Nếu chỉ lo “cơm áo gạo tiền”, tôi đã không về

"Ban đầu, tôi nghĩ 90% độc giả khuyên tôi đừng về. Nhưng tôi rất vui là có trên 40% độc giả khuyên tôi nên về ở những khoảng thời gian khác nhau," GS Nguyễn Văn Thuận, người quyết định rời môi trường làm việc thuận lợi ở Hàn Quốc để trở vể Việt Nam, tâm sự.

GS Nguyễn Văn Thuận, Đại học Konkuk, Hàn Quốc, sẽ trở về Việt Nam vào năm tới với dự án phát triển một trung tâm điều trị vô sinh nhằm mang lại hạnh phúc cho những người hiếm muộn.

– Nỗi lòng tâm sự với mong muốn về Việt Nam của giáo sư nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả VnExpress. Nhưng có hơn 60% độc giả khuyên giáo sư không nên về Việt Nam, điều đó có tác động như thế nào với ông?

– Thật ra suy nghĩ trở về Việt Nam ấp ủ trong tôi từ lâu, gần đây các đồng nghiệp của tôi tại các trường đại học trong và ngoài nước cũng biết ý định này. Nhiều người trong số đó từng đến thăm và làm việc với tôi tại Đại học Konkuk, họ thấy rõ môi trường làm việc của tôi ở đây, vì vậy nếu ai đó ngạc nhiên khi tôi có ý định trở về để làm lại từ đầu cũng đúng thôi.

Bạn đọc VnExpress đưa ra nhiều ý kiến trái ngược là lẽ thường tình. Ở mỗi góc độ khác nhau suy xét vấn đề, nhiều bạn khuyên tôi không nên về hoặc động viên tôi “về thôi” đều có lý lẽ của họ. Tôi cảm ơn tất cả những lời khuyên và phản biện trái chiều, vì chính họ giúp tôi có quyết định đúng hơn và quyết tâm hơn.

Ban đầu, tôi nghĩ 90% độc giả khuyên tôi đừng về. Nhưng tôi rất vui là có trên 40% độc giả khuyên tôi nên về ở những khoảng thời gian khác nhau. Tôi hiểu, nếu đứng ở góc độ các bạn đang là sinh viên trong nước, làm nghiên cứu sinh, hoặc bắt đầu làm nghiên cứu sau tiến sĩ, tôi cũng sẽ đưa ra ý kiến là chưa nên về như tôi viết trong bài về nỗi lòng giáo sư đi “xây nhà hàng xóm”: “Nên xây dựng lý lịch khoa học cho mình, vừa chứng tỏ sự độc lập và tự tin trong nghiên cứu để hòa nhập vào dòng chảy khoa học quốc tế. Nhiều người rất giỏi chưa về quê hương vì gia đình nhỏ hoặc hoàn cảnh cá nhân, có người chọn cách đứng từ xa để xây dựng quê hương thông qua chuyển giao học thuật, cũng như tiếp nhận hoặc giới thiệu sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học. Tất cả đều đáng trân trọng và tôi cũng làm điều này trong suốt 10 năm qua.

– Vì sao đến bây giờ giáo sư mới quyết định về nước, mà không phải là ở thời điểm khi vừa hoàn thành nghiên cứu sinh?

Giáo sư Nguyễn Văn Thuận sinh năm 1966, tốt nghiệp Đại học Kobe vào năm 2002. Năm 2002-2007, ông làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Công Nghệ Sinh học thuộc Viện RIKEN, Nhật Bản.

Từ tháng 3/2007 đến nay, tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận giảng dạy tại Khoa Công nghệ sinh học động vật tại Đại học Kiến Quốc (Konkuk), Seoul, Hàn Quốc. Hiện ông là Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ sinh học sinh sản châu Á.

– Theo quan điểm của một người tham gia đào tạo tiến sĩ, tôi nghĩ người vừa tốt nghiệp tiến sĩ như một quả tên lửa mang phi thuyền vào vũ trụ mới được đặt vào bệ phóng. Tên lửa tốt, nhiên liệu tốt sẽ chống chọi được lực hút trái đất và ma sát với khí quyển để đưa phi thuyền vào không gian (giai đoạn nghiên cứu sau tiến sĩ). Khi phi thuyền vào vũ trụ, bản thân sẽ tự chuyển động thôi. Lúc đó tận mắt chúng ta sẽ thấy trái đất hình tròn.

Việt Nam có rất nhiều tiến sĩ, nhưng thiếu những tổng công trình sư nắm trọn vẹn chìa khóa công nghệ. Vì khoa học công nghệ hiện đại rất phức tạp, nếu chỉ biết một vài kỹ thuật trong chương trình tiến sĩ thì khó hòa nhập với học thuật của thế giới và làm tốt một dự án lớn đạt hiệu quả.

Một câu chuyện tôi muốn chia sẻ là khi tôi quyết định rời Nhật Bản sang Hàn Quốc làm việc năm 2007 (thời điểm Hàn Quốc thua Nhật Bản 15 bậc). Tiến sĩ Takashi Nagai, Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Nông Nghiệp Tsukuba sang trường Konkuk. Ông đã ngồi uống rượu với tôi một đêm chỉ muốn biết lý do tại sao tôi rời bỏ vị trí lương rất cao và hứa hẹn biên chế vĩnh viễn tại Nhật để sang Hàn. Sau đó tiến sĩ Takashi Nagai còn nhờ tiến sĩ Bùi Xuân Nguyên, trước làm về phôi tại Viện Khoa học công nghệ Quốc gia Việt Nam, tác động để tôi trở về lại Nhật Bản.

Bây giờ thì các bạn đồng nghiệp của tôi đã biết, tôi đi để học thêm những gì mình còn thiếu vì Hàn Quốc rất giỏi về kỹ thuật chuyển gene trên động vật, và tôi đã học được. Do đó, quyết định trở về của tôi là bình thường. Hơn nữa “khi còn trẻ thì người ta thường bàn về tương lai, nhưng khi có tuổi thì người ta thường nói về quá khứ”. Vợ chồng tôi còn cha mẹ đang sống tại quê hương, tôi muốn được ở gần bên cạnh các cụ để họ ôn lại những khoảnh khắc của quá khứ khi có chúng tôi bên cạnh, tôi muốn sau này con cái tôi cũng như vậy.

– Tức là khi giáo sư quyết định ở lại nước ngoài làm việc là vì cần học thêm kiến thức, còn chuyện “cơm áo gạo tiền” thì sao thưa giáo sư?

– Đúng vậy, tôi cần học thêm nữa nên tôi quyết định ở lại. Chắc các thế hệ đi trước và các bạn đang theo con đường khoa học trên thế giới đều đồng ý với tôi rằng: đi theo con đường khoa học gian nan lắm. Nhưng bù lại thành quả nghiên cứu của bản thân sẽ góp phần nhỏ bé cho khoa học thế giới, giống như cảm giác không gì hạnh phúc bằng việc học trò của mình thành công. Đến bây giờ khi đã là thầy giáo Đại học, tôi vẫn thường về nhà hàng đêm lúc 9 hay 10 giờ tối.

Nếu tôi chỉ lo chuyện “cơm áo gạo tiền”, tôi đã ở lại Nhật Bản, vì đến nay kinh tế Hàn Quốc vẫn thua Nhật Bản 10 bậc. Cuộc sống phải có cái tâm tốt và trách nhiệm không những cho gia đình mà còn cho quê hương.

– Giáo sư nghĩ sao về ý kiến, nhà khoa học ở nước ngoài tạo tiếng tăm, giúp đỡ các sinh viên quê nhà học tập nghiên cứu cũng là làm việc gì đó cho quê hương, chứ không nhất thiết phải về nước?

– Nhà khoa học Việt Nam làm việc ở nước ngoài đang giúp đỡ cũng như tạo tiếng tăm cho Việt Nam, tất cả đóng góp đó cho quê hương đều qúy giá và đáng trân trọng. Tuy nhiên, trong ngành công nghệ và khoa học ứng dụng, việc xây dựng những căn bản cần cho sự phát triển từ bên trong đất nước là rất cần thiết. Nếu chúng ta có tiếng nhưng vẫn nghèo, “hàng xóm” sẽ xem thường mình.

Đất nước chúng ta từng trải qua bài học thất bại về phát triển ô tô và cần nhớ rằng Việt Nam là một đất nước có thế mạnh về nông nghiệp, phải tập trung công nghệ cao phát triển nông nghiệp, với những kỹ thuật hiện đại của thế kỷ 21 trong công nghệ sinh học (chuyển gene, biệt hóa tế bào, nhân bản vô tính). Chúng ta có quyền mơ ước một ngày nào đó một con bò của Việt Nam sẽ tạo ra hàng chục ngàn đến hàng trăm triệu USD mỗi năm thông qua thực phẩm chất lượng cao và dược phẩm cho người như dự án mà tôi đã và đang thực hiện tại Hàn Quốc.

Thật đau lòng khi biết một đất nước nông nghiệp mà phải nhập mỗi năm hàng trăm tấn gà từ một nước có nền kinh tế chính là công nghiệp như Hàn Quốc.

– Nhiều lần về thăm quê hương và tìm hiểu điều kiện khoa học nước nhà, giáo sư thấy môi trường khoa học Việt Nam như thế nào?

– 10 năm qua, năm nào tôi cũng về Việt Nam một đến hai lần, khi thì tham dự hội thảo khoa học, khi thì phỏng vấn sinh viên để gửi ra nước ngoài học tại các phòng thí nghiệm của đồng nghiệp tôi ở Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Tôi biết rất rõ những khó khăn về khoa học và giáo dục của Việt Nam hiện tại.

Gần đây tôi có về TP HCM báo cáo trong hội nghị quốc tế, tiếp xúc với rất nhiều nhà khoa học, tôi thấy nhiều điểm sáng trong một bức tranh không mấy sáng sủa về học thuật tại Việt Nam, nhiều công bố quốc tế đã xuất hiện từ những điểm sáng đó, chính điều này làm cho tôi có niềm tin hơn về quyết định trở về Việt Nam của mình.

– Khi về Việt Nam giáo sư dự định làm việc ở đâu và bắt đầu như thế nào?

– Ấp ủ về quê hương của tôi có từ lâu và tôi quyết định về Việt Nam trong năm tới cho dù hiện tôi đang ở ngạch giáo sư giảng dạy kiêm nghiên cứu (Academic Faculty Member) của Đại học Konkuk. Với vị trí này tôi có thể làm việc cho đến khi về hưu và nhận lương hưu (xem xét 4 năm một lần để nâng cấp), hơn nữa trong năm nay chúng tôi có những nghiên cứu công bố trên những tạp chí chuyên ngành hàng đầu của thế giới về biotechnology như Stem Cells and Development….

Các đồng nghiệp ở Hàn Quốc rất ngạc nhiên khi nghe tôi nói về dự định về Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng gần, chúng tôi có thể gặp nhau hàng năm thông qua hội thảo khoa học. Còn gia đình tôi, các cháu vẫn phải ở lại cho đến khi bước vào cổng trường đại học. May mắn là bà xã tôi cũng là nhà khoa học đang làm việc ở Hàn Quốc, vì vậy tôi tạm thời yên tâm theo đuổi ước mơ của bản thân.

Để chuẩn bị cho sự trở về, tôi đã hợp tác với giáo sư, bác sĩ Morimoto, Chủ tịch kiêm CEO của IVF-Japan, Bệnh viện điều trị vô sinh CHA tại Seoul, cùng Đại học Tân Tạo phát triển Trung Tâm điều trị vô sinh với mục đích mang lại hạnh phúc cho những cặp vợ chồng hiếm muộn vô sinh. Mọi việc chuẩn bị gần hoàn tất và chắc chắn sẽ đi vào hoạt động trong năm tới. Bên cạnh đó tôi sẽ tham gia đào tạo nghiên cứu sinh tại Trường đại học quốc tế TP HCM.

Ngoài ra, dự án tôi ấp ủ triển khai tại Việt Nam về biệt hóa tế bào và dược phẩm tái tạo đã thảo luận sơ bộ với Bộ Khoa học và Công Nghệ. Bộ trưởng Nguyễn Quân rất tâm huyết và mong muốn dự án thành công tại Việt Nam như tôi đang làm ở Hàn Quốc. Tôi mong Bộ Nông Nghiệp và các nhà khoa học Việt Nam trong chuyên ngành cùng hỗ trợ và hợp tác để tạo ra những sản phẩm quý giá cho quê hương. Đồng thời, tôi luôn sẵn sàng truyền đạt hiểu biết của cá nhân đến cho các em sinh viên trong chuyên ngành của mình nếu các trường có yêu cầu.

  Đọc thêm:

Phải về thôi…
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=5899

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)