Mong chờ ở Chính phủ mới
Sau Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, một Chính phủ mới sẽ được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ  tới. Chúng ta mong chờ những người cầm lái mới cần tuyên bố những đường hướng chính sách mới giúp con thuyền quốc gia xa dần những lối mòn cũ sống nhờ vào tận khai thác tài nguyên thiên nhiên và nhân công giá rẻ.
Người ta dự báo thế kỷ XXI sẽ trở thành kỷ nguyên của người châu Á. Tương lai là của chung, vì lẽ ấy quan chức, doanh nhân, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức của nhân dân và giới truyền thông nắm lấy mọi cơ hội để chia sẻ tầm nhìn của mình về những động lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế quốc gia và khu vực.
Người Nhật vốn kín đáo, lại cực kỳ cận trọng lựa lời phê phán người ngoài, đã diễn đạt một cách không bóng gió rằng chúng ta đã nói nhiều, hội nghị, hội thảo nhiều, song vẫn làm được rất ít việc để tạo ra những chính sách tốt. |
Xung quanh những cuộc thảo luận đa dạng ấy, ngoài những lời khen theo lệ thường, lần này nước chủ nhà Việt Nam được nghe thêm nhiều lời cảnh báo rất thẳng thắn rằng chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu thiếu ưu tiên, phát triển cho đến nay nặng về bóc lột tài nguyên thiên nhiên, rằng hiệu suất của nền kinh tế thấp và toàn bộ sức mạnh quốc gia, từ lựa chọn chính sách cho tới các nguồn lực đa dạng của người dân chưa được huy động triệt để nhằm thực hiện bằng được các mục tiêu ưu tiên của quốc gia.
Người Nhật vốn kín đáo, lại cực kỳ cẩn trọng lựa lời phê phán người ngoài, đã diễn đạt một cách không bóng gió rằng chúng ta đã nói nhiều, hội nghị, hội thảo nhiều, song vẫn làm được rất ít việc để tạo ra những chính sách tốt. Và vì chưa có chính sách tốt, nhất là ưu tiên phát triển các ngành kinh tế có lợi thế cạnh tranh, toàn bộ tinh thần và lực lượng của dân tộc bị phân tán. Ngân sách quốc gia đã nghèo, lại rải mành mành cho hàng trăm mũi nhọn với hàng vạn dự án đầu tư công, sự thành công của Việt Nam cho đến nay mới mạnh về bán tài nguyên thô và lao động giản đơn, gia công cho thương hiệu nước ngoài.
Mô hình kinh tế ấy hiển nhiên mang lại lợi ích cho những tập đoàn kiểm soát tài nguyên quốc gia, lớp váng ấy sẽ giàu lên nhanh chóng. Ngược lại, hàng triệu nông dân sẽ trở thành người thợ hoặc thị dân thời công nghiệp hóa, song với mức lương chỉ đủ duy trì cuộc sống họ khó thoát khỏi ngưỡng bần hàn. Lạm phát càng làm cho ranh giới giữa nghèo nàn và khốn cùng trở nên mong manh. Thiếu một tầng lớp trung lưu khá giả, một xã hội phân hóa giữa lớp trên giàu sang và phần đông dân chúng bần hàn sẽ trở nên vô cùng chênh vênh, mở cửa cho bất ổn định xã hội.
Các ưu đãi về tín dụng, vốn, đất đai, các độc quyền kinh doanh của tập đoàn kinh tế nhà nước phải được các cơ quan dân cử và công luận kiểm soát. Nói cách khác, của công phải bị kiểm soát chặt chẽ, khắt khe hơn của tư nhân. |
Vì lẽ ấy, nhìn thẳng và nói thật về các yếu kém của mô hình kinh tế hiện tại để tìm cách điều chỉnh hợp lý chúng cũng là cách chúng ta chuẩn bị cho một xã hội tương lai. Khó có thể có hòa bình, ổn định, một xã hội thượng tôn pháp quyền và công lý sẽ là xa vời nếu Nhà nước không thực hiện những chính sách tốt tạo ra nhiều phúc lợi và đảm bảo những nguồn phúc lợi ấy được phân phối công bằng.
Sau Đại hội Đảng lần thứ XI, một Chính phủ mới sẽ được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ tới. Chúng ta mong chờ những người cầm lái mới cần tuyên bố những đường hướng chính sách mới giúp con thuyền quốc gia xa dần những lối mòn cũ sống nhờ vào tận khai thác tài nguyên thiên nhiên và nhân công giá rẻ. Muốn làm được điều ấy, dường như cần có một tuyên ngôn mạch lạc hơn về chính sách phát triển kinh tế quốc gia. Điều này cũng phù hợp với xu thế cần tu chỉnh chương Chế độ kinh tế trong Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp hơn với thực tế nước ta sau hơn hai thập kỷ đổi mới.
Nói ít, làm nhiều, tướng tài cốt ở dụng mưu, những mong nhà nước mạnh dần trở thành nhạc trưởng định ra chính sách cho cuộc ganh đua của hàng triệu sáng kiến dân doanh. |
Chúng ta mong chờ thái độ của Chính phủ đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước, hiện nay đang trở thành một vấn đề không thể né tránh trong chính sách kinh tế quốc gia. Buộc các tập đoàn kinh tế Nhà nước phải cạnh tranh, phải chịu kỷ luật của thị trường, phải bị giám sát chặt chẽ bởi các định chế kiểm toán, báo chí và các thiết chế đại diện cho quyền lợi nhân dân, đó hầu như là cách duy nhất nhằm sàng lọc và lựa chọn những mầm sống khỏe mạnh nhất từ khu vực kinh tế Nhà nước. Vì lẽ ấy, các tập đoàn kinh tế Nhà nước phải chịu một cuộc giải phẫu đau đớn, phải được tách ra khỏi quyền lực làm chính sách và hành chính của Chính phủ. Các ưu đãi về tín dụng, vốn, đất đai, các độc quyền kinh doanh của tập đoàn kinh tế Nhà nước phải được các cơ quan dân cử và công luận kiểm soát. Nói cách khác, của công phải bị kiểm soát chặt chẽ, khắt khe hơn của tư nhân.
Chúng ta mong chờ thái độ của Chính phủ đối với hàng vạn dự án đầu tư công, với tiền chu cấp từ ngân sách Nhà nước rải đều từ Trung ương tới các địa phương. Một Nhà nước mạnh không bởi Nhà nước ấy ham làm nhiều việc, một Chính phủ hiệu năng phải làm ra chính sách tốt và huy động được sức mạnh của toàn dân. Xét về tỷ lệ vốn đầu tư/ GDP, Chính phủ Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn nhất so với Chính phủ các nước Đông Á và Đông Nam Á. Mỗi năm, đầu tư công của Việt Nam bằng khoảng 17%-20% GDP. Tỷ lệ này ở các nước trong khu vực thấp hơn rất nhiều (mức trung bình là dưới 5%, tại Trung Quốc là 3,5%, Indonesia 1,6%). Muốn đầu tư công phải ít nhất như cần thiết, đầu tư của tư nhân phải nhiều như có thể, cần phải làm cho doanh nghiệp tư nhân trở thành trụ cột cho nền kinh tế quốc gia. Kinh tế Nhà nước là chủ đạo phải được tái định nghĩa với những nội dung mới rằng Chính phủ phải có đủ năng lực làm nhạc trưởng cho mọi sinh hoạt kinh tế, tức là phải ban hành những chính sách có tầm nhìn dài hạn, có đủ độ tin cậy, xây dựng niềm tin của người dân vào Chính phủ, và dựa vào niềm tin ấy người ta mới đưa tài sản tích góp vào cuộc kinh doanh.
Chúng ta mong Chính phủ từ giã dần đam mê lấy tốc độ tăng trưởng GDP làm thước đo hầu như duy nhất cho phát triển kinh tế. Phát triển để làm gì nếu đô thị ngột ngạt và ô nhiễm, thiên nhiên bị tàn phá, nếu người thợ chỉ còn thời gian vừa đủ để ngủ giữa triền miên ca kíp. Quá sùng bái GDP, thậm chí áp dụng tràn lan chỉ số GDP cho cấp tỉnh, chúng ta đã lãng quên nhiều tiêu chí đo lường khác để giữ cho môi trường sống bền vững cho những thế hệ hôm nay và mai sau. Phát triển nối tiếp phát triển, nếu tiền cho thuê đất chiếm tới 60% ngân sách của một tỉnh, điều gì sẽ xảy ra khi tài nguyên đất cạn kiệt dần. Không trải thảm đỏ mời gọi đầu tư bằng mọi giá, một Chính phủ điều tiết tốt phải có những chính sách cân đối các nguồn lợi từ đầu tư chí ít với các chi phí để bảo vệ môi trường thiên nhiên, các chi phí giáo dục và chuyển đổi nghề cho người nông dân chuyển thành người thợ.
Chúng ta mong Chính phủ phải nói không được với bệnh thành tích và những lối suy nghĩ vun vén lợi tư trong nhiệm kỳ của mình. Từ công ty cho tới quốc gia, khi quyền lực quản trị được trao cho người điều hành, chúng ta mong có những cơ chế giám sát tốt buộc người điều hành phải hành xử vì lợi ích lâu dài, vượt xa khỏi những cám dỗ thành tích hay lợi ích tư trong nhiệm kỳ được bổ nhiệm. Thảo luận điều chỉnh mô hình kinh tế cũng chính là suy nghĩ về những cách thức góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình của những người lãnh đạo quốc gia. Nói một cách dễ hiểu, người lãnh đạo phải lý giải được vì sao họ lựa chọn những chính sách nhất định, chúng có lợi cho ai, và nếu phát sinh chi phí, ai sẽ là người gánh chịu những tổn thất nếu có.
Cánh cửa đã mở, con thuyền đã ra khơi, nền kinh tế Việt Nam đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của thị trường thế giới rộng lớn. Thương trường như chiến trận, người ta bảo nhiều dân tộc láng giềng chưa chắc đã giỏi giang, khéo léo gì hơn người Việt Nam, song có chăng trong phát triển kinh tế họ may mắn hơn dân tộc chúng ta bởi có được những chính sách tốt. Nói ít, làm nhiều, tướng tài cốt ở dụng mưu, những mong Nhà nước mạnh dần trở thành nhạc trưởng định ra chính sách cho cuộc ganh đua của hàng triệu sáng kiến dân doanh.