Nền cộng hòa

Con người ở khắp muôn nơi từ hàng ngàn năm nay luôn luôn phải thao thức về việc làm sao tổ chức được đời sống của mình cho thỏa đáng. Cái công việc tổ chức đời sống cộng đồng ấy là nguồn gốc của chữ cộng hòa, “res publica” trong tiếng latin, “sự nghiệp công cộng”. Nhưng phải mãi đến gần đây con người mới có được những bước tiến thực sự mạnh mẽ và hiệu nghiệm về cách thức tổ chức và vận hành được cái “sự nghiệp công cộng” này.

Thần quyền
Buổi đầu sự trị vì cai quản đời sống của một cộng đồng được nhuộm màu thần quyền linh thiêng, là lĩnh vực mà suy nghĩ của các thường dân không được quyền chạm tới. Sự cai trị này được độc quyền lý giải bởi “Thiên cơ”, “Trời định”, và những người cầm quyền được mệnh danh là những “Con Trời”, được Ông Trời lựa chọn để thay Trời trị dân. Người dân chỉ có một quyền duy nhất là chịu đựng và tuân phục các bậc cai trị. Bạo lực tinh thần và bạo lực tổ chức được xây dựng để duy trì trật tự này, đè bẹp mọi sự bất tuân.

Quí tộc
Xác lập được thần quyền, thì con của “ông Con Trời” sẽ khắc là “con cháu Nhà Trời”. Từ đó quyền lực trở thành một tài sản thần thánh được chu chuyển chỉ trong những dòng họ nhất định này, họ thành ra “quí tộc”.
Nhờ thần quyền mà quí tộc có được chính danh.
Và cũng nhờ sức mạnh của quí tộc mà thần quyền mới được uy linh.
Thần quyền và quí tộc nương dựa vào nhau, một mà hai, hai mà một.
Ở một thời điểm lịch sử nhất định khi xã hội có biến động lớn, thường hay liên quan chặt chẽ tới cả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh lớn lao nữa, có thể có sự đổ vỡ của những dòng họ, sự lung lay của thần quyền. Nhưng sau đó thì người ta lại thấy có sự yên bình trở lại, với những dòng họ quý tộc mới cùng thần quyền được tái ngôi, tuy có thể có những trang trí thích hợp trở lại.

Khoa học và thương mại, công nghệ và tự do
Hàng ngàn năm trôi qua, trước mặt là hàng ngàn năm sắp đến. Không có gì mới.
Thế rồi nhờ khả năng tìm tòi hiểu biết và sáng chế, con người đến lúc đã mở mang khoa học và thương mại. Họ hiểu ra rằng để có được sự giàu có ấm no thì không chỉ nhờ có việc loay hoay cướp đoạt hay cưỡng bức nhau, mà còn có thể nhờ đẩy mạnh sự hiểu biết và trao đổi sản vật.
Và rồi công nghệ là điều phát hiện lớn lao. Một cái cối xay tự động dùng được sức gió hay sức nước cho con người thấy ra một thế giới mênh mông về các khả năng được mở ra, mà chìa khóa là sự hiểu biết và chế tạo, còn tự do chính là nền móng cho chúng mà cũng là đích sống.
Tất cả những lĩnh vực này thúc đẩy nhau mạnh mẽ.
Hơn thế nữa, chính bản thân cái tổ chức đời sống cộng đồng của con người cũng không còn thần bí là do Trời định, mà có thể đươc suy ngẫm và được can thiệp tái tổ chức trở lại sao cho hợp lý, thuận lợi hơn.
Bắt đầu bằng tổ chức lại các lĩnh vực sản xuất, rồi trao đổi thương mại, rồi quân sự, rồi tổ chức đời sống dân sự, rồi tổ chức đời sống văn hóa tinh thần… Sự phức tạp và phong phú của các lĩnh vực đòi hỏi sự tự do hóa công việc tổ chức, sự tiêu chuẩn hóa, sự hình thành luật pháp dân sự, sự trọng tài tranh chấp dân sự, sự học hành đào tạo, v.v. Con người ngày càng chủ động hơn trong việc xây dựng trở lại trật tự đời sống của chính mình. Thần quyền và quí tộc không đủ để duy trì và phát triển xã hội nữa.
Nền cộng hòa
Và con người bước tới nền cộng hòa, với các hình thức và tên gọi khác nhau của chúng, cũng như cả các sự lạm dụng của các tên gọi này.
Nền cộng hòa trước hết là sự vượt qua và khước từ các nguyên tắc thần quyền và quí tộc.
Nếu ai đó lợi dụng khái niệm này để tạo ra một thể chế “nền cộng hòa thần giáo” gì đó, bạn nên quay đi.
Nếu ai đó lợi dụng khái niệm này để tạo ra một thể chế “nền cộng hòa thái tử” gì đó, bạn khỏi cần quay lại.
Nền cộng hòa là sự công nhận các quyền thế tục của xã hội dân sự.
Nền cộng hòa đòi hỏi xóa bỏ nền pháp trị Trung cổ: pháp luật là một công cụ để kẻ mạnh hơn sử dụng nó để áp chế kẻ yếu hơn.
Nền cộng hòa đòi hỏi thiết lập nền pháp quyền dân sự: pháp luật là cái khung để mọi người theo đó mà triển khai các hoạt động tự do phong phú của mình.
Nền cộng hòa đòi hỏi thiết lập sự tự do của công dân. Nguyên lý là “phi cưỡng bức” (khái niệm  “bình đẳng” hơi mơ màng). Nguyên lý “phi cưỡng bức” bắt buộc xã hội phải hoạt động thông qua nền pháp quyền.
Nền cộng hòa đòi hỏi hệ thống tư pháp, hay hệ thống tòa án, phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật để bảo vệ được nền pháp quyền.
Và nền dân chủ thì cũng chính là nền cộng hòa, chúng là hai tên gọi khác nhau của cùng một thể chế xã hội, trong đó mỗi công dân thực hành sự tự do của mình trên nền tảng pháp quyền.
Bộ máy vận hành xã hội sẽ được hình thành và kiểm tra thông qua các quyền của các công dân bầu cử phổ thông trực tiếp các đại biểu của mình vào Quốc hội, và cũng có thể bầu trực tiếp nguyên thủ quốc gia, quyền thực hiện trưng cầu ý dân về các quyết định lớn của Nhà nước, ví như thay đổi hiến pháp. Và tất nhiên các quyền gián tiếp thông qua các đại biểu của mình.
Con đường xây dựng, gìn giữ, và hoàn thiện nền cộng hòa đòi hỏi ở chúng ta cả một sự nghiệp lớn lao, bền bỉ, sự sáng suốt, và tinh thần vì con người.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)