“Myanmar cần tăng cường giáo dục cơ bản và thể chế pháp trị”

Trong những mối ưu tiên hàng đầu của Myanmar, Aung San Suu Kyi chú trọng nhiều tới giáo dục cơ bản và thể chế pháp trị. Bà cũng mong muốn đầu tư nước ngoài sẽ không làm gia tăng tham nhũng và bất bình đẳng ở đất nước mình.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á hôm 1/6 vừa qua, bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và là Đại biểu Nghị viện Myanmar, khẳng định rằng nhu cầu ưu tiên hàng đầu của Myanmar là giáo dục cơ bản và pháp trị. Bà nói: “Chúng tôi cần giáo dục cơ bản. Người ta vẫn thường quá để tâm tới giáo dục đại học, hay thậm chí trên đại học. Nhưng chúng tôi [trước mắt] cần thứ giáo dục giúp nhân dân đủ nuôi được bản thân”. Bà cho rằng Myanmar cần tập trung vào đào tạo dạy nghề, đặc biệt là cho những người trẻ tuổi, vì nhiều người trong số họ đang dần mất hi vọng kiếm được việc làm. “Điều tôi lo sợ không hẳn là nạn thất nghiệp, mà là sự tuyệt vọng”, Suu Kyi khẳng định.

Aung San Suu Kyi từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991. Theo bà, Myanmar cần tăng cường thể chế pháp trị. “Có nhiều đạo luật tốt đang tồn tại ở Myanmar, nhưng chúng tôi không có một hệ thống tòa án độc lập và trong sạch.” Nếu không có pháp trị, những quy định pháp lý đúng đắn về đầu tư sẽ trở nên vô ích, bà nhận định.

Chuyến công cán tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần này tại Bangkok, Thái Lan, là chuyến ra nước ngoài đầu tiên của Aung San Suu Kyi trong vòng 24 năm. Thông điệp của bà gửi tới các nhà đầu tư ngoài là hãy thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội, và hãy đảm bảo rằng những khoản đầu tư của họ không làm gia tăng nạn tham nhũng và sự bất bình đẳng ở Myanmar. “Chúng tôi không muốn những khoản đầu tư làm tăng khả năng xảy ra tham nhũng. Chúng tôi không muốn những khoản đầu tư làm tăng bất bình đẳng. Và chúng tôi không muốn những khoản đầu tư làm gia tăng đặc ân cho những người đã hưởng lợi từ quá nhiều đặc ân”. Nói về những khác biệt cố hữu giữa các sắc tộc bản xứ, bà cho rằng Myanmar sẽ giải quyết được những khác biệt này nếu giữa mọi người có sự tôn trọng lẫn nhau.

Suu Kyi cho rằng tiến trình cải cách ở Myanmar phụ thuộc nhiều vào sự cam kết của quân đội, nhưng cũng phụ thuộc vào sự cam kết của cả đất nước. “Tất cả mọi người đều phải cam kết cho sự cải cách đất nước. Nếu không có sự cam kết của toàn quốc gia, chúng tôi sẽ không thể tiến lên. Chúng tôi không muốn mình bị rớt lại bên lề vì chọn sai đường”.

Bà kêu gọi hơn 600 lãnh đạo các chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội từ 50 quốc gia tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á hãy giúp Myanmar vượt qua giai đoạn chuyển đổi và cải cách khó khăn. “Tôi đến đây không nhằm nói với bạn về điều bạn phải làm, mà để nói về những điều mà chúng tôi đang cần”, bà nói.

Trong khi nhân dân Myanmar và nhiều ý kiến trên thế giới thể hiện sự lạc quan về triển vọng của đất nước vì những thay đổi nhanh chóng gần đây, nhưng Suu Kyi cho rằng có lý do để mọi người kiềm chế sự hứng khởi. “Lạc quan là điều tốt, nhưng nên là sự lạc quan thận trọng. Tôi đã từng chứng kiến những sự lạc quan thái quá. Chúng ta nên có một chút nghi vấn mang tính lành mạnh”.

Thanh Xuân lược dịch theo bản tin Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á
http://www.weforum.org/news/aung-san-suu-kyi-calls-investors-focus-how-help-myanmar

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)