Mười phân vẹn mười

Giống như mọi người, tôi vẫn nhớ mãi cái thuở mình còn rất trẻ. Khác nào như buổi sớm mùa xuân cựa mình ở vùng trung du, sương móc giăng yên ả trên những ngọn cỏ, và hơi nồng của đất quyện vương với mùi khói rơm tỏa từ bếp lửa sớm của nhà nào trong xóm. Và rồi tôi bắt đầu tham dự buổi hội thảo đầu tiên của giới học thuật! Chao, mình người lớn rồi nha, bàn toàn những vấn đề cực to.

Buổi sáng khai mạc hôm ấy có ba chuyến tham luận dài như những đoàn tàu hỏa sang sảng trôi qua. Giờ giải lao đến, anh Ba, người đàn anh mới của tôi, mời tôi ra quán nước trà kẹo lạc bên kia đường để «tĩnh tâm».

– Sao, nhà học giả trẻ Cụ Hinh, bạn thấy các tham luận ra sao?

– Dạ, khó nói quá ạ… Chặt chẽ, kín bưng, hùng dũng…

– Cậu được đấy, thật thà… Nhưng mà, dát.

Tôi thấy thế này : họ tham luận cốt để khoe mẽ dọa người là một, để siêu tự vệ không một kẽ hở là hai, để lĩnh nhuận bút là ba. Còn lại chả có cái nội dung gì. Có một bài thôi, họ hát ở khắp nơi, rằng đâu có họp là ta cứ đi. Các loại bài này, không thể bị phê phán ở đoạn này hay đoạn kia được. Đâu cũng rào then ‘như dưới đây sẽ nói’, ‘như trên kia đã nói’, ‘xem toàn tập trang…’, bày binh bố trận tinh xảo, không biết đâu mà lần, đã rơi vào trong là không có lối ra.

Ông chủ quán hiền hậu đơm thêm lượt trà mới cho hai anh em, cười giòn «cứ chuyện đi, lượt trà này tôi biếu nhuận khẩu, không tính tiền!».

—-

Vừa vặn lúc ấy bác Hai bước vào oang oang «mấy ông này lại rình nói xấu tôi hả? Lạ gì! Cho tôi nước nhá, ông chủ kính mến của tôi!».

Bác Hai chính là người đọc tham luận sang sảng lúc vừa rồi trên hội trường!

Ghế đẩu được kê thêm vào. Thêm người, cái quán đầu xuân vênh cửa này cũng đỡ lạnh hơn.

– Mời bác Hai! Đúng thế đấy, đang nói xấu người vắng mặt, như xưa nay thôi! Giới thiệu với bác Hai, một học giả trẻ của tương lai, mới tinh, bạn Cụ Hinh. Có người mới, nên có dịp nói lại chuyện cũ.

Bác Hai trịnh trọng là thế trên diễn đàn lúc nãy, mà giờ này thì đã lại rất tinh anh dân dã.

– Tôi biết thừa các ông nói gì về bọn tôi rồi! Biết cả là các ông đang nói về chính tương lai của các ông mà các ông không biết đó thôi.

Có sếp lớn, anh Ba gọi thêm đĩa kẹo lạc.

Bác Hai bảo.

– Hôm nay có bánh kẹo, trà lá trên sảnh bên hội trường, chắc các anh chị em chúng nó tiết kiệm tiền không ra quán à? Lỗ ông chủ nhé! Ít người, nói chuyện kiểu ít người, cũng hay.
Anh Ba bảo.

– Xưa bác Hai cũng múa gươm chịu chơi lắm, dạo này bác nói tôi buồn ngủ quá!»

– Thế này nhé – Bác Hai hắng giọng :

– Bây giờ người ta đến hội thảo để làm gì? Như cậu vẫn thích nói đấy thôi, để khoe mẽ dọa người là một, để siêu tự vệ không một kẽ hở là hai, để lĩnh nhuận bút là ba.

Nói hay đến giời, có ai nghe ai đâu. Thế nhưng nếu cậu nói hở một câu, mà chưa cần hở thật đâu – chỉ cần ‘có vẻ hở thôi’, thì hôm sau là câu ấy lên đến tận bàn tiệc của cấp trên cùng! Không phải người ta mách để mà làm quà các mâm trên cao đâu. Mà để có cái làm chứng, để rồi quay về xơi tái cậu.

Bác Hai thấy bạn Cụ Hinh nghe chăm chú quá, quay sang vỗ vai vui vẻ.

– Nói thêm với các ông thế này. Xứ mình có nền bắt bẻ, không có nền nghị luận. Người ta không chỉ giỏi cái nền bắt bẻ, mà còn có bầu trời suy diễn siêu việt thêm nữa.

– Vâng, thưa bác Hai với anh Ba, tôi trẻ người, nhưng thấy người ta khi đọc khi nghe thì không hề cố tìm cách hiểu cái dòng chảy suy nghĩ của tác giả, tìm cách lật đi lật lại các vỏ từ của tác giả dùng để xem chúng chứa những nội dung gì mới của riêng tác giả đó. Người ta có vẻ chỉ lăm le lên đạn sẵn, chực xem người kia nói chỗ nào có vẻ chệch mình, là nổ súng liền ạ.

Bác Hai cười sảng chí.

– Chà, tay chịu chơi này cũng đáng hứa hẹn a! Để tôi nói tiếp.

Nghị luận đối với người xứ Đông là võ công, là khẩu chiến, nôm na là võ miệng. Võ công thì trước hết phải thủ thế an toàn, mười phân vẹn mười, cốt sao cho không ai làm gì được mình đã. Chiến đấu mà lại sẵn sàng để cho người ta thắng mình, đấy là chuyện gì chứ không phải là võ công. Hơn nữa thì rồi lừa miếng, rồi chớp thời cơ, rồi quật ngã đối thủ mà giành chiến thắng.

Các biện sĩ thời xưa bắt đầu cuộc luận tranh nào cũng phải kín đáo, gói ghém chuyện từ «Tam hoàng, ngũ đế» đã, rồi khéo bày ra cái lưới lý luận kín bưng bâng quơ, để cuối cùng bất ngờ «ụp một cái» chụp ngay được đối thủ tranh luận vào trong chiếc vó luận của mình và khua trống đem trình bà con.

Đỉnh cao của công nghệ này là cuộc khẩu chiến giữa Gia Cát Lượng với Vương Lãng, các ông nhớ chứ. Ông Vương Lãng trổ tài mắng Gia Cát Lượng, đã tưởng trên tuyệt vời, đã cất vó được đối thủ. Thế mà khi bị Gia Cát Lượng mắng lại, ông Vương Lãng phải tức hộc máu lăn đùng xuống ngựa mà chết tại chỗ trong cái vó luận của Gia Cát Lượng. Thực ra thì hai ông này luận biện giống hệt nhau, khác nhau chỉ về kín hở, cùn sắc tí tẹo mà thôi. Mà rồi tôi nghĩ cuốn Tam Quốc cũng bịa vụ này nốt, cốt để khoe cái người kể chuyện thành ra là người trên tài cả Gia Cát Lượng! Tranh biện ở xứ Đông cốt sao sướng được miệng mình, tàn hại được đối thủ, ở tầm cao nhất có thể!

Thôi ta vào đi, muộn rồi. Ông chủ ghi sổ tôi đi, mấy chục năm ghi sổ nhau rồi còn gì. Hôm nay tôi chiêu đãi anh em một phần nhuận bút. Nhanh nhanh, còn phải kịp lĩnh tiền rồi đi ăn trưa nữa chứ!

 

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)