Một mệnh lệnh tai quái
Nông thôn, nông dân vẫn đang là vấn đề “nóng” tại Quốc hội. “Tốc độ tăng của nông nghiệp thời gian qua chỉ 3,5%, nhưng đây lại là khu vực có dân số rất lớn và thu nhập rất nhỏ, trong khi giá tiêu dùng lên 8% thì rõ ràng đời sống của họ thấp đi”.
Chính ở nơi có sự thụ hưởng thấp nhất hoặc không được thụ hưởng thành tựu của tăng trưởng kinh tế, cũng là nơi buộc phải đóng tới 641 các loại phí và lệ phí lớn nhỏ của trung ương và địa phương, mà cấp xã lại là cấp tùy tiện đặt ra và thu phí quyết liệt nhất. “Kể từ khi Pháp lệnh Phí và lệ phí đi vào cuộc sống đến nay, Bộ Tài Chính đã công bố bãi bỏ hơn 340 khoản lệ phí thì hiện nay còn khoảng 301 loại phí và lệ phí, trong đó có 171 loại phí và 130 khoản lệ phí”.*
Nếu có ý kiến nêu lên: “Chính phủ dùng sức dân để chịu đựng sự tăng giá thay vì Chính phủ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để kiềm chế tăng giá…”** thì “sức dân” ở đây chủ yếu cũng là nông dân. Những gánh nặng quá sức đang trĩu trên vai nông dân. Không chỉ là chuyện “nợ áo cơm phải trả đến hình hài”! Đã đành miếng cơm, manh áo là chuyện phải lo toan, song sức ép tinh thần có khi còn có khía cạnh nặng nề hơn sức ép về vật chất. Xin nói về sức ép của một quả bom chưa nổ.
Đó là quả bom dài cỡ 1,6m nằm cách mặt đất độ 1m, nơi ông Nguyễn Văn Ẩn đào cát làm móng nhà thì phát hiện ra. Chuyện xảy ra ngày 21.10.2007 tại xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thấy quả bom, sợ quá ông Ẩn nhờ mọi người trong thôn cùng khiêng ra bỏ ở cồn cát phía sau nhà rồi báo với chính quyền xã Đồng Trạch.
Chắc là vì các vị xã đội Đồng Trạch và những quan chức ở huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình đã quá nghiêm minh tuân thủ quy trình xử lý các vụ việc tương tự, phải nghiêm ngặt bảo vệ hiện trường, nên bắt dân khiêng bom về lại nhà mình cất giữ để giữ nguyên hiện trường chờ cấp trên về khám nghiệm và xử lý. Ngày 25.10, một đoàn cán bộ của xã và huyện đội về cắm biển báo nguy hiểm nơi quả bom đã được khiêng trả lại nhà ông Ẩn. Vì thế, các nhà chức trách đã khóa cửa nhà ông Ẩn rồi lệnh cho gia đình ông Ẩn phải bảo vệ quả bom này, không được để mất.
Thế là công dân Nguyễn Văn Ẩn được “vinh dự” phải sử dụng quyền làm chủ của mình mà “làm chủ” quả bom cho kỹ, không được để kẻ xấu lấy mất bom! “Quả bom còn mới lắm, nên hắn có thể nổ bất cứ khi mô, ai mà không sợ”, chị Hiên, người hàng xóm của ông Ẩn nói với nhà báo. Còn khổ chủ thì than thở: “Nói chúng tôi giữ củ khoai củ sắn chi thì còn được chớ ai lại bắt chúng tôi giữ quả bom trong nhà… lỡ hắn bùm một phát thì bay hết, không chỉ nhà tui mà hàng chục nhà xung quanh cũng đi tong!”** Thế là, sợ bom nổ, cả nhà ông Ẩn phải “di tản” sang ở nhờ nhà hàng xóm, nhưng mỗi ngày vài lần, ông phải đáo qua nhà để xem quả bom có “diễn biến” gì không?
Chẳng biết liệu có uẩn khúc hoặc tình tiết gì nữa ở bên trong, chứ với cách xử lý tai quái này của nhà nước ở cấp cơ sở sát dân nhất, hiểu dân nhất, gắn bó với dân nhất thì dứt khoát cần phải đặt ra trên bàn nghị sự của Quốc hội để hiểu sâu hơn, kỹ hơn về thân phận của những người ở nơi “thôn cùng xóm vắng” mà xưa kia Nguyễn Trãi từng sâu sắc chỉ ra rằng nếu ở đó “không có tiếng oán giận sầu than” mới tạo dựng được cái gốc của văn hóa của một nước khi bàn về lễ nhạc. Còn Trần Hưng Đạo, vị võ tướng được dân tôn là bậc thánh, “Đức Thánh Trần” thì lời dặn về sách lược giữ nước đối diện với âm mưu thường trực liền kề vẫn là “khoan thư sức dân, lấy kế sâu rễ bền gốc”.
Song, khoan thư sức dân không chỉ là kế sách giữ nước mà còn là tạo động lực quyết định cho phát triển đất nước. Khi còn những mệnh lệnh tai quái như của chính quyền xã Đồng Trạch. Tự đặt mình vào cảnh ngộ dù phải “cưỡi lên bom” vẫn không dám trái lệnh “nhà nước” cho dù đây là “nhà nước con” ở địa phương mới thấy hết người nông dân phải nhẫn nhục chịu đựng như thế nào? Họ không dám trái lệnh, vì chính cái “nhà nước con” đó, nơi dám ra những cái lệnh tai quái như vậy, nơi tùy tiện đặt ra và kiên quyết thu các loại phí và lệ phí mà “mỗi khoản dù to dù nhỏ đều khiến cho họ rơi nước mắt khi phải móc hầu bao ra nộp”. Tại sao? Bởi vì, “nếu không nộp đủ, con cái họ sẽ không được xã chứng khai sinh, chứng đi học, chứng lấy chồng, lấy vợ…” *.
Quả là đúng như điều Thủ tướng Chính phủ đã thừa nhận: “Có những cái chúng ta chưa lường được hết để điều hành” ***. Phải chăng một trong những cái “chưa lường được hết để điều hành” ấy không chỉ là những vấn đề thuộc về kinh tế, mà còn là và chủ yếu là các vấn đề xã hội, mà xã hội luôn là mục tiêu và cũng là động lực của phát triển kinh tế.
____________________________________
* Nông thôn Ngày nay 25. và 26.10.2007
** Tuổi Trẻ Chủ Nhật 28.10 và “Tuổi Trẻ” ngày 26.10.2007
*** Lao Động 27.10. 2007