Một nhân vật rất đời

Nhờ Tia Sáng, tôi hình dung rõ nét hơn giới trí thức đương đại, những người đang sống: Trong đầu óc họ có gì, họ nghĩ gì, họ nghĩ (tư duy) như thế nào... Tia Sáng khá nặng đối với tôi. Các bài nặng mà gọn thì đỡ hơn nhiều so với các bài không nặng lắm nhưng cồng kềnh. Tôi rất thích những bài có “nghiệp vụ”. Chán ngắt là mấy bài “kín kẽ” kiểu học trò, toàn chữ là chữ...

Số bạn đọc Tia Sáng, tất nhiên, không đông như số bạn đọc báo hằng ngày hay cuối tuần. Gọn, không cồng kềnh, không chiếm nhiều không gian xã hội – ấy, thế mà hay, rất hợp với những câu chuyện thực, cho lời nói thật. Chuyện cần nói cứ nói. Mà ai cần? Người nói cần. Còn người nghe có cần không, cần đến đâu… thì việc này đã có Tòa soạn lo.

Là người viết, tôi chỉ dám viết việc của mình, mà việc đã chắc, chắc như gạo đã sàng sẩy. Là người đọc, tôi nghĩ rằng những bài có chuyện, buộc phải chọn lựa là những bài đáng gọi là tia sáng, soi rọi cho thấy một cái gì đó, tạo ra sức hấp dẫn tự nhiên, thậm chí như ma lực. Những bài báo ấy ngày càng biến Tia Sáng thành một nhân vật của thời đại, với những niềm vui và nỗi buồn, với những hy vọng và ảo tưởng, với những xót xa và cam chịu… Tóm lại, một nhân vật rất đời. Có điều, nhân vật này xem ra còn cả nghĩ, chưa biết đùa, nhưng liệu có dám cho người đời mượn cớ để đùa, cơ hội để nói lên đích xác nhất các sự thực khó nói? Tôi đã đưa vào sách giáo khoa lớp Một chuyện đùa này:
Einstein vào quán ăn, quên kính ở nhà, phải nhờ người hầu bàn đọc hộ thực đơn.  Người hầu bàn tế nhị, tỏ ra thông cảm, ghé sát tai ông nói khẽ: Tôi cũng không biết chữ như Ngài.

Chúng ta, máu thịt của Tia Sáng, cũng mong sao được những người tế nhị thông cảm cho.

GS. Hồ Ngọc Đại

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)