Ngày 24/8/1945 – Báo Cứu Quốc

Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, các đảng viên Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ, các đoàn thể cứu quốc và nhân dân Hà Nội đã khởi nghĩa thành công lật đổ bộ máy chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim ở Hà Nội và các vùng lân cận. Nhưng hôm ấy, các đồng chí lãnh đạo Đảng dự Hội nghị Tân Trào đang trên đường về Hà Nội.

Chiều 21/8/1945, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Huỳnh và Trần Huy Liệu mới về đến Hà Nội.
Sáng ngày 22/8/1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp. Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, đồng chí Đan (bí danh của đ/c Xuân Thủy) gặp đ/c Trường Chinh đề nghị:
Xin anh cho báo Cứu Quốc xuất bản công khai và báo ra hằng ngày (hồi bí mật đ/c Xuân Thủy phụ trách báo Cứu Quốc).
Đồng chí Trường Chinh bằng lòng ngay:
–    Đồng ý. Báo càng ra nhanh càng tốt.
–    Thưa anh, tòa soạn đã có đầy đủ người viết bài nhưng không ai biết điều khiển nhà in vì trước đây in litô. Xin anh giới thiệu cho một người làm việc ấy.
Những năm 1936-1939, đ/c Trường Chinh phụ trách báo Le travail, nên chỉ mấy giây suy nghĩ đ/c trả lời ngay: Tìm anh Nguyễn Trí Uẩn. Anh Uẩn đã làm việc ở báo Le travail với chúng tôi hơn một năm và sau anh Uẩn, anh Đào Duy Kỳ phụ trách báo Thế Giới, cơ quan tuyên truyền của đoàn Thanh niên dân chủ.
–    Địa chỉ anh Uẩn ở đâu? Lại mấy giây suy nghĩ rồi đ/c Trường Chinh trả lời:
–    Năm 1943, tôi giới thiệu anh Nguyễn Trí Uẩn về sinh hoạt và hoạt động trong một tổ Thanh niên cứu quốc ở Hà Nội. Tổ trưởng là anh Phí Văn Bái. Anh Lê Quang Đạo có báo cáo với tôi, tổ này hoạt động tốt, trong tổ có mấy nhà văn và nhà báo anh cứ hỏi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội là biết ngay.
Đồng chí Xuân Thủy về tòa soạn định cử người đi gặp Thường vụ Thành ủy Hà Nội thì anh Trần Mạnh Hảo ở tòa soạn nói ngay: Tôi là bạn của anh Uẩn, tôi và anh đến ngay 101 Hàng Đào là hiệu sách của chị Uẩn chắc sẽ gặp và biết anh Uẩn ở đâu.
Hôm ấy anh Uẩn có nhà. Anh Hảo giới thiệu anh Xuân Thủy với anh Uẩn. Anh Xuân Thủy nói ngay với anh Nguyễn Trí Uẩn:
–    Anh Trường Chinh giới thiệu anh về báo Cứu Quốc làm việc với chúng tôi. Anh phụ trách kỹ thuật ấn loát. Báo cần ra ngay anh cho biết in báo ở nhà in nào tốt nhất.
–    Sao lại phải in nhà in tư nhân? Anh Uẩn trả lời và nói tiếp. Ngày 19-8 khởi nghĩa thành công, thì ngày 20-8, tôi ở nơi khác về ngay Hà Nội. Tôi đã đi quan sát nhiều kinh tế của Pháp ở phố Tràng Tiền, một nhà in lớn của Pháp là Nhà in Taupin sau ngày 9-3, Nhật đảo chính bắt chủ nhà in người Pháp, nhà in vẫn niêm phong. Ta đến trưng tập về dùng.
–    Việc này giao luôn cho anh được không?
Anh Uẩn nhận. Sau đó anh Uẩn đến gặp anh Võ Nguyên Giáp (hai anh đã quen biết nhau từ phong trào bình dân 1936-1939 ở Hà Nội).
Anh xin Ủy ban khởi nghĩa lệnh trưng tập Nhà in Taupin và bốn anh Giải phóng quân cùng đi thi hành.
Chỉ buổi sáng ngày 23/8/1945, mọi việc xong xuôi. Toàn bộ các máy trong Nhà in Taupin đã đưa về trụ sở Tổng bộ Việt Minh ở phố Hàng Trống, nay là trụ sở của báo Hà Nội mới. Ngay buổi chiều công nhân đã làm việc.
Mới 5 giờ sáng ngày 24/8/1945, đã có mấy trăm người đến trước trụ sở Tổng bộ Việt Minh chờ mua báo. Các anh em trong tòa soạn và các công nhân đúng 6 giờ sáng mở cửa đem báo ra bán. Có người mua hàng trăm tờ đem ra ngoại ô bán.
Các báo hằng ngày ở Hà Nội như báo Trung Bắc Tân Văn, Ngọ Báo, Đồng Phát… chỉ in 3.000 đến 4.000 tờ hằng ngày. Hôm 24/8/1945, không kể báo Cứu Quốc gởi đi các tỉnh, riêng ở Hà Nội để báo phát hành tới mấy chục vạn tờ.
Các anh em trong tòa soạn và công nhân làm việc suốt đêm và cả buổi sáng ngày 24/8/1945 mà không ai biết mệt.
Đó là ngày báo Cứu Quốc xuất bản công khai ở Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Ảnh: Tòa soạn báo Cứu Quốc năm 1945

Phí Văn Bái

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)