Ngọn gió và cánh buồm

Chúng ta cần tư duy ngoài khung: biết nhìn vào thế giới bên ngoài để học hỏi, biết hợp tác giữa khu vực công và tư, và biết mời gọi những tài năng toàn cầu để tạo ra sự đột phá.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong một lần thăm hội quán nông dân ở Đồng Tháp, một hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ thông tin và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, đã tỏ rõ sức cố kết và lan tỏa trong cộng đồng. Ảnh: Thu Quỳnh.

Khi ngọn gió của sự thay đổi đang thổi mạnh mẽ qua từng ngõ ngách của thế giới, Việt Nam đứng trước một cơ hội lịch sử để bứt phá. Thông điệp của người lãnh đạo cao nhất của Đảng không chỉ là một lời hiệu triệu mà còn là bản hùng ca đánh thức khát vọng của dân tộc: phát huy sức mạnh bốn ngàn năm văn hiến, kết hợp tinh thần đổi mới để vượt qua mọi thách thức, đưa đất nước đến những cột mốc phát triển quan trọng. Kỷ nguyên mới đang mở ra, không chỉ đòi hỏi sự chuẩn bị mà còn đòi hỏi bản lĩnh, ý chí và sự sáng tạo để tận dụng những cơ hội chưa từng có.

Ngọn gió của thay đổi: Thách thức lớn, cơ hội lớn

Thế giới đang biến đổi với tốc độ chưa từng có. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), kết nối vạn vật (IoT), và chuyển đổi số đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và phát triển. Dòng chảy của thời đại hiện nay không phải là dòng chảy chậm rãi, mà như là một cơn lốc xoáy. John F Kennedy từng nói: “Thay đổi là quy luật của cuộc sống, và những ai chỉ nhìn vào quá khứ hay hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai.” 

Chính ngọn gió thay đổi này mang theo cơ hội lớn, nhưng cũng đặt ra những thách thức chưa từng có. Trong thời đại này, cái mới ra đời chưa kịp định hình thì cái mới hơn đã xuất hiện, và những ai dừng lại sẽ nhanh chóng bị bỏ lại phía sau. Đứng yên tại chỗ là tụt hậu. Thỏa mãn với hiện tại là thất bại. Chỉ bằng cách không ngừng đổi mới tư duy, học hỏi, và đón nhận thách thức, thay đổi cách tiếp cận, chúng ta mới có thể tiến xa hơn và cao hơn.

Sức mạnh của tài nguyên vô hình

Ngày nay, tài nguyên hữu hình không còn là yếu tố quyết định sự thịnh vượng của một quốc gia. Những gì tạo nên sức mạnh thực sự chính là tài nguyên vô hình: tri thức, ý tưởng sáng tạo, và khả năng kết nối. Người ta nói rằng: “Đổi mới sáng tạo là hơi thở của thời đại”. 

Một quốc gia không thể phát triển bền vững nếu không dựa vào đổi mới sáng tạo để tạo ra những giá trị mới. Trong bối cảnh này, tư duy mở, khả năng thích nghi và tinh thần hợp tác là những yếu tố cốt lõi để kiến tạo tương lai. Cũng giống như cánh buồm trên biển cả, chúng ta không thể thay đổi hướng gió, nhưng có thể điều chỉnh buồm để đi nhanh hơn và xa hơn.

Đổi mới tư duy: Mở khung để nhìn xa hơn, đi nhanh hơn

Đổi mới không chỉ là đổi mới về công nghệ mà còn là đổi mới trong cách nghĩ, cách làm. Giải Nobel Kinh tế học năm 2024 cho thấy cách tiếp cận về thể chế quyết định sự phát triển. Một hệ thống khép kín, đóng khung thường mắc kẹt trong quán tính của tư duy cũ. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ phát triển mà còn có thể dẫn đến sự tụt hậu.

Một hệ thống mở, ngược lại, là nơi khuyến khích sáng tạo và kích thích những tư duy đột phá. Đó là nơi mọi người có thể tương tác, đối thoại và chia sẻ ý tưởng để cùng nhau khám phá ra những điều mới mẻ, những giải pháp mới mẻ. Nhà bác học của thuyết tương đối Albert Einstein từng nói: “Nhìn xa trông rộng là khả năng của những người không chấp nhận bị giới hạn bởi hiện thực trước mắt”. Chúng ta cần tư duy ngoài khung: biết nhìn vào thế giới bên ngoài để học hỏi, biết hợp tác giữa khu vực công và tư, và biết mời gọi những tài năng toàn cầu để tạo ra sự đột phá.

Kiến tạo và chia sẻ giá trị

Một triết lý cốt lõi trong kỷ nguyên hiện đại là: “Giá trị chỉ thực sự có ý nghĩa khi được chia sẻ”. Từ ý tưởng đến sản phẩm khoa học công nghệ, hành trình đổi mới sáng tạo không chỉ là để tạo ra những điều mới vượt trội mà còn để chia sẻ những điều mới đó với cộng đồng. Một phát minh khoa học công nghệ chỉ có ý nghĩa nếu nó được ứng dụng rộng rãi để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. 

Như câu nói của nhà tư tưởng John Ruskin: “Giá trị của một phát minh không nằm ở sự phức tạp, mà nằm ở số lượng người được hưởng lợi từ nó”. Điều này đặt ra trách nhiệm lớn lao cho những người làm khoa học, doanh nhân, và nhà hoạch định chính sách. Họ không chỉ cần kiến tạo giá trị, mà còn phải tìm cách để giá trị đó được lan tỏa, mang lại hạnh phúc cho nhiều người hơn.

Hành trình không điểm dừng: Từ cá nhân đến tập thể

Cuộc viễn chinh của khoa học và đổi mới sáng tạo là hành trình không bao giờ dừng lại. Không có đích đến cuối cùng, chỉ có sự cải tiến liên tục. Để đạt được điều này, không ai có thể đi một mình. Sự hợp tác là chìa khóa, không chỉ giữa các cá nhân, mà còn giữa các tổ chức, giữa khu vực công và tư, giữa các quốc gia. Chúng ta cần cùng nhau tạo thành một đoàn tàu, nơi mỗi người là một toa xe, mỗi tổ chức là một động lực giúp cả đoàn tàu tiến về phía trước.

Hạnh phúc từ sự sẻ chia

Sứ mệnh cuối cùng của khoa học và đổi mới sáng tạo chính là làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, con người hạnh phúc hơn. Nhưng hạnh phúc không đến từ việc sở hữu, mà từ sự sẻ chia. Một giá trị được giữ cho riêng mình là một giá trị chết. Nhưng khi được chia sẻ, nó sẽ sống mãi, lan tỏa và nhân lên. Như câu nói nổi tiếng của một nhà triết học: “Bạn cho đi càng nhiều, bạn càng nhận được nhiều hơn”.

Hãy cùng nhau căng buồm, đón gió, và tiến về phía trước. Đừng quên rằng, mỗi người trong chúng ta đều là một phần của hành trình vĩ đại này. Cùng nhau, chúng ta không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, nơi ai cũng có thể hạnh phúc và vươn tới những giấc mơ xa hơn.

Ngoài kia gió đang thổi – hãy biết căng buồm!

Bài đăng Tia Sáng số 1+2/2025

Tác giả

(Visited 161 times, 1 visits today)