Một cách trở về căn cước: Tâm linh/thiêng hóa Trường Sa
1.  Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà trong một khoảng thời gian tương đối gần nhau, sự kiện 725 năm chiến thắng Bạch Đằng (1288-2013) lại thu hút sự chú ý của dư luận đến thế và nhanh chóng được các cơ quan, chính quyền cũng như người dân phục hoạt sống động theo hai hướng: đầu tiên, tổ chức hội thảo khoa học (27/3) nhằm thu nhận về mặt nhận thức lịch sử, đặc biệt là giá trị của chiến thắng đó trong quá khứ - hiện tại; và thứ nữa, nghi lễ hóa các hoạt động liên quan đến kỉ niệm chiến thắng Bạch Đằng, trong đó có việc tổ chức Đại trai đàn cầu siêu cho các vong linh quân dân nhà Trần và cầu quốc thái dân an (15/4), tổ chức rước tượng Trần Hưng Đạo từ đền Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang và ngược lại (16, 17/4).
2. Ngày 27/7/2012, tại huyện đảo Trường Sa, lễ kỉ niệm 40 năm sự kiện bảo vệ thành cổ Quảng Trị bên dòng Thạch Hãn, Đại đức Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Trường Sa lớn cùng chư tăng, quân dân trên đảo đã tổ chức lễ cúng cầu siêu cho hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì từng hải lí và hòn đảo của Tổ quốc. Lễ cầu siêu, không phải lần đầu diễn ra ở Trường Sa, là sự hiện hữu không gì thấm thía, sắc nét hơn về đời sống tâm linh tại một nơi mà sự bình an thật khó lường nhất, còn sự khắc nghiệt, hiểm nguy tính mạng lại thường trực nhất. Trường Sa đã có tiếng chuông, tiếng kinh tụng niệm để không chỉ nói lên đất lành hạnh ngộ đấng từ bi mà chủ yếu, để chạm đến những khát vọng an sinh thuộc vào cõi sâu kín nhất của tất cả cư dân nơi đây – an sinh tinh thần; để thương tưởng những mất mát và đau đớn của một dân tộc từng kinh qua quá nhiều binh đao mà mỗi tấc đất đều đang lưu giữ những lớp linh hồn có thể chưa siêu thoát. Người ta sẽ tìm thấy trong nghi lễ cầu siêu và ngôi chùa trên đảo tiếng nói tín ngưỡng nảy sinh từ một không gian thiêng đầy an ủi và bảo trợ, điều mà các nhà chính trị khó có thể đảm đương nổi, đặc biệt trong tình thế ám ảnh thương vong chiến tranh chưa hề nguôi giảm ở nơi chứng kiến thường ngày các mối đe dọa. Cùng với huyền thoại về những địa chỉ linh thiêng trên đất liền vốn được tạo tác từ trong/sau chiến tranh, từ/bởi tâm thế ưu tư hiện sinh hằng ngày (ngã ba Đồng Lộc, thành cổ Quảng Trị, hang tám cô Quảng Bình…), Trường Sa đã là điểm nối dài của những ý hướng tâm linh/thiêng hóa giang sơn giữa biển cả mênh mông không hề tô vẽ. Một nén hương dâng trong ngày các thiền sư hành lễ sẽ đồng nghĩa với lòng thành tâm cầu mong che chở và thờ cúng đức Phật, đồng nghĩa với sự giao tiếp thánh thần phi rào cản nhằm vợi bớt những lo âu hiện tại. Ở góc độ này, rõ ràng, nghi thức tôn giáo đó xuất phát đơn thuần từ yêu thích tự nguyện của đức tín bình dân, trước khi là “sự quan tâm và chăm lo” của chính quyền như tin tức sáo ngữ hằng gửi đến.
3. Bóng Phật đã ngự tại Trường Sa thì một nhân thần tiêu biểu của dân tộc cũng phải xuất hiện để hoàn tất các giải pháp bảo trợ. Tháng 5/2012, tượng đài Trần Hưng Đạo, tạc bằng đá nguyên khối, cao sừng sững 11m, hướng nhìn ra biển phía Đông Nam, đã được khánh thành tại đảo Song Tử Tây thuộc Trường Sa. Lý do dựng tượng, vốn là món quà của “chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định”, có lẽ không chỉ vì danh uy của vị tướng văn võ song toàn mà chiến công lừng lẫy có gắn với thủy quân (ngụ ý đến hải quân ngày nay) nhằm tăng thêm ý chí, sức mạnh, khí phách dân tộc; mà chủ yếu vì, từ lâu, ông đã là nhân thần nằm trong hệ thống thờ cúng linh nghiêm bậc nhất. Và cũng vì mô hình kéo dài của tục thờ Trần Hưng Đạo, chúng ta buộc cần thêm những suy nghĩ khác ngoài cách phân tích đơn giản coi việc dựng tượng, nói chung, nằm trong động thái “nêu cao truyền thống” bảo vệ Tổ quốc.
Một nghiên cứu thực địa của TS. Phạm Quỳnh Phương về các di tích thờ Trần Hưng Đạo2 cho hay: không chỉ ở miền Bắc, quê hương danh tướng, mà ở miền Nam cũng tăng nhanh chóng số lượng đền thờ danh tướng này; không chỉ chính quyền miền Bắc xã hội chủ nghĩa trưng dụng tài đức vị tiết chế thống lĩnh chống Nguyên Mông như một kết tinh của tinh thần chống giặc ngoại xâm mà chính thể miền Nam cộng hòa cũng từng coi ông là anh hùng kiệt xuất và bức tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng với tư cách là thánh tổ ngành hải quân do chính thể này dựng nên vẫn tồn tại đến ngày nay. Nghịch lí đó sẽ không còn những vướng víu địa-chính trị khi sự thiêng hóa Đức Thánh Trần là nhu cầu nội tại của toàn thể cộng đồng người Việt có nhiều dị biệt trong kí ức vui buồn. Và từ không gian thiêng đó, các quan hệ giữa quyền lực chính trị và bản sắc xã hội, giai tầng, khu vực…, sẽ trở nên đồng thuận, hòa hợp hơn nhờ một quá khứ chung được chia sẻ, một cội nguồn truyền thống được thuộc về. Vai trò nhà nước như đại diện tập hợp nhân dân trên dưới đồng lòng, xét cho cùng, khá mờ nhạt một khi nỗ lực xác thực căn cước dân tộc đã được rọi chiếu qua những cá nhân kiệt hiệt, những nhân cách văn hóa xuất chúng, những mẫu hình mà mỗi thế hệ sau đều hướng đến với điểm chung là chiêm bái và phụng hiến. Bởi vậy, nếu coi Trần Hưng Đạo là một biểu tượng dân tộc và trước khả năng nhân thần hóa nhân vật lịch sử này đã trải qua nhiều thế kỉ, được liên tục củng cố quyền uy trong hệ thống đền thờ dày đặc, thì việc dựng tượng và dâng hương thờ ông ở Trường Sa càng làm cho tính thiêng ở đây thêm bao trùm. Bởi tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là một tín ngưỡng kép: vừa có tính chất dân gian rộng rãi khi cộng gộp cả niềm tin vào vị thần có thể tiệt trừ tà ma quỉ quái, vừa mang sắc thái cộng đồng quốc gia nghiêm túc thành kính mỗi khi giang sơn gặp biến cố (mà sự kiện tầng lớp sĩ phu trí thức cuối thế kỉ XIX đầu XX, trước cảnh nước mất nhà tan, đã tổ chức lễ cầu cơ có xuất hiện vị thần này là ví dụ cụ thể). Bức, đặt trong chuỗi diễn biến Phật giáo đồng hành, và nhất là trong quan hệ với yếu tố nước (thủy/biển) – một yếu điểm nhưng thường xuyên gây rủi ro thực sự trong đời sống và tâm thức Việt, chính là chỗ đứng của một nhân thần rồi đây chắc chắn còn được linh thiêng hóa thêm nữa.
4.Thực ra, trong quá trình tạo dựng độc lập và tồn tại như một quốc gia có chủ quyền bên cạnh phương Bắc, Việt Nam không ít lần phải nhờ/sử dụng tâm linh như thao tác chính trị để muôn dân hiểu rằng, đó là cách tìm đến sự “phù hộ độ trì” từ các đấng tối cao cho đời sống thế tục mà tất cả vua chúa quan lại lẫn dân đen con đỏ đang tham dự vào. Một hệ thống thần linh, trong đó có nhiên thần là các thần sông nước và thần linh biển đã không ngừng phát triển và có vị trí thờ cúng thật sâu rộng trên lãnh thổ của quốc gia duy trì đời sống nông nghiệp cao độ như Đại Việt, điều đã được Tạ Chí Đại Trường chỉ ra thấu rõ trong cuốn Thần người và Đất Việt (NXB Văn hóa Thông tin, 2006). Cuốn sách cho biết, bất chấp sự có mặt của tầng lớp nho sĩ cầm quyền, tầm quan trọng của thần sông nước trong thời Bắc thuộc và thần linh biển, từ thế kỉ XI, khi có cương vực lãnh thổ riêng, vẫn luôn được duy trì, củng cố và kết nối lâu bền. Điều này cố nhiên sẽ bị sự bành trướng méo mó của tư tưởng vô thần, trong một thời gian dài, liệt vào những tàn dư phong kiến lạc hậu, mê tín dị đoan phản động. Nhưng rõ ràng, những lí lẽ dựa trên khoa học thuần túy thanh giáo và dè bỉu duy tâm cứng nhắc đã không làm mai một thái độ trọng thần, tín thần, cầu thần để vừa hộ quốc vừa an dân từng diễn ra trong quá khứ hàng trăm năm. Thái độ ấy đã tạo nên nền tảng tâm lí cộng đồng luôn biết nương tựa vào các thế lực siêu hình, tiến tới cố kết một nội lực đủ mạnh nhằm đương đầu và vượt qua muôn vàn thử thách đến từ ngoại giới. Trong thời điểm hiện tại, khi “sức mạnh tổng hợp” mới là hiệu triệu cao nhất từ chính quyền thì chắc chắn, những sản phẩm đến từ văn hóa tâm linh sẽ vẫn đầy cơ hội tỏ rõ sức hấp dẫn ở khả năng tụ hợp sự nhất tề ủng hộ từ nhiều cá nhân, đoàn thể. Chẳng ai còn ngỡ ngàng khi nhìn thấy những vị quan chức cấp cao có mặt tại Đồng Lộc, Thạch Hãn, Côn Đảo…, để tham dự các nghi thức thuộc về không gian thiêng, điều tưởng như trái ngược với ý thức hệ duy vật Marxist giữa thời điểm kinh tế thị trường đang là mục tiêu theo đuổi.
Những phân tích của tôi trên đây, phần nào giúp tôi hiểu việc rước tượng Trần Hưng Đạo, tổ chức Đại trai đàn cầu siêu liên quan đến kỉ niệm chiến thắng Bạch Đằng, đều nằm trong quá trình tâm/linh thiêng hóa một nhân thần và bằng cách đó, truyền đạt đến tâm thức con cháu hôm nay sức mạnh quá khứ trong việc giữ gìn biển đảo. Nhưng xin vĩ thanh thêm rằng, chẳng ai có thể biến Trường Sa, biển Đông trở thành không gian thiêng nếu xương máu cha ông đã không đổ xuống ở đó và vì đó; nếu các thúc ước tâm linh không tự nguyện lên tiếng để mong được đáp đền một hòa bình yên ổn dài lâu mà dân tộc này, vì quá khứ từng trông cậy rất nhiều vào thánh thần, đã rút ra như tiếng nói bản sắc.
—
1 Cụ thể, trong Báo cáo đề dẫn, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã trích lại lời của TS Vũ Thị Thu Thủy, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, về mục đích “nâng cao lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của toàn dân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị của khu di tích lịch sử Bạch Đằng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng”. Đồng thời, ông Ngọc cũng cho rằng Hội thảo đặt “nhiều kì vọng” vào báo cáo của Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến và trích đoạn: “…Truyền thống thủy chiến của dân tộc nói chung, truyền thống đánh giặc trên sông Bạch Đằng nói riêng mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam. Truyền thống ấy đã và đang được bộ đội Hải quân phát huy cao độ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như sự nghiệp quản lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc hiện nay”. Điều này cho thấy, tiếng nói từ Hội thảo cũng không nằm ngoài việc “Bạch Đằng hóa” tinh thần giữ biển đảo quê hương. Toàn văn bản Báo cáo đề dẫn này có thể tìm tại địa chỉ: http://hist.hnue.edu.vn/TabId/228/articleID/301/default.aspx
2 Phạm Quỳnh Phương, ‘Những không gian thiêng: Một nghiên cứu thực địa về các di tích thờ Trần Hưng Đạo ở Việt Nam’ trong Nhiều tác giả (2010), Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học, tập II, NXB ĐH Quốc gia TP HCM, tr.86-102