Ngô Đức Hùng: Một hiện tượng truyền thông khoa học

Là những người làm truyền thông khoa học toàn thời gian ở Việt Nam, càng ngày chúng tôi càng thấy công việc của mình khó khăn. Trong thời kì mạng xã hội lên ngôi, ai cũng có thể trở thành chuyên gia, kể cả trong lĩnh vực họ không được đào tạo. Một cá nhân cũng có thể khởi đầu một trào lưu phản khoa học, gieo rắc những thông tin bịa đặt, sai sự thật, lôi kéo hàng vạn người tin và tiếp tục truyền bá những điều đó một cách cực đoan và mù quáng. Và nếu bạn muốn chống lại đám đông này? So với những phương thuốc đơn giản nhưng được hứa hẹn là cực kì hiệu nghiệm của họ, bạn có gì? Khoa học – thứ không đem đến một sự thật tuyệt đối và chứa rất nhiều điều chưa chắc chắn, bỗng nhiên trở thành một vũ khí yếu đuối. Bạn kì vọng sẽ có các chuyên gia cùng hợp sức với bạn? Không dễ thế, phần lớn các nhà khoa học ở Việt Nam khó có thể diễn đạt cho đại chúng hiểu, và thậm chí còn không muốn lên tiếng. Hơn nữa, bạn muốn dùng lí lẽ để thuyết phục đám đông này? Không chỉ thất bại đợi bạn phía trước mà còn cả những lời mạt sát khiến bạn “xây xẩm” mặt mày. Chính vì vậy, nhiều khi chúng tôi cảm thấy cô độc trong việc truyền thông tri thức khoa học. Và có lúc chúng tôi cảm thấy bất lực khi nhìn thấy quá nhiều người, trong đó có cả bạn bè, người thân trong gia đình mình vẫn chạy theo những tin tức phi lí, dù chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian, công sức và chuyên môn để ngăn cản. Thế mà trước những khó khăn như núi đó, có một người dám tay ngang bước vào công việc này và lại rất thành công: Ngô Đức Hùng.


Anh Ngô Đức Hùng (trái) trong buổi giới thiệu ra mắt sách 3 phút sơ cứu của anh. 

Vác tù và hàng tổng đi ngàn dặm

Nếu điều đó chưa đủ ngạc nhiên thì xin nói thêm là đây chỉ là việc tay trái của anh bên cạnh việc tay phải đầy căng thẳng và áp lực là bác sĩ khoa cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai vốn một ngày tiếp hơn 200 bệnh nhân (và khung cảnh nhiều xe cấp cứu chở bệnh nhân đến mức tắc cả đường Giải Phóng là chuyện như cơm bữa). Và nếu vẫn chưa đủ ấn tượng thì, việc bị kéo vào cuộc tranh luận với các tín đồ của những trào lưu phản khoa học, với anh, không phải là một điều phiền toái mà anh nói: “là niềm vui, giúp tôi xả stress”. Thật. Anh đặt tên Fanpage của mình là Đốc tờ Húng Ngò, dựa biệt danh mà một nhóm người theo phái thực dưỡng chữa bệnh ung thư gọi chệch tên anh (để tránh bị anh “chọc phá” mỗi khi họ tung tin mới, nhưng họ đâu ngờ được anh có đầy tài khoản ảo để theo dõi và kết bạn với họ!).     

Ngô Đức Hùng là người đầu tiên lên tiếng về hiện tượng antivax ở Việt Nam từ năm 2017. Các nhóm antivax, thổi phồng các biến chứng sau tiêm, rỉ tai nhau các thuyết âm mưu liên quan đến các hãng dược phẩm, thậm chí là bịa ra khả năng “tự chữa lành” của cơ thể đã khiến nhiều người, đặc biệt là “dân văn phòng” ở các thành phố lớn từ chối đưa con đi tiêm, khiến các dịch bệnh nguy hiểm tưởng như đã kiểm soát được như sởi, viêm não Nhật Bản, bạch hầu… bỗng nhiên bùng phát ở các thành phố lớn những năm gần đây. Sau đó, anh nổi tiếng với việc kiên trì chiến đấu với các nhóm theo trường phái thực dưỡng – những người tuyên truyền nhiệt thành về một chế độ dinh dưỡng chỉ với một số rất ít loại thực phẩm (thường là ăn chay chỉ với gạo lứt muối mè) cũng có thể chữa được bách bệnh, đặc biệt là các bệnh nan y.  Gần đây nhất là anh lên tiếng với những tin sai lệch, tin bịa đặt và các thuyết âm mưu xung quanh đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.  

Không chỉ dẫn ra các bằng chứng khoa học và những ví dụ từ bệnh viện (chẳng hạn như do antivax mà dịch viêm não Nhật Bản bùng phát ở trẻ nhỏ, thậm chí hai trẻ phải nằm chung một giường bệnh), Ngô Đức Hùng còn bẻ từng quan điểm, “cãi nhau tay đôi” với các phát ngôn ngụy khoa học (các hội thực dưỡng “lí luận” con bò chỉ ăn cỏ mà khỏe như vậy thì anh “vặn” lại rằng, vậy con bọ hung chỉ ăn phân bò mà khỏe gấp 1000 lần con bò thì sao?). Chưa hết, anh còn như một phóng viên điều tra thực thụ, “nằm vùng” trong các hội, nhóm, diễn đàn để theo dõi họ và chỉ ra rằng đằng sau những lời tuyên truyền về các tác dụng kì diệu đến khó tin của những phương pháp chữa bệnh chưa được khoa học kiểm chứng là lợi nhuận (những hội nhóm này thu nhiều tiền từ việc cúng, bái, bán thuốc không rõ nguồn gốc, bán thực phẩm chức năng, thậm chí là cả bán thịt dù ngay trước đó họ còn ca ngợi hùng hồn về ăn chay chữa bách bệnh). Anh cũng bỏ công sức để xác nhận những ca tử vong (do người nhà bệnh nhân bình luận trên các hội nhóm đó nhưng ngay lập tức bị xóa hoặc bị lờ đi) vì tin theo các lối sống thực dưỡng, lối sống thuận theo tự nhiên để cho cộng đồng thấy những hậu quả đau xót từ những phương thức thực hành này là có thực. Có thể nói, anh làm mọi cách “lu loa” lên để mọi người tự thấy rằng, các nhóm truyền bá thông tin ngụy khoa học và mê tín kệch cỡm và vô minh như thế nào.

Đằng sau sự nổi tiếng

Nhưng kể cả khi đó là công việc mà như anh tự trào là vì vui, vì xả stress đi chăng nữa, thì động cơ nào khiến con người này “đi cả ngàn dặm” để “vác tù và hàng tổng” như thế? Là người trực ở phòng cấp cứu, Hùng chứng kiến quá nhiều bệnh nhân mắc những bệnh nan y và chịu hậu quả từ những loại thuốc được quảng cáo là “nhà tôi ba đời làm nghề y” và thực hành phương pháp ăn uống không được kiểm chứng. Những bệnh nhân phủ nhận Tây Y, từ chối các phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Đến khi bệnh trở nặng, họ cầu cứu các bác sĩ thì nhiều khi đã muộn. “Họ chết dần vì không làm gì được, đó là nỗi bức xúc cực lớn. Mạng người là quan trọng, đối với tôi là như vậy.” – anh nói đi nói lại điều này không dưới năm lần trong cuộc trò chuyện chưa đầy hai tiếng với phóng viên Tia Sáng. “Đó là sự độc ác của bọn xúi dại”.  


Một internet memes chế giễu các hội thực dưỡng do anh Hùng tự biên tự diễn (dựa trên tranh của Mai Trung Thứ). 

Bản thân chính người mẹ của anh, một người có học, từng là hiệu trưởng của một trường phổ thông cũng là nạn nhân của các thực hành ngụy khoa học như vậy. Khi anh còn là sinh viên Đại học Y Hà Nội, bà được chẩn đoán là ung thư phổi. Bà đã đọc rất nhiều sách nhưng theo lời anh “toàn những sách khoa học nửa vời” và tự cho mình uống thuốc này uống thuốc kia mà không nghe theo lời bác sĩ. Cuối cùng, khối u di căn khắp nơi và mẹ anh mất trong vòng chưa đầy ba tháng.

“Mình phải lên tiếng để những người vấp phải những vấn đề tương tự không mắc phải những sai lầm như thế nữa” – anh nói. Ít nhất thì anh cũng có thể đưa ra một minh chứng cho điều đó, chính từ người dì ruột. Bà bị ung thư đại tràng và di căn đến gan nhưng khác với mẹ anh, tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ, “ông cháu bảo gì nghe nấy”. Và những tưởng ban đầu thời gian dự trữ của bà chỉ là sáu tháng, nhưng giờ đây đã năm năm trôi qua, bà vẫn sống khỏe mạnh. 

Trang facebook cá nhân của Hùng có gần 150 nghìn và trang fanpage Đốc tờ Húng Ngò của anh cũng có gần 100 nghìn lượt theo dõi, dù mới thành lập được chưa đầy hai năm. Con số này không thua kém gì với các người mẫu, fashionista (người tạo xu hướng thời trang), blogger đang hot trong giới trẻ như Nguyễn Đặng Khánh Linh (gương mặt đại diện của Gucci và Channel tại Việt Nam), Helly Tống, Vũ Dino (blogger ẩm thực)… Độc giả của anh đến từ mọi trình độ và từ cả các địa phương cho đến những thành phố lớn. 

Gặp Hùng ngoài đời, anh như một người “sống chậm”, không có vẻ gì là một con người tất bật với những công việc đòi hỏi luôn phải “căng như dây đàn”.  Có lẽ đó là điều khiến anh khác với các đồng nghiệp dù bức xúc trước các nhóm ngụy khoa học nhưng “chỉ muốn tập trung vào chuyên môn, rất ngại va chạm”, hoặc phải khóa tài khoản mạng xã hội của mình vì không chịu nổi sự tấn công của cư dân mạng. Hùng tự nhận mình là người “tưng tửng bốn mùa”, nhưng dưới những dòng status “tưng tửng” trên mạng xã hội của anh là nguyên tắc bất di bất dịch: Anh đọc kĩ các nghiên cứu trước khi viết. Anh cảnh báo các giới hạn về hoàn cảnh của các nghiên cứu khoa học, tránh hết sức việc mọi người trở nên cực đoan, tuyệt đối hóa một vấn đề. Anh luôn sẵn sàng đối thoại, không áp đặt, không bao giờ xóa bình luận của người đọc, kể cả những công kích cá nhân. “Tôi muốn giúp cộng đồng tìm hiểu kiến thức khoa học nhất có thể, giúp mọi người dù ít hay nhiều hiểu mình nên đặt niềm tin vào đâu. Đôi khi cách nhìn của tôi không hoàn toàn đúng” – anh nói. 

Sự hấp dẫn trong cách truyền thông của Hùng, có thể lạ nếu so sánh với các đồng nghiệp của anh, nhưng không ngạc nhiên nếu biết được nền tảng của Hùng. Trước khi nổi tiếng với cá tính của Đốc tờ Húng Ngò bây giờ, anh đã từng có một facebook viết nhật ký với gần 100 nghìn lượt người theo dõi (nhưng anh đã “vứt” tài khoản này vì muốn thay đổi phong cách). Anh là một nghệ sĩ origami và tác phẩm của anh được đăng trong quyển sách 50 Hours of Origami + (Tạm dịch: Trên cả 50 giờ gấp Origami) do nghệ nhân origami, kiến trúc sư Trịnh Đình Giang (Mỹ) tuyển chọn và phát hành tại Mỹ và châu Âu. Anh cũng từng có nhiều năm học vẽ để thi kiến trúc (bìa cuốn sách tản văn của anh “Để yên cho bác sĩ hiền” là do anh vẽ minh họa). Anh cho rằng, những sở thích này rèn cho anh một tư duy logic. Nhưng có lẽ, mối quan tâm đa dạng tới văn hóa và nghệ thuật còn khiến anh sáng tạo nhiều cách tiếp cận đối với công chúng.

Giới hạn của một cá nhân

Dù xuất thân từ mạng xã hội, nhưng đó không phải là phương tiện truyền thông duy nhất của Hùng. Anh dành thời gian xuất hiện trên cả các chương trình truyền hình, truyền thanh, báo mạng. Anh từng hợp tác với báo Sức khỏe và Đời sống để thực hiện một loạt bài về thuốc Nam không rõ nguồn gốc, được quảng cáo là trị các bệnh nan y. Anh tự bỏ tiền túi để đi xét nghiệm liều lượng các chất trong những viên thuốc này tại Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an và thấy rằng chúng có trộn các thuốc Tây Y nhưng bị cấm từ lâu hoặc các chất phải kiểm soát liều lượng cực kì nghiêm ngặt. Chẳng hạn, các viên thuốc chữa tiểu đường được trộn phenformin, đã bị cấm trên thị trường các nước từ những năm 70 do liên quan đến các ca nhiễm toan lactic, tác động nghiêm trọng đến gan và thận. Hoặc các viên thuốc chữa xương khớp thường trộn corticoid không kiểm soát liều lượng và nếu bệnh nhân uống hằng ngày (bởi corticoid có khả năng chống viêm cực mạnh, “hôm trước đau hôm sau đỡ ngay”) thì sẽ dẫn đến loãng xương, nhiễm trùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, loạt bài này phải dừng lại vì hiệu quả truyền thông không được mong muốn. 


Bìa sách “Để yên cho bác sĩ hiền” (đến nay đã bán được hơn 65 nghìn bản) do anh tự vẽ. 

Và cũng nhờ hoạt động trên mạng xã hội mà Hùng đủ hiểu độc giả để bắt tay vào viết cuốn sách 3 phút sơ cứu, phù hợp với trình độ hiểu biết không đồng đều về sức khỏe và y tế của người Việt Nam – Điều khiến anh trăn trở suốt gần 10 năm mà vẫn chưa đặt bút viết. Ngoài đặc điểm dễ tiếp cận, cuốn sách còn gần gũi với văn hóa, thói quen của người Việt vì nó đưa ra cách giải thích và phản biện khoa học với những kinh nghiệm dân gian. Đây có lẽ là cuốn cẩm nang sơ cứu đầu tiên được xuất bản rộng rãi ở Việt Nam. Và chỉ trong vòng ba tháng kể từ khi xuất bản, nó đã bán được 30.000 cuốn, là sách bán chạy nhất của nhà sách Nhã Nam năm 2020. 

Nhưng nỗ lực của một con người có giới hạn. Hùng không thể duy trì đều đặn các bài viết trên Facebook vì anh không có đủ thời gian. “Viết về một vấn đề khoa học nào đó, mình vẫn phải đọc nhiều, đọc kĩ, khi chắc chắn rồi mình mới viết được. Đó là lí do tại sao cứ “tắc bụp” có đợt thì ào ào vài ba bài liên tục, có đợt thì bẵng đi cả tháng chẳng thấy bài nào”. – anh nói. “Tôi cũng chưa đủ tin tưởng để giao cho người khác viết”.

Anh còn đang muốn kết hợp với đài truyền hình Việt Nam để thực hiện và phát sóng các clip về sơ cứu, xây dựng e-kip để đưa kiến thức sơ cứu về các trường mầm non, tiểu học. Anh cũng muốn dần dần chuyển đổi các trang fanpage của mình trở thành một địa chỉ hỏi đáp với các vấn đề sức khỏe đời thường của mọi người. “Nhưng tôi chưa dứt ra một khoảng thời gian nào để chuyên tâm vào nó cả dù tôi rất muốn làm, rất muốn tạo cảm hứng, tạo phong trào để mọi người tìm hiểu” – anh cho biết. 

“Anh có kỹ năng kể chuyện khoa học (science storytelling) cao, sử dụng ngôn ngữ dung dị, không nặng nề thuật ngữ, pha với chất hài hước, nên dễ thu hút độc giả và truyền bá tri thức“ – Nguyễn Đức An, nhà nghiên cứu truyền thông khoa học ở Việt Nam tại Đại học Bournemouth, Anh nhận xét về Ngô Đức Hùng qua email với Tia Sáng. Khi nói về những hội nhóm ngụy khoa học, Hùng không ngại lựa chọn cách viết ngoa ngoắt, giễu nhại. Anh xưng hô với độc giả theo phong cách tán chuyện trên mạng xã hội bây giờ (“các mẹ ơi”, “các mẹ ạ”, “các mẹ đã biết gì chưa?”…). Anh dùng cả các internet memes để chế giễu các thực hành ngụy khoa học. “Đôi khi nó hơi bỗ bã, bậy bạ nhưng quan trọng là truyền tải được thông điệp đến nhiều người” – anh nói.

Chưa bao giờ cảm thấy muốn bỏ cuộc trước hiện tượng, như anh gọi là “dân trí thấp ở những người có học”, Hùng hiểu rằng con đường để cộng đồng đủ vững vàng trước các thông tin bịa đặt còn dài. “Việc tôi làm đôi khi chỉ biết rằng chỉ để cho nó vui, chỉ giúp lợi ích một nhóm nhỏ thôi nhưng mình vẫn cần lên tiếng”. – anh nói. 
Sau nhiều năm “đấu tranh” và chịu nhiều tấn công từ các hội nhóm ngụy khoa học, Hùng vẫn thấy lạc quan: “Trong vòng một vài năm trở lại đây, có rất nhiều người cùng lên tiếng về các vấn đề sức khỏe sai lầm đó, thì tôi thấy mình không còn đơn độc nữa”.  □   

 

Tác giả

(Visited 71 times, 1 visits today)