Mỹ viện trợ Việt Nam 17 triệu USD chống BĐKH

Trong chuyến thăm đất mũi Cà Mau sáng 15/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã công bố cam kết ban đầu trị giá 17 triệu USD thông qua Chương trình Rừng và Đồng bằng Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID để giúp các cộng đồng người dân ở Việt Nam chống suy thoái môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dưới đây là một phần bài phát biểu của Ngoại trưởng John Kerry tại Bến tàu Chợ Kiến Vàng, Cà Mau:

“Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới bởi biến đổi khí hậu. Và chúng ta sẽ phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng nếu chúng ta không thay đổi cách xử lý vấn đề ngay hôm nay. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải hợp tác cùng nhau và tập trung vào những vấn đề này. Đó là lý do vì sao tôi đến đây, vùng xa xôi của Đồng bằng Sông Cửu Long, ngẫu nhiên cũng là nơi tôi đã từng có mặt trước đây. Nhưng tôi đến đây không phải để nhắc lại quá khứ, mà để tìm cách ứng phó với thách thức mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong tương lai.

Hoa Kỳ và Việt Nam đã và đang hợp tác với nhau. Chúng ta đang cùng làm việc ở nhiều cấp khác nhau để tăng cường khả năng chống chịu của Việt Nam trước các tác động mà chúng ta đã có thể nhận thấy được. Và hôm nay, tôi xin trân trọng công bố cam kết ban đầu trị giá 17 triệu đôla Mỹ thông qua Chương trình Rừng và Đồng bằng Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID. Khoản tài trợ này sẽ được sử dụng để giúp các cộng đồng người dân ở Việt Nam chống suy thoái môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Nhưng hành động này không chỉ nhằm nâng cao khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu. Trước hết, chúng ta cũng đang cùng nhau làm việc để ngăn chặn những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu, bao gồm thúc đẩy phát triển năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả. Tôi tự hào khi nói rằng các công ty của Hoa Kỳ đang tham gia tích cực vào nỗ lực này: Chỉ mới hôm qua, khi tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty General Electric đã ký một hợp đồng trị giá 94 triệu đôla Mỹ với Công ty Công Lý, một công ty của Việt Nam, để cung cấp thêm tua-bin điện gió cho nhà máy điện gió đầu tiên ở tỉnh Bạc Liêu, gần nơi chúng ta đang có mặt về hướng bắc.

Và một sự thật hiện nay là nếu không hoạch định cẩn thận, một số công trình phát triển năng lượng sạch – ví dụ như thủy điện – cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Trung Quốc hiện đang xây dựng các con đập dọc sông Mekong, Thái Lan cũng đang có những dự tính tương tự – và cả Cambodia nữa. Có nhiều quốc gia thượng nguồn tiếp cận nguồn nước từ sông Mekong trước Việt Nam, nhưng tất cả đều cùng hưởng lợi từ nguồn nước quan trọng. Và không quốc gia nào có quyền tước đi sinh kế, hệ sinh thái và sự sống mà con sông này mang lại cho các nước khác. Sông Mekong là một tài sản toàn cầu, là một kho báu của cả khu vực. Và do đó, một vấn đề sống còn là chúng ta cần phải tránh gây ra những thay đổi lớn làm ảnh hưởng  đến dòng chảy và các lớp trầm tích. Chúng ta cũng đã thấy rõ là ngành thủy sản đang gặp phải khó khăn do nguồn cá bị ảnh hưởng từ những thay đổi đang diễn ra. Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Cà Mau. Và hiện nay, sản lượng thủy sản xuất khẩu tại đây còn vượt cả sản lượng lúa gạo xuất khẩu.

Để tôi nói rõ thêm: Chuỗi nhà hàng hải sản Legal Sea Foods tại Boston, bang Massachusetts, vốn hiện có cửa hàng ở nhiều nơi khác khắp Hoa Kỳ- cả thủ đô Washington và nhiều bang khác, cũng đã đến đây, và nhiều sản phẩm được phục vụ trong chuỗi nhà hàng Legal Sea Foods cũng như các nhà hàng khác tại Hoa Kỳ cũng có nguồn gốc từ chính nơi đây. Chúng ta có mối liên kết với nơi này. Sinh kế và nền kinh tế của chúng ta có liên hệ chặt chẽ với con sông này. Và chúng ta cần phải hợp tác cùng nhau để giải quyết những vấn đề có liên quan đến nó.

Đó là lý do tại sao những quyết định phát triển cơ sở hạ tầng- bao gồm việc xây dựng các con đập- phải được nghiên cứu và hoạch định một cách kỹ lưỡng, cẩn thận, và minh bạch. Chia sẻ dữ liệu và những phương pháp thực hành tốt nhất thông qua đối thoại cởi mở và hợp tác sẽ đảm bảo nguồn tài nguyên của sông Mekong tiếp tục mang đến lợi ích cho người dân không chỉ riêng một quốc gia nào, và không chỉ những quốc gia ở thượng nguồn, mà tất cả những nơi con sông này chảy qua.

Tôi có thể nói với các bạn rằng chúng tôi, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, sẽ tiếp tục quan tâm đến vấn đề này. Và tôi, trong chuyến công du kế tiếp đến Trung Quốc cũng như khi tham gia các diễn đàn quốc tế, sẽ đề cập đến vấn đề này để chúng ta có thể cùng hợp tác với nhau một cách hiệu quả. Chúng tôi, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, thực sự có thể chia sẻ với mọi người về vấn đề này vì chúng tôi đã giải quyết những vấn đề tương tự suốt một thời gian dài- hàng thập niên qua- tại khu vực đồng bằng sông Mississippi và sông Mississipi, tại Vịnh Chesapeake và những vùng miền khác ở Hoa Kỳ. Chúng tôi đã trải nghiệm, và đã rút ra một số bài học và chúng tôi muốn chia sẻ những bài học này với nhân dân các nước. Chúng tôi đang triển khai thông qua chương trình Cơ sở Hạ tầng Thông minh cho sông Mekong, gọi tắt là SIM. Chúng tôi đang chia sẻ những bài học mà chúng tôi đã tích lũy được. Đây là một phần của Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong và là chủ đề tôi đã thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và bộ trưởng ngoại giao của các nước thuộc khu vực Hạ lưu sông Mekong khi tôi ở Brunei...”

Nguồn: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)