Nền kinh tế cần đến đâu thì khai thác bài bản đến đó
Tài nguyên khoáng sản (TNKS) là lĩnh vực được nhiều người nhắc đến trong thời gian gần đây. Để hiểu thực trạngTNKS của Việt Nam cũng như những vấn đề nội tại của nó, Tạp chí Tia Sáng đã có buổi trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn*. Dưới đây là nội dung chính của buổi trao đổi đó.
Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng khai thác khoáng sản ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt trước tình hình bát nháo mà báo chí nêu ra trong thời gian gần đây như ở Cao Bằng, Quảng Ninh v.v…?
Những bát nháo, lộn xộn hiện nay trước hết xuất phát từ những chệch choạc trong quản lý vĩ mô.
Từ thời Tổng Bí thư Đỗ Mười, năm 1993, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 13 về phát triển ngành công nghiệp khai khoáng. Đó là một nghị quyết rất chuẩn mực. Nhưng từ đó đến nay chúng ta không có cái gì cụ thể để triển khai cả: không có chiến lược chung về TNKS, không có các thăm dò, qui hoạch riêng cho tất cả các loại khoáng sản.
Trước kia, trong các ngành kinh tế lớn có hai ngành than và điện là có quy hoạch tương đối bài bản. Khi làm quy hoạch điện, than, chúng ta đã thuê các viện đầu ngành của Liên Xô thực hiện. Chuyên gia họ làm hằng năm trời, thu thập hàng container tài liệu cơ sở. Sản phẩm quy hoạch làm xong khi họ đưa cho mình cũng cả container tài liệu. Giờ thì mình làm qui hoạch rất “nhẹ nhàng”, cứ ngồi vẽ khoảng dăm ba tháng là đã ra được cái qui hoạch ngành. Hiện nay, gọi là “quy hoạch” nhưng không bằng kế hoạch dài hạn, phải chỉnh sửa hằng năm, rồi chưa thực hiện đã bị “vỡ” như quy hoạch ngành than, quy hoạch ngành thép thì còn gọi gì là “quy hoạch”!
Khai thác Titan ở Bình Định |
Ngoài việc thiếu qui hoạch như ông vừa nói, dư luận còn nói nhiều đến việc quản lý gần như bị buông lỏng.
Đúng vậy. Trong khâu quản lý, đáng kể nhất chúng ta có Luật Khoáng sản. Nhưng Luật Khoáng sản hiện nay chỉ như là một luật cấp giấy phép, chứ không phải là luật quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Luật Khoáng sản chỉ nặng về “cấp” giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, giấy phép chế biến v.v.. Trong khi đó, những mảng “quản lý” quan trọng lại được đề cập rất mờ nhạt. Ví dụ như làm thế nào để khai thác, chế biến được một cách hiệu quả, tận thu được khoáng sản thì trong luật lại đề cập đến rất ít. Các vấn đề như môi trường, phát triển bền vững và an toàn lao động trong khai thác TNKS hầu như không được nhắc tới. Thời gian qua, ngành than đã “khai thác” cả các lộ vỉa than dẫn đến tình trạng bục nước, sập lò. Người Pháp ngày xưa còn biết để lại, không dám đụng đến các lộ vỉa than ở Quảng Ninh, còn TKV hiện nay đã “dỡ” cả mái nhà mang đi xuất khẩu mà chẳng có luật nào điều chỉnh.
Đánh giá thực chất về tài nguyên than của Việt Nam theo ông là như thế nào?
Tài nguyên than của Việt Nam nói thẳng là nghèo. Tôi vẫn nhớ trong một tài liệu có tựa đề “Việt Nam giữa ngã ba đường” trong những năm đầu thập kỷ 1990, các chuyên gia của Harvard đánh giá là trữ lượng than của Việt Nam chỉ có khoảng 500 triệu tấn. Khi đó, theo tôi họ đánh giá như vậy là rất đúng. Nhiều người cứ lộn tùng phèo giữa “tiềm năng” suy diễn với “trữ lượng” thực. Chính vì thế, cứ tưởng là có nhiều than, rồi cho khai thác nhiều hơn nhu cầu để đem đi xuất khẩu. Đến bây giờ, mới thấy trữ lượng than của Việt Nam là không nhiều, không đủ để đáp ứng cho ngành điện, sẽ phải nhập khẩu than, nhưng cũng chưa biết nhập từ đâu?
Tại sao lại như thế?
Về “tiềm năng” than thì có thể nói vô tội vạ, ông nói 10 tỉ, tôi nói 20 tỉ, chả ai bắt bẻ ai được. Nhưng đã nói đến trữ lượng, tức là những cái có thật thì phải nói một cách nghiêm túc. Ở vùng Quảng Ninh hiện nay, trữ lượng than chỉ khoảng 2,5 tỉ tấn là hết, chứ nói 10 tỉ tấn chỉ là suy đoán, phỏng đoán.
Người ta lại cứ nói thế vì điều đó phục vụ cho ý đồ cá nhân. Muốn xuất khẩu thì đương nhiên phải nói rất nhiều lên. Còn nói chỉ có 2,5 tỉ tấn thì ai cho ông xuất khẩu.
Vậy, tương lai ngành than sẽ như thế nào?
Đừng hy vọng nhiều vào tiềm năng TNKS của ta. Thứ gì nền kinh tế cần thì hãy tập trung và ưu tiên để khai thác, cần đến đâu thì khai thác đến đó, khai thác thật bài bản, thứ gì chưa cần thì đừng động vào kẻo mất cả chì lẫn chài. |
Theo qui hoạch mới của ngành than thì than ở Quảng Ninh chỉ khai thác được khoảng 30-50 năm nữa là hết. Những mỏ hiện có đến lúc đó là đóng cửa hết rồi. Muốn kéo dài “tuổi thọ” ngành than ở vùng Đông Bắc thì phải đầu tư vào khu vực Bảo Đài-Yên Tử, và Phả Lại-Đông Triều (từ Mạo Khê về đến Cầu Bình-Hải Dương), tức là vào những khu hoàn toàn mới. Trong đó, Bảo Đài-Yên Tử lại là khu vực nhạy cảm, thuộc vùng cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản. Giả sử, Chính phủ có cho phép khai thác ở đây thì TKV cũng khó có thể thăm dò để biến “tiềm năng” thành “trữ lượng” trong 5-10 năm tới. Còn khu vực Đông Triều-Phả Lại thì làm gì có nhiều than như các nhà địa chất đang “mơ”. Tôi sợ rằng, tập trung thăm dò than ở các khu vực này sẽ giống như “ném tiền qua cửa sổ” thôi.
Như vậy, Việt Nam từ trước tới nay vẫn luôn ngộ nhận là nước giàu TNKS?
Hoàn toàn là ngộ nhận. Về mặt khách quan, Việt Nam không thể là nước giàu TNKS được vì không có đủ không gian và thời gian cần thiết để hình thành và lưu trữ được nhiều khoáng sản.
Việt Nam mình nằm trên một lục địa non trẻ, thời gian để hình thành ra khoáng sản là chưa đủ. Thí dụ than cần tới hàng trăm triệu năm để hình thành, thềm lục địa của mình cũng chỉ cỡ hàng trăm triệu năm tuổi thì làm sao mà có nhiều than được. Tương tự như vậy, không gian của mình cũng không lớn. Việt Nam có diện tích hơn 300 nghìn cây số vuông mà cứ khoe là đứng đầu thế giới về khoáng sản nào đó thì thật buồn cười. Nước Úc lớn như thế mà người ta cũng chẳng dám vỗ ngực là có nhiều khoáng sản. Mình có diện tích chỉ bằng một tỉnh của họ lại nói là có nhiều than thì ai tin.
khai thác than dưới độ sâu 250 m tại mỏ than Mông Dương, Quảng Ninh. |
Về mặt chủ quan, nhận thức về khoáng sản của ta còn quá kém. Mức độ thăm dò đánh giá trữ lượng còn rất thấp. Có những người có trách nhiệm, biết rõ việc đầu tư cho khâu thăm dò chưa đáng kể, nhưng khi nói về trữ lượng titan rất “bốc”. Lúc thì nói 200 triệu tấn, lúc thì lại nói 400 triệu tấn, vài hôm sau nữa nghe mấy ông nào đó nói, lại đưa Việt Nam lên thành nước đứng đầu thế giới về titan. Tôi cho đây là biểu hiện của sự ấu trĩ trong nhận thức về TNKS. Về đất hiếm cũng vậy, đã lâu rồi tìm thấy (ở Nậm Xe Điện Biên), tưởng chỉ mình có nên cứ như một cô gái đã ế chồng còn kênh kiệu, đối tác nào vào cũng phải bỏ đi. Đùng một cái, Trung Quốc cũng tìm ra đất hiếm ở Nội Mông. So với Trung Quốc thì đất hiếm của Việt Nam chả là cái gì, chẳng còn là “hiếm” nữa và sẽ không thể cạnh tranh được. Thế mà vẫn có người cho rằng đó là một nguồn khoáng sản lớn, tiềm năng kinh tế của Việt Nam. Quặng sắt ở Thạch Khê cũng chỉ có khoảng nửa tỷ tấn, điều kiện khai thác rất khó khăn. Khâu chế biến (tuyển-luyện) cần vốn lớn và thời gian đầu tư rất dài thì chưa làm được gì đã lao vào “đào” quặng.
Ông đánh giá như thế nào về trình độ công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực khai khoáng?
Nhìn chung, công nghệ khai thác khoáng sản là lĩnh vực trì trệ nhất. Thí dụ, làm lộ thiên thì quanh quẩn vẫn chỉ có khoan, xúc, gạt, vận chuyển. Còn làm hầm lò thì hết đào lò bằng thì đào giếng nghiêng, giếng đứng- vẫn là những giải pháp có từ lâu rồi. Các lý do trình độ kỹ thuật kém thì có nhiều, chủ yếu là do các thiết bị kỹ thuật về mỏ phần lớn mình chưa chế tạo được, phải nhập từ nước ngoài. Khai thác lộ thiên tưởng là đơn giản thế thôi nhưng ngay ở khâu vận tải cũng phải cần đến những phương tiện vận tải chuyên dụng, hay máy khoan, máy xúc mình đều chưa chế tạo được. Trong công nghệ khai thác hầm lò, về mặt kỹ thuật mình lạc hậu khoảng 50 năm so với thế giới, những gì mình đang dùng hiện nay là cái hoặc là người ta bỏ đi, hoặc là người ta dùng từ lâu rồi.
Như vậy phải chăng chúng ta đã coi nhẹ việc áp dụng khoa học công nghệ vào khai thác khoáng sản?
Nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực khoáng sản ở Việt Nam hiện nay chỉ nhại đi, nhại lại vài ba đề tài mang tính chất cục bộ. Trong lĩnh vực khoáng sản chưa có một đề tài ngành nào cả. Thí dụ như dự án Vinaalta (cơ giới hóa đồng bộ khai thác than) thì rất cục bộ, xong thì thôi. Bản thân dự án cũng chả có hiệu quả gì cả. Gần 11 triệu USD (tương đương 186 tỉ đồng) đầu tư cho một lò chợ gần bằng tiền đầu tư cho cả một mỏ (mỏ Vàng Danh trước kia đầu tư tất cả chưa đến 15 triệu USD). Công suất lò chợ cơ giới hóa mà chỉ đạt 160.000 tấn/năm thì cũng chỉ ngang với lò chợ thủ công thôi (trị giá chỉ khoảng 5-7 tỉ đồng). Gần đây nhất là dự án đào lò bằng máy liên hợp mà TKV đang làm. Các nước họ sử dụng máy liên hợp để đào lò vì qui mô mỏ của người ta lớn, đường lò dài, tiết diện lò rộng. Mình thì ngược lại, tiết diện lò thì nhỏ, đường lò thì ngắn mà cũng đầu tư máy liên hợp đào lò liên hợp thì rõ ràng là lãng phí. Thực ra, để nâng cao tốc độ đào lò thì chỉ cần đầu tư thêm ở mỗi gương lò một hai búa khoan, thêm một máy xúc nữa thì tốc độ cũng chẳng kém cái máy đào lò liên hợp đắt đến hàng trăm tỉ đồng. Nói chung, điều kiện khai thác của mình khá phức tạp, khả năng cơ giới hóa đồng bộ như các mỏ trên thế giới là rất khó và chắc chắn không hiệu quả.
Thế mà người ta vẫn làm?
Vì, những người làm, hoặc là chẳng hiểu gì về kỹ thuật, hoặc là tiêu tiền chùa. Khi mình hỏi sao dự án Vinaalta đắt và kém hiệu quả như thế mà vẫn làm, họ nói: “TKV có mất gì đâu”. Nói vậy mà cũng có người nghe.
Vậy theo ông, cần làm gì để cải thiện được thực trạng quản lý và khai thác TNKS hiện nay?
Cách tốt nhất và dễ nhất thì mình lại không làm. Thí dụ như than, theo tôi cứ cấm xuất khẩu thì mọi việc sẽ khác. Không còn xuất khẩu thì sẽ không còn chênh lệch giá, không còn ăn cắp để xuất khẩu nữa. Chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước thì quản lý sẽ dễ dàng hơn nhiều. Những loại khoáng sản khác cũng vậy, bây giờ nếu trong nước chưa chế biến sâu được, chưa có nhu cầu thì tạm thời không khai thác. Chứ cứ khai thác như hiện nay, ông thì chở ô tô, ông thì chở tàu thủy, có ông thậm chí đưa qua biên giới bằng ngựa, khoáng sản gì cũng bán được, khoáng sản gì người ta cũng thu mua thì làm sao mà quản lý được. Vì vậy, cứ chủ trương là nếu không chế biến được, không luyện được quặng thành kim, chỉ làm mỏ thôi thì không làm. Cách quản lý dễ nhất là chặn khâu cuối cùng, chặn đầu ra thì mọi việc sẽ yên ngay…
Nếu Việt Nam sẽ thực hiện đấu giá và đấu thầu trong lĩnh vực TNKS thì sao?
Trong lĩnh vực dầu khí chúng ta đã “đấu” từ lâu rồi. Đối với những khoáng sản khác thì chẳng còn gì để mà “đấu” cả. Những mỏ “ngon” như: than, đồng, chì, kẽm, thiếc, sắt, đá trắng, apatite, pirit v.v. thì đã “cấp” hết rồi. Những thứ chưa “cấp” là vì đều “khó nhằn” nên chưa ai xin. Bây giờ có mang ra “đấu” thì chưa chắc có ai tham gia (ví dụ như than ở Đồng bằng Sông Hồng, vì rất khó khăn), hoặc sẽ có người tham gia, nhưng chưa chắc Nhà nước đã thu được gì (ví dụ như vàng sa khoáng, vì chưa biết nhiều hay ít).
Xin cám ơn ông!
NGUYỄN HOÀNG thực hiện
————
(*) Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, đơn vị thành viên của TKV