này thật đĩnh đạc, vui vẻ, hào hoa, nhưng mỗi khi trở về đến quê nhà, thì lại cáu cẳn, điên đầu, bứt rứt. Có lần khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông ấy tỏ ý rằng không gì khổ bằng nói chuyện với người Soviet.
Làm thế nào để đi ra khỏi lối mòn đó? Phải tự nhận ra lối mòn đó. Chưa đủ. Phải tự thú ra lối mòn đó. Phải kiểm tra lại được trên cái bàn thờ đang kê ở trong đầu mình, xem có những món gì phải dọn đi được.
Với mỗi con người nhỏ bé chúng ta, cũng đúng như vậy thôi. Muốn vui vẻ, muốn đi lên, phải kiểm tra lại trên cái bàn thờ đang kê ở trong đầu mình, xem có những món gì phải dọn đi được.
Với tôi, tôi thấy trước hết có một món phải dọn đi, món nộm thánh nhân.
Chúng ta bị món này nó hành quen quá, quen hàng ngàn năm, quen đến mức lúc nào cũng bị cái cảm giác so sánh, chia ngôi, xếp hạng với người đối thoại, hữu hình và vô hình, rằng người này thuộc đẳng hơn, rằng người kia thuộc cấp kém. Nếu nói một câu tiếng ta trốn được việc chia động từ, thì lại cứ lo chia ngôi thứ nhau cho bằng chết được. Cái virus của món nộm thánh nhân này nó theo máu ăn vào khắp chốn ở trong ta, vào lời ăn, vào tiếng nói, vào suy nghĩ, vào hành xử. Chúng ta vào mỗi cuộc chuyện trò, ngay từ trong nhà, thậm chí ngay trong một đôi lứa, một cặp vợ chồng, mà cứ sau ba câu là đã hầm hè như cùng nhau chính thức bước vào sới vật, để giải quyết cái việc quan trọng nhất trên đời của món nộm thánh nhân, việc ai thắng ai. Chúng ta chỉ chực muốn nhai rau ráu người tham chuyện. Trời ơi, giá như trời cho ta được một cơ hội. Rất nhiều các cuộc thảo luận người ta không còn để ý gì nữa đến “cái gì đang được thảo luận”, mà lập tức đến “ai đang rao giảng, định âm mưu gì, thớ gì mà nói…”.
Dẹp được cái món nộm này đi, cuộc đời mỗi chúng ta sẽ trở nên thanh nhã biết bao, vui vẻ biết bao. Với mỗi cuộc trao đổi, dù là để bàn về con muỗi, hay nhằm luận về con voi, mỗi người chúng ta đều có thể tham gia được với cái mình có thể và mong muốn, hoà nhã, và không bị cái cảm giác rằng mình đang nằm chơi vơi trên một cái thớt vô hình mà các bậc anh hùng hảo hán đang nấp xung quanh khéo léo bày ra. Nhiều người cai được món nộm thánh nhân, thì rồi sẽ đến ngày các cựu anh hùng hảo hán xung quanh cũng sẽ thay đổi dần lẽ chơi trong đời, sẽ tìm ở các câu chuyện về những tính thú vị đáng học hỏi gì ở chúng cho mình , sẽ vui vẻ tham gia đóng góp hồn nhiên thanh nhã cho các cuộc thảo luận cùng cộng đồng.
Mỗi lời nói, mỗi ý nghĩ, khó thật, nhưng chính tôi cũng đang cố thoát ra khỏi cái cơn nghiện thánh nhân dai dẳng của người mình. Và ước mong rồi ai cũng thành nên thanh thoát, hợp tác, nhã nhặn, vui vẻ, hết bị chứng bệnh thánh nhân hóa.
Như thế văn hóa của chúng ta sẽ tiến hóa dần, sẽ bay bổng thêm lên. Lúc cần tụ nhau, là lúc chúng ta cốt cùng nhắm tới để dựng được với nhau những trò chơi hợp tác, bền bỉ, sáng tạo, mới mẻ. Chúng ta thôi nhắm tới mong ước đè bẹp được người, mà nhắm tới tự vượt được chính mình, tự mình “bay được” hơn lên.
Tôi nghĩ rằng không có trại cai nghiện nộm thánh nhân nào có thể thành công được, vì lấy ai ra mà trông nom nó? Chỉ có niềm vui tươi mới dung dị mà thôi, niềm vui vứt bỏ, niềm vui hóa vàng dứt điểm món nộm này đi.