Ngôn ngữ dịch thuật – Rào cản hội nhập WTO?
Trong bản tin thời sự tối ngày 15/11/2006, Người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã dùng cụm danh từ “chính phủ Mỹ” để nói về việc chính phủ nước này đã rút Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo (CPC), trong khi đó, tại một triển lãm chào đón APEC tại Hà Nội, cái tên “Liên Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ” được trang trọng giới thiệu bên cạnh đất nước Australia.
Tại tất cả các văn bản pháp qui, chúng ta đã chính thức thay đổi cách gọi nước úc thành Australia (tiếng gọi nguyên bản mà người úc cũng như quốc tế đều hiểu). Cách thức thay đổi này có thể đã giúp cho ngưòi dân Việt Nam gần gặn hơn trong cách tưởng tượng về đất nước của những con Kanguru. Cũng như thế, tấm biển hiệu “Đại sứ quán nước Cộng hòa ý” trước đây nay đã được đổi thành “Đại sứ quán nước Cộng hòa Italia”. Thiết nghĩ, chẳng cần bảng hiệu tiếng Anh thì bất cứ một công dân nào trên thế giới khi qua đây đều hiểu rằng: Italia-tự nó đã mang quá đầy đủ thông tin.
Thông tin- có thể hiểu nôm na rằng nếu Anh tên là Hùng, thì khi tôi gọi “Anh Hùng ơi”, Anh Hùng phải hiểu được rằng tôi đang gọi Anh. Giả thiết rằng nếu ta quen một anh chàng đang đi trên phố có tên là America thì dẫu ta có gọi mỏi mồm “Anh người Mỹ ơi!” hoặc “Anh Hoa Kỳ ơi” thì anh ta vẫn cắm cúi đi như không có chuyện gì xảy ra trên đời!
Một cách diễn nôm về hai đội bóng đá của thế giới đá với nhau, trong đó hai mươi hai cầu thủ hai bên đều mang tên của hai mươi hai quốc gia. Một trong hai mươi cầu thủ đó có cầu thủ Việt Nam. Sẽ không có bất cứ trục trặc nào cho cầu thủ của Việt Nam khi đồng đội gọi “Việt Nam ơi”, tuy nhiên, nếu cầu thủ Việt cứ gọi anh chàng trung phong Italia kia là “ý ơi” thì sẽ mất cơ hội hợp tác vì anh chàng Italia kia sẽ không biết là anh ta đang được gọi để “làm bàn”.
Ai cũng nói về sự hợp tác đa phương, và ai cũng thấy khả năng cạnh tranh của hàng Trung Quốc cũng như của thương gia Trung Quốc như thế nào, song một cách chủ quan, nếu chúng ta không định vị được tính thông tin của quốc gia này một cách có thể gọi là WTO nhất thì vô hình trung, chúng ta đã đặt ra một rào cản cho chính mình trên con đường hội nhập.
Chỉ nhìn qua những thông tin đã đưa lên các trang Web, ta có thể hiểu được phần nào sự thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc. Hiện nay, trong khi chúng ta vẫn giữ các thông tin về đất nước Việt Nam, về con người Việt Nam cũng như về đất nước và con người Trung Quốc theo kiểu của những năm 70-80 của thế kỷ trước thì họ đã tiến rất xa, chí ít là trên các phương tiện thông tin đại chúng. Câu hỏi đặt ra là: Trong khi người Trung Quốc và thế giới đều dùng chung một giải pháp cho địa danh hành chính của họ (nguyên bản từ “China Travel and Destination Guide” như: Beijing, Hong Kong, Lijiang, Lhasa, Pingyao, Kunming, Zhao Xing, Shanghai, Xian, Guidlin, Chengdu, Suzhou…) thì những doanh nhân Việt đọc tương đối nhiều cũng chỉ chắc chắn rằng trong cái “lít” kia có: Hồng Kông, Thượng Hải, còn Bắc Kinh-thì liệu Bắc với Beij… có là một?
Đấy là nói về địa lý, còn nếu tranh luận thêm về thời cuộc và con người thì sự phức tạp sẽ tăng lên rất nhiều. Nói về tài năng của cựu Thủ Tướng Singapore, chúng ta gọi ông là Lý Quang Diệu, văn bản chính thống Sing gọi Ông là Lee Kuan Yew (âm tiếng Hoa: Li Guângyao). Thủ tướng đương nhiệm, con trai của ông Diệu – theo văn bản chính thống Sing: Lee Hsien Loong (âm tiếng Hoa: Li Xianlong). Tuy nhiên, nếu có ai đó chỉ đọc báo và nghe đài Việt Nam thì sẽ không thể biết được Tổng Bí Thư ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa như chúng ta vẫn thường nhắc đến: Hồ Cẩm Đào được gọi chính thức theo thông lệ Quốc tế là Hu Jintao mà bất kỳ một công dân Trung Quốc nào đều hiểu ngay rằng đó là tên của vị Chủ tịch nước của họ.
Vậy thì tính thông tin ở đây đáng phải bàn là gì, và trong thời đại WTO thì cách dịch tên riêng có vẻ mang tính “truyền thống” Hán Nôm có những hạn chế gì?
Việc dịch thuật tên riêng của một nước, đặc biệt phiên âm tên nước cũng như tên người lâu nay đã là cả một vấn đề đã được bàn cãi rất nhiều mà không có một hồi kết nào cả. Tuy vậy, với việc ta đã là thành viên WTO, thì việc này thiết tưởng cũng nên dựa vào một số tiêu chí có thể thống nhất được theo kiểu WTO.
Tiêu chí hội nhập?
Một trong những tiêu chí quan trọng nhất của hội nhập là-Tính thông tin. Đây cũng chính là lợi ích đầu tiên đối với bất kỳ một quốc gia tham gia APEC như các nhà lãnh đạo tham gia APEC 14 đã phát biểu. Một cái tên gọi-có thể tượng thanh, tượng âm, tượng hình… song điều bắt buộc là: Cái tên đó phải là cơ sở ban đầu để thông tin hai chiều. Có nghĩa là người nói và người nghe có thể bắt đầu “có kết nối”. Kết nối ngôn từ công nghệ thông tin có thể hiểu được như đó là sự bắt đầu của một giao thức thông tin (communication protocol). Đơn giản như trong việc truyền một địa chỉ giữa hai máy điện thoại cầm tay, một khi tiếng “bíp” nho nhỏ kêu lên thì có nghĩa là giao thức thông tin giữa hai chiếc “Dế” kia đã được bắt đầu.
Có thể thấy rằng vào WTO không phải là một sân chơi như nhiều báo chí, thậm chí cả một số quan chức cũng thích dùng khái niệm này. Cho dù nó là một sân chơi như trò chơi bóng đá như đã kể trên thì tính hội nhập của trò chơi WTO cũng bắt đầu chính bằng những giao thức thông tin rất cơ bản: Tên gọi giao tiếp phải mang tính thông tin.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc lướt trên trang Web với cái danh từ: president of China Hu Jintao: Kết quả là trong vòng 0.09 giây, trang chủ Google đã liệt kê ra được 2,290,000 (hai triệu, hai trăm chín mươi nghìn) kết quả nói về ông Hu Jintao.
Bây giờ, ta hãy làm tương tự xem có bao nhiêu chương mục có thể có với ông Hồ Cẩm Đào? Câu trả lời: Chúng ta có 158,000 (một trăm năm tám nghìn) kết quả đã tìm được.
Trong số 2,100,000 (hai triệu, một trăm nghìn) kết quả cụ thể liên quan riêng đến việc tra cứu Hu Jintao, kết quả thứ 773 là gì?- xin trích nguyên văn tiếng Anh: “Ever since he became General Secretary of the Chinese Communist Party and President of the Peoples’ Republic of China four years ago, Hu Jintao has remained …” Đó là một thông tin chính hiệu liên quan đến tính cách quần chúng của Ông Hu Jintao sau khi đã trở thành Tổng Bí Thư của ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa được 4 năm.
Bây giờ, chúng ta hãy tra cứu theo cách không dấu chữ: Ho Cam Dao. Kết quả đã có 231,000 (hai trăm ba mươi mốt nghìn). Tuy nhiên, kết quả thứ 19 cho ta một nội dung như sau: (xin trích nguyên văn): “Toi cam thay yeu ho hon boi giay phut ay toi da nhin ho bang trai tim”!
Như vậy, đã quá đủ để hiểu được tính thông tin nằm ở đâu trong cách dịch thuật tên riêng của người, của địa danh nước ngoài theo cách Hán-Nôm!
Tiêu chí hội nhập trên cơ sở dân tộc và truyền thống?
Ai trong chúng ta chẳng tự hào về những câu thơ bất hủ như “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư”, sang sảng hào khí Đông á!, song cũng thử hỏi nếu không được học văn học ở nhà trường phổ thông thì hỏi mấy người biết rõ thực hư cái âm vang sông núi, sang sảng tiếng hịch kia có ý nghĩa gì?
Tôi không dám bàn ở đây về tính dân tộc, bởi nó là cái không phải để bàn cãi, cũng bởi cái gì đã thuộc dân tộc thì nó mãi trường tồn. Tuy nhiên cái gì có thể được làm tốt hơn thì ta không nhất thiết cứ phải đi mãi một lối mòn.
Xin được cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc: Ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, kênh thể thao nổi tiếng nhất thế giới ESPN đã mời các fan của môn túc cầu ở Việt Nam tham gia vào chương trình nhắn tin có thưởng của họ bằng tỷ số trận đấu, và cầu thủ ghi bàn tới địa chỉ sau: Score board và gửi đến hộp thư 8413. Trong chương trình này, với các cổ động viên của Chelsea, có thể bắt ai là người ghi bàn trước, như trong trận Chelsea thắng Watford 4-0 thì đó là Drogba (1) và sau là Shevechenko (2). Quay trở lại Worl cup, giả thiết fan người Việt có thể gửi tin nhắn về kênh truyền hình này để chọn ai là cầu thủ Trung Quốc ghi bàn đầu tiên trong trận Trung Quốc – Australia. Chắc chắn, những bản tin nhắn đi từ Việt Nam sẽ làm rối tung tổng đài của ESPN vì kênh thể thao ESPN sẽ không thể nào xử lý và nhận biết được các bản tin nhắn có tên cầu thủ được dịch Hán-Nôm-cách mà bình luận viên truyền hình lâu nay vẫn làm.
Quay trở lại cách gọi tên nước Italia trên. Chúng ta đã khá quen, văn bản giấy tờ cũng đã thành qui định. Tuy nhiên, ngay một nước trong khối ASEAN mà ta vẫn có thói quen gọi theo Hán Nôm là Miến Điện, mà thực ra nên gọi là Mianma thì rõ ràng là không chỉ có chuyện không đồng nhất trong hệ thống gọi tên, mà tính thông tin trong cách dịch thuật đã bị giảm đi chí ít 70%- Tại sao lại 70%? Đó có thể còn là khả quan vì chỉ có gần 100 triệu người Việt hiểu được Miến Điện chính là Mianma trên tổng số cả vài tỷ dân số toàn cầu mà thôi.
Nhân đây, cũng xin cung cấp bạn đọc một thông tin nhỏ: Các đại diện của tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới Huwei rất không thích cách gọi công ty của họ là Hoa vĩ vì họ bảo chỉ có các bạn Việt Nam hiểu chữ này thôi, chứ Huwei là một cái tên mang tính cạnh tranh toàn cầu mà từ Đông sang Tây, ai cũng vì nể khi nghe đến tên này.
Nói rộng hơn một chút, trên bình diện hội nhập, hãy xem xét lại cách gọi những tên nước như: Pháp-France, Holland-Hà Lan, Đức- Germany, v.v. và v.v. Chắc chắn, sẽ có nhiều người đồng ý rằng đây là một công việc rất nghiêm túc để làm khi Việt Nam đã là thành viên WTO. Hãy coi đây là một cơ hội cho chính mình để có thể chuẩn hóa hay nói một cách khác rằng phải WTO hóa chủ trương dịch thuật tên riêng, đặc biệt các địa danh hay tên một Nước.
Là người thường xuyên theo dõi các chương trình thời sự, tôi thấy chúng ta đã có thể làm vừa lòng những vị khách quốc tế hơn khi mà người sĩ quan chỉ huy đội quân danh dự của ta có thể gọi đúng họ và tên theo cách quốc tế. Giống như trường hợp của vị Tổng Bí Thư ĐCS Trung Quốc và Chủ tịch nước CHND Trung Hoa. Tôi tin tưởng rằng, vị Tổng Bí Thư của nước bạn sẽ nhận biết được ngay rằng người dẫn chương trình Kinh tế APEC đang trân trọng giới thiệu ông, dù rằng đó là tiếng Việt chính hiệu -xin nhấn mạnh là bằng tiếng Việt: “Xin trân trọng giới thiệu Ngài Hu Jintao”.
Phạm Côn