Người tị nạn: “Nước Đức sẽ phải trả giá đắt”
Liệu sự thần kỳ về hội nhập của Hoa kỳ có thể diễn ra một lần nữa? Trong cuộc trả lời phỏng vấn, nhà nghiên cứu về di dân George Borjas thuộc Uni Harvard cảnh báo về hậu quả của việc nhập cư không hạn chế vào châu Âu và Hoa kỳ.
Thưa giáo sư Borjas, những người ủng hộ nhập cư tự do thường lấy Hoa Kỳ làm gương. Vậy Hoa Kỳ được hưởng lợi như thế nào nhờ nhập cư?
Chuyện về Hoa Kỳ, nước mà người nhập cư rửa bát có thể nỗ lực để trở thành triệu phú xảy ra vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Khi đó những người thợ lành nghề, giỏi giang nô nức sang Mỹ với số lượng lớn. Đó là thời kỳ công nghiệp hóa, khi đó nước Mỹ rất cần lao động lành nghề. Năm 1917 tại hãng sản xuất ô tô Ford người nhập cư chiếm tới hai phần ba lực lượng lao động. Cả doanh nghiệp lẫn người nhập cư đều hưởng lợi.
Thưa giáo sư, phải chăng sự hội nhập của người nhập cư của Hoa Kỳ đã diễn ra một cách tự nhiên?
Sự thật là nhờ tình trạng thiếu lao động trầm trọng ở các doanh nghiệp, quá trình hội nhập diễn ra dễ dàng hơn. Một số bang của Hoa Kỳ đã buộc người nhập cư gốc Đức không được nói tiếng Đức với nhau ở nơi công cộng. Sự thần kỳ về hội nhập thời đó đã diễn ra trong bối cảnh thuận lợi có một không hai trong lịch sử. Điều này khó có thể được tái diễn.
Sau đó tình hình Hoa Kỳ tiếp tục diễn biến như thế nào, thưa giáo sư?
Do nhập cư tăng nhanh nên năm 1924 Hoa Kỳ đã hạn chế nhập cư. Thời kỳ đó chủ yếu những dân di cư châu Âu mới có cơ may nhận được thị thực nhập cảnh. Năm 1965 chính phủ lại nới lỏng chế độ nhập cư. Thời đó người nhập cư vào Hoa kỳ chủ yếu là những người đi theo chế độ đoàn tụ gia đình, không có sự tuyển lựa theo trình độ đào tạo. Nhiều người nhập cư trình độ chuyên môn thấp chủ yếu làm công việc đơn giản trong lĩnh vực dịch vụ, từ đó diễn ra sự cạnh tranh giữa những người nhập cư và dân bản địa. Trong vòng hai chục năm qua số người nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ tăng từ hai triệu lên trên mười triệu người, gây nhiều căng thẳng trong xã hội.
Hiện nay, hầu hết dân nhập cư vào châu Âu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thấp kém, điều đó tác động như thế nào đối với các nước đó?
Nhà nước phúc lợi ở châu Âu phần lớn phân chia thu nhập và tài sản của những người có trình độ cho những người không có trình độ, chính vì vậy, các nước đó thu hút dân nhập cư nói chung thiếu tinh thần sẵn sàng làm việc và thiếu năng lực. Với dân bản địa thì dân nhập cư là một gánh nặng về tài chính. Còn doanh nghiệp họ có thể lựa chọn lực lượng lao động dễ dàng hơn, do đó không có gì ngạc nhiên khi họ muốn có nhiều người nhập cư hơn. Dân chúng thì lại khác. Các cuộc thăm dò dư luận từ nhiều năm nay cho thấy, người dân muốn giảm người nhập cư.
Giáo sư có lời khuyên gì cho châu Âu và nước Đức?
Bản thân tôi cũng là người tỵ nạn từ Cu Ba sang Hoa Kỳ. Vì vậy tôi có thiện cảm to lớn với những người phải trốn chạy khỏi Syri. Nhưng nước Đức đang làm một việc quá sức của mình nếu như Đức muốn cứu cả thế giới. Người nhập cư không chỉ mang theo sức lao động của họ mà còn mang theo cả văn hóa của họ. Sự cân bằng về chính trị, chủng tộc và văn hóa của xã hội Đức nhất định sẽ có sự dịch chuyển dù muốn hay không. Nước Đức sẽ phải trả một cái giá đắt cho chính sách mở cửa của mình – một cái giá mà có khi còn đắt hơn cái giá đóng cửa biên giới.
——
* GS George Borjas, 65 tuổi, là giáo sư về kinh tế quốc dân tại Uni Harvard. Nhà kinh tế gốc Kuba là tác giả của nhiều cuốn sách và là một trong những nhà nghiên cứu về di dân nổi tiếng nhất thế giới.
Xuân Hoài dịch Theo “Tuần kinh tế” 24. 1. 2016