Một đề nghị
Trong một hội thảo vừa rồi ở Hội An, Bùi Văn Nam Sơn có kể câu chuyện thú vị về việc anh đã trở thành một người nghiên cứu triết học như thế nào.
Hồi ấy, cách đây hơn nửa thế kỷ, ở phố nhỏ và hẻo lánh Hội An, cha anh, không biết bằng một tài năng kỳ diệu đến chừng nào mà qua bao nhiêu xáo trộn của những chuyến tản cư, chạy giặc vất vả, hiểm nguy, khi trở về phố sau kháng chiến chống Pháp, vẫn giữ được cho gia đình một tủ sách đầy đặn, được coi là tài sản quý nhất trong nhà. Anh bảo ông cụ đọc sách, tất nhiên rồi, nhưng hình như cũng không nhiều lắm. Ông chăm lo tủ sách gia đình là để cho các con đọc, rồi sẽ đọc. Chính trong tủ sách ấy, một hôm, mới 12 tuổi, Bùi Văn Nam Sơn tò mò cầm đọc một cuốn sách của Nguyễn Đình Thi viết về triết học Decartes, và tuy chẳng hiểu gì cả, song vẫn giật mình ngạc nhiên một cách thích thú: hóa ra ở đời còn có một thế giới khác, gồm toàn những chuyện rắc rối, bí hiểm ở đâu đâu, mà trong sách lại chẳng thấy xuất hiện bóng dáng một nhân vật cụ thể nào cả!… “Cảm ơn tủ sách gia đình đã mở ra cho tuổi thơ tôi một chân trời khát vọng…”. Vậy đó, cuốn sách nhỏ trong tủ sách gia đình ngày ấy do cha anh bằng một sự dũng cảm văn hóa và đạo đức phi thường nâng niu gìn giữ được cho các con, đã đưa Bùi Văn Nam Sơn lên con đường dài của cuộc sống trí tuệ, để hơn 50 năm sau, trở thành nhà nghiên cứu triết học uyên thâm, người đầu tiên đã dịch ra tiếng Việt, và dịch một cách tuyệt vời, toàn bộ bộ “Phê Phán” nổi tiếng của Kant, một trong những bộ sách quan trọng nhất trong gia tài tri thức của toàn nhân loại cổ kim đông tây… Nhắc kỷ niệm xưa, rồi anh mỉm cười nhẹ nhàng và buồn rầu nói rằng bây giờ anh đến nhà nhiều quan chức và nhiều nhà giàu thấy nhà nào cũng có một tủ rượu rất sang, nhưng hầu như không nhà nào có tủ sách. Vậy đó, có một nền văn minh của những tủ sách gia đình, và nền văn minh ấy ngày nay chúng ta đã đánh mất! Tôi xin lỗi nếu có làm ai đó mất lòng, nhưng tôi muốn nói thật điều này: ngày nay chúng ta sống kém văn minh hơn nhiều so với cách đây 50 năm. Câu chuyện nhỏ của Bùi Văn Nam Sơn là một bằng chứng. Cũng cần nói thêm: trong các nước phát triển và đang phát triển hiện nay trên thế giới, có lẽ chúng ta thuộc nước đọc sách kém nhất. Chúng ta đã đánh mất thói quen đọc sách trong xã hội. Và đó là một trong những nguồn gốc của sự xuống cấp về đạo đức mà chúng ta lo lắng và đang cố đi tìm nguyên nhân cùng phương cách giải quyết. Nguyên nhân tất nhiên không trực tiếp và rõ ràng lắm đâu, nhưng rất sâu xa, hiểm nguy và lâu dài.
Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ. Rất đáng kinh ngạc là ngày nay, trong giới quan chức cả ở những cấp rất cao, đặc biệt cả trong giới được gọi là trí thức và tự coi mình là trí thức, rất ít người đọc sách, thậm chí có thể nói không sợ quá lời có không ít người hầu như hoàn toàn suốt đời không hề đọc một cuốn sách nào, và thản nhiên coi đó là hết sức bình thường. Tôi từng nghe nói một vị thủ trưởng cấp rất cao, cứ hết giờ làm việc thì lao vào đánh tu lơ khơ và kéo cả các cấp dưới của mình vào cuộc chơi say mê ấy nhiều khi đến suốt đêm… Ngày nay còn có bao nhiêu bậc cha mẹ muốn để lại cho con một tủ sách thay vì một tủ rượu? Cũng có thể nói cách khác: cứ nhìn tình tình các tủ sách gia đình trong một xã hội thì ắt biết trình độ văn minh, đời sống tinh thần và đạo đức của xã hội ấy…
Đời sống văn hóa của một đất nước như vậy thì quả đã đến mức báo động.
Không đọc sách tức là không còn nhu cầu về cuộc sống trí tuệ nữa. Và khi không còn có nhu cầu đó nữa, thì đời sống tinh thần của con người nghèo đi, mòn mỏi đi, tắt đi, và cuộc sống đạo đức cũng mất luôn nền tảng. Đây là một câu chuyện nghiêm túc và dài, cần được trao đổi, thảo luận rất nghiêm túc, lâu dài. Tôi chỉ muốn thử nêu lên ở đây một đề nghị: Tôi đề nghị các tổ chức thanh niên của chúng ta, bên cạnh những sinh hoạt thường thấy hiện nay, trong đó phải nói thật có nhiều sinh hoạt rất hình thức, ồn ào và vô bổ, nên có một cuộc vận động đọc sách trong thanh niên cả nước. Và vận động từng nhà gây dựng tủ sách gia đình. Tạo trở lại thói quen đọc sách cho từng người, cho toàn xã hội, trước hết trong thanh niên. Gần đây có một nước đã phát động phong trào trong toàn quốc mỗi người mỗi ngày đọc lấy 20 dòng sách. Chúng ta cũng có thể làm như thế, hoặc vận động mỗi người trong một năm đọc được lấy một cuốn sách. Có thể cứ đọc sách gì cũng được, để cho người ta trở lại thấy việc cầm đọc một cuốn sách không phải là việc quá xa lạ. Rồi dần dần sẽ nói đến chuyện chọn sách, cách đọc sách… Cứ bắt đầu bằng việc rất nhỏ, không quá khó, việc nhỏ đấy nhưng rất có thể là việc nhỏ khởi đầu công cuộc lớn, phục hưng dân tộc.
Để cho đất nước ta trở lại là một đất nước văn minh. Để cho đất nước ta khi giàu lên như chúng ta đang phấn đấu ngày nay, không là một đất nước của những anh chàng trọc phú. Để cho sự phát triển của đất nước là phát triển bền vững, tức phát triển có văn hóa.