Người đem “quốc tế” về với Việt Nam

Sau bốn năm theo học tại Australia, trong hành trang trở về của người thanh niên 33 tuổi Lê Hồng Hiệp không chỉ có bằng tiến sĩ về chính trị quốc tế mà còn có một dự án dịch thuật và nghiên cứu đang rất được giới học thuật chuyên ngành trong cũng như ngoài nước chú ý: Dự án Nghiencuuquocte.net.  

Thành lập tháng 5/2013 từ ý tưởng cá nhân của Lê Hồng Hiệp với mục tiêu ban đầu là cung cấp các học liệu chuyên ngành nghiên cứu quan hệ, kinh tế và chính trị quốc tế có chất lượng cho độc giả trong nước chủ yếu bằng cách biên dịch Anh – Việt các tài liệu học thuật đã được thẩm định, cho đến nay, Nghiencuuquocte.net đã thu hút được hơn 600 đăng ký cộng tác viên, fanpage trên Facebook có hơn 5.000 lượt likes, hàng trăm bài biên dịch (từ các tạp chí, báo uy tín ở nước ngoài) hoặc bài viết đã được công bố.

Động lực khiến Hiệp quyết định đầu tư thời gian, vốn đã rất eo hẹp do yêu cầu cao từ chương trình nghiên cứu sinh tại Đại học New South Wales, để triển khai dự án, xuất phát từ chính những khó khăn và trải nghiệm của anh trong thời gian hai năm giảng dạy và nghiên cứu ở Việt Nam; “trong khi số người học tập và nghiên cứu về các vấn đề quốc tế ở Việt Nam ngày càng gia tăng thì việc tiếp cận các tài liệu mang tính học thuật của thế giới về lĩnh vực này còn rất hạn chế”, Hiệp chia sẻ. Theo Hiệp, bất cập này xuất phát từ hai lý do: thứ nhất, “các tài liệu [khoa học] này thường phải trả phí mới tiếp cận được, trong khi các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam hầu như không có nguồn lực cho việc này”, và thứ hai “rào cản ngôn ngữ tiếng Anh khiến nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu, và đặc biệt là quảng đại độc giả quan tâm đến các vấn đề quốc tế nói chung, gặp khó khăn trong việc tiếp thu, lĩnh hội”.

Mô hình dự án học thuật dựa trên mạng xã hội

Trăn trở từ lâu, nhưng mãi đến tháng 5/2013, Hiệp mới “định hình được một cách có hệ thống cách thức triển khai từ ý tưởng ban đầu, cụ thể là việc sử dụng website tích hợp mạng xã hội và fanpage trên Facebook để kết nối với độc giả và tập hợp các cộng tác viên, tình nguyện viên có trình độ ngoại ngữ và am hiểu chuyên môn”.Nhờ cách làm này, bên cạnh các đồng nghiệp quen biết từ trước, Hiệp đã mời thêm được khá nhiều cộng tác viên, vốn ban đầu chỉ là những độc giả của Nghiencuuquocte.net, cùng tham gia tích cực vào dự án. Trần Kiên, nghiên cứu sinh ngành luật tại Đại học Glasgow, Anh Quốc – người chưa bao giờ gặp Hiệp ngoài đời, là một trong số đó. Tình cờ biết đến Nghiencuuquocte.net qua mạng xã hội và internet, “thấy anh Hiệp khởi xướng dự án rất ý nghĩa, có liên quan phần nào đến chuyên môn, và trong khả năng đóng góp, tôi đăng ký tham gia: ban đầu chỉ là dịch bài, và sau này trở thành thành viên chính thức của Ban biên tập” – Trần Kiên chia sẻ.

Trên thực tế, từ năm 2010 trở lại đây, mô hình dự án phổ biến tri thức dựa vào mạng xã hội (cả lợi nhuận lẫn phi lợi nhuận) đã và đang phát triển nở rộ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, có thể kể đến một số trường hợp thành công như Triết học đường phố – trang web do một du học sinh tại Mỹ thành lập từ năm 2011 với mục đích chia sẻ những bài viết về các quan niệm, triết lý đơn giản, gần gũi trong cuộc sống, đến nay fanpage của dự án này đã có hơn 150.000 lượt “like”, hay Tinh tế – diễn đàn dành cho cộng đồng yêu khoa học và công nghệ với hơn 200.000 thành viên.

Tuy vậy, điểm đặc biệt của Nghiencuuquocte.net so với các dự án khác là bởi tính “kén độc giả” và “hàm lượng học thuật” rất cao. Lướt qua một vòng trên Nghiencuuquocte.net, chúng ta có thể thấy, các bài được lựa chọn để đăng hoặc là liên quan những chủ đề nóng và gây tranh cãi nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới như vấn đề bán đảo Crimea, tình hình biển Đông, Bắc Triều Tiên, vai trò của đồng dollar … hoặc là đề cập đến những vấn đề kinh điển như dân chủ, chủ nghĩa khủng bố hay phát triển bền vững.

Mặc dù vậy, điều làm chính Lê Hồng Hiệp cảm thấy ngạc nhiên là chỉ một thời gian ngắn sau khi thông báo nhu cầu cộng tác viên, đã có khá đông sinh viên, nghiên cứu viên và nhiều người trong giới chuyên môn hưởng ứng, hoàn toàn tự nguyện và phi lợi nhuận. Có lẽ, “điều giúp cuốn hút và gắn kết các biên tập viên và cộng tác viên với Dự án là do tính hữu ích, thiết thực, học thuật và thẳng thắn của Dự án,” Lê Hồng Hiệp lý giải.

Hướng tới việc tư vấn chính sách

Thời gian gần đây, bên cạnh các bài dịch của các học giả nước ngoài, Nghiencuuquocte.net tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động với việc giới thiệu hai chuyên mục mới là Quân sự và Bình luận – nơi chủ yếu giới thiệu các bài do chính Lê Hồng Hiệp và các thành viên trong Ban biên tập viết. Trong đó, đã có một số bài có chất lượng và sức lan tỏa vượt ngoài phạm vi của dự án. Ví dụ như bài “Biển đông trên bàn cờ lớn của Trung Quốc” của tác giả Đỗ Thanh Hải, giảng viên Học viện Ngoại giao Việt Nam, nghiên cứu sinh Đại học Quốc gia Australia, có phiên bản tiếng Anh (South China Sea in China’s Grand Chessboard) đã được đăng tại PacNet, tạp chí thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS) – tổ chức hàng đầu thế giới về lĩnh vực chính trị quốc tế. Một ví dụ khác là bài “Sóng ngầm địa chính trị khu vực và lựa chọn của Việt Nam” của chính người chủ xướng dự án đã được Thông tấn xã Việt Nam lựa chọn in trong Bản tin hàng tuần gửi tới các cơ quan chức năng trong nước để tham khảo.

Có thể nói, về mô hình, từ một trang web thuần túy dịch thuật, Nghiencuuquocte.net đang dần phát triển trở thành một diễn đàn có dáng dấp của một think-tank với nhiều bài viết, phân tích, bình luận sắc sảo, độc lập dựa trên các luận cứ khoa học hiện đại và cập nhật, vừa hữu ích cho giới chuyên môn, vừa có giá trị về mặt thực tiễn cho các nhà lập pháp, hoạch định chính sách.

Tuy vậy, với Lê Hồng Hiệp và các cộng sự, dường như việc có trở thành một think-tank trên danh nghĩa hay không, cũng không quá quan trọng, như Trần Kiên chia sẻ, “đa số các thành viên đều là những người rất có năng lực cả về phương pháp, kiến thức và ngôn ngữ; việc họ tự nguyện tham gia vào dự án là một chuyện hết sức tự nhiên và bình thường, và đơn giản chỉ là minh chứng cho năng lực và tâm huyết của họ”. Còn riêng với Hiệp, điều mà anh quan tâm nhất trong năm 2015 cũng như trong tương lai là làm sao duy trì được “cách làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp và đảm bảo nhất quán chất lượng học thuật các bài viết, bài dịch để giúp Dự án tiếp tục tạo được uy tín và sự tin tưởng từ những người quan tâm”.

Lê Hồng Hiệp vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ về Chính trị học tại Đại học New South Wales (Australia) tháng 12/2014. Trước đó, anh đã có thời gian công tác tại Bộ Ngoại giao Việt Nam và làm giảng viên tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.Lê Hồng Hiệp đã có nhiều bài báo khoa học, các phân tích, bình luận được đăng trên các tạp chí và diễn đàn uy tín trên thế giới như Contemporary Southeast Asia, Southeast Asian Affairs, Asian Politics & Policy, ASPI Strategic Insights, ISEAS Perspective, American Review, The Diplomat hay East Asia Forum.

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)